Không chỉ Hermes, Louis Vuitton cũng gặp rắc rối hàng nhái do chính nhân viên của họ

Ngày đăng: 21/09/20

Túi xách hàng hiệu không chỉ là một món hàng thể hiện phong cách cá nhân, chúng còn là một món hàng đầu tư hiệu quả trong mắt các nhà đầu cơ. 

Những chiếc túi xách hàng hiệu không chỉ đắt đỏ, chúng còn được giới thượng lưu săn lùng. Các nhãn hàng xa xỉ tập trung vào việc quảng bá cho những chiếc túi, một trong những mặt hàng mang lại doanh thu chủ lực cho thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ còn đối mặt với việc chống lại các băng nhóm chuyên làm hàng giả, nhái với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. 

Các nhãn hàng xa xỉ đối mặt với việc chống lại các băng nhóm chuyên làm hàng giả, nhái với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn.

Mới đây, trong tháng Chín vừa qua, nhân viên của Louis Vuitton đã bị cáo buộc bán túi chưa được phát hành cho dân làm giả. Băng nhóm này có một đường dây hoạt động chuyên nghiệp để làm giàu trên những sản phẩm giả bán ra khi mà người mua vẫn đinh ninh rằng mình đang mua túi thật. 

Theo Robb Report, vụ bê bối của Louis Vuitton liên quan đến hai điều mà thương hiệu di sản này không lường trước được: công nghệ đỉnh cao và nhân viên của chính họ.

Một đại diện bán hàng từ cửa hàng Quảng Châu của thương hiệu cao cấp Pháp bị cáo buộc đã nhiều lần bán những mẫu túi trước ngày ra mắt với mức giá đáng kể cho các tổ chức hàng giả. Theo một báo cáo từ WWD, điều này đã tạo cho họ đủ cơ hội để sản xuất hàng giả trong thời gian tương ứng với việc phát hành hàng chính hãng .

Louis Vuitton Cruise 2020

Lực lượng cảnh sát ở Thượng Hải đã bắt giữ 62 băng nhóm tội phạm vào tháng trước vì buôn bán túi giả. Trong quá trình điều tra, họ cũng đã thu giữ hàng chục bộ thiết bị sản xuất hàng giả cùng với 2.000 túi giả và 100.000 mảnh nguyên liệu trị giá khoảng 14,6 triệu USD. Những “đồ giả chất lượng cao” này lại ngược lại –  chúng thậm chí kết hợp công nghệ tiên tiến chưa được triển khai vào hàng hóa chính hãng của Vuitton. Được tạo ra bằng chip cảm biến NFC, những chiếc túi hướng người mua đến trang web chính thức của Louis Vuitton sau khi được quét.

Cuối tháng Sáu vừa qua, một số cá nhân đã xuất hiện tại phiên tòa xét xử vụ mua bán và làm giả túi xách Hermès. Nhóm bị cáo đứng trước ban chánh án tại Paris và tường thuật chi tiết toàn bộ quá trình của tổ chức chuyên làm giả túi xách với hơn 8 năm lẩn tránh pháp luật. Những chiếc túi xách thuộc dòng cao cấp được tạo ra giống phiên bản của thương hiệu đến không ngờ với các chất liệu cao cấp và dụng cụ của chính hãng.

Trong số 10 bị cáo bị xét xử trong vụ án làm túi Hermès giả có 7 cá nhân là nhân viên của Hermès, họ không chỉ bị lôi vào các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ mà còn bị buộc các tội danh hình sự (abus de confiance) do có những hành động trái luật Pháp như chiếm dụng/ sử dụng sai mục đích tài sản công ty.

Hàng giả, hàng nhái hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành thời trang toàn cầu, không những khiến doanh số bán hàng giảm sút mà còn làm mờ nhạt đi danh tiếng của những thương hiệu nổi tiếng.

Hàng giả, hàng nhái hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành thời trang toàn cầu, không những khiến doanh số bán hàng giảm sút mà còn làm mờ nhạt đi danh tiếng của những thương hiệu nổi tiếng. Police Intellectual Property Crime Unit (PIPCU) là được thành lập 4 năm gần đây, là đơn vị độc nhất về bảo vệ sở hữu trí tuệ và chống hàng giả hàng nhái trên thế giới. PIPCU đã và đang cho dừng hoạt động của nhiều trang web lừa đảo chuyên bán hàng nhái, vi phạm trầm trọng luật sở hữu trí tuệ.

Hermès Birkin, một trong những dòng túi xách nổi tiếng nhất toàn cầu đồng thời cũng bị các băng nhóm làm giả nhắm đến nhiều nhất

“Đó thật sự là một cuộc chiến, và đó là cuộc chiến khốc liệt mà chúng ta đã thấy trong quá khứ thế giới, nhưng trên mạng, không ai biết người khơi mào cuộc chiến là ai. Thậm chí những kẻ đó thiết lập nhiều trang web cùng một lúc để  giấu đi danh tính của mình”- Julia Dickerson, Senior Associate tại công ty luật Baker & McKenzie phát biểu.

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), giao dịch hàng nhái trên thế giới trị giá tới 462 tỷ USD một năm và dự báo sẽ tăng lên 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Hermes hay Louis Vuitton là một trong những thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới

Từ bài học của Hermes và Louis Vuitton, có lẽ đã đến lúc các hãng thời trang xa xỉ cần xem xét lại đội ngũ nhân viên. Bởi họ không chỉ đối đầu với “giặc ngoài” – những băng nhóm chuyên làm hàng giả/ nhái một cách chuyên nghiệp, mà họ còn phải đề phòng “nội gián” – những nhân viên đang làm việc tại chính công ty của mình. 

 

Thực hiện: Koi