Thương hiệu thời trang Việt MYM tuyên bố ngừng hoạt động sau 5 năm thành lập
Ngày đăng: 10/07/19
Công ty cổ phần thời trang M.Y.M với 5 năm hoạt động tại thị trường Việt, công ty sở hữu 2 xưởng sản xuất lớn với máy móc hiện đại cùng hệ thống hơn 20 showroom cao cấp, vừa qua đã ra thông báo trên Website và Fanpage thông tin ngừng hoạt động và hiện đang giảm giá 70% để thanh lý hàng tồn.
Thương hiệu MYM, viết tắt của “MAKE YOUR MIRACLE”, đã thông báo trên website của công ty với nội dung như sau: “MYM sẽ ngưng hoạt động kinh doanh từ ngày 01/07/2019. MYM giảm giá 70% toàn bộ sản phẩm từ 01/06 – 30/06/2019, luôn theo sát xu hướng thời trang của thế giới nên các bạn có thể mặc đồ MYM vài năm sau nữa vẫn không sợ bị lỗi mốt. Đang giảm giá QUÁ RẺ ĐỂ MUA ĐỂ DÀNH, Hãy bỏ ra ít thời gian đến MYM mua sắm ngay đi để tận hưởng chương trình khuyến mại cực sốc: Giảm 70% toàn bộ sản phẩm.”
Thương hiệu MYM ra đời sau khi bà Nguyễn Ánh Hồng và con gái mua lại thương hiệu thời trang EMIGO của Vingroup. Trước đó bà Hồng đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh bán lẻ khi sở hữu chuỗi siêu thị Maximark nổi đình đám ở TP.HCM. Năm 2015, bà Hồng đã nhượng lại Maximark cho Vingroup và mua lại Emigo. Chị Võ Ngọc Ý Vân Sau khi hoàn thành ba bằng đại học về thiết kế thời trang, quảng cáo thời trang và quản trị kinh doanh ở Philadelphia University và Temple University cùng 2 năm làm việc tại Digitas lẫn Saatchi & Saatchi (Mỹ), đã trở về Việt Nam để xây dựng MYM. Cuối năm 2015, Công ty CP Thời trang MYM do Ý Vân làm tổng giám đốc đã được thành lập. Mới chưa đầy một năm nhưng MYM đã xây dựng hệ thống 23 cửa hàng và từng dự định sẽ mở đến 100 cửa hàng. Thương hiệu từng có tham vọng ra nước ngoài mà nơi đến đầu tiên là Mỹ, sau đó là các nước châu Âu và châu Á.
Đầu năm 2019, MYM từng thực hiện chiến dịch Redtag để đẩy mạnh tiêu thụ. Redtag là chương trình bán hàng với giá xuất xưởng diễn ra quanh năm tại hệ thống cửa hàng MYM ở 10 tỉnh – thành trên toàn quốc. Bà Nguyễn Ánh Hồng cũng chia sẻ trên Doanhnhansaigon về khó khăn của ngành thời trang Việt: “Ở phân khúc cao thì bị cạnh tranh bởi hàng hiệu ngoại, thấp hơn thì có hàng ngoại bình dân và thấp hơn nữa là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.” Và “Người tiêu dùng Việt Nam không chú ý nhiều lắm về chất lượng sản phẩm mà quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu.”
Bà cũng cho biết: “Phải nói rằng, trong lĩnh vực thời trang, người tiêu dùng trong nước không tự hào về hàng Việt. Mặc dù hàng ngoại hiện nay hầu như được gia công tại Việt Nam và như vậy cũng có thể xem là hàng Việt. Nhưng cứ có “mác” ngoại là người tiêu dùng thích. Đó là nghịch lý bao đời nay không giải quyết được. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ xây dựng thương hiệu từ nước ngoài rồi mang về Việt Nam kinh doanh. Như vậy là đã có “mác” ngoại, nên sẽ dễ thành công hơn!”.
Thực hiện: S-R