Doanh số xa xỉ toàn cầu có thể giảm mạnh trong quý II/ 2020
Ngày đăng: 15/05/20
Theo báo cáo mới nhất từ Bain & Company hôm thứ Năm ngày 07/05 được CNBC trích dẫn, doanh số toàn cầu của sản phẩm xa xỉ có thể giảm tới 60% trong quý hai do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh số các sản phẩm xa xỉ bao gồm quần áo, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm và phụ kiện sẽ giảm khoảng 50% đến 60% trong ba tháng của quý II, kết thúc vào tháng Sáu.
Lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm ngoái, Covid-19 đã lây lan nhanh và khiến hơn 3,8 triệu người bị nhiễm, hơn 269.500 người chết. Để ngăn chặn tác hại khủng khiếp, các quốc gia đã thi hành các biện pháp đóng cửa nền kinh tế, cách ly xã hội, du lịch trong nước và quốc tế cũng bị đình trệ. Hàng triệu người lao động mất việc làm, thế giới bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng, theo IMF.
Mặc dù các biện pháp nghiêm ngặt đang được nới lỏng, nhưng Bain dự đoán sẽ có sự sụt giảm nhất định từ 20% đến 35% trong thị trường xa xỉ phẩm cho cả năm 2020. Doanh thu ước tính cho năm 2020 dự kiến từ 180 – 220 tỷ EUR (khoảng 195 tỷ – 239 tỷ USD).
“Sau đó, thị trường xa xỉ sẽ phục hồi nhưng các ngành công nghiệp liên quan chắc chắn sẽ bị chuyển đổi sâu sắc”, Claudia D’Arpizio, đối tác của Bain và tác giả của báo cáo, cho biết.
Báo cáo Bain & Company Luxury Study 2020 Spring Update được hợp tác thực hiện với hiệp hội các nhà sản xuất xa xỉ phẩm Ý, Altagamma. Báo cáo không tính đến xác suất lây nhiễm lần hai, hay đề cập đến tác động của vaccine.
McKinsey & Company cũng đã xuất bản một báo cáo vào tháng Tư, cho biết doanh thu toàn cầu cho thị trường xa xỉ dự kiến sẽ giảm từ 35% đến 39% vào năm 2020 so với năm trước. Phân tích cho thấy, nếu các cửa hàng vẫn đóng cửa trong hai tháng liên tiếp, khoảng 80% các công ty thời trang “niêm yết công khai tại Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng”.
Theo Bain, thị trường xa xỉ được ước tính đạt doanh số 281 tỷ EUR vào năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, giờ đây, con số đó chỉ có thể đạt được vào khoảng năm 2022 đến 2023, tùy thuộc vào xu hướng kinh tế, mức độ tin cậy của người dùng, dòng chảy du lịch và khả năng dự đoán – đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Trung Quốc được dự đoán sẽ dẫn đầu cuộc hồi sinh hàng xa xỉ. Đa số các địa phương của nước này đang bắt đầu phục hồi sau đợt cách ly kéo dài. Theo Bain, sau nhiều tháng đóng băng kinh tế và cách ly xã hội khiến thói quen sinh hoạt và làm việc bị phá vỡ, nay người dân Trung Quốc có thể đã sẵn sàng để quay trở lại cho những hoạt động bị cấm trong thời gian dài.
Do việc đi lại toàn cầu vẫn còn hạn chế, các khách hàng Trung Quốc vốn hay bay đến Paris, London hay New York để mua hàng thiết kế, hiện tại chỉ có thể mua hàng trong nước. Các thương hiệu mạnh nhất đang chứng kiến sự gia tăng trở lại doanh số bán tại Trung Quốc. Lưu lượng khách đến cửa hàng đang giảm gần một nửa so với năm 2019, tuy nhiên, người ghé thăm lại có xu hướng mua hàng nhiều hơn.
Cũng theo Bain, trong 5 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ chiếm gần một nửa tổng chi tiêu xa xỉ trên toàn thế giới, so với tỉ lệ 35% của năm 2019.
Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thị trường xa xỉ với khoảng 50% giao dịch diễn ra ở đại lục. Các thị trường còn lại ở châu Á cũng sẽ phát triển theo xu hướng này, được thúc đẩy bởi cả tiêu dùng địa phương lẫn du lịch nội vùng.
Thực hiện: Stephanie Nguyen
Theo CNBC