Kinh doanh mỹ phẩm: Những điều cần biết về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp 2020
Ngày đăng: 04/03/20
Mỹ phẩm sạch đang lên ngôi, song song đó việc sử dụng các influencer vào trong chiến lược tiếp thị đang được chú trọng, kênh Tik tok đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận Gen Z hiện nay. Bên cạnh đó, vẻ đẹp đa dạng không bị ràng buộc bởi khuôn khổ cũng là tiêu chí mới mà việc quảng bá cho sản phẩm làm đẹp hướng tới.
Bạn đang bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm? Đây là những điều bạn cần biết về những xu hướng làm đẹp nổi bật trong năm nay.
1. Mỹ phẩm sạch, mỹ phẩm organic lên ngôi
Khi thời trang bền vững lên ngôi, trong lĩnh vực làm đẹp “mỹ phẩm sạch” (sản phẩm không chứa paraben, sunfat và silicones) cũng bắt đầu được thế hệ Gen Z quan tâm nhiều hơn.
Nếu như trước đây nhiều ông lớn trong ngành đẹp mải mê chạy theo nghiên cứu những sản phẩm cao cấp với những thành phần quý hiếm nhằm chống lão hóa, trị sạm nám… thì việc người tiêu dùng thích thú với các sản phẩm bền vững đã mở ra một cánh cửa mới cho việc kinh doanh mỹ phẩm. Vừa qua, tập đoàn Shiseido đã mua lại thương hiệu mỹ phẩm sạch Drunk Elephant với giá 845 triệu đô la, trong khi tập đoàn Unilever mua Tatcha với giá 500 triệu đô la. Dự đoán, bên cạnh các vụ thu mua những thương hiệu thời trang sạch sẵn có, các tập đoàn lớn sẽ nghiên cứu thêm để ra mắt các dòng mỹ phẩm sạch của riêng họ trong tương lai.
Các sản phẩm chăm sóc da hữu cơ (Organic skin care) được ưu ái đặc biệt với giá trị vào năm 2018 là là 80 triệu Bảng Anh và thị trường toàn cầu ước tính đạt 34 tỷ Bảng năm 2019. Organic skin care được yêu thích bởi nhiều lý do. Nhất là khi mọi người đang bắt đầu ý thức về sức khỏe cũng như các vấn đề môi trường. Chưa bao giờ, việc bắt đầu một ý tưởng kinh doanh mỹ phẩm thuộc các dòng sản phẩm organic, nguồn gốc thiên nhiên lại thuận lợi như hiện nay. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu mỹ phẩm Việt đã thành công với các dòng mỹ phẩm thiên nhiên như: Vedette, Đại Việt Hương (E100), Thorakao, mỹ phẩm Organic Nâu Nâu…
Bên cạnh phát triển đặc tính của mỹ phẩm, thiết kế bao bì có trách nhiệm cũng đi kèm với xu hướng làm đẹp trong năm 2020. Các công ty phải thay đổi không chỉ sản phẩm mà còn cả các dịch vụ đóng gói của họ. Vừa qua, Hermès tung ra son môi với phần vỏ được thiết kế có thể tái sử dụng nhiều lần.
2. Mạng xã hội là công cụ tiếp thị quan trọng
Instagram và Facebook vẫn là những nền tảng tối ưu hóa việc quảng bá thương hiệu, nhưng các thương hiệu làm đẹp đã bắt đầu chú ý đến các nền tảng mới như TikTok. Mac Cosmetics là một trong những thương hiệu đầu tiên thử nghiệm ứng dụng video vào năm 2019, dự kiến các nền tảng chia sẻ video sẽ mở rộng hơn vào năm 2020 khi mà nhiều khách hàng trẻ vô cùng yêu thích.
Theo nghiên cứu, thế hệ Gen-Z dành hàng giờ để xem các video dạng ngắn trên TikTok. Huda Beauty, Jeffree Star và Fenty đều bắt đầu tài khoản TikTok trong khi các thương hiệu như Eos và E.L.F. chi tiền để quảng cáo và nhắm vào hashtag. Vào tháng 7, Sephora bắt đầu tham gia chương trình trao phần thưởng trên TikTok.
TikTok mang đến cho các thương hiệu một cơ hội để sáng tạo theo cách mới mẻ hơn trong thời đại hiện nay, nhất là khi kết hợp cùng các influencer.
3. Tiếp thị hướng đến cái đẹp tự nhiên và đa dạng
Năm vừa qua, Gucci Beauty đã chính thức tấn công vào thị trường làm đẹp sau thời gian dài ngủ đông, sau khi đã thống trị thị trường thời trang xa xỉ. Thương hiệu sử dụng hình ảnh bờ môi của ca sĩ nhạc Punk Dani Miller. Có thể thấy cô có hàm răng tương đối thưa, khểnh và ố màu bởi cafein qua năm tháng chứ không phải hàm răng trắng sứ quen thuộc. Mặc dù tạo nên cuộc tranh luận, Giám đốc sáng tạo của Gucci Alessandro Michele đã chia sẻ về thông điệp của mình: “Ý tưởng nhằm tạo nên một cái nhìn đầy nhân văn về con người, kể cả khi khác lạ. Nhưng chính sự khác lạ đó mới chính là con người, vì thế nó là vẻ đẹp.”
Mặc dù ý tưởng “tôn vinh vẻ đẹp thực sự” không phải quá mới mẻ, Dove đã thực hiện từng bước từ năm 2004, nhưng đến vài năm trở lại đây thì xu hướng này mới trở nên mạnh mẽ. Ý tưởng về nét đẹp hoàn mỹ không còn được ưa chuộng bằng vẻ đẹp tự nhiên.
Bên cạnh đó, thị trường mỹ phẩm cũng mở rộng dần đối tượng khách hàng với những dòng sản phẩm làm đẹp chuyên dụng cho nam giới và trẻ em. Nhất là với đối tượng trẻ em, theo dự đoán của Euromonitor, thị trường sản phẩm chăm sóc da trẻ sơ sinh và trẻ em toàn cầu đạt trị giá 3,6 tỷ USD – đã tăng 9% vào năm ngoái, với các sản phẩm cao cấp và sang trọng chiếm 45% thị phần.
4. Thương hiệu từ các ngôi sao
Thị trường mỹ phẩm toàn cầu phát triển khá mạnh mẽ trong 5 năm qua, bên cạnh những ông trùm lâu năm trong ngành làm đẹp, thì các ngôi sao cũng nhanh chóng chiếm thị phần mảng kinh doanh mỹ phẩm.
Những thương hiệu mới nổi của các ngôi sao có thể kể đến Fenty Beauty của ca sĩ Rihanna, Kylie Cosmetics của Kylie Jenner, Haus Beauty của Lady Gaga, Inglot Cosmetics của Jennifer Lopez… Không dừng lại ở đó, đầu tháng 2 vừa qua, Selena Gomez chính thức thông báo tham vọng lấn sân sang ngành công nghiệp làm đẹp bằng dòng mỹ phẩm mang tên Rare Beauty.
Lợi thế của các ngôi sao đó chính là có thể tận dụng sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội để quảng bá cho thương hiệu. Sau khi Selena Gomez đã đăng một video lên trang Instagram, chỉ vài phút sau tài khoản @rarebeauty đã chạm mốc 1 triệu người theo dõi.
Ở Việt Nam, các ngôi sao cũng lấn sân sang kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà với son môi M.O.I (hợp tác với một công ty Hàn Quốc), tương tự ca sĩ Bảo Anh cũng có dòng son môi với tên gọi Dreamer. Fashionista Châu Bùi có dòng son Ooh la Loulou. Ca sỹ Vũ Cát Tường cũng cho ra mắt dòng nước hoa “The Notes by Vũ Cát Tường”. Nhà thiết kế Chung Thanh Phong sở hữu IAM Cosmetics…
Thực hiện: Kiri
Lần đầu tiên, Beauty Marketing – Khóa học xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu mỹ phẩm và làm đẹp được ra mắt tại SR Fashion Business School – Không gian chia sẻ và giảng dạy kiến thức kinh doanh thời trang đầu tiên tại Việt Nam.
Khóa học cung cấp những kiến thức tổng quan về ngành công nghiệp Làm Đẹp ở Việt Nam và trên thế giới, về cách thức xây dựng hình ảnh và chiến lược quảng bá trong lĩnh vực Bán lẻ Mỹ phẩm. Khóa học dành cho những ai có đam mê với ngành mỹ phẩm – làm đẹp và muốn tìm hiểu thêm cũng như đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp này. Nhân sự thuộc các thương hiệu, tập đoàn mỹ phẩm – làm đẹp muốn củng cố kiến thức về ngành hoặc những cá nhân đang start-up thương hiệu mỹ phẩm riêng.