Iris Van Herpen Xuân-Hè 2020: Vẻ đẹp nơi đại dương sâu thẳm
Ngày đăng: 31/01/20
Lấy cảm hứng từ ngành minh họa thần kinh học và các sinh vật nơi biển sâu, “nhà thám hiểm” couturier người Hà Lan Iris Van Herpen đã hòa trộn các kỹ thuật Haute Couture truyền thống với công nghệ tiên tiến một cách mãn nhãn hơn bao giờ hết.
Ngoài những ngôi sao tỏa sáng trên thảm đỏ các lễ trao giải lớn nhỏ với trang phục 3D, xếp lớp cầu kỳ, Iris van Herpen có thể gây choáng ngợp bất cứ ai khi nhìn thấy những tác phẩm của mình và cuốn họ vào niềm đam mê khoa học của cô.
“Đối với BST “Sensory Sea” của mùa này, chúng tôi tham khảo trên nguồn tài liệu song song: hydrozoa (các loài như sứa, thủy tức,…) sở hữu nét đẹp tinh tế, chúng tôi muốn mượn những đường gân, dây thần kinh của chúng để đưa lên các mẫu đầm, và các hình vẽ minh họa của nhà thần kinh học và bệnh lý học người Tây Ban Nha, Santiago Ramón y Cajal.” NTK chia sẻ.
“Tôi đắm chìm trong cách ông hợp nhất nghệ thuật và khoa học với nhau.” Iris nói sau buổi diễn, nơi cô mở màn với mẫu trang phục màu đen như những dây, mạng lưới thần kinh trong bản nghiên cứu của Santiago Ramón y Cajal cuối thế kỷ 19.
Các tấm vải in ôm lấy cơ thể như lớp da thứ hai, từ đó mọc ra vô số cọng gai mềm chạy ngang dọc rồi tỏa ra nơi chân váy. Các lớp vải được kết theo cấu trúc tổ ong nở rộ trên nền sắc trắng hút hồn những kẻ thầm ngưỡng mộ. Khép lại show diễn là tác phẩm bằng organza được đính vào những cọng thủy tinh được cắt bằng tay uyển chuyển theo từng sải chân, biến người mẫu thành một sinh vật biển vô giá. Không gian càng thêm thăng hoa với ý niệm khoa học kỳ ảo bởi 3 cột đèn xoáy như những chuỗi DNA, một tác phẩm của nghệ sĩ động lực học người Anh Paul Friedlander. Dù chủ đề là biển sâu, khán giả vẫn không khó để liên tưởng đến những cánh chim, đá tan chảy.
Bên cạnh đó, những tấm áo choàng lại được ứng dụng nhiều kỹ thuật thủ công hơn, các dải vải xanh, đỏ, đen chạy dọc từ vai, uốn lượn theo cơ thể và để tại điểm chạm đất, chúng tỏa ra một cách mềm mại. Những tác phẩm của Iris Van Herpen một lần nữa chứng minh khả năng thu hẹp khoảng cách giữa thủ công truyền thống và khoa học tiến bộ mà cô đang phát triển. “Nó đến rất tự nhiên vì tôi vốn đã quen kết hợp 2 thứ đó lại với nhau.” Cô nói. Dù chỉ là một tấm lụa được xếp nếp bằng tay, bằng cách sử dụng kỹ thuật liên kết chúng trở nên những dáng hình kỳ lạ, các họa tiết 3D được in trên lụa chiffon và cả thếu truyền thống và cắt laser trên một chiết đầm kimono.
Sàn diễn lần này củng cố cho cách Iris Van Herpen chứng minh rằng với công nghệ và thủ công – không quên trí tưởng tượng và nghệ thuật – chúng ta có thể tạo nên những kỳ quan.
Cùng nhìn ngắm lại quá trình tạo ra các “tuyệt tác của biển sâu”:
Biên dịch: Hiếu Lê
Theo WWD
Ảnh: Internet