Trước Kim Jones, đây là những cái tên lèo lái con thuyền sáng tạo của nhiều thương hiệu thời trang cùng lúc
Ngày đăng: 12/09/20
Mới đây, Fendi đã công bố nhà thiết kế Kim Jones sẽ trở thành giám đốc sáng tạo các dòng Haute Couture, Ready-To-Wear cho nữ và sản phẩm lông thú cao cấp thay cho huyền thoại quá cố Karl Lagerfeld. Điều này không đồng nghĩa với việc Kim Jones sẽ rời khỏi nhà Dior; mà anh vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng dòng đồ nam của thương hiệu này.
Đây không phải lần đầu tiên một nhà thiết kế trở thành giám đốc sáng tạo của hai hoặc nhiều thương hiệu khác nhau, kể cả thương hiệu mang tên mình. Hãy cùng Style-Republik điểm lại vài nhà thiết kế đã và đang lèo lái con thuyền sáng tạo của nhiều thương hiệu trong cùng một thời điểm.
Karl Lagerfeld
Chúng ta không thể không nhắc đến ông hoàng đầu bạc Karl Lagerfeld với vị trí giám đốc sáng tạo của Chanel (1974-2019) và là đồng sáng tạo cùng Silvia Venturini Fendi nhà Fendi (1965-2019). Nhưng ít ai biết rằng ông đã thành lập thương hiệu riêng của mình, Karl Lagerfeld (1974), trước khi gia nhập Chanel.
Nổi bật nhất là giai đoạn từ 1992 đến 1997, ông đảm nhận cả bốn thương hiệu Chlóe (1963–1978, 1992–1997), Chanel, Karl Lagerfeld và Fendi. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải chịu trách nhiệm cho hơn mười bốn bộ sưu tập một năm.
Demna Gvasalia
Năm 2015, Demna Gvasalia được gọi tên cho chiếc ghế giám đốc sáng tạo nhà Balenciaga để kế nhiệm Alexander Wang. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng và là thành quả sau nhiều năm tu học tại Walter van Beirendonck (2006), Maison Martin Margiela (2009) và Louis Vuitton (2013).
Nhưng đáng chú ý nhất chính là những bộ sưu tập của anh dưới tên thương hiệu mà anh đồng sáng lập – Vetements, ra mắt tại tuần lễ thời trang Paris năm 2014. Sự thành công của thương hiệu riêng đưa anh đến với nhà mốt di sản nước Pháp chỉ một năm sau đó, nhưng đến năm 2019, anh quyết định rời bỏ đứa con của mình để tập trung hoàn toàn cho Balenciaga.
Marc Jacobs
Nhà thiết kế Hoa Kỳ sớm đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton từ năm 1997 và để lại nhiều thành tựu, hợp tác cùng Stephen Sprouse, Takashi Murakami, Richard Prince và rapper Kanye West, Đây đồng thời cũng là cái bóng quá lớn dành cho Nicolas Ghesquière khi anh tiếp quản vào Tháng 11 năm 2013.
Không chỉ gây tiếng vang với thương hiệu nhà LVMH, Marc còn thành công với thương hiệu riêng của mình. Đỉnh điểm là năm 2008 với ba dòng Marc Jacobs, Marc by Marc Jacobs, và Marc Little có mặt tại nhiều thành phố ở Mỹ như New York, San Francisco, Los Angeles, Boston, Bal Harbour, Las Vegas, Chicago, Savannah, Provincetown, Massachusetts và tại các thành phố lớn khác trên thế giới (Tokyo, Paris, London, Madrid, Copenhagen và Moskva).
Kim Jones
Sớm xây dựng được tên tuổi sau khi tốt nghiệp trường đại học của những thiên tài – Central Saint Martins, năm 2011 Kim Jones được chào đón vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo dòng đồ nam cho Louis Vuitton thay cho Paul Helbers sau năm năm tại nhiệm.
Nhưng thành công rực rỡ của Kim Jones chỉ đến khi ông về nhà Dior và tiếp quản dòng đồ nam của Dior và chuyên đổi tên gọi Dior Homme của Hedi Slimane thành Dior Men. Phá bỏ định kiến thời trang nam thường không cao cấp, Kim Jones đã đưa kỹ thuật haute couture của những nghệ nhân bậc thầy vào các thiết kế của mình để tạo nên thành công về mặt thương mại của những bộ sưu tập hợp tác cùng các tên tuổi khác.
Vừa tạo ra các bộ sưu tập đầy tính sáng tạo và trở thành “máy in tiền” với những bộ sưu tập “sold out” vài giây sau khi mở bán, đây là điều mà các nhà đầu tư trông đợi và việc anh tiếp nhận thêm nhà Fendi là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Virgil Abloh
Khởi điểm của Virgil không phải là Off-White, mà là vị trí trợ lý thiết kế cho Kanye West. Nhưng chính cơ duyên này đã trao cho anh chàng kiến trúc sư cơ hội học tập và tiếp xúc với thời trang. Và Off-White đã ra đời như một thương hiệu thời trang đường phố cao cấp tại Milan. Nhưng quan trọng hơn hết chính là sự chú ý từ CEO của Louis Vuitton Michael Burke khi anh còn theo chân Kanye đã tạo nền tảng cho sự gia nhập nhà mốt Pháp.
Cũng như Demna Gvasalia, nhờ những thành công lớn của Off-White, Virgil được chọn ngồi vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo dòng đồ nam của Louis Vuitton năm 2018 thay cho Kim Jones, người sau đó đã về Dior Men. Bên cạnh công việc mới, anh vẫn tiếp tục chăm sóc đứa con của mình và ra mắt các bộ sưu tập song song với Louis Vuitton ở tất cả các mùa, chưa kể là những bộ sưu tập hợp tác cùng các tên tuổi khác.
Matthew Williams
Trước khi Kim John về với nhà Fendi, nội giới thời trang cũng từng chấn động với thông tin nhà thiết kế của thương hiệu đường phố được thành lập từ năm 2015, 1017 Alyx 9SM (Alyx) Matthew Williams sẽ tiếp quản nhà mốt lừng danh Givenchy sau khi Clare Waight Keller rời đi vào tháng Tư.
Alyx là một thương hiệu thời trang đường phố cao cấp; việc Kering bổ nhiệm Matthew vào vị trí này được xem là cách thương hiệu trẻ hóa và trở nên hợp thời hơn. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, đây là một bước đi khôn ngoan và tựa như cách mà LVMH đã làm khi đưa Virgil Abloh về Louis Vuitton và đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Jeremy Scott
Xây dựng thương hiệu mang tên mình vào năm 1997, Jeremy Scott đã gắn liền tên tuổi mình với các biểu tượng văn hóa Pop. Nổi bật là sự hợp tác của anh với Adidas, từ đây, Jeremy Scott càng được biết đến khi các ngôi sao Madonna, Katy Perry, CL and 2NE1, Nicki Minaj, Fergie, Beyoncé, Lady Gaga, Ariana Grande, Kanye West, Miley Cyrus, Demi Lovato, Selena Gomez, Justin Bieber, ASAP Rocky, M.I.A., Rita Ora và Cardi B diện các thiết kế của anh.
Màn ra mắt của anh tại nhà mốt Ý Moschino là vào mùa thu năm 2014 với các thiết kế mang nét trào phúng và châm biếm từ ngành công nghiệp thức ăn nhanh. Nổi tiếng và cũng gây tranh cãi nhất chính là mẫu áo khoác và chiếc túi xách nhái theo mẫu túi 2.55 nức tiếng của Chanel với logo chữ M (Moschino) nhại theo logo của McDonald.
Raf Simons
Sau lần đóng cửa vào năm 2000, Raf Simons tái mở cửa thương hiệu riêng của mình vào năm 2001 và thêm vào dòng Raf by Raf Simons năm 2005. Đây cũng là năm ông nhận chức giám đốc sáng tạo nhà mốt tối giản Jil Sander cho cả hai dòng nam và nữ dù chưa từng làm đồ womenwear. Rời nhà Jil Sander vào năm 2012 để thay chỗ John Galliano, Raf Simons ra mắt với bộ sưu tập Dior Haute Couture Thu-Đông 2012.
Bằng tư duy thẩm mỹ tối giản được thừa hưởng tại Jil Sander, Raf Simons tái định nghĩa tính lãng mạn và mơ mộng của một trong những nhà mốt couture biểu tượng đất Pháp với các tuyệt tác “không thể đơn giản hơn” nhưng thể hiện kỹ thuật rập và thêu đính đỉnh cao. Năm 2015 Raf Simons Mỹ tiến khi về nhà Calvin Klein và rời đi trong đổ vỡ sau ba năm tại vị.
Trong thời gian lèo lái các nhà mốt lớn, ông vẫn dành thời gian chăm chút và ra mắt đều đặn các bộ sưu tập dành cho nam giới dưới tên mình. Đặc biệt là vào năm 2017, khi Raf dành được giải thưởng cho Nhà thiết kế trang phụ của cả hai mảng nam và nữ của năm do Hội đồng thời trang Anh Quốc trao tặng.
Miuccia Prada
Thừa hưởng gia nghiệp thời trang từ gia đình, Miuccia Prada đã bước chân vào công ty 1978 và vực dậy thương hiệu với tư duy thẩm mỹ hiện đại, cấp tiến khi ứng dụng chất liệu Nylon, thứ làm nên tên tuổi của Prada đến ngày hôm nay. Cùng với chồng mình, Patrizio Bertelli, bà đã mở rộng thương hiệu khắp thế giới và sánh ngang với Chanel, Dior, thâu tóm Jil Sander và chọn Raf Simons về thương hiệu này.
Nhưng với cô con gái út nhà Prada, sự tăng trưởng của công ty cần được củng cố hơn nữa. Năm 1992, bà thành lập và là giám đốc sáng tạo của thương hiệu Miu Miu (tên thuở thiếu thời của Miuccia) với phong cách trẻ trung và năng động hơn dành cho các cô gái hiện đại.
Jonathan Anderson
Thành lập thương hiệu J.W.Anderson vào năm 2008 khi ra mắt bộ sưu tập menswear đầu tiên, hai năm sau anh tiếp tục giới thiệu các thiết kế dành cho nữ và dành được những thành công lớn cả về thương mại lẫn truyền thông.
Sau những giải thưởng như NEWGEN của Hội đồng thời trang Anh Quốc (06/10), Emerging Talent Award (11/12),… và các bộ sưu tập xuất sắc, năm 2013 anh chính thức đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo nhà mốt Tây Ban Nha Loewe.
Thực hiện: Hiếu Lê