Da thuần chay làm từ nấm: Tương lai của thời trang bền vững
Ngày đăng: 16/10/20
Da động vật – một vật liệu tự nhiên vô cùng bền và linh hoạt – đã ra đời 7000 năm về trước và vẫn giữ vị trí đỉnh cao cho đến tận ngày hôm nay bởi tính sang trọng và vượt thời gian của nó. Tuy nhiên, ngày nay, người ta bắt đầu ý thức hơn về môi trường và cuộc sống xung quanh vì thế nhiều câu hỏi xoay quanh tính đạo đức và bền vững của việc sản xuất mua bán các sản phẩm từ da động vật được dấy lên.
Da giả tổng hợp không khác gì nhựa
Sự dịch chuyển trong các tiêu chuẩn xã hội chính là lý do chúng ta chứng kiến làn sóng đổ bộ của nhiều vật liệu nhân tạo trên thị trường nhằm thay thế cho da thật từ động vật.
Da nhân tạo được làm từ polyme tổng hợp một mặt nào đó giải quyết được bài toán “thời trang đạo đức” nhưng lại không khác gì nhựa tổng hợp và việc phân hủy da nhân tạo cũng chả dễ dàng hơn chút nào. Và mới đây, người ta phát hiện ra được rằng da nhân tạo có thể được tổng hợp từ… nấm.
Một nghiên cứu của Mitchell P. Jones cùng đồng nghiệp, xuất bản trên tờ Nature Sustainability, đã tìm hiểu về lịch sử, quy trình sản xuất, giá thành, tính bền vững, đặc tính vật liệu của da thuần chay làm từ nấm và đặt nó lên bàn cân với da thật và da giả tổng hợp.
Tính không bền vững của da thật?
Nó phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận vấn đề. Da thật được thu thập chủ yếu từ bò và việc sản xuất da gắn liền với hoạt động chăm nuôi gia súc vốn cũng thải nhiều chất độc hại vào môi trường.
Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm cho 14% khí thải nhà kính trên toàn cầu. Cần lưu ý rằng, sản phẩm tiêu thụ chính từ chăn nuôi gia súc là thịt, không phải da. Da chỉ chiếm 5-10% giá trị của một con bò và 7% trọng lượng cơ thể của nó.
Không có bằng chứng nào chỉ ra được mối tương quan trong nhu cầu giữa thịt đỏ và da. Nếu nhu cầu cho da thật giảm xuống thì số bò bị giết thịt cũng sẽ không ít đi.
Tuy nhiên, việc thuộc da cũng là một quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên đồng thời thải ra môi trường nhiều chất độc hại. Vì thế nếu so sánh mức độ tác động lên môi trường, sản xuất da vẫn ảnh hưởng đến môi trường nặng nề hơn giết mổ bởi các bộ phận của gia súc sau khi giết mổ đều được đem bán thành thịt hay thành thức ăn chăn nuôi.
Da thuần chay tổng hợp từ phân tử nấm
Công nghệ chế tạo da từ nấm đã được cấp bằng sáng chế ở Mỹ lần đầu tiên cho hai công ty MycoWorks và Ecovative Design 5 năm trước. Công nghệ này tận dụng cấu trúc giống rễ của nấm, được gọi là mycelium, giống với chất có thể được tìm thấy trong vỏ cua.
Khi nấm sinh trưởng trên mùn cưa hoặc chất thải nông nghiệp, chúng hình thành một lớp màng bện vào nhau và có thể được sử dụng để mô phỏng da thật. Vì chỉ có phần rễ được sử dụng, không phải nấm nên công nghệ này có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Không cần ánh sáng, biến chất thải ra trở nên hữu dụng, lưu trữ carbon trong quá trình hình thành nấm. Quá trình từ phân tử nấm trở thành một “chất giống da” này chỉ mất vài tuần so với hàng năm trời để nuôi bò trưởng thành để lấy da.
Acid nhẹ, cồn và màu nhuộm sẽ được sử dụng trong quá trình tổng hợp da từ nấm rồi sau đó được đem đi nén, phơi khô và dập nổi. Quá trình thực hiện nhìn chung khá đơn giản, không cần thiết bị hay nguồn lực quá lớn từ các thợ thủ công và hoàn toàn dễ dàng mở rộng quy mô lên sản xuất hàng loạt. Sản phẩm cuối cùng trông không khác gì da thật và có chất lượng tương đương.
Da thuần chay làm từ nấm cần một quá trình hoàn thiện
Tuy công nghệ này đã được phát triển khoảng 5 năm, nó vẫn còn khá sơ khai. Đừng quên rằng ngành công nghiệp da thật truyền thống đã phải trải qua hàng nghìn năm mới đạt được trình độ hoàn hảo như ngày hôm nay.
Da thuần chay làm từ nấm cũng sẽ gặp vô số khó khăn trong quá trình phát triển của nó. Mặc dù nó có khả năng phân hủy tốt, mức tiêu thụ năng lượng thấp nhưng vẫn sẽ không giải quyết toàn bộ các vấn đề về môi trường. Việc chăn nuôi gia súc và phát thải nhựa vẫn sẽ là một bài toán khó của môi trường và gốc rễ của vấn đề không nằm ở việc sản xuất và tiêu thụ da.
Khi nào thì da thuần chay làm từ nấm sẽ xuất hiện trên thị trường?
Với tình hình khả quan nói trên, dự đoán là các sản phẩm da thuần chay từ nấm sẽ sớm có mặt trên thị trường. Câu hỏi đặt ra là: chúng có đắt hay không?
Một số sản phẩm mẫu như túi, đồng hồ, giày, ví đã được giới thiệu tại Mỹ, Ý và Indonesia vào năm ngoái. Một chiếc túi da từ nấm thiết kế có giá khoảng 500 đô la Mỹ (hơn 11 triệu VND) tuy nhiên nếu sản xuất ở số lượng lớn, da thuần chay từ nấm hứa hẹn sẽ có mức giá cực kỳ cạnh tranh so với da thật truyền thống.
Thực hiện: Mei