Bao bì mỹ phẩm: Thực sự cần thiết hay gánh nặng cho môi trường?
Ngày đăng: 17/04/21
Sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội, nước hoa, phấn phủ, son môi… Hầu như mỗi người đều có ít nhất một sản phẩm mỗi loại trong nhà và đi kèm với chúng là những loại bao bì, chủ yếu từ nhựa. Thậm chí, trong một số sản phẩm có tác dụng tẩy da chết còn có các hạt vi nhựa. Mua thêm một sản phẩm là thêm một bao bì nhựa được thải ra. Liệu bao bì mỹ phẩm có thực sự cần thiết hay chỉ gia tăng gánh nặng cho môi trường?
Hãy nhớ lại lần mua sắm những sản phẩm làm đẹp gần đây nhất của bạn và đếm thử xem có bao nhiêu món bạn đã mua và bao nhiêu lớp bao bì cần phải tháo bỏ để thực sự chạm đến sản phẩm thực sự. Không kể đến vô số loại giấy gói, hộp carton đựng mỹ phẩm nếu bạn mua sắm online thì rất có thể bạn sẽ phải tháo tầm 3 lớp vỏ mới dùng được món đồ đó: một lớp giấy bóng bọc bên ngoài để bảo vệ, một vỏ hộp đựng sản phẩm bằng giấy với chi chít thông tin về thành phần lẫn hướng dẫn sử dụng rồi cả thông tin sản xuất, một lớp vỏ bọc ở phần nắp chai để chắc chắn rằng sản phẩm chưa bị tháo seal và cuối cùng là chiếc vỏ plastic đựng sản phẩm đó.
Mỗi chiếc vỏ đựng sản phẩm sau mỗi lần sử dụng hết buộc phải vứt đi vì khi mua sản phẩm mới sẽ đi kèm với hộp mới chứ rất ít sản phẩm được bán theo dạng “refill”. Dù rất không muốn vứt bỏ những chiếc vỏ chai nhựa và biết rõ rằng chúng sẽ mất cả tỷ năm mới có thể phân hủy trong khi shelf-life (thời hạn sử dụng) của mỹ phẩm là 1-3 năm và chúng ta chỉ tồn tại trên Trái Đất tầm vài thập kỷ nhưng việc mua mỹ phẩm là không thể dừng lại, vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Trước hết, ta phải nhận thức được vai trò của bao bì cho các sản phẩm làm đẹp:
-
Nhận diện
Giữa vô số lựa chọn được sắp xếp cạnh nhau trên một kệ hàng ở siêu thị hay vô số các flagship store kề nhau trong một trung tâm thương mại, bao bì là công cụ giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và hiểu biết về sản phẩm thông qua các thông tin được ghi trên bao bì. Với các thương hiệu nổi tiếng, việc đầu tư vào bao bì càng trở nên quan trọng nếu họ muốn khẳng định vị trí thương hiệu cũng như tạo cảm xúc về thương hiệu cho khách hàng. Thậm chí cùng một sản phẩm và công thức nhưng bao bì được thiết kế lại để tăng mức độ nhận diện, thu hút khách hàng và để phân biệt với các thương hiệu khác.
-
Cung cấp thông tin
Trên thân bao bì mỹ phẩm cần có những thông tin cơ bản và bắt buộc sau để giúp định hướng người dùng: tên sản phẩm, công dụng, thành phần, xuất xứ, ngày tháng sản xuất & hết hạn, cảnh báo và hướng dẫn sử dụng.
-
Bảo vệ & lưu giữ sản phẩm
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của bao bì trong việc bảo quản mỹ phẩm. Dưới tác động của môi trường như ánh nắng, không khí, độ ẩm, nấm mốc, vi trùng… mỹ phẩm qua thời gian sẽ bị nhiễm khuẩn, oxy hóa và giảm chất lượng. Đó là lý do mà vì sao các nhà sản xuất luôn khuyến cáo mỹ phẩm nên được sử dụng hết trong một thời gian nhất định kể từ ngày mở nắp. Vì thế, bao bì có một vai trò quan trọng trong việc bảo quản mỹ phẩm khỏi sự tiếp xúc thường xuyên với môi trường nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Ngoài ra, bao bì giúp bảo vệ mỹ phẩm nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển, sắp xếp trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Theo thống kê từ năm 2017 bởi Science Advances, sản xuất và phát thải bao bì đứng đầu trong danh sách các ngành công nghiệp sử dụng nhựa trên toàn thế giới. Trong đó, nhựa chiếm 44.8%, trong khi các ngành công nghiệp khác thì ít hơn hẳn ví dụ như xây dựng (18.8%), vận tải (6.7%), điện tử (3.8%) và công nghiệp máy móc (0.8%).
Cần hiểu rõ rằng đây không phải 100% là lỗi của người tiêu dùng cho các vấn đề về rác thải nhựa. Người tiêu dùng không sai khi lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng, cụ thể là mỹ phẩm mà trùng hợp đi kèm với bao bì nhựa.
Ngoài việc giá thành là một trong các tiêu chí để khách hàng lựa chọn sản phẩm (sản phẩm mang mác Eco hay có thể tái chế/phân hủy thường có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường) thì điều kiện hỗ trợ người tiêu dùng cho việc tái chế các sản phẩm sau khi sử dụng vẫn còn hời hợt và chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, ngoài việc bỏ đi các chai lọ rỗng không thể sử dụng được nữa (xin lưu ý rằng nhựa được tái sử dụng nhiều lần có tiềm ẩn những nguy cơ tích tụ chất độc gây hại đến sức khỏe của con người), người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn nào khác. Vì thế, trách nhiệm lớn cũng thuộc về chính các nhà sản xuất khi các sản phẩm đưa ra thị trường đều được đóng gói trong bao bì nhựa. Việc giảm thiểu nhựa nên bắt đầu từ chính “đầu mối” chứ không nên đổ hoàn toàn trách nhiệm lên người tiêu dùng.
Một số giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa từ mỹ phẩm
-
Lựa chọn mỹ phẩm trong bao bì có thể tái chế
Khó có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa trong cuộc sống bởi tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã phát triển một số loại nhựa có thể tái chế được. Việc cần làm của bạn sau khi sử dụng xong các loại mỹ phẩm đó là phân loại các loại chai lọ và gửi chúng đến nơi có thể tái chế.
Cách để nhận biết đâu là loại bao bì nhựa có thể tái chế chính là nhìn vào ký hiệu tái chế và con số được đánh dấu ở đáy mỗi chai lọ. Các con số sẽ cho ta biết bao bì đó được làm từ chất liệu nhựa gì và có khả năng tái chế được hay không. Nếu hàng hóa có mã vạch để truy xuất nguồn gốc thì nhựa có mã Resin Idenfication Codes. Theo đó, sẽ có 7 loại nhựa được sử dụng cho bao bì. Trong số đó, #1 và #2 là hai loại nhựa dễ dàng được tái chế nhất, đó là PET/PETE và HDPE do đây là hai loại nhựa tương đối sạch và thuần khiết. Từ #3 đến #6 (PVC, LDPE, PP, PS) là những loại nhựa khó hoặc không thể tái chế. #7 là các sản phẩm làm từ các loại nhựa khác hoặc được pha trộn, không thuần chất khiến việc tái chế vô cùng khó khăn và nếu thải ra môi trường mà không qua xử lý sẽ mất hàng trăm triệu năm để phân hủy.
Ngoài các loại nhựa kể trên, ngày nay, nhiều nhà sản xuất đã ứng dụng nhựa sinh học vào bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, công dụng lớn nhất của nhựa sinh học chính là để thay thế nhựa truyền thống (được làm chủ yếu từ khí tự nhiên và dầu mỏ) giúp hạn chế những tác động xấu của nhựa lên sức khỏe. Nhựa sinh học thực sự cũng không dễ dàng phân hủy và tái chế như chúng ta nghĩ. Nhựa sinh học sẽ không thể phân hủy theo cách mà trái cây, rau củ phân hủy và chỉ có thể phân hủy dưới những quy trình công nghiệp tiêu chuẩn, còn không thì chúng cũng sẽ ra bãi rác chung với nhựa truyền thống.
Lý thuyết là thế nhưng thực tế, việc tái chế nhựa vẫn còn gặp nhiều bất cập. Không phải nơi nào cũng hỗ trợ việc tái chế nhựa và không phải nhựa nào cũng có thể tái chế. Trước hết, để các nhà máy có thể tái chế, họ cần phân loại nhựa. Việc phân loại nhựa không được quan tâm và giáo dục đúng mức, nhất là ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có thói quen phân loại nhựa hoặc nếu có, vẫn chưa có sự hiểu biết nhất định về nhựa có thể tái chế và không thể tái chế.
Hầu như rác thải nhựa sẽ lẫn lộn với rác sinh hoạt và đều được đưa ra bãi rác mà không thể phân loại hay xử lý. Tuy nhiên, việc phân loại và tái chế nhựa vẫn không hề dễ dàng ở những nước tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa. Theo EcoWatch, chỉ có 10-15% rác thải nhựa đưa đến các trung tâm tái chế của Mỹ là thực sự có thể tái chế, còn lại đều được đưa ra bãi rác, chung số phận với những loại rác thải còn lại. Còn theo Ủy ban Châu Âu, chỉ có 14.8% của 27 triệu tấn rác thải nhựa được tái chế ở Liên minh châu Âu vào năm 2016.
Vì thế, khi mua các mỹ phẩm trong bao bì nhựa, hãy để ý đến các ký hiệu tái chế và liên hệ nơi bạn sống để xem có chỗ nào hỗ trợ thu thập và tái chế nhựa hay không. Một số thương hiệu mỹ phẩm làm rất tốt việc khuyến khích và hỗ trợ khách hàng tái chế bao bì nhựa sau khi sử dụng đó là Kiehl’s của tập đoàn L’Oreal hay MAC. Cứ sau một số lượng vỏ chai lọ rỗng nhất định được mang lại cửa hàng, khách hàng sẽ được nhận một sản phẩm làm đẹp mới miễn phí.
Để hạn chế nhựa, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm làm đẹp có bao bì từ các chất liệu thân thiện hơn với môi trường như giấy, gỗ, vải, thủy tinh hoặc kim loại. Vừa qua, nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay, 1 trong 36 thương hiệu của tập đoàn L’Oréal đã ra mắt kem chống nắng Anthelios Body Milk Hydrating Lotion có bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng đầu tiên trên thế giới, sự kiện được xem là sự tiến bộ vượt bậc của ngành bao bì mỹ phẩm, làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng trung bình trong các tuýp bao bì nhựa thông thường.
Công nghệ bao bì giấy để giảm thiểu nhựa mới này được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung. Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo của tập đoàn L’Oréal sử dụng công nghệ bao bì mới này, dự kiến ra mắt các sản phẩm có bao bì thân thiện vào năm 2021.
Công nghệ bao bì giấy để giảm thiểu nhựa được áp dụng trong sản phẩm chống nắng toàn thân Anthelios ra đời từ chương trình hợp tác đầy tham vọng giữa tập đoàn L’Oréal và công ty bao bì mỹ phẩm nổi danh thế giới Albéa nhằm phát triển bao bì thế hệ mới bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Sau một năm hợp tác nghiên cứu, La Roche-Posay đã thay đổi tiến trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới bằng việc thay thế đến 45% phần nhựa của bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng.
Lợi ích môi trường của công nghệ này cũng được đánh giá bởi quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA), là một công nghệ hiện đại để đánh giá các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải. Theo quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm LCA của La Roche-Posay và Albéa, dấu chân sinh thái của tuýp kem chống nắng Anthelios 200ml dạng giấy này có mức tác động thấp nhất trong tất cả tiêu chí và nó được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.
-
Mỹ phẩm không bao bì
Mặc dù bao bì từ giấy hoặc vải có thể phân hủy trong môi trường nhưng vẫn tạo ra rác thải và sự lãng phí nếu những loại bao bì này không được tái sử dụng. Tôi chưa nghĩ ra được công dụng nào cho vỏ hộp giấy của một bánh xà phòng ngoài việc đựng bánh xà phòng đó trước khi sử dụng. Sau khi tháo vỏ hộp, tôi cũng không thể dùng nó để đựng cục xà phòng của mình nữa. Hơn nữa, việc khai thác gỗ để sản xuất giấy làm bao bì cũng như lượng khí và nước thải trong quá trình sản xuất cũng góp phần gia tăng gánh nặng cho môi trường.
Vậy câu hỏi là có nhất thiết mỹ phẩm nào cũng cần bao bì hay không? Một hãng mỹ phẩm tiên phong trong phòng trào mỹ phẩm “naked” không bao bì đó là Lush. Hơn 50% sản phẩm chăm sóc da, cơ thể và tóc của Lush không sử dụng bao bì và được làm ở dạng bánh. Nhận ra rằng đa số các mỹ phẩm đều có lượng lớn thành phần là nước, thậm chí 90-95% chỉ là nước và việc thực tế, chúng ta chỉ đang vận chuyển nước đi khắp thế giới và mua nước với một cái giá cao không cần thiết trong khi cái chúng ta cần là những thành phần khác có chức năng làm sạch và chăm sóc da. Vì thế, Lush đã loại bỏ nước khỏi công thức của sản phẩm và tạo hình hài lẫn màu sắc thú vị cho các sản phẩm của mình.
Thay vì để các sản phẩm “naked” này tan chảy hoặc bám bẩn trên khay, hãy dùng những chiếc túi vải cotton hoặc len tự nhiên có mắt lưới để đựng và tạo bọt khi sử dụng. Sau khi dùng xong, bạn có thể treo chúng lên để khô tự nhiên như cách mà một số thương hiệu như Herb n’ Spice của Việt Nam đang làm.
Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm đa năng (vừa rửa mặt, tắm, gội) cũng là một cách để hạn chế bao bì nhựa. Một số thương hiệu mỹ phẩm nội địa Việt Nam cung cấp các sản phẩm làm sạch đa năng bạn có thể tham khảo: Herb n’ Spice, Saigon Suds, Le Mai Artisanal Soap, The Jungle Herbs,…
-
Mỹ phẩm dạng refill
Một số thương hiệu mỹ phẩm đã sáng tạo ra các loại mỹ phẩm có thể “làm đầy lại” như Aveda, Stila hay thậm chí những hãng mỹ phẩm xa xỉ như Dior cũng góp mặt. Không chỉ các sản phẩm chăm sóc da, cơ thể và tóc mà các sản phẩm trang điểm như son môi, cushion, phấn mắt… đã được thiết kế để có thể “refill”. Năm 2019, Yves Saint Laurent đạt giải thưởng Paris Award 2019 trong hạng mục Skin Care Premium—Refillable cho sản phẩm Or Rouge La Crème.
Ngoài ra, ở Việt Nam cũng đang nở rộ nhiều “green station” nơi mà bạn có thể mang chai lọ rỗng đến và “fill” thêm mỹ phẩm vào theo dạng cân ký. Tiêu biểu đó là mô hình của Laiday Refill Station.
Lời kết
Loại bỏ hoàn toàn bao bì khỏi mỹ phẩm là một thử thách lớn và không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Đây là một hành trình cần có sự hợp tác của các thương hiệu, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Với nỗ lực của các bên và sự giáo dục đúng đắn, việc thay đổi là hoàn toàn khả thi. Nhiều thương hiệu tiên phong trong phong trào giảm thiểu bao bì nhựa mỹ phẩm đã tạo động lực cho các thương hiệu khác học tập theo đồng thời chính sự quan tâm và thức thời của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy sự tiến bộ này đi xa hơn trong tương lai.
Thực hiện: Mỹ Đỗ