[Fashion Insider] Trò chuyện cùng Content Creator Giang Ơi: “Xin lỗi, không ai trải thảm đỏ cho bạn đi từ trường học ra đến sàn diễn”
Ngày đăng: 19/05/20
Chắc hẳn sẽ nhiều người đồng ý với tôi rằng Giang Ơi (Trần Lê Thu Giang) là một vlogger rất đặc biệt và có một màu sắc rất riêng. Những gì cô ấy nói, những câu chuyện được cô ấy chia sẻ trên trang Youtube của mình gần gũi, chân thực và truyền được cảm hứng đến khán giả của mình.
Tuy nhiên để có thể làm những điều đó, xây dựng được cá tính riêng cho kênh của mình, Giang Ơi cũng đã trải nghiệm rất nhiều thứ, làm nhiều việc và học hỏi rất nhiều điều. Có cơ hội trò chuyện cùng chị Thu Giang, tôi đã được lắng nghe về những câu chuyện nghề, trải nghiệm trước khi chị làm công việc của một người Sáng tạo nội dung (Content Creator) hiện tại. Những quan sát, kinh nghiệm mà chị rút ra sau một quãng thời gian là một Stylist, Fashion Marketing cho các tạp chí, thương hiệu sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ bước chân vào ngành thời trang. Cùng Style-Republik lắng nghe những chia sẻ từ chị!
Mọi người thường nghĩ về Giang Ơi như một Lifestyle Vlogger, tuy nhiên trước đây chị từng theo học chuyên ngành thiết kế tại Art University Bournemouth. Sau khi về nước, chị đã bắt đầu công việc như thế nào? Chị nhận thấy sự khác biệt gì giữa thị trường thời trang Việt Nam và Anh Quốc?
Dù ở đâu thì chúng ta đều phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp thời trang thật sự rất khác với những gì đã được học ở trường, nhất là sau khi học ở một nước khác nữa.
Những gì quan sát được bên Anh rất khác với khi tôi về đây. Biết rõ bản thân chưa bao giờ muốn trở thành một nhà thiết kế, lý do tôi học Thiết kế thời trang là để làm Stylist, thiên về khía cạnh truyền thông thời trang. Sau khi về Việt Nam, tôi nhận thấy có nhiều điều kiện khác, quá trình hơi giản lược hơn so với những gì mình đã được học.
Tôi từng làm toàn thời gian cho một tạp chí thời trang, và chưa có một ngày nào làm freelance (tự do) trong ngành thời trang. Thời đó, khi mới ra trường và làm in-house cho một tạp chí thì bạn sẽ nhận được nhiều chỉ dẫn hơn, vì bạn sẽ được hiểu, được tiếp xúc với anh chị đồng nghiệp hằng ngày. Và tôi được nhìn thấy quy trình làm việc của một tờ báo và học hỏi dựa trên đó. Sau đó, từ tờ báo, bản thân sẽ hiểu rộng ra quy trình làm việc của các đối tác, thương hiệu.
Các tạp chí thường xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều thương hiệu để được hỗ trợ sản phẩm cho các buổi chụp ảnh. Trong khi thời điểm năm 2012, số thương hiệu tại Việt Nam là rất hạn chế. Chị có thể chia sẻ về những khó khăn này không?
Khó khăn tất nhiên là có, vì trong tay mình có ít sự lựa chọn hơn. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian rất vui, vì tôi có một danh sách thương hiệu cụ thể và tương tác với họ rất thường xuyên, biết những mẫu mới rất sớm, tôi dần dần xây dựng được mối quan hệ rất chặt chẽ với các Brand manager (quản lý thương hiệu) và Marketing. Rõ ràng là điều kiện không được như bây giờ, thế nhưng ở thời nào cũng có cái được cái mất, mọi thứ rất khác chứ không phải tệ hơn.
Có trường hợp rất hay xảy ra là nhãn hàng cho phép tạp chí dùng sản phẩm để thực hiện shooting, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định và làm rất “căng” việc sản phẩm bị dơ, lỗi,… Thường người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là Stylist, họ phải bồi thường, chịu trách nhiệm. Vậy khi làm việc ba bên, người Stylist phải kết nối giữa nhãn hàng và tạp chí, thì có những lưu ý gì khi làm việc để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn?
Là một Stylist thì rõ ràng là bạn phải quan tâm đến những điều khoản thỏa thuận với người thuê mình lao động. Tức là tạp chí có những điều khoản để bảo vệ bạn hoặc nhiều khi không. Bạn phải đứng ra bảo vệ mình và những điều mà bạn cho là quyền lợi hợp lý của bản thân. Tuy nhiên, đúng là một điểm khá thiệt thòi cho Stylist tại Việt Nam, là mình không được các thương hiệu cung cấp mẫu (sample), chỉ có một số thương hiệu khá exclusive (riêng biệt) là quan tâm đến chuyện ấy. Một trong những thương hiệu cao cấp nổi tiếng với khăn lụa có những mẫu dành cho báo chí để chụp, nhưng các thương hiệu như vậy rất là hiếm. Còn lại là Stylist sẽ đến cửa hàng mượn đồ để chụp và làm sao để khi xong thì món đồ phải đủ điều kiện để bán. Những điều này có thể làm được nếu bạn là một Stylist rất cẩn thận, có thể kiểm soát chặt chẽ món đồ được mặc lên người mẫu, được tạo dáng, ngồi ở chỗ này, dựa vào chỗ kia… Khi chụp trong studio, ta có nhiều sự kiểm soát hơn. Còn đối với những buổi chụp ngoài trời, sự kiểm soát gần như là rất ít. Cái đó đúng là Stylist phải chịu, nhưng tôi nghĩ nó không hợp lý trong một số trường hợp nhất định.
Ví dụ, khi tôi là một Stylist không cẩn thận, mang đồ đi chụp rách chỗ này, hỏng chỗ kia thì phải đền. Là người làm nghề, bạn phải hiểu ngay từ đầu. Biết là đi chụp ở mỏm đá nhưng ta vẫn lựa chọn một món đồ bằng dạ hay bề mặt đặc biệt, biết là ngồi lên mỏm đá thì nó sẽ xước ngay lập tức mà vẫn mượn, thì đó là sơ suất của mình. Tuy nhiên, có những buổi chụp, được chỉ đạo bởi giám đốc sáng tạo, Stylist là người được chỉ đạo đi mượn đồ. Sau đó món đồ không giữ được do concept (ý tưởng) của buổi chụp, thế nhưng Stylist lại là người bồi thường, thì điều đó hoàn toàn không hợp lý.
Tuy nhiên, cuộc đời không bao giờ công bằng. Kể cả ở quốc tế, nơi mà thời trang đã phát triển rồi, người ta đã có một hệ thống rất rõ ràng, thì sự không công bằng và trường hợp ngoài ý muốn vẫn luôn luôn và chắc chắn xảy ra.
Ở nước ngoài cũng có nhiều vấn đề, do ngành công nghiệp này đã quá nhiều năm tuổi, nhiều thương hiệu lớn lợi dụng tên tuổi để tận dụng nhân công miễn phí với lý do: sinh viên mới ra trường cần vào thương hiệu ấy làm miễn phí để có tên thương hiệu trong hồ sơ của mình. Nhưng điều đó là không công bằng đối với một người lao động. Tất nhiên, thuận mua thì vừa bán, thỏa thuận được lập ra giữa hai bên, không ai ép người đó phải làm. Thế nhưng, mặt tối của một ngành công nghiệp đã quá phát triển ở nước ngoài đó là sức đào thải vô cùng khắc nghiệt, sự cạnh tranh quá lớn. Do đó, nó dồn người ta đến cái mức mà người ta không thể không nhận kỳ thực tập không lương ấy. Biết là bị lợi dụng nhưng phải làm, nhiều bạn đi phỏng vấn và được giao bài tập là vài bộ sưu tập, các bạn ngồi ở nhà “cày” để nộp, nhà tuyển dụng lấy cái đó sản xuất nhưng không hề nhận bạn sinh viên vào làm. Luôn luôn có những chuyện như vậy xảy ra. Nó không thể được giải quyết ngày một ngày hai được, mà phải mất rất nhiều thế hệ để sửa đổi, bởi không có bất kỳ một hệ thống nào hoàn hảo, sẽ luôn có vấn đề. Khi là người làm thời trang, trách nhiệm của bạn không phải là đi vào một nơi không có vấn đề, mà là tìm cách giải quyết những vấn đề.
Khi là người làm thời trang, trách nhiệm của bạn không phải là đi vào một nơi không có vấn đề, mà là tìm cách giải quyết những vấn đề.
Bên cạnh công việc Stylist, được biết chị đã tiếp tục theo học ngành marketing thời trang tại Anh. Sau khi về nước, chị đã bắt đầu công việc này như thế nào? Sự khác nhau giữa môi trường học tập và môi trường làm việc gây nên những khó khăn gì cho chị?
Sau khi học marketing, tôi biết mình muốn chuyển từ mảng báo chí sang thương hiệu và xin làm việc cho một thương hiệu trang sức, đá quý phân khúc cao, khá đặc thù. Đó là công việc đầu tiên, và duy nhất mà tôi làm kể từ ngày tốt nghiệp cao học cho đến khi làm công việc hiện tại.
Tôi không nghĩ sự khác biệt của những gì đã được học ở trường so với thực thế là một khó khăn. Mọi thứ đều có lý thuyết của nó. Bạn có thể trang điểm ấn tượng, cầu kỳ, nhưng để đạt được mức tay nghề như vậy, bạn phải nắm được những kiến thức cơ bản. Trong thời trang cũng vậy, luôn có những lý thuyết cơ bản và khi bạn nắm được những lý thuyết đó, thì trách nhiệm của bạn là áp dụng những kiến thức đó một cách linh hoạt vào công việc mà bạn được giao. Bất cứ công ty nào cũng có những bài toán khác nhau cần được giải. Không phải vì tôi làm cho thương hiệu này mà tôi sẽ giống một bạn làm cho một thương hiệu khác. Việc học được những kiến thức cơ bản là rất quý báu để bạn nắm được xương sống của vấn đề, đó là cách rất tốt để linh hoạt trong nhiều tình huống ngoài môi trường học tập.
Và công việc hiện tại của chị là một Content Creator (Nhà sáng tạo nội dung), làm thế nào để có thể tìm được công việc mà mình thật sự yêu thích nhất? Bởi cũng có rất nhiều bạn trẻ, sinh viên khi ra trường lại không có định hướng cho tương lai và tìm kiếm công việc phù hợp với mình.
Sự thiếu định hướng sau khi ra trường có thể là hậu quả của hai vấn đề. Đầu tiên là bạn đã chưa thật sự tập trung học. Bạn học đối phó và bạn học với đích đến là bài kiểm tra. Thứ hai là có thể bạn nghĩ rằng ra trường đồng nghĩa với việc chấm dứt học hỏi. Thế nên bạn cảm thấy hoang mang và tự hỏi:” Không làm bài kiểm tra nữa thì mình làm gì đây?” và cảm thấy lạc lối.
Nếu bạn nhận thức được điều đó, biết nó sẽ ảnh hưởng đến mình, thì để giải quyết những điều ấy, bạn cần hiểu được vì sao mình phải học những kiến thức ở trường. Ví dụ, tại sao ta lại được dạy khai thác những khái niệm, nguồn thông tin, cảm hứng, hay lý do người ta dạy mình làm sao để tạo ra những thiết kế trên giấy và tại sao mình phải học cái quá trình đó, tại sao mình phải vẽ và cắt rập, nó ảnh hưởng đến món đồ cuối cùng như thế nào… Tôi đã học tất cả những thứ đó, mặc dù tôi chưa bao giờ thích cắt rập, may vá, tôi học những điều ấy chỉ để hiểu những nguyên lý cơ bản. Làm sao tôi có thể không học mà biết mình không thích được.
Học đi đôi với hành, có lần tôi đi thực tập tại một siêu thị lớn ở Anh trong 2 tuần. Tuy là siêu thị nhưng họ có một nhánh trang phục với doanh số rất lớn. Tôi thực tập ở đó, chứng kiến họ mua những món đồ thời trang nhanh của các hãng High-street khác về làm mẫu, cắt từng miếng để copy, thay đổi 3-5 chi tiết để không bị kiện vì sao chép. Đó là cách họ làm việc và tôi buộc phải đi theo quy trình ấy. Chỉ 2 tuần ở đó, tôi biết việc này không dành cho mình. Chúng ta không chỉ thực hành để tìm ra những gì phù hợp với mình, mà còn để tìm ra những gì không dành cho mình nữa.
Rất quan trọng để tìm ra cái mình thích, nhưng bạn cũng phải tìm những cái bản thân không thích trong quá trình học. Và chỉ có thái độ học nghiêm túc, hiểu tại sao mình học kiến thức này mới có thể giúp bạn nhận ra nó.
Chúng ta không chỉ thực hành để tìm ra những gì phù hợp với mình, mà còn để tìm ra những gì không dành cho mình nữa.
Hoang mang, bối rối sau khi ra trường, đó là chuyện bình thường, ta phải luôn luôn có tinh thần học hỏi, nghe thì có vẻ rất bài vở, như một cuốn sách đạo đức mà không ai thèm đọc. Thế nhưng, cái tinh thần học hỏi là thứ rất thiếu ở các bạn mới ra trường, tôi cũng từng giống các bạn. Khi về nước tôi cũng nghĩ là mình học được cái này cái kia, mình quá siêu, thế nhưng rồi thất vọng vì môi trường ở đây không được như nước ngoài, như mình nghĩ là mình xứng đáng. Thực tế là cuộc đời sẽ cho ta vài cái tát để ta học được rằng mình đang ở đâu, hiểu được mình đang từ dưới đáy đi lên, không có vấn đề gì để mình tự ái về việc đó cả, là một sinh viên mới ra trường, mình đi từ đầu.
Nói thì dễ, làm thì khó. Học hỏi không có nghĩa là luôn cho rằng mình không biết gì, mình rất dốt, người ta nói gì mình cũng phải nghe. Bạn phải tiếp xúc với các anh chị có thâm niên trong nghề để biết rằng tiền bối của mình họ làm tốt ở đâu, họ sai ở đâu. Và khi bạn làm được điều đó, theo tôi, một bạn sinh viên mới ra trường sẽ khá ổn định và dần dần tìm được con đường phù hợp cho mình. Không phải ai cũng tìm được nó ngay, làm nghề một thời gian thì mới biết: À mình thích như vầy, như thế kia mình không thích. Từ đó, bạn đi theo hướng mình thích và làm thật giỏi cái ấy.
Cuộc đời sẽ cho ta vài cái tát để ta học được rằng mình đang ở đâu, hiểu được mình đang từ dưới đáy đi lên, không có vấn đề gì để mình tự ái về việc đó cả.
Nếu không ý thức rằng mình cần khiêm tốn và tích cực học hỏi từ các anh chị, những người đi trước càng sớm càng tốt, thì các bạn sinh viên sẽ gặp những thiệt thòi gì?
Có một lầm tưởng trong ngành thời trang, mà có nhiều bạn đã mắc. Vì các bạn nghĩ là các bạn thích đi mua sắm, các bạn biết năm nay đang chuộng màu đó, runway đang có mẫu đó,… và các bạn nghĩ mình giỏi nhất trong thời trang vì các bạn có thể mua được những món đồ ấy. Đó không phải tất cả của thời trang, bạn không thể đánh giá một người kém hợp xu hướng hơn bạn là người ta không thời trang bằng bạn. Thời trang rộng vô cùng, nó nằm trong hơi thở, cách suy nghĩ, văn hóa, âm nhạc, phim ảnh,… Khi bạn nghĩ rằng thời trang chỉ dừng lại ở ba bộ quần áo và bạn thì biết hết về thời trang rồi thì đó là lúc bạn sẽ ngừng học hỏi.
Và điều đó thật sự rất nguy hiểm, mình không hơn ai hết, chúng ta cần tiếp xúc nhiều hơn với những tiền bối, những người làm lâu và thật sự có tâm với nghề; phải nhìn vào sự khiêm tốn của họ, nó đến từ việc người ta hiểu về lĩnh vực này sâu đến mức mà người ta cho rằng sự hiểu biết của bản thân cũng chỉ là muối bỏ bể thôi. Mình càng học thì mình càng cảm thấy mình không bằng ai, càng cảm thấy mình không biết gì cả. Trí tưởng tượng của chúng ta sẽ rất hạn hẹp nếu ta không hiểu biết nhiều.
Khi tôi đi học và mới bước vào ngành thời trang, ban đầu tôi chỉ nghĩ thời trang là quần áo, trang sức, trang điểm,… những thứ gì đó đẹp đẹp trên người. Thế nhưng sau khi học tôi hiểu được là thời trang nó rộng và không có một giới hạn đến như thế nào. Không phải đơn giản chỉ vì tôi ăn mặc màu mè nên tôi có thể nói một người ăn mặc đơn giản là không thời trang bằng tôi. Tại sao các nhà thiết kế, sống trong thế giới thời trang, làm ra những bộ sưu tập màu sắc, cầu kỳ, rất xu hướng nhưng tại sao người ta lúc nào cũng mặc một chiếc áo đen. Có phải vì người ta ít thời trang hơn mình. Không phải! Một khi mình đã hiểu về thời trang đủ thì mình sẽ biết mình nhỏ bé đến cỡ nào. Không chỉ trong thời trang, mà ở bất cứ lĩnh vực gì, bạn nghĩ bạn tốt hơn tất cả mọi người rồi thì bạn sẽ thất bại và không ai thích bạn hết, kể cả bản thân bạn.
Đối với các bạn sinh viên theo học trong các ngành thời trang, chị nghĩ các bạn cần chuẩn bị những gì càng sớm càng tốt?
Gợi ý tốt nhất của tôi dành cho các bạn là hãy trau dồi kinh nghiệm làm việc từ khi mình còn đi học. Đôi khi công việc đó không phải công việc mơ ước của bạn. Có thể bạn muốn trở thành Nhà thiết kế, nhưng sẽ rất khó để một công ty tuyển một sinh viên vào vị trí thiết kế. Tuy vậy, bạn có thể làm bán hàng ở cửa hàng thời trang. Bạn sẽ học được cách phục vụ khách hàng, học được tâm lý của họ, học được quy trình cung ứng. Có thể bạn sẽ cho rằng mình là người sáng tạo am hiểu thời trang, nhưng bạn vẫn sẽ phải phục vụ những người mua hàng “chẳng hiểu gì về nghệ thuật”. Và đó sẽ là bài học mà cuộc đời thực tiễn dạy cho bạn.
Thế nhưng, tôi hiểu rằng không phải ai cũng có thể đi làm trong khi đi học, và điều đó không sao cả. Chúng ta chỉ cần xác định tinh thần là được cái này mất cái kia, những bạn chịu khó đi làm trong khi vẫn đi học sẽ có nhiều cơ hội rút ngắn thời gian tìm ra công việc phù hợp sau khi ra trường. Còn mình nếu chưa đi làm, thì xác suất ra trường làm việc không phù hợp sẽ cao. Điều này cũng là hoàn toàn bình thường. Quá trình của mỗi người là khác nhau. Quỹ thời gian mà chúng ta cần để tìm ra bản thân mình cũng sẽ khác nhau.
Bất kể bạn sẽ làm gì sau khi ra trường, thì công việc khi còn đi học sẽ dạy bạn biết rằng: Ta không bao giờ có thể quá giỏi để làm một việc gì đó. Không bao giờ được nghĩ công việc ấy không xứng với mình. Cơ hội sẽ vào tay người khác, nói thẳng là vậy. Có rất nhiều người cố gắng hơn bạn, nếu việc này bạn không làm, người khác sẽ làm, họ sẽ lấy được những gì bạn muốn có. Và bạn không thể giành được cái vị trí, công việc, hào nhoáng mà bạn nghĩ bạn sẽ có ngay khi bạn bước chân vào thế giới thời trang. Xin lỗi, không ai trải thảm đỏ cho bạn đi từ trường học ra đến sàn diễn. Bạn phải làm việc rất vất vả phía sau cánh gà.
Thành quả công việc sẽ chính là sự tự tôn của bạn. Lòng tự tôn trong thời trang không chỉ nằm ở việc mặc đồ đẹp, đeo túi hiệu, mà nó còn nằm ở những tác phẩm công việc mà bạn tạo ra. Bạn có thể chỉ mặc một chiếc áo đen quanh năm suốt tháng, nhưng bạn tạo ra những bộ sưu tập, những shoot hình rực rỡ, đó là giá trị của bạn.
Xin lỗi, không ai trải thảm đỏ cho bạn đi từ trường học ra đến sàn diễn. Bạn phải làm việc rất vất vả phía sau cánh gà.
Cuối cùng, hãy đừng dằn vặt bản thân quá nhiều. Mọi thứ tốt trên đời đều khó khăn, tốn thời gian và không chỉ có một lối đi duy nhất. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là cố gắng hết sức hoàn thành tốt công việc của mình ngày hôm nay. Kể cả việc của bạn chỉ là cắt một miếng vải, hãy cắt cho thẳng thớm. Một ngày nào đó nếu bạn kiên trì, có thể ánh sáng hào quang sẽ chiếu vào bạn. Nhưng muốn có cái ngày đó, hãy cắt miếng vải kia cho đẹp.
Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả Style-Republik!
—
Fashion Insider là chuỗi các buổi trò chuyện cùng những nhân vật hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam ở các vị trí khác nhau. Đó có thể là nhà thiết kế, fashionista, nhà báo, họa sĩ, người mẫu,… chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân không chỉ trong công việc sáng tạo mà còn về cuộc sống.
Đồng thời Style-Republik mong muốn khích lệ các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang khi giới thiệu về các vị trí công việc khác nhau và gợi lên hình ảnh về những nhân vật thầm lặng nhưng là một phần không thể thiếu của ngành thời trang.
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Duy Bảo
Địa điểm: L’Usine Thảo Điền