Basic fashion – Xu hướng “lên ngôi” năm 2025?

Ngày đăng: 20/01/25

ó một sự chuyển hướng rõ rệt khỏi phong cách Drainer và thẩm mỹ hyperpop đã thống trị những năm hậu đại dịch. Hiện nay, điều quan trọng không còn là việc chúng ta mặc gì, mà là cảm giác (aura) chúng ta tỏa ra.

Với sự bùng nổ của thời trang archive trên TikTok cũng như sự phát triển mạnh mẽ của những tiểu văn hóa phụ trên các nền tảng trực tuyến, giờ đây bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món đồ từng thuộc về tầng lớp tinh hoa chỉ với vài lần vuốt màn hình – từ các video hướng dẫn trên Reels cho đến các bảng tham khảo trên Pinterest. Tương tự, sự nổi lên của các thương hiệu như Drain và Rick Owens đã kéo thẩm mỹ gothic vào dòng chảy chính, được thổi một làn gió mới từ các nghệ sĩ âm nhạc trực tuyến thế hệ mới như Sematary và 2hollis, những người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Nhật Bản Y2K và visual kei.

Các xu hướng này tất nhiên đã “làm mưa làm gió” làng thời trang năm vừa qua. Thế nhưng khi bước sang năm mới, những tín đồ thời trang “NPC” (người theo xu hướng phổ biến trên mạng) đang thay đổi phong cách, bỏ qua mũ lông LGB và đồ Opium của năm 2024 để hướng tới phong cách của Hedi Slimane cho Dior và “sleaze” của Babyshambles. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu xu hướng ăn mặc đơn giản, “basic”, có phải là cơn sốt mới? Và nếu đúng, tại sao lại như vậy?

Youtuber Mina Le trong video mới “the death of personal style” (cái chết của phong cách cá nhân) đã đề cập đến sự chuyển đổi phong cách của riêng của cô từ “tối đa hóa sang cơ bản”. Mina cho rằng việc thay đổi này là do sự “tấn công không ngừng” của các xu hướng nhỏ và tính giống nhau về mặt thuật toán đang thống trị lĩnh vực thời trang ngày nay. Cuối cùng, cô ấy kết luận rằng: giải pháp duy nhất cho những người hiểu biết là ăn mặc basic một cách có chủ đích. 

Ngày nay, có vẻ như những gì tạo nên sự sành điệu không phải là ăn mặc sành điệu mà là chất lượng quần áo, những tầng văn hóa ẩn giấu khi biết rằng chiếc quần short siêu ngắn hoặc áo len dệt kim mà ai đó mua là từ Cafe Forgot hoặc các thương hiệu may đo như Lucila Safdie và Sherris (thay vì từ Urban Outfitters, Target), đó mới là điều mang lại khác biệt.

Như Roland Barthes từng nói: “Chỉ cần một chi tiết là đủ để biến những cái vô nghĩa thành ý nghĩa và cái không hợp mốt thành hợp mốt.” Nghĩa là, phong cách có thể đơn giản, nhưng thông điệp ẩn chứa bên trong chắc chắn không hề tầm thường.

Việc thể hiện phong cách “basic” có thể là một cách tiếp cận khá mới mẻ đối với thế hệ trẻ, những người đã lớn lên trong một thế giới tràn ngập các thương hiệu và micro-trends, cùng với sự bùng nổ của thời trang siêu nhanh và chi phí sản xuất giảm dần cho các sản phẩm ngày càng phức tạp. Sự “Temu-ification” của phong cách hàng ngày đang làm ngập đầu óc chúng ta, với tính chất có thể tái tạo vô hạn của nó được đẩy nhanh thông qua những hình ảnh AI kém chất lượng, thậm chí là vô lý, cùng với các mô tả sản phẩm rối rắm như “Round Toe Belt Buckle Shoe Women” (Giày có khóa thắt lưng mũi tròn dành cho nữ) và “American Retro False Flare Pants Woman Low Waist Stretch” (Quần ống loe giả cổ điển của Mỹ dành cho nữ cạp thấp co giãn). Những tiêu đề thân thiện với giao diện người dùng này cho thấy cách thời trang trực tuyến đang được tối ưu hóa cho máy móc hơn là cho sở thích hay phong cách cá nhân của từng người.

Tương tự như các đối thủ AliExpress và Shein, Temu đã được mô tả như một sòng bạc ảo, một bánh xe roulette quay không ngừng, gây nghiện như đường, thu hút người dùng bằng các phiếu giảm giá tiền mặt, cung cấp một vòng quay vô tận các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, thiết bị điện tử và các món đồ thú vị để thêm vào giỏ hàng.

Trên TikTok, các video “Temu haul”, mở hộp và mã khuyến mãi tạo ra hàng nghìn lượt xem, hoạt động như một thứ “fashion brain rot” gây nghiện. Nói theo lý thuyết của Walter Benjamin, đây chính là quá trình mất đi “aura” trong sản xuất cơ học, điều mà ông cho là điểm đặc trưng của hiện đại. Ngược lại, thứ làm cho phong cách basic trở nên “cool” trong bối cảnh ngày nay chính là aura của nó, hoặc ít nhất là aura của người mặc nó. Có một sự thật là chẳng mấy ai trong nhóm “cool kids” thực sự quan tâm đến việc họ mặc gì nữa.

Khi nhóm nghệ sĩ K-hole lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “normcore” cách đây mười năm, một hiện tượng tương tự đã xảy ra ở New York. Những lo âu chung của một thế hệ trẻ dưới áp lực ngày càng tăng để phơi bày bản thân trực tuyến (cùng với chủ nghĩa siêu cá nhân hóa của Web2 đang trở thành chuẩn mực hiện nay) đã dẫn đến một phong cách nhạt nhòa chiếm lĩnh giới sáng tạo trẻ của thành phố.

Nếu như vào những năm 2000, thời trang luôn tìm kiếm điều bất ngờ, nổi bật và cực đoan nhất, thì giờ đây, mọi chú ý đã chuyển hướng sang “sự kiệm lời”. Dường như các mẫu hình phong cách đang bị thu hẹp về bản chất thuần túy nhất, như thể cách tốt nhất để nổi bật ngày nay là… không nổi bật.

Rất nhiều điều đã thay đổi trong mười năm qua kể từ khi normcore xuất hiện, và rõ ràng là có một điều gì đó đang vang vọng với giới trẻ ngày nay – thậm chí Vogue Business còn đưa “sự trở lại của normcore” vào một trong những dự đoán của họ cho năm 2025. Mặc dù điều này có thể chỉ đơn giản là sự quay vòng của chu kỳ xu hướng đối với thế hệ trẻ quá nhỏ để nhớ về lần xuất hiện đầu tiên của nó, nhưng thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội đã biến tất cả chúng ta thành những người sáng tạo nội dung – nơi mọi thứ đều là một chiến lược marketing, đặc biệt là chính bản thân mỗi chúng ta. Tuy nhiên, một yếu tố ít được nhắc đến hơn là cách mà “sự giám sát trực tuyến ngầm” trong thập kỷ 2010 đã góp phần hình thành normcore như một hệ thẩm mỹ.

“Normcore là một phản ứng trước sự giám sát lẫn nhau mà mạng xã hội thúc đẩy” Sean Monahan -một trong những người sáng lập thuật ngữ này chia sẻ. Tương tự, thuật ngữ “going grey man” ám chỉ việc hòa mình vào đám đông để tránh bị phát hiện. Vì vậy, mặc dù không thể khẳng định rằng mọi người cố tình ăn mặc basic vì nỗi lo sợ trong thời đại bất ổn nhưng đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao một cá nhân lại không muốn thu hút sự chú ý theo cách rõ ràng.

Thời trang đang bắt đầu chuyển mình thành một hình thức mới: không còn là việc tích lũy bao nhiêu bản tham chiếu, mà là cách chúng được chọn lựa, được nhận định qua lăng kính cá nhân mà không bị chi phối bởi guồng quay tiêu dùng đại trà. Đó là một hành động tách biệt có chủ đích, một hình thức kháng cự lại sự bão hòa văn hóa.

Hành động ăn mặc, hơn bao giờ hết, trở thành một hành động thanh lọc. Và sự tinh khiết này không hề trống rỗng, càng không nhàm chán; đó là một hình thức mới của sự độc quyền, một sự độc quyền không cần phải thể hiện. 

Ít là nhiều, nhưng ít lại chứa đầy ý nghĩa.

  Thực hiện: Elio

Theo Dazed, Highxtar