Prada và tham vọng làm chủ đế chế thời trang xa xỉ Ý

Ngày đăng: 18/01/25

Đầu những năm 2000, Prada nuôi tham vọng xây dựng một đế chế thời trang xa xỉ của Ý để đối đầu với các tập đoàn Pháp. Họ đã thâu tóm hai thương hiệu đình đám Jil Sander và Helmut Lang, nhưng rồi mọi thứ bị đổ vỡ. 

Giữa tin đồn xôn xao về khả năng Prada thâu tóm Versace, Style-Republik sẽ hé lộ câu chuyện đầy kịch tính về tham vọng bành trướng bất thành của tập đoàn này với hai thương hiệu đình đám Jil Sander và Helmut Lang – vụ thương vụ tỷ đô từng khiến làng thời trang quốc tế chấn động hai thập kỷ trước.

Cuối tuần qua, làng thời trang xa xỉ xôn xao trước tin đồn Prada có thể mua lại Versace – thương vụ có thể đánh dấu sự trở lại của tập đoàn này sau chuỗi thất bại khốc liệt vào đầu những năm 2000, khi họ liên tiếp mua lại loạt thương hiệu đình đám thập niên 90, để rồi chỉ vài năm sau phải bán tháo trong cay đắng. Patrizio Bertelli, CEO Prada đã thú nhận: “Tôi đã sai lầm với Jil Sander và Helmut Lang”.

Prada's Chief Executive Patrizio Bertelli poses with his wife, fashion designer Prada, after attending fashion show in Hong Kong - LUXUO.VN
Vợ chồng Miuccia Prada và Patrizio Bertelli.

Những lời ấy vẫn còn vang vọng đến tận hôm nay. Trong khi Helmut Lang ngày càng xa rời ngành kinh doanh thời trang, thì với Jil Sander, mọi thử thách của một tập đoàn non trẻ đều bộc lộ. Nhiều năm sau sự cố, chính Sander đã tâm sự với International Herald Tribune: “Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi đã sớm nhận ra thời trang có thể phức tạp và khó khăn đến nhường nào”.

Cuối những năm 90, sau chuỗi thành công thương mại, Prada đã mạnh tay mở rộng để cạnh tranh với LVMH và Gucci Group (tiền thân của Kering). Họ chi 40 triệu USD để sở hữu 51% cổ phần Helmut Lang, 105 triệu USD cho quyền kiểm soát hoàn toàn Jil Sander, 170 triệu USD cho Church’s, cùng với Alaia và Genny. Ngoài ra, Prada còn bắt tay với De Rigo trong lĩnh vực kính mắt và cùng LVMH bỏ ra 241,5 triệu USD trong thương vụ thâu tóm Fendi trị giá 520 triệu USD.

Những khó khăn tài chính và nợ nần từ Fendi bắt đầu bóp nghẹt nguồn lực của Prada. Kế hoạch IPO năm 2001 đổ bể sau sự kiện 11/9, và đến năm 2007, giấc mơ về một đế chế xa xỉ Ý tan vỡ: Prada buộc phải từ bỏ Jil Sander, Helmut Lang, Alaia, “đóng băng” Genny và bán một phần Church’s để gỡ gạc tài chính. Vậy câu chuyện này đã bắt đầu như thế nào?

Vào mùa hè 1999, một cú bắt tay chấn động làng thời trang quốc tế: Jil Sander – nhà thiết kế huyền thoại với thương hiệu 30 năm tuổi đã chấp nhận “về chung nhà” với Prada. Theo tờ WWD, thương vụ này là kết quả của 3 năm theo đuổi không mệt mỏi từ phía Patrizio Bertelli, với tham vọng biến Jil Sander thành viên ngọc quý trong vương miện đế chế xa xỉ mới của mình.

Tháng 8/1999, sau những cuộc đàm phán căng thẳng, Prada đã nắm trong tay 75% cổ phiếu thường và 15% cổ phiếu ưu đãi của Jil Sander. Đây không chỉ là một thương vụ đơn thuần – nó đánh dấu sự ra đời của tập đoàn hàng xa xỉ tư nhân đầu tiên của Ý, bao gồm: Prada, Jil Sander, liên doanh với Helmut Lang, nhà sản xuất kính mắt De Rigo và một phần cổ phần của Church’s. Dù không công bố chính thức, giới phân tích ước tính Bertelli đã chi khoảng 110 triệu USD để nắm quyền sở hữu công ty.

Jil Sander: Designer-Portrait | ELLE

Quyết định bán mình của Jil Sander xuất phát từ mong muốn đảm bảo tương lai thương hiệu trong thời đại các tập đoàn thời trang đang ngày càng thống trị. Nhà thiết kế này kỳ vọng có thể tập trung hoàn toàn vào sáng tạo, trong khi để Prada lo phần vận hành và phát triển chiến lược. Sander vẫn giữ vai trò CEO kiêm Giám đốc sáng tạo, còn Bertelli trở thành chủ tịch hội đồng giám sát. Một trong những tham vọng lớn của liên minh này là đẩy mạnh mảng phụ kiện của Jil Sander – vốn chỉ chiếm chưa đến 3% doanh số và đang được sản xuất dưới giấy phép của Goldpfeil, một công ty Đức đang gặp khó khăn. Việc hợp nhất vào hệ sinh thái của Prada hứa hẹn sẽ nâng tỷ trọng phụ kiện lên 20-30% tổng doanh số.

Thương vụ thâu tóm Jil Sander chỉ là một phần trong chiến lược bành trướng đầy tham vọng của Bertelli. Ngoài Jil Sander, Helmut Lang và De Rigo, ông còn tăng cổ phần tại Church’s và tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều thương hiệu khác. Nhưng mọi thứ bắt đầu đổ vỡ: không chỉ gặp rắc rối với Fendi, nỗ lực bắt tay với Gucci năm 1998 cũng thất bại, buộc Bertelli phải bán 9,5% cổ phần cho LVMH với giá 140 triệu USD.

Mối quan hệ với Sander cũng nhanh chóng rạn nứt: dù báo cáo ban đầu cho thấy tăng trưởng 16% và lợi nhuận 4,2 triệu USD vào năm 2000, nhưng “bà hoàng thời trang Đức” – vốn nổi tiếng với tiêu chuẩn khắt khe và tính độc lập trong sáng tạo – đã không thể hòa hợp với phong cách quản lý và tầm nhìn chiến lược của Bertelli.

Vì sao Jil Sander 3 lần rời bỏ thương hiệu? | Harper's Bazaar Việt Nam
Jil Sander được biết đến với sự khắt khe và tinh tế trong thiết kế thời trang, thể hiện qua phong cách tối giản và chất lượng cao cấp.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào tháng 1/2000, khi Jil Sander bất ngờ rời khỏi công ty của chính mình, được cho là do chiến lược cắt giảm chi phí triệt để từ Bertelli. Tin tức này gây chấn động làng thời trang, khi nhiều người tin rằng bản sắc thương hiệu gắn liền với dấu ấn cá nhân của Sander.Thời điểm đó, Bertelli tuyên bố đầy cứng rắn: “Một thương hiệu mạnh như Jil Sander không cần phải dựa vào tên tuổi của nhà thiết kế. Không phải cái tên mới quan trọng, mà là chất lượng sản phẩm”. Ông sau đó bổ nhiệm Milan Vukmirovic – Đối tác tại cửa hàng thời trang Colette ở Paris về làm giám đốc sáng tạo mới.

Milan Vukmirovic - Stylish Men
Milan Vukmirovic là một nhân vật đa tài trong ngành thời trang, đảm nhận nhiều vai trò như nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, biên tập viên tạp chí và doanh nhân.

Giới truyền thông rất gay gắt trước sự kiện này vì với họ, Sander khi đó và cho đến nay vẫn là một nhà thiết kế được yêu mến và kính trọng đến mức tôn sùng. Việc tách bà khỏi thương hiệu mang tên mình từ năm 1968 đã khiến cả giới báo chí và công chúng phẫn nộ. Và không lâu sau, cơn bão truyền thông này đã nhanh chóng biến thành vấn đề doanh số. Tháng 9/2001 lẽ ra phải là thời điểm định mệnh đánh dấu bước ngoặt của Prada khi họ chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Tuy nhiên, số phận đã an bài khác. Vụ tấn công khủng bố 11/9 bất ngờ xảy ra, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khiến thị trường hàng xa xỉ sụp đổ không phanh. Kết quả là Prada buộc phải hủy kế hoạch IPO, trong khi gánh trên vai khoản nợ khổng lồ 1,7 tỷ euro – con số tương đương doanh thu cả năm của họ thời điểm đó. Cuối năm 2001, tập đoàn rơi vào tình thế ngặt nghèo chưa từng có, buộc phải đóng băng mọi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng.

Prada's I.P.O. Debuts in Hong Kong Amid Investor Jitters - The New York Times
Mãi đến 10 năm sau – 2011, giấc mơ IPO của Prada mới trở thành hiện thực.

Trước tình cảnh éo le, ông trùm Bertelli vẫn tỏ ra cứng rắn. Ông biện minh cho khoản nợ khổng lồ: “Nợ nần của chúng tôi không phải do quản lý yếu kém hay thua lỗ trong hoạt động. Chúng tôi thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại, và IPO là để tài trợ cho các kế hoạch này. Không ai có thể lường trước được sự kiện 11/9”.

Những năm tiếp theo, Prada tập trung tái cơ cấu tài chính. Bertelli dự đoán nợ sẽ giảm một nửa xuống dưới 1 tỷ euro vào cuối năm 2004. Tuy nhiên, đồng euro mạnh lên lại tạo thêm thách thức mới, khiến hàng xa xỉ châu Âu đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Mỹ. Giữa cơn bão tài chính, tháng 7/2002, Prada vẫn quyết định mua nốt 25% cổ phần còn lại của Jil Sander, sau khi đã nắm 75% hai năm trước đó. Thương vụ này giúp Prada kiểm soát hoàn toàn thương hiệu, nhưng cũng cho thấy mọi khó khăn trong việc điều hành một thương hiệu cult mà không có người sáng lập ban đầu.

Thương vụ không mấy êm đẹp giữa tập đoàn Prada và thương hiệu cao cấp Jil Sander đã đi đến hồi kết cay đắng vào năm 2004, sau hàng loạt biến động tài chính và bất đồng chiến lược nghiêm trọng. Năm 2003, trước tình trạng doanh thu đình trệ và thua lỗ ngày càng tăng, tập đoàn Prada buộc phải mời nhà sáng lập Jil Sander quay lại nắm quyền sáng tạo. Tuy nhiên, việc này vẫn không thể cứu vãn được tình hình.

Năm 2002, thương hiệu ghi nhận doanh thu 138,8 triệu euro nhưng lỗ tới 26,3 triệu euro. Thậm chí với sự hiện diện của “bà đầm thép” Jil Sander trong năm 2003, thương hiệu vẫn không thể đảo ngược xu hướng tiêu cực. Lợi nhuận tiếp tục sụt giảm, trong khi công chúng và giới chuyên môn nhận định thương hiệu đang dần đánh mất bản sắc phong cách vốn có. Theo tạp chí MF Fashion, dù được định vị trong phân khúc cao cấp cùng Hermès và thậm chí còn cao hơn cả Gucci lẫn Prada, Jil Sander dường như đang dần mất đi vị thế của mình trên thị trường.

Jil Sander embellishes its signature minimalism with astrology and elegant '60s prints

Đỉnh điểm xung đột xảy ra vào năm 2004, khi Jil Sander và Prada chính thức “đường ai nấy đi” vì bất đồng về chiến lược và tài chính. Theo New York Times, dù Bertelli và Sander có vẻ đã hòa giải, nữ nhà thiết kế vẫn kiên quyết muốn hoạt động mà không bị giới hạn ngân sách cứng nhắc. Nguồn tin còn tiết lộ có những tranh cãi liên quan đến vấn đề thù lao và đầu tư của Tập đoàn vào thương hiệu.

Theo các nguồn tin thời điểm đó, nhà thiết kế đã từ chối phê duyệt kế hoạch kinh doanh bao gồm việc cắt giảm chi phí quyết liệt – điều cần thiết vì công ty đang thua lỗ nặng nề. Quyết định này đã dẫn đến sự chia tay không thể tránh khỏi giữa hai bên. Giấc mơ xây dựng một đế chế xa xỉ Ý dưới trướng Tập đoàn Prada đã tan vỡ. Trước tình hình đó, Prada đã có bước ngoặt quan trọng: tập trung trở lại vào phát triển các thương hiệu cốt lõi là Prada và Miu Miu. Quyết định này đã cứu sống Prada. Trong khi nhiều thương hiệu xa xỉ gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế và đại dịch, Prada vẫn duy trì được tăng trưởng ổn định.

Everything you missed from Miu Miu SS25 - Culted
Prada và Miu Miu giữ vững vị trí “Thương hiệu nổi tiếng nhất – nhì thế giới” trong lĩnh vực thời trang hai quý liên tiếp.

Đến nay, Prada vẫn duy trì cấu trúc tương tự và trở thành một trong số ít thương hiệu còn tăng trưởng mạnh mẽ giữa cuộc khủng hoảng sâu rộng của ngành hàng xa xỉ. Bài học từ Prada cho thấy: trong ngành công nghiệp xa xỉ, việc tập trung vào phát triển thế mạnh cốt lõi đôi khi hiệu quả hơn là mở rộng quy mô bằng mọi giá.

Chuyển ngữ: Thanh Mai