Văn hóa Việt qua lăng kính của những nhà thiết kế nữ Việt Nam

Ngày đăng: 12/10/20

Đối với một nhà thiết kế, không gì có thể tuyệt vời hơn khi ca ngợi di sản văn hóa dân tộc bằng cách đưa những điều đó vào các sáng tạo của mình. Từ họa tiết thổ cẩm, quốc phục đến hình ảnh nữ du kích thời chiến đều được các nhà thiết kế nữ Việt Nam giới thiệu qua bộ sưu tập của mình.

Mời bạn cùng nhìn lại các nhà thiết kế nữ đã và đang tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam trong sáng tạo của mình.

Minh Hạnh

Nhà thiết kế Minh Hạnh không chỉ có công đặt nền móng cho thời trang Việt, cô còn trở nên đặc biệt khi đưa các di sản văn hóa truyền thống vào tác phẩm của mình. Sinh ra và lớn lên nơi đất đỏ bazan, Pleiku, cô đã gắn mình với các họa tiết vải thổ cẩm vừa rực rỡ lại mộc mạc. Từ sự hiểu biết của mình, cô kết hợp loại hoa văn này với các cổ phục như áo dài, áo tứ thân hay nhiều kiểu trang phục phá cách khác.

Hơn nữa, các sáng tạo ấy cũng đã được cô giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Nổi bật là các bộ sưu tập trình diễn tại Pháp, Bỉ, Singapore, Nhật… Các chi tiết trang phục, màu sắc mang đậm tinh thần Việt Nam hòa vào phom dáng và sự phóng khoáng Tây phương.

Mai Lâm

Nhà thiết kế Mai Lâm (trái) cùng Ngô Thanh Vân (phải)
Nhà thiết kế Mai Lâm (trái) cùng Ngô Thanh Vân (phải)

Đối với nhiều người, Mai Lâm là cái tên gắn liền với sự phá cách và thú vị. Dù đã trải quải qua khoảng thời gian dài, các thiết kế của nhà thiết kế Mai Lâm vẫn rất đặc trưng và không hề bị pha lẫn. Nguyên liệu luôn được cô khai thác chính là văn hóa truyền thống Việt Nam.

Từ những chất liệu ấy, Mai Lâm thể hiện hình ảnh đầy nổi loạn, cá tính và xóa bỏ những định kiến người khác hay nghĩ về cổ phục. Các thiết kế của Mai Lâm cũng đã xuất hiện trong chương trình Vietnam’s Next Top Model 2012 và nhiều sàn diễn lớn nhỏ.

Kelly Bùi

Trình diễn tại đất Thượng Hải cách Việt Nam 5748 dặm trên nền nhạc “Ngồi tựa song đào”, Kelly Bùi đã mang đến 30 thiết kế là sự kết hợp táo bạo của truyền thống Việt và trang phục Tây phương. Trong bộ sưu tập “Tonkin”, vẻ đẹp áo tứ thân và áo dài đều được thể hiện một cách ấn tượng. Phom dáng vì thế cũng được giản lược đường nét và kết hợp hài hòa với áo khoác, suit da, corset, đầm chiffon,…

Bên cạnh cổ phục, các món đồ như mũ mấn, nón quay thao trở thành điểm nhấn để tạo nên nét đặc trưng của người phụ nữ Việt. Một chi tiết thú vị khác chính là họa tiết tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” xuất hiện trên các mẫu áo dài cách điệu hay bomber. Kelly Bùi đã thành công trong việc mang hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam hiện đại để giới thiệu đến công chúng quốc tế.

Thủy Nguyễn

BST "Tình tang"
BST “Tình tang”
BST "Tình tang"
BST “Tình tang”

 

Thương hiệu Thủy Design House vốn đã định hình DNA của mình với các mẫu trang phục đậm đà tinh thần Việt. Từ hình ảnh rồng, phụng đến hoa sen, hoa súng,… đều được thể hiện sinh động trên gấm lụa. đặc biệt nhất chính là họa tiết tranh Đông Hồ, tranh thờ cũng được tái hiện lại qua kỹ thuật đồ họa đầy hút mắt.

Mẫu áo dài bằng gấm màu vàng trong phim "Cô Ba Sài Gòn" của đạo diễn Ngô Thanh Vân từ thương hiệu Thủy Design House
Mẫu áo dài bằng gấm màu vàng trong phim “Cô Ba Sài Gòn” của đạo diễn Ngô Thanh Vân từ thương hiệu Thủy Design House
Hoàng Thùy Linh trong thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của dân tộc Mông của Thủy Design House
Hoàng Thùy Linh trong thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của dân tộc Mông của Thủy Design House
Hoàng Thùy Linh trong thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của dân tộc Mông của Thủy Design House
Hoàng Thùy Linh trong thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của dân tộc Mông của Thủy Design House

Việc tham gia và tổ chức đều đặn các sàn diễn giúp hình ảnh thương hiệu ngày càng được biết đến. Đồng nghĩa với việc cho mọi người có thể thấy một vẻ đẹp rất mới, rất độc đáo của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh thời trang may mặc, Thủy Design House cũng là cố vấn trang phục cho một số bộ phim như “Cô ba Sài Gòn”, “Mẹ chồng” hay MV “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh.

Sinh viên Lê Thị Xuân

Bộ sưu tập lấy cảm hướng từ nhân vật Mịch trong tiểu thuyết Giông tố của tác giả Vũ Trọng Phụng và thời trang Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc. Đây cũng là thời điểm tác giả ra đời cuốn tiểu thuyết. Trên tinh thần đồng cảm với số phận của nhân vật Mịch, các sáng tạo cũng nói lên thông điệp môi trường và xã hội góp phần làm thay đổi con người.

Lê Thị Xuân tập trung khai thác những sự kiện xảy ra trong cuộc đời và nội tâm của cô Mịch qua từng giai đoạn. Từ một thiếu nữ thuần khiết, trong sáng đến khi gặp biến cố bị đẩy vào đường cùng đấu tranh tâm lý và trở thành một thiếu phụ phong lưu, ảo tưởng để thỏa mãn tâm hồn.

Sinh viên Dương Thị Khánh Hằng

Múa rối nước là một loại hình giải trí, lễ hội mang tính dân tộc đặc sắc. Rối nước gần gũi không chỉ với trẻ em, mà còn cả người lớn thông qua những vở kịch hấp dẫn. Lịch sử hình thành của bộ môn này đã có từ rất lâu đời. Trải qua sự phát triển của xã hội, nó dần trở nên xa lạ với thế hệ trẻ hiện đại.

Từ thực tế ấy, Khánh Hằng đã phân tích và minh họa lại, đưa rối nước vào thời trang theo một cách hiện đại và thú vị hơn. Đồng thời, bạn còn làm mới hình ảnh theo tiêu chí phù hợp với trẻ em. Đây cũng là hợp với xu hướng đưa những giá trị truyền thống vào sản phẩm thiết kế phổ thông, gần gũi và thân thiện hơn đối với mọi người.

Sinh viên Nguyễn Thụy Thiên Thanh


“Vang bóng một thời’’ là bộ sưu tập thời trang ứng dụng lấy cảm hứng từ nghệ thuật quảng cáo Sài Gòn xưa. Kết hợp phong cách Menswear, bộ sưu tập khắc họa hình ảnh Sài Gòn xưa với những phiên chợ, hàng quán tấp nập.

Những cái tên sơ khai của nhiều thương hiệu Việt đang bắt đầu cạnh tranh với những món hàng hóa đến từ bên kia bờ đại dương. Những cái tên đã từng vang bóng một thời nay chỉ còn lưu giữ trong những tấm phim ố màu hay ký ức của những người đã và đang dành một niềm yêu thương đặc biệt cho miền đất này.

Sinh viên Hồ Nguyễn Vân Anh

“Hoa thép” lấy cảm hứng từ hình ảnh” Nữ du kích Việt Nam thời chống Mỹ (1965 – 1968 ) “ kết hợp với xu hướng Deconstruction (giải cấu trúc). Vân Anh tập trung nghiên cứu, khai thác những hình ảnh Nữ du kích Việt Nam thời chống Mỹ vừa mạnh mẽ , gan dạ , mộc mạc. Họ cũng là những con người đầy lòng hy sinh trong lao động và chiến đấu được nhìn qua lăng kính của thời trang hiện đại.

Đó là sự giao thoa giữa trang phục truyền thống của hai miền Bắc – Nam kết hợp với phương pháp giải cấu trúc hiện đại. Từ đó, truyền tải qua ngôn ngữ thời trang, nhằm khắc họa một cách rõ nét nhất vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thời chiến.

Trải qua các thế hệ, thời trang Việt Nam luôn biết cách đào sâu vào lịch sử của chính nó và tinh hoa văn hóa dân tộc. Đó là cách đẹp nhất để thể hiện lòng tự hào về đất nước, di sản của mỗi cá nhân. Danh sách này vẫn sẽ còn được nối dài với những sáng tạo ấn tượng. Hãy chia sẻ với Style-Republik những nhà thiết kế nữ Việt Nam nào mà bạn biết nhé!

Tôn vinh ảnh hưởng của nữ giới trong ngành thời trang Việt Nam, Style-Republik mang đến một cuộc đối thoại đặc biệt trong khuôn khổ chương trình [ ] . với tên gọi WOMEN IN FASHION nhân dịp Ngày Phụ Nữ Việt Nam sắp tới, với mong muốn thể hiện sự trân trọng với sự đóng góp của nữ giới cho sự phát triển của ngành thời trang Việt Nam.

Một buổi gặp gỡ với sự chia sẻ chân thành từ các vị khách mời dành cho cộng đồng thời trang Việt nói riêng và nữ giới nói chung. Một sự nhìn nhận về những nỗ lực của mỗi cá nhân để tạo nên đóng góp cho ngành thời trang trong thời gian qua, cách mà họ vượt qua những khó khăn để tạo nên thành tựu của riêng mình và cách mà họ cân bằng cuộc sống, để tìm kiếm nguồn cảm hứng và vui vẻ sáng tạo mỗi ngày. Đừng bỏ lỡ buổi Talk vô cùng thú vị và ngập tràn cảm hứng vào ngày 25.10.20 tới đây.

Hãy đăng ký ngay từ hôm nay để có cơ hội được đặt câu hỏi trực tiếp cùng các vị khách mời của chúng tôi!

http://bit.ly/womeninfashion Đăng ký ngay để đón chờ dàn khách mời đặc biệt!

Style-Republik.com: Chuyên trang trực tuyến uy tín về thời trang, sáng tạo & kinh doanh

IG: @stylerepublik.official

#stylerepublik #srfashionbusinesstalk #womeninfashion

Thực hiện: Hiếu Lê