Từ phong trào Grands Magasins đến các trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam
Ngày đăng: 05/07/20
Sự phân chia của nhiều tầng lớp xã hội và cuộc Cách Mạng Công Nghiệp [*1] đã dẫn đến đa dạng hàng hóa được sản xuất vào cuối thế kỷ XIX. Phong trào trung tâm thương mại bách hóa từ đó rộ lên khắp Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Anh. Các cửa hàng bách hóa (grands magasins) xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Paris, sau sự thành công của Le Bon Marché (1852), Dufayel (thành lập năm 1856, đóng cửa từ năm 1930), Printemps (1865) và Galeries Lafayette (1912).
Phong trào Grands Magasins lan rộng đến Viễn Đông và đặt những viên gạch đầu tiên cho lịch sử kinh doanh trung tâm thương mại ở Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, thương xá đầu tiên của xứ Đông Dương, Maison Godard (hay Grands Magasins Réunis – CMR) có mặt trên phố Paul Bert [*2] tại Hà Nội, nay là Tràng Tiền Plaza.
Maison Godard được xây dựng vào năm 1901 bởi Liên Hiệp Thương Mại Đông Dương và Châu Phi (LUCIA), trên nền đất cũ của xưởng đúc tiền Gia Long Thông Bảo (do triều Nguyễn lập vào năm 1808, đóng cửa vào năm 1882) tại thôn Tràng Tiền, Bắc Thành (Hà Nội) [*3]. Khu vực này nằm trong chính sách quy hoạch thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực quanh Hồ Gươm, uỷ thác bởi Công sứ Bonnal [*4].
Maison Godard được đặt theo tên của thương gia người Pháp Sébastien Godard (1839-1940), hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, từng là hội viên và hội trưởng Phòng Thương Mại Hà Nội, thiết lập nhiều cơ sở thương mại ở miền Bắc.
Trong vòng 2 thập niên tiếp theo đó, Maison Godard thường xuyên được tân trang từ diện mạo bên ngoài cho đến cấu trúc tổng thể, chủ sở hữu cũng có sự thay đổi, dòng chữ Godard & Cie trên mặt tiền được thay bằng L’union Commerciale Indochinoise et Africaine, rồi đến Grands Magasins Réunis.
Theo “Tin tổng hợp” đăng trên web của Cục Văn Thư & Lưu Trữ Nhà Nước, “Việc xây dựng Nhà Godard là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Hai chợ nổi tiếng ở Thăng Long gồm Bạch Mã và Cầu Đông. Chợ Bạch Mã có từ thời Lý (khoảng 1035). Lúc đầu gọi là chợ Cửa Đông. Đến đời nhà Trần đổi thành Bạch Mã vì ở gần đền Bạch Mã (nay là 76 phố Hàng Buồm). Chợ Cầu Đông ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là 38B phố Hàng Đường). Chợ Đồng Xuân do người Pháp xây dựng năm 1889 và khánh thành vào năm 1890. Ban đầu các gian hàng trong chợ làm bằng tre lợp lá. Sau đó được xây kiên cố vào đầu thế kỷ XX.”
Thời kỳ đó, chợ truyền thống họp theo phiên, chỉ bán nông sản, lương thực, đồ thủ công, các mặt hàng địa phương sản xuất tại Hà Nội và các vùng lân cận, một số sản phẩm khác được mang sang từ các tỉnh phía nam Trung Quốc. Maison Godard thì bán đủ thứ các hàng hoá tiêu dùng như vải vóc, quần áo thời thượng, giày dép, nước hoa, đồ nội thất…;các loại thực phẩm như bơ, phomat, bia…nhập cảng từ Châu Âu, Hồng Kông; và nhiều sản vật đến từ các thuộc địa của Pháp như Ấn, Algérie, Maroc.
Tuy nhiên, trong hơn một thập niên đầu thế kỷ XX, Maison Godard hầu như không chào đón khách Việt, kể cả những người Việt giàu có. Đến những năm 1920, khi các mặt hàng tơ lụa, guốc-hài, khăn xếp-nón lá truyền thống trên phố Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Nón… không thu hút được nhiều khách nữa, các chủ hiệu chuyển sang bán thêm âu phục, giày tây, mũ dạ, nước hoa và nhiều mặt hàng phương Tây khác, Maison Godard mất tính độc quyền và phải cạnh tranh với Kẻ Chợ, từ đó khách hàng người Việt bắt đầu được đón tiếp nồng hậu hơn.
Khi lịch sử sang trang, tháng 9/1959, Grands Magasins Réunis đổi tên thành Bách Hóa Tổng Hợp, thường gọi là Bách Hóa Tràng Tiền. Chính thức khai trương vào tháng 9/1960, Bách Hóa Tràng Tiền trở thành pháo đài thương nghiệp quốc doanh, nơi cung cấp đủ các loại nhu yếu phẩm cho Hà Nội và toàn miền Bắc trong suốt thời bao cấp, cùng với chợ Đồng Xuân, là một trong những biểu tượng lịch sử thương mại của Hà Nội trong suốt thế kỷ XX.
Tại Saigon, năm 1921, Grands Magasins Charner – GMC (Thương Xá Tax) được xây dựng, khánh thành vào ngày 26/11/1924, tại góc đường Bonard và Charner (sau 1955 đổi thành đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ). Cả hai GMR (Hanoi) và GMC (Saigon) đều sở hữu bởi Société Coloniale des Grands Magasins – Hiệp Hội Cửa Hàng Bách Hoá Thuộc Địa, thuộc công ty mẹ l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine (LUCIA) – Liên Hiệp Thương Mại Đông Dương và Châu Phi.
Grands Magasins Charner – GMC (Thương Xá Tax) nằm ở vị trí đắc địa nhất của trung tâm thành phố, nơi trải qua thăng trầm lịch sử và in dấu đậm sâu trong ký ức của người Sài Gòn xưa. Trong những năm 50 – 70, hầu như sản phẩm của các thương hiệu lớn ở Paris đều có mặt ở đây. GMC đã từng là nơi mua sắm hàng đầu của giới thượng lưu sành điệu người Pháp, Hoa, Việt và nhiều thương gia quốc tế khác tại Hòn Ngọc Viễn Đông.
Khoảng đầu thập niên 60, Grands Magasins Charner – GMC đổi tên thành Saigon Tax Trade Center, thường gọi là Thương Xá Tax. Những năm 1960 – 1970, mặc dù đã có sự xuất hiện của Thương Xá Eden (1955) và Crystal Palace (hay Thương Xá Tam Đa, 1968), nhưng Thương Xá Tax vẫn tiếp tục giữ ngôi vị là trung tâm thương mại sang trọng bậc nhất đô thành. Khoảng năm 1978, với chính sách tập trung kinh tế của nhà nước, tương tự Grands Magasins Réunis ở Hà Nội, Thương Xá Tax bị giải thể và trở thành một công ty quốc doanh mang tên “Cửa Hàng Phục Vụ Thiếu Nhi Thành Phố”.
Cho đến năm 1981, tòa nhà đổi tên thành “Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố”, do Sở Thương Nghiệp TP.HCM sở hữu. Năm 1997 có tên mới là “Công Ty Bán Lẻ Tổng Hợp Sài Gòn” do Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn (SATRA) quản lý, nhưng một năm sau đó thì cái tên Thương Xá Tax được trả lại.
Cho đến 2014, nhà nước có quyết định phá huỷ toà nhà, Thương Xá Tax chính thức đóng cửa từ ngày 25/9/2014. Từ 12/9 – 12/10/2016 là tháng cuối cùng trước khi thương xá Tax bị đập bỏ để xây dựng Tax Plaza 43 tầng, thuộc dự án phức hợp Trung Tâm Thương Mại – Dịch Vụ – Văn Phòng – Khách Sạn do SATRA làm chủ dự án. Đến cuối 2019, sau 5 năm (kể từ năm 2014), mặt bằng Thương Xá Tax xưa nằm cạnh bên công trường của dự án Tuyến Metro Số 1 – Đường Sắt Đô Thị TPHCM, Tax Plaza vẫn đang trong giai đoạn thi công và được trông đợi để góp mặt vào Skyline của thành phố.
Chú thích
[*1] Cách Mạng Công Nghiệp (Industrial Revolution hay First Industrial Revolution) là bước ngoặt chuyển đổi lớn trong lịch sử, diễn ra ở Châu Âu và Mỹ, giai đoạn từ khoảng năm 1760 đến 1840. Dệt may là ngành công nghiệp hàng đầu của Cách Mạng Công nghiệp (trước khi Charles Frederick Worth khai sinh khái niệm Haute Couture và tạo ra cuộc cách mạng kinh doanh thời trang).
[*2] Rue Paul Bert nằm trên trục đường dẫn từ Hoàng Thành Hà Nội tới khu nhượng địa, là khu vực tập trung đa dạng các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu phim, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, ngân hàng, nhà in & nhà xuất bản…Đây là con phố có diện mạo thay đổi nhiều nhất, cùng với Nhà Godard, đã chứng kiến biết bao phong ba thăng trầm của lịch sử Hà Nội.
[*3] Bắc Thành: là tên gọi của Hà Nội dưới thời Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, vốn là kinh đô Thăng Long cũ, đổi tên từ năm 1802 do nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào đất Thuận Hóa.
[*4] Công sứ Bonnal: một Công sứ Pháp (Résident), đại diện của người Pháp, do Toàn quyền Đông Dương cử xuống để quản lý một tỉnh (province) thuộc Pháp. Công sứ Bonnal được cử đến cai quản Hà Nội từ năm 1882
Ảnh bìa
Sảnh lớn bên trong Thương Xá Tax, khoảng 1950 – 1970. Nguồn: cochinchine-saigon.com
Thực hiện bài viết: Xu