Chiến dịch quảng bá dòng đồ bơi mới dành cho người ngoại cỡ gây tranh cãi của Victoria’s Secret
Ngày đăng: 06/04/21
Việc sử dụng người mẫu ngoại cỡ trong chiến dịch quảng bá mà thiếu đi các sản phẩm có size vừa với người ngoại cỡ đang khiến Victoria’s Secret rơi vào một làn sóng chỉ trích.
Victoria’s Secret đã ngừng sản xuất đồ bơi vào năm 2016 do không thể cạnh tranh được với các thương hiệu đồ bơi có sự lựa chọn đa dạng hơn về kích cỡ. Mới đây, Victoria’s Secret hé lộ sự trở lại của mình với những hình ảnh quảng bá trông có vẻ như là Victoria’s Secret sẽ tấn công mạnh mẽ vào thị trường khách hàng ngoại cỡ.
Victoria’s Secret đã đưa hai người mẫu ngoại cỡ là Paloma Elsesser (từng lọt vào danh sách TIME100 Next vào năm 2021) và Jill Kortleve (người mẫu ngoại cỡ đầu tiên xuất hiện trên sàn catwalk của Chanel trong hơn một thập kỷ) vào trong chiến dịch mới nhất này, bên cạnh những người mẫu Imaan Hammam và Taylor Hill.
Trong khi những hình ảnh này trông có vẻ như là một bước đi quan trọng của thương hiệu bởi trước giờ Victoria’s Secret dường như không chuộng những thân hình ngoại cỡ trên các show diễn và chiến dịch quảng bá của mình thì bộ sưu tập đồ bơi mới có size lớn nhất chỉ là XL.
Theo Victoria’s Secret, kích cỡ đồ bơi đi từ 32A đến 40D và XS đến XL. XL tương ứng size 16-18 với số đo vòng eo 86-91cm và hông 113-118cm. Thông số này ở một số nhãn hàng ngoại cỡ chỉ tương ứng với size 12. Con số này thậm chí còn chưa đạt chuẩn ngoại cỡ (plus-size). Ví dụ thương hiệu đồ bơi ngoại cỡ Good American có size nhỏ nhất là 2XL hay size 14. Vậy tại sao với con số Victoria’s Secret đưa ra, họ lại sử dụng người mẫu ngoại cỡ?
Theo Taylor Long, nhà sáng lập của thương hiệu đồ bơi ngoại cỡ Nomads với kích cỡ đi từ XS đến 4XL, việc sử dụng người mẫu ngoại cỡ để quảng bá mà không bán đồ ngoại cỡ là một hành vi “không thể chấp nhận được”. Theo cô, Victoria’s Secret đã sử dụng chiến thuật marketing gây nhầm lẫn, không chỉ “vô nghĩa hóa” những người mẫu ngoại cỡ họ sử dụng mà còn đánh lừa người tiêu dùng.
Vào năm 2018, cựu giám đốc marketing của Victoria’s Secret là Ed Razek đã đưa ra một ý kiến ngầm ám chỉ rằng Victoria’s Secret là không dành cho người ngoại cỡ. Trong một buổi phỏng vấn với Vogue, Ed khẳng định rằng việc đưa những người mẫu ngoại cỡ và chuyển giới lên sàn diễn là một “hành động đúng đắn” nhưng cũng “giết chết trí tưởng tượng” và việc đó không có lợi cho việc kinh doanh của thương hiệu Victoria’s Secret.
Kết lại, Victoria’s Secret đang chỉ mới đặt một chân tiến gần hơn đến mục tiêu là một thương hiệu thời trang hướng đến sự đa dạng trong đó có hình thể. Để đạt được điều mà Victoria’s Secret muốn hướng tới, có lẽ thương hiệu nên bắt đầu làm ra những sản phẩm thực sự dành cho người ngoại cỡ.
Thực hiện: Mỹ Đỗ