Vietnam Fashion Insights – Tìm hiểu thị trường thời trang Việt cùng SR 

Ngày đăng: 27/05/25

Thị trường thời trang Việt Nam 2025 không còn là mảnh đất dễ đoán. Trong cơn bão biến động từ địa chính trị toàn cầu đến thay đổi thói quen tiêu dùng nội địa, chưa bao giờ cộng đồng thời trang Việt cần đến một bản đồ chiến lược rõ ràng đến vậy. Những local brand kỳ cựu âm thầm biến mất, ông lớn quốc tế ồ ạt mở rộng, các thương hiệu mới vội vã ra đời rồi nhanh chóng thoái lui… 

Tất cả cho thấy: ai không biết mình đang đứng đâu trên bản đồ này sẽ rất dễ lạc lối. Đó chính là lý do Style-Republik khởi xướng chuỗi chuyên đề Vietnam Fashion Insights. Chúng tôi không chỉ tổng hợp dữ liệu, mà còn phân tích những case study, góc nhìn từ chính những người làm nghề: nhà sáng lập, CEO, nhà thiết kế, chuyên gia bán lẻ… Với mục tiêu giúp cộng đồng thời trang nhìn rõ thị trường Việt đang biến chuyển ra sao, từ đó xác định lại vị trí, chiến lược và hướng đi phù hợp cho từng mô hình.

“Vietnam Fashion Insights” là gì?

Vietnam Fashion Insights là chuỗi chuyên đề do Style-Republik khởi xướng, nhằm phân tích sâu các chuyển động của thị trường thời trang Việt Nam. Chuỗi bài viết tập trung vào việc xây dựng “bản đồ chiến lược” cho ngành – thông qua các cuộc phỏng vấn độc quyền, phân tích case study và góc nhìn đa chiều từ chuyên gia, nhà sáng lập thương hiệu, nhà thiết kế và các lãnh đạo trong ngành.

Khác với những thống kê khô khan, Vietnam Fashion Insights đề cao tính thực tiễn và câu chuyện người thật, việc thật. Độc giả sẽ được theo dõi hành trình đối mặt và thích nghi với biến động thị trường của các local brand, từ thất bại đến đổi mới sáng tạo. Quan trọng hơn, đây không chỉ là kênh thông tin một chiều, mà là diễn đàn mở cho mọi tiếng nói trong ngành, từ chuyên gia kỳ cựu đến bạn trẻ đam mê thời trang. Mỗi bài viết là một lát cắt của thị trường. Tập hợp lại, chúng ta có một bản đồ phản ánh thực trạng khắc nghiệt và mở ra hướng đi cho tương lai.

Vietnam Fashion Insights: Bản đồ chiến lược giữa thời trang biến động – Mỗi bài viết trong Vietnam Fashion Insights sẽ là một mảnh ghép góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh thị trường.

Artwork: Vũ Hạo Nhi

Vì sao “Vietnam Fashion Insights” ra đời?

Ngành thời trang Việt Nam đang ở rộng mạnh mẽ. Ngày càng nhiều cái tên tài năng xuất hiện, góp phần đưa thiết kế Việt vươn tầm, sánh vai cùng những cường quốc thời trang thế giới. Nhưng đi cùng với sự mở rộng ấy là vô vàn thách thức mới – sâu sắc, phức tạp và mang tính hệ thống. Chính những thách thức đó đã trở thành động lực để chúng tôi thực hiện chuyên đề này: nhằm hệ thống hóa lại kiến thức chuyên ngành, mở ra những cuộc đối thoại thẳng thắn và thực tế với các chuyên gia, các nhà sáng lập thương hiệu – những người đang định hình tương lai của thời trang Việt.

Thị trường thời trang Việt đang phát triển, nhưng còn manh mún

Thị trường thời trang Việt đang bước vào giai đoạn phát triển, song vẫn tồn tại nhiều hạn chế về quy mô và sự gắn kết hệ sinh thái thương hiệu. Theo khảo sát của Milieu Insight for Campaign Asia-Pacific (Ảnh 1), trong Top 10 các thương hiệu thời trang có điểm số thương hiệu cao tại Việt Nam, chỉ có hai cái tên nội địa góp mặt là Viet TienYody – một con số khiêm tốn cho thấy mức độ nhận diện và sức cạnh tranh của các thương hiệu trong nước vẫn còn yếu thế.

Từ năm 2016 trở đi, làn sóng các thương hiệu quốc tế đổ bộ vào Việt Nam đã làm thay đổi mạnh mẽ cục diện ngành. Zara mở cửa hàng đầu tiên năm 2016 và nhanh chóng thu về hơn 3.000 tỷ đồng chỉ sau ba năm. H&M gia nhập năm 2017 và mở liền 13 cửa hàng. Đến cuối năm 2019, Uniqlo cũng tham gia cuộc đua và đạt mốc 27 cửa hàng vào năm 2024. Bên cạnh đó là sự hiện diện dày đặc của Mango, Calvin Klein, Nike và nhiều tên tuổi toàn cầu khác, tạo nên “làn sóng” thời trang ngoại áp đảo, khiến các doanh nghiệp nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh khổng lồ (Ảnh 2).

 

Thách thức từ quốc tế

Không chỉ đối mặt bài toán hậu nội địa, bối cảnh quốc tế cũng biến động, ngành thời trang Việt còn phải căng mình trước làn sóng biến động từ bối cảnh quốc tế. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang đã dẫn đến hệ lụy dây chuyền: nhiều công ty Trung Quốc tìm cách né thuế trừng phạt bằng cách trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam, buộc phía Mỹ lên tiếng cảnh báo, và Việt Nam phải siết chặt các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Song song đó, việc Mỹ xóa bỏ ưu đãi thuế cho hàng hóa giá trị thấp (dưới 800 USD) xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến các “ông lớn” như Shein phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Tháng 5/2025, Shein – gã khổng lồ fast fashion Trung Quốc chính thức mở kho trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô lên đến 15 hecta.

Động thái chiến lược này giúp Shein né được thuế của Mỹ bằng cách xuất hàng từ Việt Nam, nơi đơn hàng giá thấp vẫn được miễn thuế. Tuy nhiên, sự hiện diện của Shein cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh trở nên trực diện và khốc liệt hơn đối với các doanh nghiệp thời trang nội địa. Họ không chỉ bị ép phải tăng tốc trong cuộc đua công nghệ, mà còn phải ứng phó nhanh hơn với những rủi ro từ địa chính trị toàn cầu.

Hàng hóa giá rẻ

Dòng chảy hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc liên tục tràn ngập thị trường nội địa qua các kênh thương mại điện tử và xách tay. Các nền tảng như Shopee, TikTok Shop… đang khiến quần áo Trung Quốc len lỏi đến tay người tiêu dùng với tốc độ chưa từng có: rẻ hơn, nhanh hơn và mẫu mã liên tục cập nhật. Người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng ưa chuộng những sản phẩm có giá chỉ bằng một nửa hàng nội địa.

Trong khi đó, các thương hiệu fast fashion quốc tế như Zara, H&M liên tục tổ chức các đợt giảm giá 50–70% mỗi mùa. Để giữ khách, các thương hiệu nội buộc phải lao vào cuộc đua giảm giá – một vòng xoáy bào mòn lợi nhuận.

Kết quả, biên lợi nhuận vốn đã mỏng nay càng teo tóp, khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức, mất dần lợi thế ngay trên “sân nhà”.

Sức mua suy giảm

Cùng lúc, sức mua nội địa cũng không còn dồi dào như trước. Sau đại dịch và dưới áp lực lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên giá rẻ và nhu cầu thiết yếu.

Theo bà Nguyễn Thị Trang, chủ thương hiệu D&T, nhu cầu mua sắm thời trang sụt giảm mạnh khiến các doanh nghiệp từng mở rộng nóng trước đó rơi vào cảnh gánh nặng chi phí, dòng tiền mất kiểm soát, buộc phải thu hẹp hoặc rời cuộc chơi (nguồn: báo Thanh Niên).

Trong khi đó, hàng thời trang Trung Quốc giá rẻ được miễn thuế, lại được hỗ trợ vận chuyển tận gốc, còn doanh nghiệp nội thì phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy và nghĩa vụ thuế. Đây rõ ràng là một cuộc chơi bất công, nơi các thương hiệu Việt bị đặt vào thế yếu trên chính sân nhà của mình.

Tình hình trên cho thấy một nhu cầu cấp thiết: các thương hiệu Việt cần định hình lại bản đồ thị trường để không lạc lối giữa muôn trùng thách thức.

Thực tế, loạt thương hiệu Việt lâu năm đã âm thầm rút lui hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh. Từ những cái tên đình đám thập niên 2000 như Ninomaxx, Foci, Blue Exchange, cho đến các chuỗi có doanh thu trăm tỷ như Catsa (từng có 22 cửa hàng) cũng đã tuyên bố đóng cửa vào năm 2024. Không ít thương hiệu trẻ như Giian, Miêu, Lep’… cũng không thể chống đỡ được làn sóng cạnh tranh giá rẻ và thay đổi thị hiếu quá nhanh của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự rút lui của các local brand kỳ cựu không nhất thiết là dấu hiệu cho sự thoái trào của thời trang Việt. Ngược lại, năm 2024 được ví như “một trận Covid của ngành thời trang” – một cú sàng lọc lớn, loại bỏ các mô hình cũ kỹ, lạc nhịp, để chuẩn bị cho một giai đoạn tái cấu trúc và chuyển mình mạnh mẽ.

Ai nên theo dõi “bản đồ thị trường” này?

Độc giả, dù là doanh nhân kỳ cựu hay người mới khởi nghiệp, cũng có thể tìm thấy trong đó những bài học bổ ích để áp dụng cho mình.

Trong bối cảnh đầy biến động, mọi mắt xích trong ngành thời trang đều cần theo dõi sát sao “bản đồ thị trường” Việt Nam để thích ứng và phát triển. Các thương hiệu local brand, đặc biệt nhóm non trẻ, cần hiểu rõ bối cảnh để không lặp lại sai lầm của thế hệ trước và định vị ngách phù hợp.

Các nhà bán lẻ cũng cần cập nhật nhanh sự chuyển dịch tiêu dùng: nếu người mua chuyển sang online, họ phải đẩy mạnh thương mại điện tử; nếu khách hàng ưa trải nghiệm, không gian mua sắm cần được nâng cấp để đáp ứng kỳ vọng. Trong bối cảnh ranh giới giữa online và offline đang xóa nhòa, chỉ những người nắm bắt xu hướng kịp thời mới giữ được lợi thế.

Cuối cùng, đơn vị giáo dục và đào tạo không thể đứng ngoài. Các trường thời trang, viện nghiên cứu cần bám sát biến chuyển thị trường để điều chỉnh nội dung đào tạo, từ đó trang bị kỹ năng thực tế cho thế hệ kế cận. “Bản đồ thời trang Việt” vì thế không chỉ là công cụ phân tích, mà còn là nền tảng định hướng dài hạn cho toàn ngành.

Artwork: Paulur.

Chuỗi bài đầu tiên: Retailing – Sáng tạo trong ngành bán lẻ

Sau đại dịch, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt đã thay đổi đáng kể. Việc mua hàng online trở thành chuẩn mực mới, trong khi cửa hàng vật lý buộc phải cải tiến không gian và trải nghiệm để tiếp tục thu hút khách. Trong toàn bộ chuỗi giá trị thời trang, bán lẻ chính là điểm chạm trực tiếp với người tiêu dùng, cũng là mũi nhọn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những biến động này.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều mô hình bán lẻ mới bắt đầu hình thành, mang tính đột phá cả về tư duy lẫn cách vận hành. Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử đại chúng, thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của các concept store sáng tạo – nơi không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán cả trải nghiệm, cảm hứng và lối sống. Ở hướng ngược lại, một số thương hiệu lại chọn xây dựng các nền tảng e-commerce tuyển chọn kỹ lưỡng, kết nối local brands với người tiêu dùng quốc tế mà không cần đầu tư mặt bằng lớn.

Những sáng tạo này cho thấy một điều rõ ràng: bán lẻ không chỉ là nơi giao dịch, mà là chiến lược sống còn, là cách thương hiệu định vị bản thân trước người tiêu dùng mới – người tiêu dùng ngày càng có gu, có hiểu biết và ít trung thành hơn bao giờ hết.

Việc soi chiếu những mô hình bán lẻ sáng tạo trong chuỗi Vietnam Fashion Insights của 2025 này không chỉ để phân tích thành công hay thất bại của từng case, mà quan trọng hơn là để rút ra bài học chung: Người làm thời trang Việt cần làm gì để thích ứng với người tiêu dùng mới? Chiến lược phân phối nào sẽ giúp họ sống sót và vươn lên trong vòng sàng lọc khắc nghiệt?

Thực hiện: Linh J.

Nguồn tham khảo: VnEconomy, Reuters, Elle Vietnam, CT.QDND.VN, NLD.com.vn, Kinh tế & Đô thị, Unleashed, Statista, Vietnam Insider, Tapchicongthuong.vn, Innovative Hub, Trungtamwto.vn, Euromonitor, So awkward rose