Để phát triển bền vững mô hình kinh doanh thời trang second-hand thì sẽ cần lưu ý gì?

Ngày đăng: 31/08/20

Thị trường thời trang second-hand đang rầm rộ thịnh hành trở lại trong nửa đầu năm nay. Mô hình kinh doanh này liệu có tiềm năng phát triển bền vững hay không? Và nếu có thì sẽ cần phải lưu ý những gì?

Nếu quan tâm và thường xuyên cập nhật thời trang thông qua các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram thì ắt hẳn bạn đã ít nhất một lần nhìn thấy quảng cáo từ các boutique bán hàng second-hand tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng. Hàng sida, hàng second-hand, hàng thùng là tên gọi chung cho các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng nhưng còn ở tình trạng mới, được thu gom, xử lý và bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng. Kinh doanh thời trang second-hand giờ đây là sự lựa chọn của rất nhiều người trẻ muốn làm kinh tế và yêu thích thời trang vì nhẹ vốn, không cần tốn quá nhiều nhân lực, và dễ dàng để giao thương trực tuyến.

Để thông hiểu về vấn đề thị trường thời trang second-hand, hay còn gọi là resale đang quay trở lại rầm rộ tại Việt Nam là vì lý do gì, ta sẽ phải có một cái nhìn tổng quát hơn về thị trường này theo quy mô rộng hơn là quốc tế. Sẽ có những lí do chuyên biệt để giải thích rõ về thị trường resale, tuy nhiên 2 yếu tố cấu thành quan trọng nhất vẫn sẽ là sự phát triển của mạng xã hội dẫn đến nhận thức của người sử dụng bị tác động và nhận thức về thời trang bền vững của người trẻ, đặc biệt là Gen Z.

thời trang second-hand

Sự phát triển của thị trường resale ở hiện tại

Tháng Tư vừa qua, doanh nghiệp resale Vestiaire Collective được đầu tư 62,4 triệu đô giữa thời điểm COVID-19 đang bùng phát và gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Đây quả là một tin vui đối với cộng đồng hệ sinh thái kinh tế xoay vòng, đặc biệt hơn khi một trong các nhà đầu tư là tập đoàn Condé Nast – chủ sở hữu của rất nhiều ấn phẩm thời trang cao cấp như Vogue, GQ, W Magazine, và các trang Pitchfork hay cộng đồng Reddit. Thực chất, tập đoàn Condé Nast lần đầu đầu tư vào Vestiaire Collective là vào tháng 9 năm 2015. Vestiaire Collective giờ đã trở thành một doanh nghiệp đa quốc gia khi có văn phòng trụ sở ở nhiều nước trên thế giới, và trang e-commerce của họ cũng rộng mở cho thị trường quốc tế.

Selfridges – ông lớn của ngành bán lẻ thời trang tại Anh Quốc cũng nhanh chóng nhận ra tiềm năng của thị trường này. Theo chia sẻ của Bosse Mhyr – buying director của Selfridges, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ đã cho thấy rằng 80% quyết định mua hàng (buying) sẽ dựa vào dữ liệu doanh thu tại Selfridges, 20% còn lại sẽ để dành cho nhân lực buyer của Selfridges đi lùng sục các món phụ kiện, sản phẩm thời trang đắt giá, khan hiếm, đáng sở hữu ở khắp mọi nơi; và một trong những nguồn cung ứng trực tiếp đó sẽ chính là Vestiaire Collective.

Sự kết hợp này là vô cùng hợp lý, bởi kho dữ liệu sản phẩm resale của Vestiaire Collective có đến hơn 40 nghìn sản phẩm và liên tục được cập nhật mới. Nhiệm vụ của các buyer từ Selfridges là nhập các sản phẩm resale có giá trị từ Vestiaire Collective và thẩm định tình trạng, chất lượng và tính xác thực của thương hiệu rồi đưa chúng lên trang thương mại điện tử. Vestiaire Collective cũng có một cửa hàng mua sắm tại Selfridges để trưng bày những sản phẩm độc đáo, thu hút nhất trong kho hàng của họ.

Sự hợp tác hiệu quả giữa Vastiaire Collective và Selfridges cho thấy tiềm năng vô cùng lớn giữa mô hình resale và chuỗi bán lẻ, cũng như là giao thương trực tiếp với trực tuyến ở thị trường nội địa (lẫn quy mô quốc tế) sẽ là như thế nào trong tương lai. Điều này giúp gợi mở một mô hình kinh doanh lấy trọng tâm là resale và sustainability thể theo xu thế mua sắm lẫn nhu cầu của các nhóm đối tượng khách hàng chú trọng tính bền vững của thời trang đang ngày một tăng. Đã có những màn hợp tác giữa resale và retail trong thời gian qua như The RealReal x Burberry, Reformation x ThredUp, Nordstrom x Trove, Neiman Marcus x Fashionphile…

Những con số thống kê xác thực về thị trường thời trang second-hand

Theo nghiên cứu gần nhất của hãng BCG (Boston Consulting Group) về hành vi mua sắm của khách hàng đối với mặt hàng xa xỉ đã chỉ ra rằng 59% bị tác động bởi yếu tố bền vững của thời trang, 17% thì có niềm tin rằng mua sắm mặt hàng resale (second-hand) là một hành vi thực sự mang tính chất bền vững. BCG cũng đưa ra tài liệu thống kê cho thấy mức độ tăng trưởng trung bình qua từng năm của thị trường resale thời trang cao cấp là 12%, tăng nhanh hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường thời trang cao cấp là 3%.

Bên cạnh đó, thị trường resale được nhận định sẽ tăng trưởng từ 28 tỉ đô vào năm 2019 lên 64 tỉ đô vào năm 2024, chiếm giữ 7% thị trường thời trang cao cấp. Cũng theo đó, thế hệ Millennials và Gen Z là những người tiếp nhận xu thế thời trang second-hand nhanh gấp 2,5 lần so với những nhóm tuổi khác, dựa theo thống kê của ThredUP – là doanh nghiệp giao thương mặt hàng thời trang second-hand trực tuyến lớn nhất thế giới.

Cũng theo ThredUp thì mô hình kinh doanh resale lại phát triển rất tốt trong đợt dịch COVID-19 đang hoành hành. Theo đó, trong giai đoạn từ tháng Ba đến cuối tháng Năm, doanh nghiệp này vẫn duy trì được mức tăng trưởng 20% kể từ khi lệnh cách ly toàn xã hội được ban hành, trong khi những mô hình thương mại thời trang khác giảm đến 24%. Trước đó, sự cách biệt giữa ThredUp và các đối thủ khác còn lớn hơn nữa khi đạt mức 32%.

Trong thời kỳ cách ly COVID-19, số lượng người tiến hành dọn dẹp và phân loại đồ cũ là rất lớn. Phần đông họ sẽ lựa chọn bán đi các sản phẩm quần áo thời trang đã cũ với các lý do hợp lý là để kiếm tiền, tái chế vì môi trường, dọn dẹp tủ đồ hay là kiếm tiền để mua quần áo second-hand khác. Với diễn tiến của COVID-19, sẽ càng nhiều người mua sản phẩm second-hand để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng đồng thời giải tỏa tâm lý vì phải cách ly hay những vấn đề về kinh tế, lẫn phát sinh khác trong thời kỳ khó khăn. Và COVID-19 chính là bệ phóng thúc đẩy cho thị trường resale được tăng trưởng tốt hơn.

Đối tượng khách hàng là nữ giới mua sản phẩm thời trang second-hand đã tăng trưởng từ 45% trong năm 2016 lên tới 70% trong năm 2019, và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng thêm hơn trong các năm sắp tới. Con số cụ thể cho mức 70% trong năm 2019 là 62 triệu phụ nữ trên toàn thế giới, tăng 6 triệu người so với mức 56 triệu trong năm 2018.

Với mức tăng trưởng hứa hẹn này, thị trường resale được dự báo sẽ đạt doanh thu 80 tỉ đô la vào năm 2029, lớn hơn con số 10 tỉ đô vào năm 2009, và gần gấp đôi con số được ước tính dành cho thời trang nhanh là 43 tỉ đô. ThredUp cũng nhận định rằng mô hình kinh doanh resale sẽ giúp suy giảm tác động tiêu cực của toàn ngành thời trang nhanh, khi 4 triệu sản phẩm đã được tái sử dụng theo tính tuần hoàn thông qua nền tảng giao thương của doanh nghiệp này.

Khách hàng chính yếu của toàn ngành thời trang chính là Millennials và Gen Z trong vòng 10 năm tới

Nhận định về Gen Z và late-Millennial sẽ là thế hệ người trẻ rất thích trưng diện và khẳng định bản thân thông qua các nền tảng mạng xã hội. Người trẻ thuộc lớp này lớn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Facebook, Instagram, Tiktok, Snapchat… Với nhu cầu thể hiện bản thân thông qua thời trang, thế hệ này cũng là thế hệ được định hướng và truyền thụ tư tưởng thời trang bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vô cùng mạnh mẽ. Điều này gây sức ảnh hưởng rất lớn đối với quyết định tiêu dùng mặt hàng thời trang của họ.

Những thương hiệu thời trang nhanh Forever21, Topshop, H&M hay thậm chí là Zara giờ chỉ còn thịnh hành và là điểm đến mua sắm của thế hệ đi trước Gen Z. Đối với Gen Z, việc mua sắm các mặt hàng second-hand hay tìm đến dịch vụ thuê quần áo là một điều rất phổ biến. Đây sẽ là một thói quen được phát triển theo thời gian cho đến khi họ có khả năng chi trả cho những mặt hàng thời trang cao cấp.

Theo sự đánh giá khách quan từ các chuyên gia, sự tăng trưởng về thị trường thời trang second-hand (resale) sẽ tăng lên 52%, dịch vụ rental (thuê quần áo) sẽ tăng đến 28% và thời trang bền vững là 43%, trong khi đó thời trang nhanh sẽ bị giảm tới 24% và các trung tâm mua sắm sẽ giảm ở mức thấp nhất là 44%, trong vòng 5 năm tiếp theo.

Thế hệ tiếp nối Gen Z sẽ còn được hướng dẫn và thực hành những kiến thức thực tiễn về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm khí hậu, lãng phí tài nguyên thiết yếu như nguồn nước (vốn bị hao tổn rất nhiều bởi thời trang nhanh) mạnh mẽ hơn thế nữa. Và đây chính là tiền đề lớn nhất để các doanh nghiệp resale lớn như Buffalo Exchange, Goodwill NYNJ, ThredUp, Vestiaire Collective tiếp tục phát triển và được đầu tư thêm hơn vào mô hình doanh nghiệp của mình.

6 quy tắc phát triển mô hình kinh doanh thời trang second-hand bền vững

Xây dựng mối quan hệ thân tín với nguồn nhập hàng second-hand chất lượng

Vựa hàng thùng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và dễ tiếp cận nhất tập trung ở Phnom penh – Thủ đô Campuchia. Chủ kinh doanh có thể trực tiếp nhập hàng bằng cách đi từ TP Hồ Chí Minh theo đường Mộc Bài đến Tây Ninh sau đó đi thẳng tới Phnom penh. Tại đây hàng thùng được bán ở các khu chợ như Chợ Tà Mâu, Chợ cây tre, Chợ Olympic… và có rất nhiều người dân Việt ở khu vực này để nhờ cậy sự hỗ trợ. Chính bởi thị trường resale trên thế giới đang rất nhộn nhịp nên nguồn hàng tại đây cũng nhiều và cập nhật liên tục hơn hẳn.

Vựa hàng thùng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và dễ tiếp cận nhất tập trung ở Phnom penh – Thủ đô Campuchia

Trước đây thị trường resale cạnh tranh không quá gay gắt, nhưng với sự nở rộ và phát triển nhanh chóng của các boutique hàng second-hand như hiện tại thì nguồn nhập hàng chính là “cần câu cơm” của các chủ kinh doanh. Có hai cách nhập hàng second-hand phổ biến hiện nay là lấy theo kiện và lấy lẻ.

Lấy theo kiện đòi hỏi vốn lớn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro xảy ra nếu có; nếu may mắn sẽ được kiện hàng nhiều quần áo hàng thùng xịn, đẹp, ít lỗi bán chạy hoặc cả kiện toàn hàng bị hư hại nhiều, quá lỗi mốt, khiến hàng khó lòng bán được. Trong khi đó hình thức lấy lẻ là việc chủ kinh doanh sẽ nhặt ra từ kiện hàng từng chiếc một về bán. Hình thức này an toàn hơn nhưng giá mua cao hơn so với lấy theo kiện, cũng như đòi hỏi phải kiên nhẫn để lựa chọn được những món đồ ưng ý để bán cho khách hàng.

Tùy thuộc vào số vốn mà chủ kinh doanh sẽ quyết định phương cách nhập hàng. Tuy nhiên, yếu tố mấu chốt vẫn nằm ở việc giao thương khôn khéo với chủ nguồn hàng và thiết lập mối quan hệ thân tín, lâu dài với họ để có được mức giá nhập hàng tốt; có thể trả sau tiền nhập hàng; được ưu tiên hơn những chủ kinh doanh khác trong việc lựa hàng “cắt đầu” mỗi khi có đợt mới; hoặc được mách bảo những kinh nghiệm xử lý hàng cũ; kiện hàng nào có hàng xịn, dễ bán…

Thuật ngữ cần nắm về kinh doanh đồ second-hand

*hàng cắt đầu: Chủ kinh doanh đến khui kiện hàng đầu tiên và lựa 1 mình được gọi là hàng cắt đầu. Loại hàng này dành cho các bạn bán hàng online, bán hội chợ, mới bắt đầu kinh doanh hoặc đang kinh doanh, thậm chí cho các shop bán đồ mới. Thông thường, với hàng cắt đầu, phải lấy số lượng theo quy định từ bao nhiêu sản phẩm trở lên, ít hơn số lượng này sẽ ko được cắt hoặc sẽ phải chịu giá cao hơn. Giá lấy hàng cắt đầu sẽ cao hơn giá của hàng nước 1 và hàng đuôi vì chủ kinh doanh đã lựa được những cái độc, đẹp và mới nhất.

*hàng nước 1: là hàng sau khi cắt đầu. Loại hàng này dành cho các người ít vốn, muốn bán thử số lượng nhỏ lẻ trước khi đầu tư nghiêm túc.

*hàng đuôi: là loại hàng sau khi cắt đầu, nước 1, những cái còn lại được gọi là hàng đuôi, thường đã hết những sản phẩm tình trạng còn như mới từ 98% hay lạ mắt, độc đáo.

Hàng nhập từ nước ngoài cũng đa dạng, bạn cần phải nắm rõ một vài quy tắc nhất định về xuất xứ của kiện hàng để không lựa chọn sai. Nếu là từ thị trường Mỹ hay Úc, 80% hàng này là mới, thơm và chất lượng, nhưng giá đắt gấp đôi hàng nước khác và hầu hết là size lớn. Hàng Hàn Quốc về kiểu dáng thì đẹp, rẻ nhưng rất dễ dính hàng đuôi và chủ shop phải mất thêm chi phí giặt ủi lại cho thơm tho. Trong 1 kiện mà chứa khoảng 70-80% hàng đuôi sẽ rất khó bán chạy. Vì thế, đối với hàng này, để chắc chắn nhất, nên chỉ mua từng chiếc, hạn chế mua theo kiện nếu như chưa có kinh nghiệm hoặc mối kinh doanh hàng thùng uy tín. Hàng Nhật được xem là hàng dễ bán nhất, phù hợp với thị trường Việt, chất lượng ổn định, đa dạng mẫu mã, giá tốt.

Một khi nguồn lợi nhuận ổn định để phát triển thêm hơn, chủ doanh nghiệp có thể cân nhắc để thu mua các sản phẩm thời trang, phụ kiện cao cấp của các thương hiệu lớn, tên tuổi trên thế giới từ thị trường nội địa để làm giàu thêm hơn các hạng mục và phân tầng sản phẩm của mình. Dĩ nhiên phải đảm bảo rằng mặt hàng đó là sản phẩm chính hãng, có bảo chứng và tình trạng sản phẩm còn tốt.

Trang bị kiến thức về thời trang

Để phát triển và vận hành doanh nghiệp thì kiến thức phải là điều được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh những kiến thức nền tảng về cân đối dòng tiền, quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực, thì kiến thức thời trang cần phải được mở rộng, từ xu hướng, tính thẩm mỹ trong thời trang, đến tiếp thị, truyền thông, chạy quảng cáo trên mạng xã hội hiệu quả. Những kiến thức khác cũng hữu dụng không kém là hiểu biết về chất liệu vải, cách phối màu sắc, tư vấn trang phục phù hợp với vóc dáng người mặc, và các cách xử lý vết bẩn trên bề mặt trang phục, mùi hôi của vải.

Nếu kinh doanh phụ kiện như giày dép, thắt lưng thì những kiến thức, kinh nghiệm để xử lý chất liệu vải, da, simili… bị bẩn, bị cũ như thế nào cũng sẽ giúp tiết kiệm được chi phí và có nhiều sự lựa chọn khi nhập hàng hơn.

Hình ảnh sản phẩm phải được đầu tư

Nếu có thể thì hãy nhờ studio chụp sản phẩm chuyên biệt để hình ảnh toàn diện và chi tiết của sản phẩm trở nên thu hút, dễ tiếp cận khách hàng mới hơn. Lựa chọn hợp tác với studio chụp sản phẩm là điều cần thiết bởi họ sẽ chăm chút kỹ lưỡng về mặt hình ảnh và chủ doanh nghiệp chỉ cần đăng tải hình ảnh và thông tin sản phẩm sau đó.

Việc lựa chọn chụp sản phẩm trên người mẫu như catalogue cũng là điều nên làm. Khi đó cần cung cấp thông tin của mẫu như chiều cao, cân nặng để người mua có thể dễ liên tưởng. Bên cạnh đó, việc liên tục cập nhật các cách biến tấu trang phục, phục sức và mix-match trang phục theo xu hướng cũng sẽ làm tăng sức hút và độ tín nhiệm, được yêu thích của boutique.

Chuyên nghiệp và uy tín phải đặt lên hàng đầu

Vì phần đông đều lựa chọn đi theo hướng mở boutique second-hand trực tuyến, nên chủ kinh doanh phải luôn trung thực với khách hàng những lỗi trên sản phẩm (cả bên trong lẫn bên ngoài). Thông tin của sản phẩm phải được liệt kê rõ ràng: chiều dài áo, vai, tay, chất liệu vải, có lót bằng chất liệu gì… Việc tư vấn cẩn trọng và thỏa hiệp rõ ràng với khách hàng khi giao thương (như không đổi trả, hỗ trợ sửa sản phẩm để vừa với số đo, phương thức giao hàng, thanh toán…) là vô cùng cần thiết bởi những boutique second-hand trực tuyến nhiều vô số kể; và nếu có thái độ không thân thiện, chuyên nghiệp thì chuyện mất khách sẽ xảy đến rất nhanh.

Xây dựng thương hiệu

Đây là bước tiến lâu dài nhưng hợp lý lẫn cần thiết nếu chủ kinh doanh thực sự muốn xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Việc xây dựng một thương hiệu sẽ trở nên thiết thực một khi tình hình kinh doanh ngày một phát triển, có một lượng khách hàng thân thiết ổn định, lượng hàng nhập về ngày một nhiều, có các nguồn thu mua ở các khu vực khác để tiêu thụ hàng tồn kho.

Lúc này, chủ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Với việc đăng ký kinh doanh, việc xây dựng một đội ngũ nhân lực của thương hiệu là điều cần thiết. Những công việc quan trọng đối với một thương hiệu resale là nhân viên thu mua (buyer), nhân viên tiếp thị (marketing), nhân viên đồ họa (chỉnh sửa hình ảnh, banner, logo…), nhân viên kế toán, thủ kho, nhân viên kinh doanh, tư vấn bán hàng trực tuyến, nhân viên may, nhân viên xử lý sản phẩm sản phẩm…

Doanh nghiệp cũng cần đến việc xây dựng trang e-commerce của riêng mình để quá trình giao dịch được tự động hóa, chuyên nghiệp hơn. Việc xây dựng trang e-commerce cũng đồng thời để thu nhập những sở thích, dữ liệu, thị hiếu, nhu cầu của khách hàng khi mua sắm; chính những thông tin này sẽ góp phần để doanh nghiệp có những quyết định đúng đắn, an toàn hơn khi thu mua sản phẩm second-hand tại nguồn nhập hàng. Một trang e-commerce với diện mạo chuyên nghiệp sẽ làm gia tăng mức độ tin cậy của doanh nghiệp.

Việc xây dựng một cửa hàng trực tiếp để khách hàng đến thử và được tư vấn bởi đội ngũ nhân viên là một bước phát triển tiếp theo mà doanh nghiệp có thể cân nhắc. Về cơ bản, việc xây dựng một doanh nghiệp kinh doanh resale cũng chẳng kém cạnh một doanh nghiệp thời trang nội địa. Chính vì thế mà bài toán kinh doanh và kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình thời trang thiết kế nội địa hoàn toàn có thể tham khảo và vận dụng được cho mô hình resale.

Cửa hàng trực tiếp là cần thiết để tạo ra sự kết nối thân mật nhất với khách hàng.

Hiểu rõ giá trị và định hướng kinh doanh của mô hình resale

Như những thông tin cụ thể đã được chia sẻ, mô hình resale hoàn toàn có thể phát triển vững mạnh, ít nhất là trong vòng một thập kỷ sắp tới, khi mà thời trang nhanh dần suy thoái để thời trang bền vững, resale và rental lên ngôi. Kinh doanh thời trang second-hand có những thế mạnh như những sản phẩm độc, lạ, không đụng hàng, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu mua sắm nhiều và liên tục của người trẻ.

Nhưng giá trị thiết thực nhất của mô hình resale chính là giảm thiểu những tác hại của thời trang nhanh đến môi trường, đến tương lai và chất lượng cuộc sống con người. Resale là một mô hình kinh doanh tuần hoàn khỏe mạnh của nền kinh tế; đồng thời đem đến nhận thức đúng đắn tới người tiêu dùng khi rất nhiều những tổ chức nhân quyền, tổ chức vì môi trường như Fashion Revolution, Fashion4Freedom, Redress, Eco-Age, Sustainable Apparel Coalition (SAC), Ellen MacArthur Foundation (khởi nguồn cho phong trào Make Fashion Circular mà Stella McCartney, Burberry, GAP, H&M đều tham gia)… đều khuyên nhủ người tiêu dùng nên học cách trân trọng và tái chế các sản phẩm thời trang của mình một cách có ích đối với nền kinh tế, với môi trường, xã hội.

Hãy cùng chung tay để xây dựng một ngành thời trang tích cực, bền vững, giàu giá trị kinh tế lẫn tinh thần đối với cả hai bên cán cân thương mại là người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp.

Thực hiện: Fellini Rose

Các nguồn tư liệu tham khảo cho bài viết
[1] https://www.forbes.com/sites/brookerobertsislam/2019/11/08/the-retailer-tapping-the-billion-dollar-gen-z-resale-and-sustainability-opportunity/#1b3ca401795e

[2] https://www.thredup.com/resale/#resale-growth

[3] https://www.businessinsider.com/gen-z-most-photographed-generation-changes-shopping-habits-2019-6

[4] https://us.vestiairecollective.com/about/

[5] https://moda2hand.vn/hang-second-hand-la-gi.html

[6] https://www.sapo.vn/blog/kinh-doanh-quan-ao-hang-thung/

[7] https://www.ordre.com/en/news/sustainable-fashion-textiles-ngos-589

[8] https://so-awkward-rose.com/2020/09/14/hieu-ve-gen-z-nhom-khach-hang-chinh-yeu-cua-nen-kinh-te-trong-10-nam-toi/