“Livestream” bán hàng bất chấp, nhưng có tiếp cận được người mua?
Ngày đăng: 03/08/20
Theo Trung tâm Tin tức VTV24 đưa tin, cách đây ít lâu, Fanpage Facebook Branislav Ivanovic, một cựu cầu thủ của CLB Chelsea, đã biến thành fanpage bán quần áo online của người Việt. Điều này gây sốc trong cộng đồng mạng.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây Fanpage “Abiola Adeyemi Ajimobi”, một vị chính trị gia người Nigeria, cũng bất ngờ bị người Việt chiếm dụng để đăng tải nội dung bán hàng online. Ông Abiola Adeyemi Ajimobi qua đời vào tháng 06/2020 vì biến chứng của Covid-19.
Công bằng mà nói, livestream bán hàng không sai, nhưng cách thức xuất hiện thế này khiến người dùng mạng vô cùng phản cảm. Và tuy livestream bán hàng bất chấp như thế, nhưng người bán có thực sự tìm được khách mua?
Làn sóng livestream dần lan rộng
Livestream đã là một xu hướng trên toàn cầu và đang rất thịnh hành tại Trung Quốc và cũng đang phát triển tại thị trường Việt Nam. Doanh thu từ livestream được cho là tăng từ 3,5 tỷ đô la lên 17,6 tỷ đô la trong giai đoạn 2015-2020 tại Trung Quốc. Hàn Quốc và Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong thị trường phát trực tiếp châu Á, với mức tăng trưởng trung bình trên khu vực này (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam) dự báo với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 46,4%.
Hiện nay, rất nhiều nền tảng đã cung cấp tính năng livestream hoàn toàn miễn phí như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter. Livestream ngày càng trở nên phổ biến hơn nữa trong 6 tháng đầu năm 2020, nhất là trong thời gian lệnh giãn cách xã hội được áp dụng. Không thể mở cửa hàng buôn bán, nhiều chủ cửa hàng đem hàng hóa của mình lên mạng xã hội rao bán để có doanh thu.
N.T, 30 tuổi, nhân viên văn phòng, sống độc thân tại TP.HCM cho biết, mỗi tối khi lướt newfeed trên Facebook cô thi thoảng sẽ thấy xuất hiện livestream bán hàng, có lúc cô cũng sẽ nghe một chút người bán rao hàng chủ yếu để cho vui.
Ai cũng có thể livestream bán hàng
Kỳ thực livestream bán hàng không quá khó. Người bán chỉ cần một chiếc điện thoại có camera tốt một chút, một chân đế để cố định điện thoại, thêm micro và ánh sáng hỗ trợ, mạng internet thật tốt là đã có thể bán hàng bằng hình thức livestream. Tùy quy mô kinh doanh, nếu nhỏ người livestream có thể là là chủ hoặc nhân viên của shop, nếu quy mô lớn cửa hàng có thể thuê streamer hoặc người mẫu để hấp dẫn người xem.
Tuy nhiên, không phải người dùng mạng xã hội nào cũng có thời gian rảnh rỗi hoặc hứng thú để ngồi xem người bán rao hàng. Nhất là khi người bán lại đông, nếu không có “chiêu trò” đặc biệt gì, nhiều người bán dễ lâm vào tình trạng rao bán mà không ai xem. Từ đó nhiều phong cách bán hàng kỳ quái cũng như nhiều chiêu trò không lành mạnh để có lượng “view” đông cũng ra đời.
Nhất là khi người bán lại đông, nếu không có “chiêu trò” đặc biệt gì, nhiều người bán dễ lâm vào tình trạng rao bán mà không ai xem. Từ đó nhiều phong cách bán hàng kỳ quái cũng như nhiều chiêu trò không lành mạnh để có lượng “view” đông cũng ra đời.
P.T., 28 tuổi, sống ở Cần Thơ, lâm vào tình trạng thất nghiệp hồi đầu năm do Covid-19, cô được giới thiệu công việc bán hàng thời trang online. Người giới thiệu công việc cho cô nói cô chỉ cần nhập hàng của công ty may (nhưng không nêu rõ nguồn gốc công ty) sau đó đăng ảnh sản phẩm và livestream bán hàng. Nếu cần người giới thiệu có thể giúp cô mua các công cụ tăng lượt xem. Không tin tưởng hình thức trên mang lại hiệu quả, P.T. từ chối. Nhưng cũng có nhiều người quyết định bán hàng livestream như thế.
Từ phản cảm đến vi phạm pháp luật
Để thu hút người xem đông và chuyển đổi đơn hàng thành công, thay vì đầu tư cho fanpage, kịch bản livestream và chiến lược marketing, nhiều người lại sử dụng các hình thức spam gây khó chịu cho cộng đồng.
Một số lập nhiều nick ảo trên Facebook, cố gắng kết thật nhiều bạn, lợi dụng tính năng “notification” để tăng lượt view, hoặc tag và share vô tội vạ với những người không quen vào livestream. Nhiều group không có chức năng kiểm duyệt cũng xuất hiện nhiều video livestream bán hàng từ thành viên, làm giảm chất lượng group. Một số người dùng Facebook còn công khai quảng cáo hình thức tăng view livestream bán hàng cho người bán.
Khi livestream bán hàng của người Việt xuất hiện Fanpage Facebook Branislav Ivanovic và Abiola Adeyemi Ajimobi, nhiều người đã suy đoán những Fanpage này là bị “hack”. Nếu vậy đây là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xuất hiện trên các Fanpage bị “hack” có thể không phải là chủ ý của người bán online nhưng vô tình cũng khiến cho việc bán hàng livestream trở nên ngán ngẩm!
Livestream là xu hướng marketing có khả năng mang lại hiệu quả trong kinh doanh thời trang, nhưng cần đúng người, đúng nơi và đúng cách.
Theo Tuổi Trẻ đưa tin: “Ngày 7-7, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đã kiểm tra đột xuất 1 kho hàng lậu hơn 10.000m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn sản phẩm nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Đồng thời có 3 nhân viên đang thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook để bán hàng.” Đây cũng là bài học cho những người bán hàng thời trang, cần tỉnh táo xem xét nguồn gốc sản phẩm, cách thức bán hàng hợp pháp, trước khi bán hàng livestream trên mạng.
Bên cạnh đó, càng nhiều lượt view nhưng người xem lại không phải là đối tượng khách hàng, hàng hóa được bán không hấp dẫn, không có chính sách marketing phù hợp, thì cũng không mang lại được gì cho người bán trừ việc lãng phí thời gian. Nhìn chung, livestream là xu hướng marketing có khả năng mang lại hiệu quả trong kinh doanh thời trang, nhưng cần đúng người, đúng nơi và đúng cách.
Thực hiện: Koi