Tập đoàn sở hữu Zara đóng cửa 1200 cửa hàng thời trang trên toàn thế giới
Ngày đăng: 11/06/20
Tập đoàn Inditex đang tìm cách đẩy mạnh bán lẻ trực tuyến khi ảnh hưởng của virus Corona đã gây sụt giảm đến 44% doanh số.
Chủ sở hữu của Zara sẽ đóng cửa tới 1,200 cửa hàng trên toàn thế giới và tập trung cố gắng thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến trước sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tập đoàn Inditex cho biết họ sẽ đóng cửa từ 1,000 đến 1,200 cửa hàng nhỏ đang kinh doanh thua lỗ từ các thương hiệu của họ, ngoài Zara còn có Bershka, Pull & Bear và Massimo Dutti.
Đóng cửa dự kiến sẽ tập trung ở châu Á và châu Âu. Có thể hiểu rằng 107 cửa hàng của Inditex ở Anh có khả năng không bị ảnh hưởng gì đáng kể.
Inditex cho biết lực lượng lao động sẽ vẫn ổn định, và các nhân viên được phân bổ ở các vai trò công việc khác ví dụ như giải quyết các đơn hàng mua trực tuyến.
Tổng số cửa hàng sẽ giảm từ 7,412 xuống còn từ 6,700 đến 6,900 sau khi tái cơ cấu, bao gồm cả việc khai trương 450 cửa hàng mới.
Inditex, một trong những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với doanh số giảm 44% xuống còn 3,3 tỷ euro (2,9 tỷ bảng Anh) từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 30 tháng 4 trong quý đầu tiên của năm.
Công ty đã báo cáo khoản lỗ ròng ở mức 409 triệu euro trong quý đó. Gần một phần tư số các cửa hàng của công ty vẫn đóng cửa cho đến ngày 8 tháng Sáu.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến đã bù đắp cho sự sụt giảm doanh số, Inditex nói thêm. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 50% ở quý này so với cùng kỳ năm trước, và tăng 95% so với cùng kỳ trong tháng Tư.
Các nhà bán lẻ gạch và vữa trên khắp thế giới đã buộc phải đánh giá lại mô hình kinh doanh của họ trong đại dịch, trong bối cảnh lượng khách đến mua sắm trong các cửa hàng sẽ sụt giảm trong một khoảng thời gian đáng kể. Trong các thương hiệu thời trang của Anh, Monsoon Accessorize và Quiz cho biết hôm thứ Tư họ đã đóng cửa các chi nhánh và buộc phải cắt giảm hàng trăm nhân sự.
Lĩnh vực ăn uống cũng bị ảnh hưởng nặng nề, The Restaurant Group đã xác nhận vào thứ Tư rằng 125 chi nhánh của tập đoàn – chủ yếu là Frankie & Benny, và Garfunkel’s – sẽ không mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, đối mặt với rủi ro phải sa thải 3.000 nhân viên. Tập đoàn cũng sở hữu chuỗi cửa hàng Wagamama nhưng lại không bị ảnh hưởng.
Inditex cho biết họ sẽ đánh mạnh hơn vào mảng bán quần áo trực tuyến để đương đầu với những thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh trên những khu phố thương mại lớn như H&M, chủ sở hữu Uniqlo – Fast Retailing và các đối thủ mới chỉ đánh duy nhất vào mảng trực tuyến bao gồm Asos và Boohoo ở Anh đã gặt hái được nhiều thành công trong thời gian cách ly xã hội.
Theo kế hoạch mới của Inditex, bán hàng trực tuyến sẽ chiếm hơn 25% tổng số vào năm 2022, so với năm 2019 chỉ 14%. Các cửa hàng lớn hơn sẽ đóng vai trò là trung tâm phân phối cho việc bán hàng trực tuyến.
Inditex, dưới sự điều hành của nhà sáng lập Amancio Ortega, có kế hoạch chi 1 tỷ euro cho việc kinh doanh trực tuyến vào năm 2022 và thêm 1,7 tỷ euro cho các cửa hàng cho phép họ phối hợp linh hoạt với các trang web để giao hàng nhanh hơn và theo dõi sản phẩm theo thời gian thực.
Ảnh bìa: Một cửa hàng Zara đóng cửa. Việc đóng cửa hàng dự kiến sẽ tập trung ở châu Á và châu Âu, còn Vương quốc Anh ít bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Liam McBurney / PA
Thực hiện: Mỹ Đỗ
Theo Theguardian