NTK Lư Bích Sơn của thương hiệu thời trang bền vững San Design Garden: “Làm được một chi tiết thủ công đẹp thực sự hạnh phúc lắm!”
Ngày đăng: 22/11/19
Vừa qua, trên sàn diễn của The Presentation Trunk Show, NTK Lư Bích Sơn đã giới thiệu bộ thành công BST Dear Nature/ Thiên nhiên dấu yêu đồng thời cho ra mắt thương hiệu thời trang theo đuổi tính bền vững San Design Garden.
Giữa vòng quay của thị trường hiện nay, mỗi ngày có hàng ngàn thương hiệu thời trang mới ra mắt, thay vì chạy theo xu hướng và theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, San Design Garden lại chọn tính thủ công làm chữ ký và tính bền vững làm triết lý theo đuổi của thương hiệu. Cùng Style-Republik khám phá chân dung của NTK Lư Bích Sơn và tìm hiểu vì sao chị lại chọn một hướng đi khác biệt với thị trường khi sáng lập thương hiệu thời trang của mình.
Được biết, chị đã có thời gian hoạt động nhiều năm trong ngành thời trang Việt cũng như quá trình làm việc ở các thương hiệu thời trang lớn trong nước, vì sao chị lại chọn theo đuổi tính bền vững cho thương hiệu cá nhân của mình trong thời điểm này?
Mình từng làm việc cho những nhãn hiệu lớn trong nước, và mình thật sự may mắn vì đã được lựa chọn làm việc cho các nhãn hiệu yêu thích với các giám đốc sáng tạo tuyệt vời, khi mà các sản phẩm được làm ra ngoài tính thẩm mỹ cao mình còn học được tinh thần yêu thiên nhiên và phong cách sống lạc quan và lành mạnh.
Và khi mình bắt tay làm làm riêng cho mình thì chỉ có thể là dòng sản phẩm thủ công tinh tế và có nguồn gốc tự nhiên. Thứ nhất, trong tình hình hiện tại các vấn đề môi trường là vấn đề cấp bách, khi người người quan tâm hơn về sức khỏe và lối sống thanh tao hơn, thì ngoài ăn sạch sống khỏe thì mặc cũng cần chú trọng đến những sản phẩm tự nhiên và thân thiện với môi trường.
Thứ hai, thời trang là nghề mình chọn nhưng khi xã hội phát triển thời trang lại là một ngành công nghiệp ô nhiễm nhất nhì khi các nhãn hiệu thời trang giá rẻ mọc lên ngày càng nhiều, nên với một nhà thiết kế mình luôn trăn trở nếu không phải là sản phẩm eco thì làm sao để nhãn hiệu mình tạo ra không góp thêm phần ô nhiễm.
Chị có thể chia sẻ về việc ấp ủ ý tưởng để ra mắt và quá trình thực hiện BST Dear Nature? Trong quá trình thực hiện chị có vướng phải những khó khăn nào?
Việc ấp ủ đương nhiên là rất lâu vì có quá nhiều trăn trở mà mình đã chia sẻ ở trên. Và khi thực hiện mình luôn cân nhắc về chất liệu và kỹ thuật, nên chú trọng cái nào để cho ra sản phẩm vừa thân thiện vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa có giá dễ dàng tiếp cận nhất.
Nhìn từ bên ngoài, BST Dear Nature có vẻ đơn giản với chất liệu trắng ngà và những nếp gấp, tuy nhiên để thực hiện những nếp gấp vân lá hay tạo những họa tiết bằng lá cây thiên nhiên cho bộ sưu tập hết thảy đều được thực hiện thủ công khá công phu. Quá trình làm thủ công này có ý nghĩa gì với chị?
Tính thiên nhiên và thủ công là đặc trưng sản phẩm của SAN. Mình chọn lọc các kỹ thuật thủ công mà có thể áp dụng dễ dàng cho sản xuất, nên khi mình làm được một chi tiết thủ công đẹp và khả thi thì thực sự hạnh phúc lắm. Chia sẻ thêm là các sản phẩm của San ngoài chất liệu chính thì tất cả những chất liệu phụ và phụ kiện đều ưu tiên nguồn gốc thực vật. Quan niệm của mình là cái đẹp chỉ có thể đến từ tâm hồn đẹp và sự nhân văn.
Chị có băn khoăn khi thành lập San Design Garden giữa thị trường thời trang Việt Nam hiện nay? Nhất là khi giá thành rẻ vẫn là điều quan tâm cốt lõi của người tiêu dùng thay vì nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thời trang?
Rất nhiều băn khoăn nhưng một khi sản phẩm mình ấp ủ sau cùng có đủ tính thẩm mỹ và công năng (là giúp người mặc đẹp lên và thoải mái hơn), vốn là điều chính yếu của thời trang, thì chắc chắn sẽ có đối tượng tiêu dùng phù hợp, vì khách hàng thời trang vốn rất đa dạng mà. Tuy nhiên yếu tố đặc trưng của SAN cũng là điểm nhấn để mọi người biết tới và lựa chọn.
Đâu là nguồn động lực đối với chị khi từng bước xây dựng San Design Garden?
Động lực chính là đó là nghề của mình là thời trang và mình muốn thể hiện tình yêu của mình với thời trang và môi trường. Dù là khách hàng có chọn mua sản phẩm ngay bây giờ hay trong tương lai, thì thông điệp của mình muốn gửi gắm nếu mang ý nghĩa tốt sẽ tạo ra được năng lượng tích cực và truyền cảm hứng đến cho cộng đồng.
Dù là khách hàng có chọn mua sản phẩm ngay bây giờ hay trong tương lai, thì thông điệp của mình muốn gửi gắm nếu mang ý nghĩa tốt sẽ tạo ra được năng lượng tích cực và truyền cảm hứng đến cho cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng “không có sự bền vững tuyệt đối” trong ngành công nghiệp thời trang. Chị nghĩ sao về điều này với vai trò một nhà thiết kế?
Không có gì là tuyệt đối, và khi mình cố gắng để làm gì 100% thì đôi khi nó lại có tác dụng tiêu cực hoặc khiến mình thêm căng thẳng, như vậy đi ngược lại với triết lý sống xanh và lạc quan. Quan trọng là ý thức của mình và mình mong mọi người đón nhận một cách thoải mái nhất, không ép buộc hay quá khắt khe thì chắc chắn sẽ càng nhiều người nhìn nhận đúng thông điệp mình gửi gắm.
Mục tiêu của thương hiệu trong thời gian tới?
BST vừa trình diễn chỉ là một phần của một BST Dear Nature, do đó phần còn lại vẫn đang được thực hiện, các bạn chờ nhé!
Chị có thể chia sẻ đôi nét về bản thân?
Sở thích ngoài thời trang của mình đôi khi là cái mà mọi người thấy rõ hơn vì mình chia sẻ nhiều về hoa lá cỏ cây và động vật. Yêu thiên nhiên và động vật nên triết lý thiết kế quá rõ thể hiện trong BST Dear nature. Mình thích sống ở thành thị nhưng ngập tràn cây cối và gần gũi với các bạn động vật nhỏ đáng yêu. Ngoài ra nấu ăn hay tham gia các hoạt động về mỹ thuật và kỹ thuật thủ công là những sở thích của mình.
Với những trải nghiệm của mình, chị có đúc kết ra được làm sao để cân bằng giữa sáng tạo và tính thương mại trong lĩnh vực thiết kế thời trang?
Để cân bằng sự sáng tạo và tính thương mại mình luôn chú trọng chọn lựa chất liệu và kỹ thuật phù hợp cho từng sản phẩm, sao cho tỉ lệ sản phẩm mang tính ứng dụng nhiều hơn trong một BST.
Còn về thành lập thương hiệu cá nhân riêng sau khi tốt nghiệp đối với sinh viên thời trang, các bạn nên đi làm để lấy kinh nghiệm hay tự mình xây dựng thương hiệu riêng?
Với các bạn sinh viên thì mình luôn mong các bạn nên đi làm để học hỏi ngoài kiến thức thực tiễn trong ngành còn ở thái độ làm việc và sự trân trọng với tất cả mối quan hệ và công việc. Nếu được vậy thì các bạn mới vượt qua được khó khăn và tiết kiệm được nhiều tiền bạc cũng như nguyên liệu, vốn dĩ lại góp phần gây hại cho môi trường.
Mình không ủng hộ việc có quá nhiều nhãn hiệu mọc lên rồi vụt tắt nhanh. Mong các bạn học tốt môn Thời trang bền vững cũng như ý thức về mua sắm và sản xuất trước khi bắt đầu công việc thời trang.
Những lúc mệt mỏi, chị làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc? Và chị thường làm gì để tìm nguồn cảm hứng cho cuộc sống của mình?
Những lúc mệt mỏi mình thường cần đến trà và tìm đến một không gian xanh cùng với bạn bè để thư giãn hoặc chọn một quyển sách hay một bộ phim đẹp và lạc quan yêu đời để xem để tạo năng lượng tốt. Sau những ngày làm việc chăm chỉ thì tiếp theo sẽ là một chuyến du lịch đến vùng đất nào xinh đẹp và đặc biệt có làng nghề thủ công để thưởng thức cảnh đẹp và thức ăn ngon và sưu tầm những sản phẩm thủ công. Đó là sự tiếp năng lượng và cảm xúc sáng tạo hiệu quả nhất đối với mình.
Bài: Hoàng Khôi
Photo: Khanh Ngoc
Model: Thanh Khoa
Make up: Hoàng Vy Nhật Thảo
Designer: Bich Son