[Fashion Insider] Lê Minh Trí: Kẻ ngoại đạo của thời trang đường phố
Ngày đăng: 23/12/19
Fashion Insider là một chuỗi các bài phỏng vấn cùng những người trẻ đang lao động hết mình và góp tiếng nói vào nền văn hóa streetwear Việt Nam. Đây là dịp để nghe sự chia sẻ từ các khách mời của SR Fashion Business Talk Ep8: The Business of Streetwear. Bốn người trẻ là những cá tính khác nhau đang hăng say làm việc vì cộng đồng và xây dựng thương hiệu của mình:
– Anh Tân Trương, hiện tại là Founder và Điều hành SNKRVN – Một chuyên kênh đặc biệt về sneakers, trang phục thể thao, thời trang và phong cách sống dành cho các bạn giới trẻ
– Chị Hoàng Quỳnh, là người điều hành, quản lý, sản xuất và kiểm định chất lượng cho thương hiệu DVRK
– Anh Minh Trí Lê, với công việc của một Marketing Planner và Facebook blogger
– Anh Minh Nguyễn, hiện là Founder và Creative Director của thương hiệu DVRK
Là người đứng sau các chiến dịch và hình ảnh của các local brands tại Việt Nam, tiếp xúc cùng các thương hiệu lớn nhỏ, Minh Trí Lê có những góc nhìn đa chiều về thị trường thời trang đường phố trong và ngoài nước. Thật sự ấn tượng với cách chia sẻ chân thành và khiêm tốn của anh, buổi phỏng vấn là dịp anh chia sẻ thêm về suy nghĩ, cảm xúc về cộng đồng và những dự định trong tương lai.
Cảm ơn anh đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn. Anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình để tất cả độc giả của Style-Republik hiểu hơn về anh không?
Công việc hiện tại của mình khá là tự do. Mình hiện tại là Marketing Planner của các local brands ở thị trường Việt Nam. Ngoài việc xây dựng các concepts/ campaign liên quan đến collection mỗi mùa của thương hiệu – bao gồm lookbook/ video/ social activities, mình còn đang trên đường xây dựng Facebook page theo một platform như blogger. Nơi mà mọi người có thể đến đọc một cách thoải mái – tranh luận tự do về một vấn đề nổi cộm trong streetwear, ở đó mọi người đều có tiếng nói riêng của bản thân.
Nhiều bạn trẻ biết đến anh qua kênh youtube riêng với năm đoạn video ngắn mang ý nghĩa vô cùng thú vị và mới lạ. Điều gì đã thôi thúc anh bắt tay vào dự án này?
Thực ra thì mọi người biết tới chiến dịch “Gen X Gen Y and the current decade” của mình nhiều hơn qua kênh Facebook. Youtube chỉ là một nơi giống như lưu trữ thôi. Generation X (Những người sinh trong giai đoạn 1965 đến năm 1980) – Generation Y (Millennials – những người sinh trong giai đoạn 1980 đến 1994) và Generation Z (từ 1995 đến 2010), cái tên cũng đã thể hiện một sự dịch chuyển thời gian khá lâu – tương ứng với ba thế hệ khác nhau.
Trong khoảng đó đã có rất nhiều thay đổi, về tiêu chuẩn sống, về tập tính và thói quen mua hàng (Customer Behavior) – cách nhận thức thông tin giữa các thế hệ với nhau. Đặc biệt là trong thời trang đường phố, Gen Z ngày nay dễ dàng tiếp cận và có một lựa chọn vô cùng lớn về thời trang – nhưng có vẻ một số đã đi hơi lệch với con đường “chính đạo” và có những quyết định không được đúng đắn. Ở Streetwear community (cộng đồng thời trang đường phố) hiện nay, nhiều bạn trẻ xây dựng tủ đồ của họ dựa trên những thứ mà không phải thời trang sinh ra để phục vụ cho con người ban đầu, mà là fames (sự nổi tiếng) và likes ảo. Nhiều bạn trẻ mua vô tội vạ (Consumerism) mà không hề biết về thương hiệu đó như thế nào, câu chuyện ra sao. Mainstream và #Hypebeast là những thứ mà các bạn ấy theo đuổi như một con thiêu thân, và điều này đã thôi thúc mình làm “Gen X Gen Y and the current decade”.
VTV có Táo Quân, có Gặp nhau cuối năm, Streetwear Việt Nam có “Gen X Gen Y and the current decade” như một “Táo Quân đường phố” nêu lên những mặt tối, mặt hạn chế của cộng đồng theo một cách “trào phúng” “châm biếm” để chúng ta cùng cười, cùng ngẫm nghĩ để xây dựng những thứ tốt hơn.
Ý tưởng và cách thể hiện của từng video rất độc đáo, có phải anh đã mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện hóa các ý tưởng này?
Vì đây là một dự án cá nhân và mình muốn thể hiện được đúng theo những thứ mà mình đã dự tính trong đầu nên nó đòi hỏi khá nhiều công sức và quan trọng nhất là kinh phí. Thực hiện một cách kể chuyện bằng video clip là một cách dễ dàng tiếp cận được nhiều người trong thời đại 4.0 hiện nay – nhưng nó “ngốn” rất nhiều tiền của, càng nhiều tiền thì chất lượng của clip càng cao. Tại thời điểm đó, mình chưa được nhiều người biết tới như hiện nay nên việc xin tài trợ khá là khó khăn, hầu hết các nhà tài trợ đều chỉ giới hạn những người đã làm việc cùng. Nên “Gen X Gen Y and the current decade I” hầu hết là tiền túi của mình bỏ ra để làm – vì thực sự mình muốn làm để “Dissing cộng đồng này” ,“ Dội những gáo nước lạnh để cho các bạn trẻ tỉnh và ngẫm nghĩ về thời trang mà mình đang theo đuổi”. Một điều may mắn là mình cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những người bạn thân thiết đã giúp “GXGY” hoàn thành. Mong là năm nay “Gen X Gen Y and the Current Decade II” sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bạn.
Trước khi có một trang blog cá nhân, được biết anh đã từng làm việc tại Skechers Việt Nam với vị trí marketing và chiến lược, điều đó đã hỗ trợ anh như thế nào khi thành lập trang blog của riêng mình?
Skechers là nơi mình làm việc đầu tiên sau khi về nước – làm việc tại Skechers cho mình thời gian để tìm hiểu về insight hiện tại của thị trường Việt Nam và adapt (thích nghi) với nền văn hoá sôi động này. Còn thực ra lập blog/fanpage vốn dĩ xuất phát ban đầu là sở thích của mình, cá nhân mình không phải là dân thời trang hay nghệ thuật gì cả – mình là “con buôn” – dân học ngành kinh doanh. Thời trang đường phố là thứ mình thích, tìm hiểu và viết về nó dưới con mắt cảm nhận của mình. Đầu tiên, mình hay đăng tải trên Facebook cá nhân – nhưng các bài viết sẽ dễ dàng bị trôi xuống. Nên mình lập ra một trang riêng dựa trên nền tảng Page của Facebook để có thể lưu trữ toàn bộ các bài viết của mình – may mắn sau được nhiều người quan tâm và chú ý. Cảm ơn các bạn!
Ngày càng được biết đến không chỉ là một cố vấn thương hiệu, anh đã gặp những khó khăn gì trong khoảng thời gian làm việc như một Streetwear Blogger truyền cảm hứng về thời trang cho các bạn trẻ?
Thực ra thì đó không phải là khó khăn riêng mà là khó khăn chung của nhiều người. Thời đại 4.0 nuốt chửng những kiểu tiếp nhận thông tin cổ điển – bao gồm đọc và nghe với thời lượng lớn. Khó khăn hơn nữa là Gen Z là một thế hệ thích nhìn, thích nghe hơn là thích đọc. Do đó, mình hay bị chê là “viết dài lê thê, có ma thèm đọc”, “Chữ nhiều nhìn rối cả mắt” và thực sự cách truyền tải này khá khó tiếp cận được nhiều người trong thời gian đầu. Nhưng như mình chia sẻ, vốn dĩ viết blog hay làm clip chỉ là thứ mình yêu thích và đam mê, có người đọc thì vui mà không có nhiều người đọc cũng chẳng sao – mình vẫn cứ viết. Trung bình một bài một ngày về tất cả những thứ gì mình cảm nhận, yêu thích từ thời trang đường phố. May sao – văn phong của mình lại hợp một cơ số bạn nên được ủng hộ tới bây giờ. Còn truyền cảm hứng ư? Mình không bao giờ dám nhận là một người mặc đẹp hay truyền cảm hứng ABC XYZ – mình chỉ đơn giản là đưa thêm một “chút ít” kiến thức về thời trang mà các bạn đang ăn mặc để các bạn có thể mặc đúng style hay đẹp hơn thôi. Vốn dĩ – thời trang là sự tự do, đường phố còn mãnh liệt hơn thế. Nếu áp đặt thì không phải là streetwear rồi – mà là đồng phục mất.
Anh đã làm sao để vượt qua và tiếp tục truyền năng lượng tích cực đến các bạn trẻ?
Như mình nói – mình cứ viết và viết thôi. Mình viết có đúng, có sai, có nhận được ý kiến trái chiều, có phản bác. Nhưng mình vẫn viết, vì đơn giản là mình thích. Người ngoài nghĩ sao, kệ. Mình viết vì mình cảm thấy vui. Còn truyền năng lượng tích cực ư? Xin e là không vì vốn dĩ mình không truyền sự tích cực. Mình là một người theo chủ nghĩa thực dụng và thực tế – nên mình sẽ cho người đọc một góc nhìn không mang màu hồng mà “thực trạng hiện tại hơn”.
Điều tuyệt với đối với bản thân anh khi trở thành một Blogger và mang sức ảnh hưởng đến với giới trẻ là gì?
Thực ra ảnh hưởng thì chưa nhiều đâu. Giờ có nhiều Youtuber – Vlogger ảnh hưởng tới giới trẻ nhiều hơn kìa. Các anh/các chị sở hữu trăm ngàn, triệu “followers subscribers” và ảnh hưởng đến thị trường Streetwear khá nhiều. Mình chỉ là “hạt cát trên sa mạc mà thôi”. Nhưng niềm vui đối với bản thân là có thể thay đổi được thói quen đọc chữ, đọc nhiều của một lượng người nhỏ nhoi đến từ Gen Z. Thế là mừng rồi!
Anh có thể chia sẻ một chút về các dự định của bản thân trong tương lai?
Mình vẫn tiếp tục viết và tiếp tục series “Gen X Gen Y and the current decade”. Sau đó mình sẽ nghiên cứu và ra đời những platform mới mẻ hơn bên cạnh việc viết bài để có thể truyền tải được nhiều thông tin đa dạng phong phú hơn cho các bạn theo dõi và ủng hộ mình. Sắp tới đây, mình sẽ cùng anh Việt Max với tuyên ngôn “We’re Streetwarriorz” trong chiến dịch “Gen X Gen Y and the current decade II”.
Kể tên những thương hiệu streetwear Việt Nam mà anh ấn tượng?
Ấn tượng thì có nhưng mình là 1 người khá khó tính trong việc pick/ban local brands vì đơn giản hiện tại có quá nhiều brands Việt cùng trong thị trường thời trang đường phố này. Có những ấn tượng về design/ về thiết kế hay về cách marketing/ hình ảnh/ về câu chuyện thương hiệu như PUSW, Môi Điên, T-REDX, DVRK và 5TW…
Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ với đọc giả Style-Republik. Chúc anh luôn thành công trong các dự án bản thân ấp ủ!
Thực hiện: Dung Thảo, Hiếu Lê