Phong trào cải cách y phục phụ nữ lối mới kiểu “áo dài Le Mur”
Ngày đăng: 15/07/20
Vào thập niên 30, khao khát hòa nhập lối sống tân thời của phụ nữ thành thị tại thủ đô Đông Dương đã bộc lộ rõ. Trên một bức tranh toàn cảnh bao trùm màu đen và các sắc độ đậm nhạt thâm nâu, thấp thoáng các mảng màu “áo lam quần trắng” hay quai thao yếm đào, rồi “áo mùi, san trắng” của những năm 1920 xưa cũ nhường chỗ cho nhiễu Tây, lụa Tàu, vải Bombay đủ các màu. Vài năm đầu 1930, song cũng chỉ tân thời về màu về vải, trước khi phong trào “áo dài Le Mur” giải cấu trúc toàn bộ đường may lối cắt của y phục ngũ thân truyền thống, góp phần thay đổi quan niệm về y phục, về phẩm cách phụ nữ Việt hiện đại.
Cùng thời đó, một tổ chức mang tên Tự Lực Văn Đoàn với tinh thần cách tân văn học – một ý thức hệ khai sáng cấp tiến, chủ nghĩa lãng mạn và đại chúng, sẽ chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 2/3/1934 trên tuần báo Phong Hóa số 87 (mặc dù đã khởi xướng từ năm 1932) [*1]. Tự Lực Văn Đoàn là một văn phái được thành lập bởi một nhóm nhà văn trưởng thành trong các thập niên đầu thế kỷ XX, mang tinh thần âu hoá và đề cao chủ nghĩa tự do, đả kích cường quyền và xã hội hủ bại. Hoạt động của văn đoàn không chỉ tạo nên phong trào cách tân văn học mà còn tác động vào nhiều lĩnh vực cải cách văn hoá và xã hội. Y phục phụ nữ là một trong số đó, một lĩnh vực mà theo quan điểm tân tiến của văn đoàn là nên được khai phóng khỏi những ràng buộc bảo thủ của phong kiến và Nho giáo, để những người phụ nữ Việt nhận được sự phản chiếu tri thức và giá trị xứng đáng trong thời kỳ phấn đấu tiến bộ của dân tộc.
Phong Hoá và vẻ đẹp mới, y phục mới của phụ nữ
Nhu cầu về y phục phụ nữ tân thời đã xuất hiện trong đời sống xã hội từ khoảng 1932, nhưng mãi đến khi được nhuốm lên bởi tuần báo Phong Hóa (do nhóm Tự Lực Văn Đoàn quản lý), phong trào này mới thực sự nổi dậy. Trên Phong Hóa số 85 (Số Mùa Xuân) ngày 11/2/1934, chủ bút Nhất Linh lần đầu tiên mở ra chuyên mục mới có tựa là “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô”. Mục báo này được giao cho hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường phụ trách viết bài và minh hoạ, mà tay tạo mẫu nòng cốt chính là Le Mur Nguyễn Cát Tường – một hoạ sĩ tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương khóa 4, năm 1928 – 1933.
Lời tòa soạn đăng kèm trên chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô”, lần đầu ra mắt trên số 85 (Số Mùa Xuân), tuần báo Phong Hóa, ngày 11/2/1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Chủ đề đầu tiên của chuyên mục này chính là “Tính Ưa Đẹp Và Hay Trang Điểm” của phụ nữ. Nguyễn Cát Tường viết “…sự trang điểm là một tính rất hay và rất cần cho phụ-nữ mà trang điểm không những không trái luật thiên nhiên, lại còn tỏ ra rằng mình biết quý trong người và biết tự quý mình”.
Lý giải về việc làm đẹp để yêu quý bản thân và tôn trọng người khác, tác giả cho rằng “Người mà muốn cho mình đẹp thêm, cho cái giá của mình cao thêm, người đó tỏ ra rằng mình biết tự quý mình. Người đã biết tự quý mình, hẳn không bao giờ để cho người khác khinh rẻ mình, ghê sợ mình. Mà đã không để người khinh bỉ, ghê sợ mình tức là trọng người”. Và ông tin rằng, điều này cũng là “một phần giá trị và hạnh-phúc của phụ-nữ”
Cô Nguyễn Thị Hậu – “Người thiếu nữ đầu tiên mặc quần áo lối mới kiểu Lemur ”, người sau này sẽ trở thành Luật sư – Thị trưởng Đà Lạt (1965 – 1966), và là nữ thị trưởng duy nhất của Việt Nam. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Nguyễn Cát Tường (1912 – 1946) – người gốc Sơn Tây, là hoạ sĩ cộng tác vẽ tranh biếm hoạ (ký tên: A. S. Lemur) cho tuần báo Phong Hóa trước khi Tự Lực Văn Đoàn chính thức tuyên bố hoạt động (lúc chưa thuộc sở hữu của chủ bút Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam). Khi chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” được mở ra, Nguyễn Cát Tường trở thành nhà mỹ thuật vừa viết bài, vừa nghiên cứu y phục, vừa chế kiểu và còn chụp ảnh, vẽ minh hoạ ‘thời trang’ cho các tờ báo, sách, đặc san xuất bản bởi nhóm Tự Lực Văn Đoàn.
Một bức biếm hoạ ký tên A. S. Lemur, do hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường thực hiện, đăng trên tuần báo Phong Hóa số 13, ngày 8/9/1932. Nguồn: vantholacviet.com
“Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” bắt đầu từ số 85 với các bài xã luận chiếm hơn một trang báo, về sau ngắn gọn dần và tập trung minh hoạ các kiểu mẫu, cách may và cách mặc y phục mới do Le Mur Nguyễn Cát Tường sáng tạo, đến số 109 (3/8/1934) thì không còn xuất hiện chuyên mục này nữa. Thời gian sau đó, hoạ sĩ Le Mur có nhiều hoạt động đa dạng khác để lan truyền và giới thiệu y phục lối mới đến công chúng, đặc biệt là các quý bà quý cô thành thị khắp cả nước như hợp tác với nhà may, hiệu vải, sáng tạo kiểu với các họa sĩ khác…
“Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ tri thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu” – Le Mur Nguyễn Cát Tường, Phong Hoá số 86.
Tiếp nối chủ đề “Tính Ưa Đẹp Và Hay Trang Điểm”, Le Mur Nguyễn Cát Tường đã bày tỏ quan niệm của ông về “Y Phục Của Phụ Nữ”, đăng trên số 86 (23/2/1935), tuần báo Phong Hóa. Không riêng về vấn đề làm đẹp hay phải tân thời phỏng theo kiểu Âu Mỹ, tác giả trình bày ý riêng của mình rất cặn kẽ, từ việc phụ nữ Việt Nam phải có một vẻ riêng không nhầm lẫn với Tây, Tàu hay Nhật, đến việc sửa sang cách ăn mặc từ tốn từng bước sao cho phù hợp với vóc dáng riêng, cải thiện những chi tiết không cần thiết, và quan trọng là “gác bỏ ra ngoài những điều bình-phẩm vô giá-trị”, “miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời, có thể tổn đến hạnh phúc, hại đến danh-dự của ta và của nước”
Trích bài viết nhận xét về y phục phụ nữ nước ta của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, đăng trên báo Phong Hóa, số 86 ngày 23 tháng 2 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Qua phân tích của hoạ sĩ Le Mur đã phần nào thể hiện tư duy thẩm mỹ và sáng tạo của ông, cũng như ý chí cải cách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Rằng trang phục lối mới “cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”, sự canh tân cần phù hợp với những đặc tính bản địa như khí hậu, văn hoá và hình thể cá nhân của mỗi người, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, khi phong trào cải cách y phục nổi lên, không ít phụ nữ khước từ, không thiếu những nhà trí thức phê phán, cho rằng đó là lối sống học đòi, lệch lạc thuần phong mỹ tục, hay không thể hiện được “tính cách Việt-Nam”
“…lẽ tất nhiên mình bỏ dần lối Tầu đi mới được…Ta ở xứ nóng thì sao ta lại cứ theo họ là người xứ lạnh – chẳng lạnh lắm cũng lạnh hơn xứ mình – mà may ống tay chật, cổ khít lại cài khuy. Phụ-nữ đất Bắc ta ít khi gài khuy cổ, song ở trong Nam chẳng bao giờ đàn bà chịu để hở cổ. Làm như thế, họ đã tự đặt mình vào một hạng kỳ-quan…trong các kỳ-quan trong vũ-trụ..” – Nguyễn Cát Tường, Phong Hoá số 88
Dù vậy, các mẫu y phục do hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu đã thổi một luồng gió đổi mới vào xã hội miền Bắc lúc bấy giờ, từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng đến miền Trung và Nam Kỳ. Được các quý bà quý cô hoan nghênh nhất chính là những kiểu cách tân từ y phục phụ nữ 5 thân truyền thống, sáng chế dựa theo kiểu dáng và chi tiết âu phục của các “bà đầm” Pháp. Y phục lối mới dưới bút hoạ kiểu Le Mur không chỉ làm dấy lên xu hướng “áo dài thời trang” thời bấy giờ, mà còn khởi xướng cuộc cải cách y phục phụ nữ táo bạo, có sức ảnh hưởng và được thán phục bởi nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.
Trái: Các kiểu tay áo: kiểu lưỡi chàng, kiểu quả tim, kiểu đuôi tôm, kiểu thắt cổ bầu. Phong Hoá, số 87 ngày 2 tháng 3 năm 1934. Phải: Các kiểu cổ áo bánh bẻ, cổ lưỡi dao và cổ viền, đăng trên Phong Hoá, số 89 ngày 16 tháng 3 năm 1934.Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Đầu năm 1934, đây vẫn là thời đại khâu vá may đo, ngay trước khi giao thời với các loại y phục may sẵn – sẽ xuất hiện và phổ biến các loại áo len mùa rét, áo pull’over, áo chemisette, áo tắm bể… từ khoảng cuối thập niên 30. Tuy nhiên, ‘thời trang và phong cách’ qua việc làm đẹp, qua cách ăn mặc và lối sống quý mình trọng người của phụ nữ Việt Nam, đã được họa sĩ Le Mur hình dung mang tính cá nhân, thể hiện sự tự tin, tinh thần tự do và có chừng mực đối với văn minh đương thời.
Các mẫu “áo dài Le Mur” được thiết kế kín đáo và tiện lợi để mặc choàng bên ngoài quần áo ngủ. Nguồn: FB V-Vintage Club
Trên số Phong Hoá 93, ra ngày 13/4/1934, chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” có đăng ý kiến độc giả về việc cải cách y phục phụ nữ do hoạ sĩ Cát Tường khởi xướng. Độc giả ký tên “cô H.T.C” nêu quan điểm ủng hộ việc sửa sang y phục lối cũ để đẹp hơn, tân thời hơn của hoạ sĩ Cát Tường. Tuy nhiên, cô giải thích rằng các bạn gái trẻ tuổi như cô đều rất hoan nghênh nhưng không dám thực hành. Cô hiểu rằng các cụ không phải “không biết thế nào là hay đâu, nhưng vì các cụ không thích bỏ quốc hồn quốc tuý, mà nhất là không thích cho lời con cháu nói là phải…”
Bài báo của độc giả H.T.C chia sẻ về y phục tân thời Le Mur và kêu gọi các chị em phụ nữ thuyết phục các bậc cao niên chấp nhận những điều mới mẻ tốt đẹp thông qua cơ quan ngôn luận. Bài đăng trên Phong Hoá số 93, ngày 13/4/1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Không dừng lại ở việc tạo kiểu cách tân cho áo dài truyền thống, hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường còn sáng chế và hiện đại hoá các mẫu áo cánh mặc trong nhà. Ông cũng chế kiểu áo pyjama mặc đi biển, áo mặc mùa nực, áo cánh, áo yếm, giày cao gót và hợp tác với hiệu dệt để cho ra đời quần áo tắm, đồ mặc lót.
Trái: “Chung quanh viền cổ, tay áo và gấu có dút dua hay khâu một đường chỉ chạy theo hình chữ dét (Z)”. Mẫu áo cánh mùa hè, Phong Hoá số 101. Phải: Cổ, tay và bên sườn lối “cánh hoa sen” ghim bạc tram thay khuy vai (trong có thể dùng khuy bấm). Phong hoá số 106. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
“Minh oan” cho cái yếm, cải tiến thành yếm hiện đại và bày cho các chị em cắt may kiểu yếm mới, vừa đẹp, vừa giữ được nét truyền thống mà còn tránh để “giải yếm buộc thắt ra đằng sau gáy”, “làm hại cho nước da mịn màng, trắng trẻo ở gáy”. Báo Phong Hoá, số 103, ngày 22 tháng 6 năm 1934 và số 105, ngày 6 tháng 7 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Nguồn: FB V-Vintage Club
Chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” của hoạ sĩ Cát Tường đã trải qua hơn 20 số báo (bắt đầu từ số 85 rồi thưa dần đến số 109), với nhiều bài viết về làm đẹp, y phục, cách luyện tập thể thao,…chia sẻ ý kiến của độc giả, và cả các bài đối thoại tư tưởng công khai (đầy trào phúng) giữa các tờ báo về việc hoan nghênh hay công kích “áo dài Le Mur” tân thời.
Các bài viết của hoạ sĩ Cát Tường thưa dần qua các số mùa hè trên tờ Phong Hoá, riêng số 100 (ngày 1/6/1934) với chủ đề “Một Kiểu Y-Phục Nhà Quê” có lẻ do thành viên khác thực hiện, và tranh minh hoạ y phục ký tên D.S hay vì Le Mur như một loạt số báo trước và sau đó.
Trái: “Một Kiểu Y-Phục Nhà Quê”, tranh do một hoạ sĩ ký tên D.S đăng trên Phong Hoá số 100, ngày 1 tháng 6 năm 1934. Phải: tranh biếm hoạ ký tên bởi hoạ sĩ DSon, đăng ngày 15 tháng 6 năm 1934, Phong Hoá số 102. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Tháng 9/1934, hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và các đồng môn cùng thời gồm hoạ sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Tran (tức Ngạc Mai, hay bút danh Ngym) cho ra đời đặc san “Đẹp” mùa nực 1934, do NXB Đời Nay (do nhóm Tự Lực Văn Đoàn thành lập) phát hành.
Tờ Phong Hoá số 111 (18/8/1934) lần đầu tiên công bố sự ra đời của đặc san này, cho biết chính thức bán từ ngày 15 tháng 9 năm 1934, nội dung “nói về mọi vẻ đẹp. Nhiều tranh ảnh đẹp”, vẽ bìa bởi hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.
Quảng cáo đặc san “Đẹp” trên Phong Hóa số 114, ngày 07 tháng 9 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Nguồn ảnh: FB V-Vintage Club
Nguồn: FB V-Vintage Club
Nguồn: FB V-Vintage Club
Áo mới “Ngày nay” và ảnh hưởng của y phục Le Mur trong đời sống
Tuần báo Phong Hoá vẫn tiếp tục xuất bản đến số 190, ngày 5 tháng 6 năm 1936 trước khi đóng cửa. Nhưng các chuyên mục về vẻ đẹp của hoạ sĩ Nguyễn Cát tường đã tạm dừng lại khi thực hiện đặc san Đẹp vào mùa hè năm 1934. Đến khi tuần báo Ngày Nay ra đời, cuộc cải cách y phục phụ nữ tân thời của Le Mur Nguyễn Cát Tường xuất hiện trở lại, ngay trên trang bìa, số đầu tiên ra ngày 30 tháng 1 năm 1935.
Ngày Nay, số đầu tiên, ngày 30 tháng 1 năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Những số báo đầu tiên của tờ Ngày Nay, đặc biệt xuất bản trong những ngày chào năm mới, do đó các bản tin xoay quanh chủ đề y phục tân thời khắp Bắc Trung Nam giành được những vị trí tốt nhất, đầy không khí vui tươi phấn khởi. Hình ảnh các thiếu nữ mặc y phục lối mới kiểu Le Mur và chụp bởi Le Mur, được dùng làm ảnh bìa hoặc minh hoạ cho các trang tin nói về mùa hội hè, Lễ Tết, chợ phiên.
Ngày Nay, số 2, ngày 10 tháng 2 năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Ngày Nay, số 3, ngày 20 tháng 2 năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Ngày Nay, số 05,ngày 10 tháng 3 năm 1935. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Những cuộc tranh luận về cải cách y phục phụ nữ trong giới truyền thông đã không xuất hiện nữa, thay vào đó là đầy ắp những thông tin, kiến thức về thế giới lớn giữa một thời đại mới, xã hội mới. “Ngày Nay” cho thấy phụ nữ tân thời không chỉ mặc vào bộ y phục lối mới mà còn ‘cải cách tri thức’ của mình thêm nữa. Y phục tân thời đã đi vào đời sống, ‘phong cách’ ăn mặc giữa lối mới và lối cũ được dung hoà, thị trường nội hoá thời “áo dài Le Mur” bắt đầu thích ứng khi các cửa hiệu, nhà may, xưởng dệt tích cực mang đến nhiều kiểu quần áo, vải vóc, giày dép, mũ nón, nữ trang phù hợp và bổ trợ cho thị hiếu tân thời.
Báo Ngày Nay không có chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô”, mà thay vào đó là chuyên mục “Phụ Nữ”, bắt đầu từ số 17 ngày 19 tháng 7 năm 1936. Hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường cùng nhiều tác giả khác phát động lối sống hiện đại “khoẻ và đẹp”, bày cách đánh phấn tô son, dưỡng nhan, chăm sóc da móng tóc, luyện tập thể thao, nâng cao hiểu biết và bàn về cách đối nhân xử thế của phụ nữ.
Ngày Nay, số 28, ngày 4 tháng 10 năm 1936. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Báo Ngày Nay đăng thông tin về “Bảng đo những bộ phận của người khuôn mẫu (girl standard) năm 1935 và 1936 ở Mỹ”, trên số 28 ngày 4 tháng 10 năm 1936. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Các chủ đề làm đẹp đăng trên mục Phụ Nữ, báo Ngày Nay các số 24, 31 và 32 năm 1936. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Giai đoạn giữa thập niên 30, sau cơn chấn động của ý tưởng cải cách y phục phụ nữ bởi Le Mur và tuần báo Phong Hóa, sự cởi mở trong việc ăn mặc ‘hợp mố’ và trang điểm làm đẹp đối với các bạn trẻ, đã giúp nữ giới học cách quý trọng bản thân và nhận thức được giá trị xứng đáng của mình. Những năm 1934 – 1936 không chỉ là phong trào đổi mới y phục phụ nữ sôi nổi mà còn đánh dấu sự hình thành tư duy về “nữ quyền” trong đại chúng thành thị thời bấy giờ. Tháng 10/1936, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội họp nhỏ của chị em phụ nữ miền Bắc, tuy nhỏ nhưng là cuộc hội họp đầu tiên ghi nhận ý nguyện khẳng định bản thân của phụ nữ Việt Nam.
Cuội hội họp bạn gái đầu tiên của miền Bắc, được “Cô Duyên” – tác giả bài viết, bày tỏ sự ủng hộ và lòng vui sướng, tin rằng đó là “một điều hứa hẹn vẻ vang, làm cho cả những người bi quan đối với trình độ chị em mình cũng sinh lòng phấn khởi”. Báo Ngày Nay, số 28, ngày 4 tháng 10 năm 1936. Nguồn: news.hoasen.edu.vn/Nguoiraobaocu
Hiệu may y phục phụ nữ tân thời Le Mur
Cuối năm 1936, sau khi kết hôn với con gái của một chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh, hoạ sĩ Cát Tường và vợ là Nguyễn Thị Nội, cùng phát triển tên tuổi của ‘nhà tạo mẫu Le Mur’ và khai trường cửa hiệu y phục phụ nữ tân thời ở số 16, phố Lê Lợi vào ngày 9 tháng 7 năm 1937.
Các quảng cáo hiệu may y phục phụ nữ tân thời “to nhất Bắc Kỳ” của hoạ sĩ Cát Tường – người đầu tiên khởi xướng ra phòng trào y phục lối mới. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Trong thời gian này, được sự giúp sức và quán xuyến của vợ, việc kinh doanh phát đạt. Đến mùa hè năm 1937, hoạ sĩ Le Mur đã sáng tạo được khoảng 1000 mẫu y phục phụ nữ. Trong năm 1938, ông giới thiệu thêm nhiều mẫu Manteau (áo khoác măng-tô) và kiểu nón Le Mur mới lạ, thiết yếu cho mùa rét ở miền Bắc. Năm 1939, ông xuất bản tập tranh in “50 Mẫu Y Phục Phụ Nữ Le Mur” (nhà xuất bản Đời Nay phát hành), tuyển chọn những kiểu mẫu hợp thời nhất cho người lớn và trẻ em, kèm theo chú giải và hướng dẫn rõ ràng để người xem có thể lựa kiểu may, lối cắt, màu sắc và tính toán kích thước mua vải.
Quảng cáo các mẫu áo Manteau và nón Le Mur kiểu mới trong năm 1938 và 1939. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Sau khi chuyển đến số 14 phố Hàng Da vào năm 1939, hoạ sĩ Cát Tường đã tổ chức một sự kiện “Triển Lãm Lớn”, giới thiệu “Các Loại Vải Hiện Đại Nhất Của Nước Anh” dành cho mùa đông 1939. Về sau, cũng tại địa chỉ này, bà Nguyễn Thị Nội mở phòng trà Thiên Hương, nơi hội ngộ của những nghệ sỹ nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội.
Các quảng cáo giới thiệu sách “50 Mẫu Y Phục Phụ Nữ Le Mur” và “Grande Exposition” – triển lãm vải Anh tại địa chỉ số 14 Hàng Da của Le Mur. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Một phong trào định nghĩa quốc phục Việt Nam
Phong trào cải cách y phục phụ nữ tân thời, hay y phục phụ nữ lối mới kiểu Le Mur, mà ngày nay, phần đông các thế hệ của thế kỷ XXI chỉ quen gọi là “áo dài Le Mur”- Liệu có thể gọi là một phong trào góp phần định nghĩa quốc phục Việt Nam?
Cuộc cải cách y phục gắn liền với cái tên “Le Mur Nguyễn Cát Tường” là một gợn sóng trên dòng chảy lịch sử y phục Việt. Chỉ chậm nhịp hơn so với sự phong hóa y phục nam giới Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng phong trào cải cách y phục phụ nữ đã ‘diễn đạt’ một sự cải biến mang đậm màu sắc văn hoá và dấu vết của thời đại.
Đăng trên tuần báo Phong Hoá số 90, sau nhiều diễn giải và minh hoạ các chi tiết cách tân cổ áo, tay áo, cạp quần…ở các số báo trước, hoạ sĩ Cát Tường lần đầu tiên giới thiệu toàn diện một bộ “áo dài Le Mur” tân thời. Ông viết “… Sửa sang mà lại không mới, không khác kiểu mẫu cũ thì chẳng còn ai dám sửa sang cho “to truyện”…”. Mặc dù không gọi tên là “áo dài” nhưng theo hoạ sĩ Cát Tường, kiểu áo mới này “có một tính cách riêng”, “tỏ cho người ngoài biết rằng: nước ta đã đến thời kỳ biết cải cách và riêng cũng có bộ quốc phục hợp thời”.
Hoạ sĩ Cát Tường lần đầu tiên ra mắt phiên bản toàn diện của kiểu áo tân thời, của “áo dài Le Mur”. Phong Hoá, số 90 ngày 23 tháng 3 năm 1934. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường cũng như rất nhiều nhà sáng chế, tạo kiểu khác trong thời đại này không chỉ cải cách áo dài để tạo ra “thời trang” hay thích nghi với sự âu hoá, mà còn cải thiện và tân tiến từ chất liệu đến cách thức cắt may, ăn mặc sao cho phù hợp với vóc dáng con người, văn phong, thổ nhưỡng, khí hậu…
Đăng trên tienphong.vn (Hà Nội ngày 10/12/2016), viết bởi tác giả Văn Giá [*2] theo lời kể của ông Nguyễn Trọng Hiền, có chi tiết:
“…Sinh thời họa sĩ Cát Tường không chỉ sáng chế y phục phụ nữ, mà ông còn cải tiến mỹ thuật cho chiếc xe xích-lô đạp chân, sáng chế đồ mộc và đồ chơi cho trẻ em, vận động mở hiệu cắt tóc và tắm nước nóng cho nam giới, tham gia dạy mỹ thuật ở trường tư thục Thăng Long, tham gia vào Đoàn Ánh sáng làm việc nhân đạo và xã hội…Tên tuổi của họa sĩ Cát Tường đã được đưa vào cuốn Đại từ điển Danh nhân thế giới của NXB Iwanami (Nhật Bản).”
Trích phần Tiểu sử họa sĩ Nguyễn Cát Tường trong cuốn Đại Từ Điển Danh Nhân Thế Giới. Tokyo: Nhà xuất bản Iwanami, 2013, trang 764. Người dịch: Nguyễn Minh Hiếu. Nguồn:vantholacviet.com
Mặc dù rất nhiều chi tiết trong sáng tạo kiểu mẫu y phục của hoạ sĩ Le Mur không được kế thừa và phát huy trong những thập niên cuối thế kỷ XX, cũng như không còn phù hợp với thị hiếu đương đại thế kỷ XXI. Và còn những sự thật nhầm hiểu chưa được xác định, những giá trị chưa được công nhận. Nhưng những tác phẩm trong công cuộc cải cách quốc phục Việt Nam nói chung hay áo dài phụ nữ nói riêng, trong suốt thập niên 30, đã ít nhiều thay đổi ý thức hệ và để lại một di sản cận đại cho ngành thời trang Việt.
Tác giả Văn Giá đã bày tỏ mong muốn về việc sẽ có ai đó cất công sưu tầm và nghiên cứu, để “sự nghiệp và những đóng góp không nhỏ của họa sĩ vào công cuộc canh tân văn hóa của đất nước những năm đầu thế kỷ XX” được ghi nhận đúng mực trong tương lai.
Ngày 14/10/2019 tại TP.HCM đã diễn ra sự kiện ra mắt Viện Nghiên Cứu Trang Phục Việt do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thành lập, tọa đàm về chủ đề “Trang Phục Xứ Đàng Trong” và nhân dịp, viện có giới thiệu sách “Áo Dài Le Mur và Bối cảnh Phong Hoá & Ngày Nay” (Sách Khai Tâm, NXB Hồng Đức, tháng 12/2018) – một công trình khảo cứu của tiến sĩ Phạm Thảo Nguyên.
Tranh vẽ các thiếu nữ trên bìa sách của tác giả Phạm Thảo Nguyên chính là ảnh trang bìa của báo Ngày Nay, số Mùa Xuân 196, năm 1940. Bức tranh “Ba Thiếu Nữ” vẽ bởi hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, áp dụng kỹ thuật năm màu in trên giấy dày, trắng và láng, do Viễn Đông Ấn quán in. Nguồn: news.hoasen.edu.vn
Tác giả Phạm Thảo Nguyên là người thúc đẩy công trình số hoá toàn bộ báo Phong Hoá và Ngày Nay, bắt đầu chuẩn bị từ năm 2011 và chính thức triển khai từ ngày 22/9/2012. Tổng cộng 190 số báo Phong Hoá và 224 số báo Ngày Nay xuất bản trong những năm 1930 – 1940 được tiến sĩ Phạm Thảo Nguyên cùng các cộng sự, đăng tải trên website của Khoa Văn Học & Ngôn Ngữ – Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, Đại Học Hoa Sen, Khoa Ngữ Văn – Đại Học Sư Phạm Hà Nội và cho phép tất cả những người truy cập (trong và ngoài phạm vi trường đại học) có thể download miễn phí. [*3]
Chú thích
[*1] Có thể nói, Tự Lực Văn Đoàn đã bắt đầu được khởi xướng bởi Nguyễn Tường Tam (bút danh Nhất Linh) kể từ khi ông chính thức mua lại tuần báo Phong Hóa và ra mắt phiên bản “Phong Hoá mới” mang phong cách trào phúng – số 14, ngày 22/9/1932 với 8 trang khổ lớn, được đánh giá cao trong làng báo thời bấy giờ. Trước đó, tuần báo Phong Hóa đã xuất bản được 13 số và gần như sắp đình bản do không thu hút được độc giả.
[*2 ] Tác giả Văn Giá cho biết các thông tin, tư liệu và hình ảnh phần lớn được tiết lộ bởi ông Nguyễn Trọng Hiền (con trai của cố hoạ sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường), cũng như nhờ vào sự nghiên cứu, tìm tòi của nhiều nhà báo, nhà thiết kế trong nước.
[*3] Phần lớn bản báo giấy của Phong Hoá và Ngày Nay do bà Phạm Thảo Nguyên bỏ công sưu tầm và bảo quản, còn lại là đóng góp của các các nhà sưu tập Martina Nguyễn Thục Nhi và Nguyễn Trọng Hiền (con trai của hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường), cùng sự hỗ trợ của Nguyễn Tường Thiết, Vu Gia, Ðỗ Tuấn Khanh. (Lưu ý: hiện nay, bản số hoá trên website của Đại Học Hoa Sen, từ số 1 – 48 đăng nhầm file của báo Ngày Nay, thay vì là báo Phong Hóa)
Ảnh bìa:
Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tạp Chí Mỹ Thuật, Cục Mỹ Thuật Nhiếp Ảnh và Triển Lãm
Tranh sơn mài 8 tấm, cảnh “thiếu nữ trong vườn” là một mặt của cặp tranh sơn mài tên Bình Phong – một tác phẩm được công nhận Bảo Vật Quốc Gia vào năm 2017, được lưu giữ và nghiên cứu tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (TP.HCM) từ năm 1978.
Tác phẩm Bình Phong được hoàn thành vào năm 1939 (thời gian gần cuối phong trào cải cách “áo dài Le Mur”), thực hiện để trưng bày trong Dinh Bảo Đại (số 2, Đà Lạt) bởi hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, được xem tác phẩm đánh dấu thời kỳ đầu của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí
Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội hoạ Việt Nam hiện đại, là người đưa thể loại tranh sơn mài lên vị thế cao quý trong nền nghệ thuật Việt.
Thực hiện bài viết: Xu