Sự trở lại của Met Gala năm nay: Thời trang và dòng chảy của thời gian

Ngày đăng: 03/11/20

Mỗi năm, vào ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Năm, các nhà thiết kế thời trang, ngôi sao cùng với những chuyên gia thời trang sẽ hội tụ trong sự kiện mang tên gọi Met gala. Ngoài tên gọi chính thức là The Costume Institute Gala hoặc The Costume Institute Benefit, sự kiện này còn được biết đến với cái tên Met Ball. 

Mục đích của sự kiện nhằm gây quỹ cho Viện Trang phục, nơi bảo tồn 33.000 bộ trang phục trong bảy thế kỷ, bao gồm váy đầm và phụ kiện của nam nữ và trẻ em, từ thế kỷ mười ba cho đến ngày nay. Met Gala được ví như sự kiện thảm đỏ của giới thời trang, có thể sánh ngang với Oscar của điện ảnh. 

Năm nay, vì ảnh hưởng của Covid-19, Met Gala đã bị hủy và triển lãm phải dời đến tháng Mười, do bảo tàng tại New York đã đóng cửa từ ngày 13 tháng Ba và chỉ mở lại vào ngày 29 tháng Tám. Và mặc dù không thể trầm trồ với những bộ trang phục lộng lẫy của dàn ngôi sao lừng danh trên thảm đỏ như thường lệ, giới mộ điệu vẫn còn có thể thưởng thức triển lãm trong năm nay, với tên gọi About Time: Fashion and Duration, diễn ra từ 29 tháng Mười, 2020 đến ngày 7 tháng 2 năm 2021. 

Trước khi đi sâu vào triển lãm lần này, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của Met Gala, cách mà con người đã tạo nên sự phát triển cùng với việc vì sao sự kiện gây quỹ bảo tồn này lại trở thành một tổ chức to lớn.

Met gala là gì? 

Có một câu hỏi trước tiên mà chúng ta cần trả lời, “ai là người chọn ra chủ đề cho triển lãm của viện trang phục và cần lên kế hoạch trước bao lâu cho sự kiện?” 

Người đứng đầu giám tuyển là Andrew Bolton cùng với 32 thành viên trong đội ngũ của ông nghiên cứu đề tài trước nhiều năm về những gì phản ánh sự nhạy cảm văn hóa của thời đại. Sau khi đã chọn được đề tài thích hợp cùng đồng đội của mình, họ sẽ trình bày nó cho Giám đốc của bảo tàng và chủ tịch Anna Wintour để phê duyệt. Bà Wintour đã chủ trì và là co-host sự kiện này từ năm 1995. Việc chọn lựa bắt đầu ngay sau khi show mùa Xuân của Met khai mạc, điều này mang đến cho đội ngũ thời hạn 12 tháng chuẩn bị để bắt đầu lần nữa sự kiện tiếp theo.

Lịch sử hình thành của Met Gala 

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1948, khi nhà báo thời trang lừng danh Eleanor Lambert, thành lập Met Gala như một cách để gây quỹ cho Viện Trang phục mới được thành lập thời bấy giờ. Tuy nhiên, dạ tiệc lúc ấy không hề lớn như ngày nay. Trong vài thập kỷ đầu, dạ tiệc đơn giản được tổ chức cho các tổ chức từ thiện ở New York và những người tham dự buổi dạ tiệc đầu tiên hầu như toàn là thành viên của xã hội thượng lưu New York và ngành công nghiệp thời trang của thành phố. Thực sự, tiệc gala đầu tiên có giá vé 50 đô la! Thêm vào đó, từ năm 1948 đến 1971, sự kiện không được tổ chức tại Met như ngày nay mà tại nhiều địa điểm khác nhau bao gồm Waldorf-Astoria, Central Park và Rainbow Room.

Năm 1973, cựu Trưởng ban biên tập của Vogue Diana Vreeland, tham gia Met với tư cách Cố vấn Đặc biệt cho Viện Trang phục. Vreeland đã biến buổi Gala thành một sự kiện hấp dẫn, mặc dù một buổi tiệc vẫn nhằm vào bối cảnh xã hội. Dưới nhiệm kỳ của biểu tượng thời trang, sự kiện hướng đến những người nổi tiếng nhiều hơn với những vị khách mời như Elizabeth Taylor, Andy Warhol, Bianca Jagger, Diana Ross, Elton John, Liza Minnelli… hòa cùng giới thượng lưu của thành phố. Nhờ sự tinh tế ấn tượng của Vreeland, các chủ đề cho sự kiện đã được giới thiệu, bắt đầu bằng buổi triển lãm “The World of Balenciaga”. Các bộ sưu tập của Viện trang phục tràn ngập quà tặng của các nhà tài trợ trong nhiệm kỳ rực rỡ của Vreeland và di sản quý giá nhất của bà là sự quan tâm lâu dài của công chúng đối với trang phục và lượng lớn khán giả hiện đang bị thu hút bởi lĩnh vực này.

Năm 1995, tổng biên tập Vogue Anna Wintour được bổ nhiệm làm chủ tọa sự kiện Gala (không bao gồm năm 1996 và 1998). Wintour và nhân viên của cô ấy, giám sát cả ủy ban lợi ích và danh sách khách mời khoảng 700 người tham dự. Theo The New York Times, vé tham dự sự kiện vào năm 2019 là 35.000 đô la và các bàn tiệc từ 200.000 đến 300.000 đô la, một bước nhảy vọt so với vé của lần đầu tiên 50 đô la vào năm 1948!

Trước Covid, tiệc Gala bao gồm cơ hội chụp ảnh trên thảm đỏ, thời gian uống cocktail và bữa tối chính thức. Trong giờ cocktail, khách sẽ tham quan triển lãm trước khi ngồi vào bữa tối và xem giải trí. Chủ đề của sự kiện không chỉ tạo nên tông màu cho triển lãm mà còn tạo cơ hội cho các khách mời ăn mặc sao cho tôn lên chủ đề của triển lãm.

“About Time: Fashion and Duration” – Thời trang và dòng chảy của thời gian

Triển lãm năm nay, “About Time: Fashion and Duration”, được lấy cảm hứng từ Virginia Woolf (một trong những tác giả quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại thế kỷ 20 và là người tiên phong trong việc sử dụng dòng ý thức như một dụng cụ tường thuật) và nhà triết học người Pháp thế kỷ 20 Henri Bergson (được biết đến cho ý tưởng của ông về thời gian là la durée, hay thời lượng, một thứ gì đó có thể được đo lường thông qua hình ảnh nhưng không bao giờ được nhìn nhận một cách tổng thể). Triển lãm nhìn lại thời gian phát triển của thời trang nữ trong 150 năm qua (từ năm 1870 đến ngày nay), trùng với kỷ niệm 150 năm thành lập Met. Woolf đóng vai trò là “người dẫn truyện” của cuộc triển lãm.

“Thời trang không chỉ xóa nhòa sự liên kết với thời gian, mà còn phản ánh và thể hiện tinh thần của thời đại, nó còn thay đổi và phát triển cùng thời gian” – Andrew Bolton, người giám tuyển của Viện Trang phục, chia sẻ với The New York Times.

Nếu Met Gala có thể diễn ra vào tháng Năm, đồng chủ trì của sự kiện sẽ là Meryl Streep, Emma Stone, Lin-Manuel Miranda, và Nicolas Ghesquière của Louis Vuitton (thương hiệu này sẽ đóng vai trò là nhà tài trợ cho sự kiện). sự kiện cũng đánh dấu lần đầu tiên Meryl Streep tham dự Met Gala.

Triển lãm cũng đề cập đến các vấn đề thời sự, cụ thể là “digital capitalism” (tạm dịch: chủ nghĩa tư bản số”). Bolton giải thích, “Trong khi các công ty đã được hưởng lợi từ việc phát triển nhanh chóng, liên tục của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số, các nhà thiết kế thường bị hạn chế về mặt sáng tạo bởi hoạt động liên tục 24/7 của nó, vì vậy chúng tôi nghĩ đây có thể là thời điểm thích hợp để khám phá đặc tính thời gian của thời trang từ quan điểm lịch sử. ”

(Trái) Một bộ váy áo tay phồng có từ năm 1895 từ kho lưu trữ của The Met. (Phải) J.W. Anderson Thu 2020

Viện Trang phục cũng đã tạo ra một video, kéo dài gần 12 phút. Chuyến tham quan ảo tuân theo định dạng của một cuộc triển lãm, bằng cách hiển thị các thiết kế lịch sử và đương đại song song với nhau để đối chiếu những điểm tương đồng. Hình ảnh của những chiếc váy – được lấy từ bộ sưu tập của Viện Trang phục – được hiển thị cùng với năm chúng được tạo ra và chi tiết về nhà thiết kế hoặc năm ra đời, để người xem có thể dần khám phá thời trang từ những năm 1870 (năm Met được thành lập) cho đến ngày nay. Điển hình là trang phục của Morin Blossier từ năm 1902, bên cạnh trang phục năm 2018 của Nicolas Ghesquiere thiết kế cho Louis Vuitton.

Xuyên suốt các hình minh họa đen trắng về các mặt đồng hồ quay ngược, ám chỉ đến chủ đề du hành thời gian của triển lãm. Những hình ảnh cũng được xen kẽ với các câu trích dẫn từ tiểu thuyết của nhà văn người Anh Virginia Woolf như lời dẫn.  

(Trái) Một chiếc áo khoác cưỡi ngựa vintage (Phải) một chiếc áo jacket da từ Junya Watanabe

Theo thông cáo báo chí của Met về chương trình, có hai phòng trưng bày liền kề được chế tạo thành những mặt đồng hồ khổng lồ (được thiết kế bởi Es Devlin) và được tổ chức theo nguyên tắc về 60 phút thời trang. Mỗi ‘phút’ sẽ có một cặp quần áo, với tác phẩm chính thể hiện tính chất tuyến tính của thời trang và tác phẩm phụ đại diện cho tính chất chu kỳ của nó. Để minh họa khái niệm thời lượng của nhà triết học người Pháp Henri Bergson — của quá khứ cùng tồn tại với hiện tại — các tác phẩm trong mỗi cặp sẽ được kết nối với nhau thông qua hình dáng, họa tiết, chất liệu, hoa văn, kỹ thuật hoặc trang trí. Ví dụ, một chiếc đầm công chúa từ chất liệu lụa đen vào cuối những năm 1870 được kết hợp với một chiếc váy “Bumster” của Alexander McQueen làm năm 1995. Một chiếc váy satin bằng lụa đen với tay áo cực lớn của  giữa những năm 1890 sẽ được kết hợp với một bộ trang phục tái cấu trúc từ Comme des Garçons năm 2004.

Như chúng ta đã biết, thế giới đã thay đổi đáng kể từ tháng Hai đến ngày nay. Vì vậy, Bolton đã dành vài tháng qua để điều chỉnh cuộc triển lãm. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Vogue, Bolton đã nói về quá trình suy ngẫm của mình: “Tôi muốn tổ chức một cuộc triển lãm là một cuộc suy ngẫm về thời trang và thời gian – vẽ ra những căng thẳng giữa sự thay đổi và sức chịu đựng, sự tạm thời và lâu dài, sự phù du và sự bền bỉ. Ban đầu, ý tưởng là tạo ra hai dòng thời gian: trình tự thời gian tuyến tính của thời trang từ năm 1870 đến năm 2020, kỷ niệm 150 năm thành lập Met và tập trung vào nhịp điệu thoáng qua và chạy trốn của thời trang. Dòng thời gian thứ hai – “sự can thiệp” – sẽ đại diện cho một loạt các trình tự thời gian đối lập vô nghĩa, giống như các nút thắt hoặc nếp gấp trong thời gian, khám phá sự liên kết giữa lịch sử, quá khứ và hiện tại.”

Dòng thời gian tuyến tính tập trung vào tất cả các bóng đen, trong khi dòng thời gian theo chu kỳ tập trung vào màu trắng. Nhưng Bolton cảm thấy bị giới hạn bởi việc giám tuyển, vì vậy người phụ trách đã quyết định thay đổi cuộc triển lãm và chỉ trình bày các trang phục theo tuyến tính thời gian để làm cho nội dung thuyết trình mạnh mẽ hơn và làm cho việc so sánh giữa các cặp đôi dễ dàng hơn. 

Một vấn đề khác mà Bolton đã giải quyết là giới thiệu thêm các nhà thiết kế, những người không được nhắc đến nhiều trong lịch sử thời trang. Vì vậy, ông đã kết hợp trang phục cưỡi ngựa của Frederick Loeser & Co. vào khoảng năm 1897 với một bộ suit từ Victor Joris từ năm 1968 mà Baby Jane Holzer đã tặng cho Viện Trang phục. Victor Joris từng là trợ lý cho cả Dior và Balmain trước khi ra mắt bộ sưu tập của riêng mình.

Nhưng sự thay đổi lớn hơn đối với việc giám tuyển là phong trào Black Lives Matter. Bolton ban đầu đã không tập trung vào các vấn đề chủng tộc, dân tộc, giới tính và tình dục. Trong cuộc phỏng vấn, Bolton nói:Black Lives Matter đã khiến tôi suy ngẫm về việc quản lý thời trang một cách tổng quát hơn và nhu cầu tạo ra các định nghĩa mới, bao trùm hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần giải quyết quan niệm sai lầm rằng thời trang chỉ là của phương Tây và chúng ta cần xây dựng những câu chuyện về lịch sử thời trang đa dạng hơn. Đây là điều mà tôi đang nghĩ đến cho các chương trình trong tương lai…”

Theo Bolton, “Trước những sự kiện gần đây, điều quan trọng là phải khắc phục lại những gì theo truyền thống là đặc điểm xác định của thời trang – sang trọng, quyền lực, đẳng cấp, phù du, lỗi thời. Tôi hy vọng buổi biểu diễn giúp chúng tôi suy ngẫm về những hệ tư tưởng được mã hóa này và khuyến khích chúng tôi đặt ra những câu hỏi quan trọng cho ngành công nghiệp này.”

Viktor & Rolf’s Spring 2020 Haute Couture

Vì tất cả các sản phẩm may mặc trong triển lãm đều có màu đen, Bolton quyết định kết thúc buổi trình diễn với một bộ trang phục – một chiếc váy hoàn toàn màu trắng từ bộ sưu tập Haute Couture mùa Xuân 2020 của Viktor & Rolf. Chiếc váy được làm từ kỹ thuật chắp vá với sự tái chế chất liệu (patchwork) — một phép ẩn dụ đối lập cho tương lai của thời trang với sự nhấn mạnh vào tính cộng đồng và tính bền vững. Theo Bolton, “chiếc váy sẽ được thể hiện lơ lửng trong một” hộp vô cực “được bao quanh bởi một cơn lốc xoáy (lấy cảm hứng từ “Exploding Couture” của nghệ sĩ EV Day từ năm 1999–2002), giống như một con phượng hoàng bay lên từ tro tàn.”

 

Thực hiện: Koi

Theo Universityoffashion