Ngược dòng thời gian, trở lại 5 show diễn thời trang Việt đầu tiên

Ngày đăng: 24/04/25

Thoát khỏi cái mác chương trình giải trí với những thiết kế thiên về trang phục biểu diễn, các fashion show ở Việt Nam giờ đây được thương mại hoá, nâng tầm giá trí vươn ra quốc tế. Vai trò của sàn diễn được thay đổi theo từng kỷ nguyên, tuy nhiên sân chơi đó mãi là nơi để các cái tôi thời trang riêng biệt toả sáng, kể cả từ những ngày đầu tiên. 

So với thế giới, câu chuyện thời trang ở Việt Nam bắt đầu trễ hơn, quá trình phát triển cũng có phần chậm hơn rất nhiều. Bên cạnh các sự kiện kết nối với nghệ thuật hay lễ trao giải, hào quang của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu còn được định hình từ bốn fashion week đình đám ở bốn kinh đô New York, London, Milan và Paris. Ở Việt Nam, tuần lễ thời trang chỉ mới hình thành được hơn một thập kỷ; tuy để lại nhiều dấu ấn quan trọng nhưng so với thế giới, những khoảnh khắc toả sáng đó vẫn chưa là cột mốc. Seoul, Shanghai, thậm chí Bangkok Fashion Week cũng có nhịp độ phát triển nhanh và vượt bậc hơn. 

Nhìn lại chặng đường phát triển của thời trang Việt, đó là những thập kỷ về sự kiên cường khi thoát khỏi cái mác chương trình giải trí. Trải qua biết bao thay đổi của thời đại từ văn hoá đến kinh tế, thời trang Việt giờ đây đã tự tin khẳng định là một nền công nghiệp thực thụ. Để được công nhận như hiện tại, những show diễn thời trang – “ôm ấp” giấc mơ của người sáng tạo đã góp một phần công không nhỏ. Không chỉ là sân khấu để tiếng nói bản sắc sáng tạo của nhà thiết kế toả sáng, fashion show giúp thương hiệu mở rộng độ nhận diện lẫn khả năng tiếp cận đến khách hàng; từ đó ngành công nghiệp thời trang Việt cũng rũ bỏ cái mác “gia công”. Đối với một số nhà thiết kế, những buổi trình diễn thời trang trong nước là bước đệm vững vàng để thương hiệu nội địa vươn xa hơn trong đấu trường quốc tế. 

Trước khi trở thành show diễn độc lập, mang tính thương mại cao, các fashion show nội địa trong quá khứ thường được tổ chức trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng, hay được xem như một chương trình đánh mạnh tính giải trí hơn là tập trung khai thác giá trị nghệ thuật lẫn thương mại. Vào khoảng hơn hai thập kỷ trước, những show diễn thời trang Việt đầu tiên đã trông như thế nào?

Vietnam Collection Grand Prix và thế hệ nhà thiết kế đầu tiên

Vào năm 1999, một trong những show diễn thời trang đầu tiên nằm trong khuôn khổ chương trình Vietnam Collection Grand Prix. Đây là một cuộc thi thiết kế thời trang do Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), Tập đoàn dệt may Việt Nam (VINATEX), Hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO) và Viện mẫu thời trang Việt Nam (FADIN) cùng nhau kết hợp tổ chức. Từ năm 1999 đến nhiều năm về sau (riêng năm 2010), cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng sứ mệnh tìm kiếm tài năng cũng như tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp thời trang nước nhà. 

Vietnam Collection Grand Prix chính là “cái nôi sáng tạo” sinh ra biết bao nhà thiết kế Việt tài năng – để lại dấu ấn đặc sắc không chỉ trong bản đồ thời trang nội địa mà còn ở đấu trường quốc tế như Công Trí, Võ Công Khanh, Trương Anh Vũ,…Cuộc thi còn là một nền tảng vững chắc để các nhà thiết kế chiến thắng thử sức mình trong nhiều cuộc “tranh tài” của nước bạn. Một số nhà thiết kế trẻ đã được Viện Mẫu thời trang Việt Nam (Fadin) đề cử tham dự các cuộc thi thiết kế thời trang trong khu vực như Fashion Connections Singapore, Asia Collection Makuhari (Nhật Bản). 

Tuy thu hút được nhiều tài năng dự thi, nhưng các sàn diễn thời trang của Vietnam Collection Grand Prix vẫn chưa thể “chạm” đến khán giả đại chúng. Bởi lẽ, nhiều bộ sưu tập trong khuôn khổ chương trình chưa thực sự giao thoa được tính nghệ thuật và ứng dụng thực tiễn trong đời sống của ngôn ngữ thiết kế. Dù vậy vẫn không thể phủ nhận Vietnam Collection Grand Prix đã “ươm mầm” cho các show diễn thời trang trong tương lai, đồng thời là “mầm mống” vun đắp cho nền công nghiệp sáng tạo của nước nhà. 

Đẹp Fashion Show – Những thể nghiệm mang nghệ thuật trình diễn lên sàn diễn thời trang

Trong giai đoạn hình thành và phát triển của ngành thời trang Việt, một trong những show diễn sơ khai, có tầm vóc không thể không nhắc đến các sàn runway hoành tráng trong khuôn khổ của chương trình Đẹp Fashion Show được tổ chức bởi Tạp chí Đẹp. Vào năm 2004, Đẹp Fashion Show cho ra đời khái niệm sàn diễn thời trang được sắp đặt hoành tráng và có tính nghệ thuật cao. Từ giới mộ điệu thời trang trong nước cho đến báo chí truyền thông, Đẹp Fashion Show nhận về sự đánh giá vượt mong đợi cùng những lời khen có cánh như “lần đầu tiên thời trang thoát bỏ những khuôn mẫu nghiệp dư của các show ca nhạc tạp kỹ và mới lạ hơn rất nhiều so với sự đơn điệu của các đêm trình diễn thời trang của Tập đoàn dệt may Việt Nam.” Không phải lời hoa mỹ, Đẹp Fashion Show thực sự đã đạt được những thành tích mang tầm ảnh hưởng cao. Chương trình mang đến những show diễn chất lượng và dần trở thành cột mốc đánh dấu thời kỳ chuyển giao của ngành thời trang Việt. 

Sân chơi hàng năm được Tạp chí Đẹp tổ chức mỗi lần trở lại đều mang theo cách diễn giải riêng biệt về từng concept, cũng như nguồn cảm hứng không trùng lặp. “Birth of Venus”, “Đam mê”, “Thời trang và ánh sáng”,…từng “đề bài” được giao đến đội ngũ hiện thực hoá trong bối cảnh biểu diễn, giao cho các nhà thiết kế khắc hoạ thông qua những bộ sưu tập mang giá trị thủ công cao, hoặc gắn liền với thời trang thường nhật. Không thể phủ nhận chính Đẹp Fashion Show đang mở ra kỷ nguyên thử nghiệm của sàn diễn thời trang và nghệ thuật trình diễn. 

Elle Fashion Show – Bước chuyển mình với lần chạm ngõ sàn diễn Ready-To-Wear

Tạp chí ELLE Việt Nam được ra mắt độc giả vào năm 2010. Năm 2011, ELLE Fashion Show được tổ chức bởi ELLE Việt Nam bắt đầu “đánh tiếng” ở ngành thời trang nội địa. Chương trình được ra đời với sứ mệnh đồng hành cùng ngành thời trang trong nước và hỗ trợ những tài năng thiết kế trẻ. Với mô hình sàn diễn tuân theo hai mùa mốt chủ đạo của thời trang thế giới: Xuân/ Hè và Thu/ Đông, ELLE Fashion Show “châm ngòi” cho sự chuyển hoá từ các sàn runway mang đậm tính nghệ thuật trình diễn sang mô hình ready-to-wear, đồng thời khai thác tính ứng dụng của thời trang ở Việt Nam. 

“Từ khi sự kiện ra đời, sân khấu ELLE Fashion Show đã trải qua nhiều lần biến đổi và thay mới để dần tiến đến gần với quy chuẩn của một sàn catwalk chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn không thiếu tính nghệ thuật cũng như sự độc đáo trong đó. Không đặt nặng nghệ thuật trình diễn, không phức tạp hóa thiết kế sân khấu, không chiêu trò tạp kỹ, ELLE chỉ chú trọng đến giá trị thời trang theo đúng nghĩa đen” – Tạp chí ELLE Việt Nam.

Tuy phát triển sàn diễn RTW, nhưng ELLE Fashion Show chưa từng làm khán đại thất vọng bằng sự đầu tư vô cùng nghiêm túc, đặc biệt là bối cảnh sàn runway cũng như địa điểm tổ chức đặc biệt, từ kiến trúc mang tính sử thi cho đến các công trình mang tính biểu tượng trong văn hoá. Dưới ánh đèn sân khấu của ELLE Fashion Show, không chỉ có những nhà thiết kế nổi tiếng toả sáng, mà còn dành cho những ngôi sao trẻ thể hiện tư duy sáng tạo độc bản. Với hàng loạt màn ghi danh của “măng non” thời trang Việt, ELLE Fashion Show góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ bước đệm này, các nhà thiết kế của nước nhà cũng dần bắt nhịp được với nhịp đập của thị trường thời trang quốc tế.

Vietnam International Fashion Week – Khái niệm “tuần lễ thời trang” xuất hiện ở Việt Nam 

Vào cuối năm 2014, Vietnam International Fashion Week được công bố với công chúng, được biết đến là một sân chơi mới dành cho các nhà thiết kế trong nước với sự tham gia của đối tác và một số nhà thiết kế nước ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên giới mộ điệu thời trang nội địa tiếp cận với khái niệm “tuần lễ thời trang”, thay thế cho Vietnam Fashion Week trước đó được khởi xướng bởi Nhà thiết kế Minh Hạnh. Giám đốc Quỳnh Trang cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất giữa tuần lễ thời trang này và các tuần lễ thời trang Việt Nam trước đây nằm ở nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quốc tế. Sân chơi này sẽ có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế và các nhân vật uy tín trong thời trang thế giới, để những người yêu thời trang Việt Nam có thể giao lưu, học hỏi và giới thiệu những điều tâm huyết của mình đến với bạn bè thế giới.”

Vietnam International Fashion Week không chỉ mang đến cơ hội trình diễn cho hàng loạt tài năng sáng tạo, mà còn tạo nên một “truyền thống” mới trong cộng đồng thời trang Việt. Tuy nhiên, chương trình vẫn thiên về tính trình diễn cao hơn; trong khi tính thương mại bị lãng quên. Khi các giá trị nghệ thuật trừu tượng “lấn át”, khía cạnh thương mại của ngành kinh doanh thời trang bị lưu mờ khiến các thương hiệu tham bối rối về việc đẩy mạnh doanh thu; trong khi khán giả cũng bắt đầu nghi ngờ về tính thực tế của ngành sáng tạo này. 

SR Celebrating Local Pride – Tôn vinh Giá trị thời trang Việt 

Ở giai đoạn 2015-2020, thời trang Việt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ từ “cơn lốc” local brands. Tuy nhiên, những thương hiệu trẻ lúc bấy giờ chỉ dừng lại ở việc ra mắt bộ sưu tập mới, thu hút khách hàng bằng những chiến dịch cơ bản; trong khi các show diễn cao cấp chỉ dành cho những nhà thiết kế có tên tuổi. Nhận biết được tình hình thời trang nội địa vẫn còn đang thiếu hụt sân chơi thực thụ cho các local brands đầy tiềm năng. Họ – thế hệ mới dẫn dắt thời trang nước nhà phát triển trong tương lai, xứng đáng với những cơ hội để “cất tiếng nói”. 

Đó cũng là lý do SR Celebrating Local Pride được ra đời, với một góc nhìn khác về thời trang. Ngành công nghiệp này không chỉ đơn thuần là để làm đẹp, để chiêm ngưỡng hay chỉ đọng lại thành các giá trị nghệ thuật trừu tượng khó hiểu, xa hoa không với tới mà còn phải tiếp cận được người tiêu dùng một cách thực tế nhất, phải là “gà đẻ trứng vàng” để duy trì sự sống của các thương hiệu, thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu thị trường, cuối cùng là chạm đến hào quang thời trang thế giới. 

Từ năm 2019 đến 2022, sàn diễn SR Celebrating Local Pride để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Cho đến năm 2023, với mùa mốt Thu Đông, chương trình đặt mục tiêu lớn vào “See Now, Buy Now” – tính năng cho phép người xem có thể mua sắm trực tiếp các thiết kế thông qua ứng dụng BIDU. SR Celebrating Local Pride Thu Đông 2023 đánh dấu là show diễn nội địa đầu tiên tạo cơ hội cho khán giả có thể quét mã mua sắm ngay khi xem sản phẩm thời trang được trình diễn. Với tiêu chí “thời trang là kinh doanh”, Celebrating Local Pride thúc đẩy bán hàng trước và sau sự kiện để giúp thương hiệu mang về hiệu quả doanh thu mong muốn. 

Đến năm 2024, SR Celebrating Local Pride 7, tiếp tục khẳng định vị thế là một sàn diễn thời trang chuyên nghiệp dành cho local brands. Với việc thay đổi tên gọi: xoá bỏ các mùa Xuân Hạ – Thu Đông thường thấy, SR Celebrating Local Pride 7 đặc biệt chú trọng hơn vào việc cung cấp những giải pháp mới cho thương hiệu nội địa Việt, trở thành cầu nối giúp các Local Brands gặp gỡ, giao lưu với các nhà cung ứng hàng đầu Việt Nam. 

“Tôi hy vọng rằng những gì chúng ta làm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc khoác lên mình những bộ trang phục đẹp, mà còn là sự tiếp nối của những giá trị, nguồn cảm hứng dành cho thế hệ trẻ. Chúng ta đang viết nên những chương mới cho lịch sử thời trang Việt – một hành trình không ngừng đổi mới, sáng tạo và tràn đầy niềm tin vào tương lai rực rỡ của nền thời trang nước nhà” – Chị Trần Hà Mi, CEO của Style-Republik.

Thúc đẩy doanh số bán hàng qua show diễn và bền bỉ trên hành trình tôn vinh giá trị Việt, SR Celebrating Local Pride là một điểm sáng của thị trường thời trang Việt Nam. Từ đó, chương trình tiếp thêm một phần công sức giúp ngành công nghiệp thời trang Việt ngày càng vững chãi hơn nữa. 

Thực hiện Dory