Thuế quan không giết chết thời trang nhanh, nhưng có thể tiêu diệt thời trang bền vững
Ngày đăng: 25/04/25
Một số người ủng hộ thuế Trump vì cho rằng đây là cách để hạn chế tình trạng tiêu dùng quá mức các mặt hàng giá rẻ. Tuy nhiên, thay vì tạo ra thay đổi tích cực, những khó khăn kinh tế mà nó gây ra có thể làm chệch hướng các nỗ lực cải thiện ngành công nghiệp thời trang theo hướng bền vững hơn.
Tuần trước, cổ phiếu của Restoration Hardware lao dốc sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế mới, áp mức phí nặng nề lên các quốc gia cung ứng tại châu Á. Đến cuối tuần, cổ phiếu công ty này đã mất tới 41% giá trị.
Không chỉ riêng nội thất, ngành thời trang cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Phần lớn thương hiệu may mặc hiện nay đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại châu Á. Việc đánh thuế nhập khẩu cao đặt ra nguy cơ tổn thất trực tiếp và đáng kể cho các công ty như Lululemon, Urban Outfitters, và nhiều cái tên khác.
Một số ý kiến cho rằng chính sách thuế này dù bị xem là phi lý lại có thể vô tình tạo ra lợi ích môi trường. Giá cả tăng có thể khiến người tiêu dùng chậm lại, giúp ngành thời trang thoát khỏi guồng quay của thời trang nhanh.
Nhưng liệu đây có thực sự là cơ hội cho tính bền vững? Hay chỉ là một đợt siết chặt lợi nhuận khiến các công ty buộc phải từ bỏ những cam kết xanh còn chưa kịp bén rễ?

Thời trang bền vững đã thiếu bền vững từ lâu
Những nỗ lực hướng đến phát triển bền vững trong ngành thời trang đã bắt đầu chững lại từ lâu, trước cả khi Tổng thống Trump tung ra các đòn tấn công mạnh mẽ vào mô hình kinh tế truyền thống của ngành.
Sự thụt lùi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tăng trưởng chậm buộc các công ty thời trang phải cắt giảm chi tiêu, tái cơ cấu và sa thải nhân sự. Các bộ phận và ngân sách dành cho phát triển bền vững hiếm khi được miễn trừ, nhất là khi ngày càng có nhiều nghi ngờ xoay quanh “greenwashing” (tẩy xanh), cùng với sự quan tâm thất thường của người tiêu dùng đối với các sản phẩm “xanh”, khiến cho lập luận kinh doanh xoay quanh biến đổi khí hậu trở nên khó thuyết phục hơn.
Những nguồn lực ít ỏi còn lại lại bị giằng kéo bởi hàng loạt quy định tuy xuất phát từ ý tốt nhưng lại tiêu tốn chi phí vận hành và đặt nặng báo cáo hơn là cải thiện thực trạng. Cùng lúc đó, làn sóng phản đối “chủ nghĩa tư bản tô vẽ” từ một bộ phận nhà đầu tư càng khiến áp lực thêm đè nặng lên các thương hiệu.
Chẳng hạn, hãy xét đến The Fashion Pact, sáng kiến bền vững quy mô lớn nhất trong ngành được khởi xướng bởi các CEO và ra mắt năm 2019. Khi đó, nhiều thương hiệu đình đám như Adidas, Prada, Nike, Inditex và Gap đã ký cam kết (trong số nhiều mục tiêu khác) sẽ cắt giảm khí thải carbon theo đúng giới hạn do khoa học đặt ra, nhằm ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Thế nhưng sau 5 năm, theo một báo cáo của McKinsey công bố năm ngoái, hai phần ba các thương hiệu thời trang có doanh thu trên 1 tỷ USD hiện không đi đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu cắt giảm carbon mà họ từng đề ra.

Sự trì trệ này phản ánh một thực tế rõ ràng: các thương hiệu vẫn ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn những công việc dài hơi, phức tạp và tốn kém cần thiết để khiến ngành này vận hành bền vững hơn.
Không ít chuyên gia trong lĩnh vực này đang rơi vào trạng thái mất niềm tin và kiệt sức. Một quản lý cấp cao, sau khi từ chức khỏi vị trí doanh nghiệp, đã viết trên LinkedIn: “Tôi cảm thấy công việc của mình không tạo ra bất kỳ tác động thực sự nào trong việc thúc đẩy sự bền vững”. Bài viết ngay lập tức nhận được vô số chia sẻ đồng cảm.
Ngay cả những thương hiệu từng tự nhận là “người tiên phong” về bền vững cũng dần lùi bước. Tháng 7 năm ngoái, trong một cuộc tái cơ cấu lớn, Nike đã sa thải một số lượng lớn nhân sự thuộc bộ phận bền vững, bao gồm cả những lãnh đạo kỳ cựu với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực.

Và giờ đây, loạt thuế quan mà chính quyền Trump áp đặt đang đe dọa khiến tiến trình giảm phát thải trở nên gần như bất khả thi, không chỉ với Nike, mà với phần lớn các thương hiệu thời trang toàn cầu. Những mức thuế choáng ngợp đánh vào các quốc gia sản xuất chủ lực, đặc biệt ở châu Á đang làm xói mòn biên lợi nhuận, khiến các nhà điều hành quay cuồng tìm cách thích nghi với một chính sách thương mại khó lường từ một Tổng thống Mỹ thiếu ổn định.
Vì sao thời trang khó để “Made in USA”?
Theo Tổng thống Trump, thuế quan sẽ “mở cửa các thị trường nước ngoài, phá bỏ các rào cản thương mại và cuối cùng, việc tăng sản xuất trong nước sẽ đồng nghĩa với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn cùng mức giá thấp hơn cho người tiêu dùng”.
Nhưng điều đó hoàn toàn không đúng với Nike hay phần lớn ngành thời trang.
Việc sản xuất ngành thời trang không thể “hồi hương” về Mỹ như mục tiêu mà Trump kỳ vọng từ chính sách thuế quan của ông. Ngay cả khi bị đánh thêm thuế, mức lương công nhân may mặc ở Việt Nam khoảng 3,10 USD mỗi giờ vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 28,64 USD tại Mỹ. Chưa kể, các kỹ năng, máy móc, và chuỗi cung ứng nguyên liệu cần thiết để sản xuất áo khoác chống thấm hay giày chạy bộ đã rời khỏi nước Mỹ từ lâu. Trong khi đó, chi phí vận chuyển vốn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi phí sản xuất khiến việc đưa hoạt động sản xuất giày dép và quần áo trở lại nước Mỹ gần như bất khả thi.
Với đội ngũ về bền vững ngày càng “mỏng”, những rào cản thương mại mới do chính quyền Trump áp đặt giờ đây chỉ khiến các thương hiệu thời trang đại chúng càng khó có thể dồn nguồn lực và sự chú ý cho các vấn đề về quyền lao động hay môi trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đang phải vật lộn để tồn tại.
Tệ hơn, nếu ngành thời trang quay lại mô hình truyền thống, phản ứng tất yếu trước áp lực biên lợi nhuận sẽ là đổ gánh nặng lên vai các nhà cung ứng: hủy đơn hàng, ép giá, chậm thanh toán. Trong bối cảnh ấy, các nhà máy vốn hoạt động ở biên lợi nhuận mỏng có thể buộc phải cắt giảm các chương trình bảo vệ lao động hoặc môi trường để sinh tồn. Kết quả là hàng loạt nhà máy có thể đóng cửa, đẩy hàng nghìn công nhân – những người dễ tổn thương nhất trong chuỗi cung ứng vào cảnh thất nghiệp.
Hy vọng nào cho thời trang bền vững?
Các mặt hàng thời trang tăng giá, từ giày chạy bộ đến áo len có thể khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Điều này có thể đưa thị trường đồ seconhand – mặt hàng vốn không bị đánh thuế tăng trưởng. Mang lại một tia hy vọng cho các chuyên gia bền vững – những người vẫn không ngừng nỗ lực “bảo vệ” môi trường.
Nhưng liệu “điểm sáng” ấy có thực sự bền vững?
Chúng ta từng nghe một giọng điệu lạc quan tương tự trong đại dịch Covid-19: rằng khủng hoảng sẽ là cơ hội để ngành thời trang làm lại từ đầu – làm chậm chu kỳ sản xuất, giảm thiểu đổi mới vô nghĩa, cắt giảm tác động đến môi trường.

Song thực tế lại đi ngược kỳ vọng. Người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, chu kỳ tiêu dùng tăng tốc, và những thương hiệu thời trang nhanh kiểu mới như Shein đã khiến mức độ khai thác tài nguyên trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Thuế quan đẩy công nhân Việt vào thế mất việc
Tác động của thuế quan không dừng lại ở các thương hiệu mà còn lan tới toàn bộ chuỗi cung ứng. Các nhà máy ở Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia – những nơi đã đầu tư nhiều năm vào công nghệ sạch, quy trình xanh nay đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng, khi các thương hiệu tìm kiếm những nguồn cung rẻ hơn hoặc cắt giảm sản lượng để đối phó với chi phí tăng cao.
Những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về điều kiện lao động, hóa chất an toàn hay giảm phát thải carbon đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Khi áp lực chi phí trở nên quá lớn, nhiều nhà máy có thể buộc phải quay về những phương pháp sản xuất rẻ hơn, bẩn hơn.

Nhiều người lao động trong các nhà máy may mặc phần lớn là phụ nữ, có thể đối mặt với việc mất thu nhập hoặc mất việc làm hoàn toàn. Sự không chắc chắn này đã tạo ra một tâm lý lo sợ trong cộng đồng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu may mặc.
Cần một cách tiếp cận mới
Tác động của đại dịch đối với thời trang nên là một lời nhắc nhở khiêm tốn. Những thay đổi bề ngoài đầy hứa hẹn có thể nhanh chóng biến thành những thách thức mới mà không mang lại lợi ích thực sự cho môi trường hoặc người lao động.
Thay vì dựa vào các giải pháp ngắn hạn hay thậm chí chính sách thương mại bất ổn, ngành công nghiệp thời trang cần một lộ trình rõ ràng hướng tới sự bền vững thực sự. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các thương hiệu, chính phủ, người tiêu dùng và các tổ chức phi chính phủ để xây dựng một hệ thống mới – một hệ thống không chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà còn đặt nặng trách nhiệm xã hội và môi trường.
Các thương hiệu tiên phong đã chứng minh rằng mô hình kinh doanh có trách nhiệm vẫn có thể thành công về mặt thương mại. Những ví dụ này cần được nhân rộng và hỗ trợ thông qua chính sách công, đầu tư và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Thuế quan sẽ tiếp tục hạn chế nguồn lực và thách thức các cam kết nhằm vào tính bền vững. Cho đến khi cơ cấu và quy tắc của hệ thống thay đổi, các đội ngũ và kết quả về tính bền vững của ngành thời trang sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Thay vì thụ động chờ đợi các điều kiện thị trường thay đổi, ngành công nghiệp cần chủ động định hình lại tương lai của mình – một tương lai có thể dung hòa lợi nhuận và hành tinh.
Chuyển ngữ: Thảo Mèo
Theo BoF