Pride Month: Phá bỏ định kiến, đàn ông đã diện váy đầm một cách kiêu hãnh
Ngày đăng: 19/06/24
Trong khi phụ nữ đã thành công khi vượt qua lằn ranh giới tính để sải bước trong chiếc quần tây từ trên phố đến thảm đỏ, thì một người đàn ông vẫn sẽ gây chú ý mạnh mẽ, thậm chí là tồi tệ hơn khi diện váy, đầm. Trong khi phụ nữ thì mạnh mẽ và phóng túng trong bộ vest như biểu tượng quyền lực thì một người đàn ông khoác lên mình chiếc đầm dạ hội lại bị xem như một kẻ đi ngược lại với số đông và nhận lấy sự gièm pha. Những điều đó phản ánh bản tính cổ hủ của các khuôn mẫu trong vấn đề giới từ xa xưa.
Mỗi khi một chàng trai xuất hiện với một chiếc váy, nó khiến chúng ta đặt câu hỏi về những chuẩn mực chúng ta đã tin, đã xem là tự nhiên. Mặc dù sự kỳ thị đối với các vấn đề giới tính trên và ngoài sàn diễn thời trang đã giảm bớt thời gian qua, thế nhưng nhiều người đàn ông vẫn phải dẹp bỏ những suy nghĩ của kẻ khác để sống với điều mình mong muốn.
Từ những bà hoàng vũ hội – Drag Queen đến các huyền thoại hip hop và cả trên những sàn runway xuyên suốt lịch sử thời trang, thông qua những gì khoác lên người, họ buộc thế giới phải suy nghĩ lại về những định kiến mà chúng ta áp đặt lên trang phục.
Ai Cập cổ đại
Theo quan điểm thời Ai Cập cổ đại, trang phục càng nhiều vải đồng nghĩa với giàu có hơn. Đương nhiên, nam giới cũng không ngoại lệ. Những người nam thuộc tầng lớp thượng lưu và các thành viên quý tộc thường mặc những chiếc áo dài đến đầu gối và chuyển sang áo choàng bằng vải lanh khi thời tiết mát mẻ.
La Mã cổ đại
“Toga” là loại trang phục phổ biến của đàn ông khắp đế chế La Mã, đại diện cho địa vị của người mặc nó. Những chiếc áo toga bằng len thô, không đường may của dân thường tách biệt họ với những ông vua, quý tộc diện áo nhuộm bóng, thêu đính công phu. Còn có thêm luật cấm phụ nữ mặc áo choàng như một đặc quyền dành cho đàn ông. Dẫu toga đã không còn được ưa chuộng do vật liệu dễ bắt lửa, nhưng nó vẫn là một trong những vật mang tính biểu tượng nhất của trang phục thời cổ đại.
Sân khấu kịch của thi hào William Shakespeare
Những bộ trang phục trong vở diễn của Shakespeare vô cùng phong phú, như những chiếc đầm xếp tầng lộng lẫy bằng satin màu, calico và cotton. Tuy nhiên, dưới thời nữ hoàng Elizabeth, phụ nữ không được phép biểu diễn trong nhà hát. Vì vậy, vai nữ và những chiếc váy được may, thêu công phu đó được trao cho các chàng trai trẻ, mảnh mai và giọng nói thánh thót trước tuổi dậy thì.
Vua Henry VIII
Được mệnh danh là “Vị Quân vương mặc đẹp nhất thế giới”, Vua Henry VIII đã thể hiện cái tôi cùng sự giàu có tột đỉnh của mình qua phong cách ăn mặc ngông cuồng đã đi vào huyền thoại. Danh sách phẩm phục cho giới quý tộc thời ấy trải dài từ áo choàng nhung với vô vàn đường thêu bằng chỉ vàng đến áo nạm đá và nhung quý hiếm đã được khai quật. Sau cái chết của vị vua này vào năm 1547, thời trang nam đã loại bỏ áo choàng thay vào đó những chiếc áo có cấu trúc cứng rắn hơn, nhấn mạnh vào tổng thể gọn gàng, nam tính hơn (theo quan niệm truyền thống).
Nhật Bản
Kimono có lẽ là một trong những trang phục có tính nhận diện cao nhất thế giới gấm hoa, với nguồn gốc từ một ngàn năm trước. Trải qua lịch sử phát triển, Kimono có rất ít thay đổi, nhưng nó vẫn nảy sinh ra sự phân định giới tính thông qua cách phối hợp màu sắc khác nhau. Do sự cầu kỳ và quá đắt đỏ, các kiểu may, thêu, in ấn phức tạp đã trở thành biểu tượng của sự giàu có, ví như chân dung một vị quý tộc năm 1902. Mặc dù Kimono đã không còn là thường phục phổ biến, các quý ông vẫn tiếp tục diện trang phục truyền thống này cho những dịp đặc biệt.
Mick Jagger
Tại buổi trình diễn ở Hyde Park năm 1969, thủ lĩnh nhóm nhạc Rolling Stones đã phủ ngoài chiếc quần dài vốn đã là thương hiệu của mình bằng một chiếc váy xòe tay bèo, được thiết kế bởi nhà thiết kế trang phục huyền thoại cho ngôi sao Michael Fish. Mặc dù những màn trình diễn của ông thật sự lập dị, độc nhất và nữ tính, Jagger vẫn được tôn vinh như một biểu tượng sex của thập niên 70, và đây là lần duy nhất ông diện một chiếc váy.
David Bowie
Từ những bộ váy, jumpsuit lấp lánh và khiêu gợi đến kỷ nguyên Ziggy Stardust thập niên 70 của mình, David Bowie đã phá vỡ làn ranh giới tính khi là nhạc sĩ nam đầu tiên loại bỏ hoàn toàn giới hạn về tính nam-nữ. Sau khi phủ đầy bìa album “The Man Who Sold the World” tại Anh, Bowie bắt đầu chuyến lưu diễn báo chí ở Mỹ với các “công cụ thu hút truyền thông”. Tuy nhiên, tại Mỹ, ông đã phát hành một bìa album khác, David Bowie trần trụi ngay trên tầm hình bìa, điều đó gây sốc nước Mỹ và thậm chí gây nên một cuộc đấu súng ở Texas. Khi nhìn lại những điều đó, ta được gợi nhớ về cách ông “uốn cong” các chuẩn mực giới tính.
Prince
Những lọn tóc xoăn và sự lấp lánh trên sân khấu phủ, vương miện đã trao cho Prince danh hiệu biểu tượng sex của thập niên 80. Siêu sao nhạc pop xem mọi album, MV và màn trình diễn như sàn runway độc nhất của riêng mình. Đi theo hình tượng ái nam ái nữ, Prince dẫn đầu với sự hòa trộn khéo léo bản tính của hai giới. Kẻ mắt bị nhòe là đặc trưng của Prince bên cạnh giày cao gót đế xuồng, váy mini táo bạo đã gây nên nhiều tranh cãi. Nhưng thật lạ lùng, sức quyến rũ nơi Prince vẫn chưa bao giờ bị phai nhạt bởi những định kiến luôn chống đối lại ông.
Hector Xtravaganza
Hector Xtravaganza đã dành gần bốn thập kỷ để xây dựng cộng đồng Drag tại thành phố New York, gầy dựng gia đình Xtravaganza, ủng hộ nhận thức về HIV và cuối cùng giành được danh hiệu tối cao “Ông tổ của các vũ hội”. Bên cạnh những cuộc dạo chơi của riêng mình, hầu hết những bộ trang phục do ông tự thiết kế, Xtravaganza từng là nhà thiết kế và tạo nên nên vài bộ trang phục mang tính biểu tượng của diễn viên Lil ‘Kim và sau đó làm cố vấn trang phục cho series phim Pose (phim dài tập mô tả cuộc sống và sự đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+ những năm 70, 80 ở New York).
Dennis Rodman
Năm 1996, cầu thủ bóng rổ đến buổi kí tặng cuốn tự truyện của mình, Bad as I Wanna Be, trên một chiếc xe ngựa kéo và mặc váy cưới. Ông tự nhận mình là người lưỡng tính và tuyên bố sẽ tự cưới mình. Mặc dù đây chỉ là cảnh đóng giả, nó đã trở thành một trong nhiều khoảnh khắc lập dị tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Dennis.
Gareth Pugh Thu-Đông 2011
Lấy cảm hứng từ những câu lạc bộ về đêm và nét độc đáo trong điêu khắc của Anh, thần đồng của Rick Owens và Michèle Lamy vượt qua mọi giới hạn với sự sáng tạo đầy ấn tượng. Chiếc váy chainmail cắt xẻ sâu được mặc lên một người mẫu nam, sau đó lại xuất hiện cùng Kendall Jenner và Angelina Jolie trên thảm đỏ danh giá.
Jean Paul Gaultier Thu-Đông 2011
Gaultier đã lấy cảm hứng từ vở ballet cho mùa Thu/ Đông 2011, được tạo hình theo các quy tắc “uốn cong giới tính” quen thuộc của nhà thiết kế. Một người mẫu diện chiếc trench thắt eo bước ra, phá vỡ quy tắc với phần chân váy xòe phồng tạo nên một bộ đồng phục phi giới tính.
Rick Owens Xuân-Hè 2013
Chủ nghĩa tối giản nhưng không đơn giản của Rick Owens không phải là cách mới để phá vỡ rào cản giới tính, nhưng là để đẩy những khái niệm này lên một tầng nghĩa mới. Lấy cảm hứng từ sự mạnh mẽ của nam tính truyền thống và được tô điểm bởi bộ sưu tập trang sức cá nhân của Michèle Lamy, bộ sưu tập Xuân – Hè 2013 mang đến sự quyến rũ ở góc nhìn thuần khiết nhất.
Young Thug
Rapper đến từ Atlanta, Young Thug, đứng trước tấm bìa album Jeffrey (2016) khi khoác lên mình một chiếc váy xù vô cùng công phu của Alessandro Trincone. Đối với một tay chơi có tiếng trong ngành công nghiệp chủ yếu thu lợi từ hình ảnh mạnh mẽ, nam tính thì sự lựa chọn của Young Thug thật sự rất đột phá, nhưng rapper cũng khá khôn ngoan khi nói: “Đối với Swag (Sành điệu) thì chẳng có gì liên quan đến giới tính cả.”
Hood By Air Xuân-Hè 2016
Cách tiếp cận đối với trang phục của Hood by Air thường giống như cách thời trang đường phố phá rối thời trang cao cấp. Những chiếc áo vốn dành cho cơ thể nam giới hay phi giới tính được anh khoác lên người mẫu nữ. Và mùa Xuân- Hè 2016, chủ đề đồng phục trường học được biến tấu với sandal cao gót có quai mảnh, phụ kiện DIY và áo sơ mi được tái cấu trúc.
Vivienne Westwood Thu-Đông 2016
Bộ sưu tập thời trang nam Thu-Đông 2016 của Westwood hòa lẫn vẻ nữ tính không thể nhầm lẫn với bộ đồ được may theo phong cách cổ điển, chẳng hạn như chiếc đầm vải lamé một vai này diện cùng quần tây ánh kim.
Jonathan Van Ness
Kể từ khi nổi tiếng với chuỗi phim Queer Eye của Netflix, Jonathan Van Ness đã mang đến nhiều khoảnh khắc thời trang đáng giá trên sàn catwalk, ví như bộ trang phục Maison Margiela này tại Creative Arts Emmys 2018. “Chúng ta có quyền loại bỏ thứ chuẩn mực giới tính vớ vẩn và các quy tắc ngu ngốc của nó.”, Jonathan tuyên bố
Thom Browne Xuân-Hè 2018
Bộ sưu tập nam Xuân-Hè 2018 của nhà thiết kế Thom Browne đã truyền tải suy nghĩ của anh đối với các vấn đề giới thông qua kiểu váy dài, đầm và váy xếp ly, đặc biệt là các trang phục mang đặc trưng của hai giới. Khi người mẫu cuối cùng khép lại chương trình trong vẻ ngoài của một chú rể diện tuxedo nhưng khi lướt qua hàng ghế, khán giả bị bỏ lại phía sau bởi hình ảnh một cô dâu.
Vivienne Westwood Xuân-Hè 2018
Còn ai phù hợp hơn là mẹ đỡ đầu của văn hóa punk để tuyên bố chấm dứt những chuẩn mực giới tính cổ hủ chứ? Tuy rằng chiếc váy bồng bềnh này tương đối “an toàn” trong một đường băng phá cách như mùa Xuân-Hè 2018, nhưng đây được đánh giá là một trong những sáng tạo vô cùng ấn tượng của nhà thiết kế nổi loạn.
Jean Paul Gaultier Thu-Đông 2018
Sàn diễn Thu-Đông 2018 đánh dấu màn tái xuất của trang phục nam giới sau nhiều mùa vắng bóng và gần 40 năm kể từ Jean Paul Gaultier mang đến chiếc váy dành cho quý ông đầu tiên vào những năm 80 và hơn thế nữa. Bộ đôi người mẫu nam-nữ bước ra khép lại sàn diễn cùng bộ váy với phần trên bằng nhựa trong, nửa kín nửa hở, với dòng chữ “Thả rông” bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Ezra Miller
Từng là một nhân vật mờ nhạt, ít người quan tâm, Ezra Miller nay trở thành một trong những gương mặt được săn đón nhất các thảm đỏ danh giá khắp Hollywood nhờ những màn xuất hiện xa hoa, nổi loạn. Chiếc váy chần bông này được sáng tạo bởi Pierpaolo Piccioli nhà Valentino hợp tác cùng Moncler. Nó đã mang đến cho Miller cả hai bản tính, vô cùng tinh tế nhưng cũng rắn rỏi tại buổi ra mắt phim Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald vào cuối năm 2018.
Gareth Pugh Xuân-Hè 2019
Được xem như lời ca ngợi và tưởng nhớ đến văn hóa vũ hội (ballroom) tại London, thật là một sự xúc phạm nếu Gareth không dành vị trí đẹp nhất cho những chiếc đầm (gown). Vì thế, chàng trai trẻ và tài năng mang đến những chiếc áo choàng, đầm bất đối xứng ôm sát cơ thể với các bản in cực đại.
Billy Porter
Nếu nhắc đến người đã có công rất lớn trong việc phá tan những định kiến về giới trong thời trang cao cấp thì không ai khác chính là Billy Porter. Không phải vì anh ta có là một diễn viên sáng giá hay không, mà là vì sự xuất hiện của anh làm mạng xã hội bùng nổ và anh được ca ngợi bởi sự đầu tư cho điều đó. Sải bước trên thảm đỏ Oscar 2019, anh ngập trong ánh đèn flash với trang phục nửa tuxedo nửa đầm dạ hội được may riêng bởi Christian Siriano. Nó như lời thách thức cho những quy tắc ăn mặc khô khan của Viện hàn lâm và tỏ lòng tôn kính với huyền thoại của những vũ hội, Hector Xtravaganza. Đồng thời, nó cũng khơi dậy sự tiến bộ trong cách nhìn nhận về sự nam tính.
Alessandro Trincone Thu-Đông 2019
Hai năm sau thành công với hình tượng của Young Thug trên bìa album Jeffery, Trincone đã dành riêng bộ sưu tập Thu / Đông 2019 của mình để loại bỏ nam tính độc hại. Những người đàn ông bước ra với quần áo sặc sỡ, nhúng bèo đầy nữ tính. Anh cũng kết hợp với lông vũ, lông thú,… để khắc họa hành trình khám phá bản thân và vượt ra khỏi mọi phán xét.
Jared Leto
Thảm hồng MET Gala năm trước tràn ngập những thử nghiệm đầy ngông cuồng, thỉnh thoảng lại đụng chạm đến những định kiến lỗi thời. Jared xuất hiện với chiếc thủ cấp của chính anh đã kéo truyền thông về phía Jared và diện một chiếc váy đỏ nạm pha lê của Gucci như một tuyên ngôn về phong cách.
Michael Urie
Michael bước đến MET như hai con người hoàn toàn khác nhau. Anh mặc trang phục nửa váy bồng bềnh màu hồng phấn, nửa là vest may đo chỉnh tề của Christian Siriano. Michael hoàn thiện vẻ ngoài với một nửa khuôn mặt tô son, đánh bóng và bông tai, bên còn lại thì đơn giản tựa một quý ông lịch lãm. Một cách chơi hoàn hảo theo chủ đề năm ấy, Notes on Camp.
Harry Styles
Được truyền cảm hứng về sự “bẻ cong rào cản giới tính” từ ban nhạc của Mick Jagger, Harry Styles xem thời trang như công cụ thú vị để thể hiện bản thân. Cùng bộ trang phục gợi nhớ về thập niên 70 và nghệ thuật làm móng kỳ công, Harry chưa từng ngần ngại những bộ trang phục có vẻ “lòe loẹt”, đơn giản vì anh thấy nó rất ngầu.
“Đàn ông mặc váy” không phải một xu hướng nhất thời, nó là một phần của quá trình chúng ta tái định nghĩa các vấn đề giới tính. Điều này càng trở nên mạnh mẽ và nhận được nhiều sự đồng thuận của các thương hiệu xa xỉ danh tiếng và cả thương hiệu đường phố. Khắp các sàn diễn Menswear Fashion Week Xuân-Hè và Thu-Đông 2020, từ Dior, Loewe, Gucci, Louis Vuitton,… hình tượng người đàn ông khoác lên mình bộ đầm lộng lẫy, chiếc áo baby doll đáng yêu,… như một tuyên ngôn mới về sự quyến rũ và cả cách mà thời trang tự phá bỏ những định kiến của chính mình.
Lược dịch: Hiếu Lê
Theo CR fashion book