Kỷ nguyên của những món hàng nhái “chất lượng cao”: Vì sao người ta dùng hàng nhái?
Ngày đăng: 09/05/21
Những mẫu túi hàng hiệu bị làm giả đang bùng nổ trên các phương tiện truyền thông và các nhà thiết kế đang tuyệt vọng muốn cứu vãn tình thế.
Việc Charles Gross đi bộ xuống phố và băn khoăn liệu sinh viên thời trang mới ra trường đó có thực sự mang một chiếc Hermès B30 Togo ở tuổi 23 đã không còn là một điều gì quá bất thường, bởi nó diễn ra quá thường xuyên.
Charles Gross, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và nhà cố vấn thời trang 26 tuổi hiện điều hành đế chế hàng xa xỉ phẩm thành công trên TikTok, thu hút gần 150.000 người theo dõi nhờ những bài bình luận sâu sắc về thế giới thời trang. Anh thường được những người theo dõi gắn thẻ trong các video yêu cầu tính xác thực hoặc bàn luận về những chiếc ví mới toanh. Khi bạn sở hữu những kinh nghiệm như của Charles – gần nửa thập kỷ bán lại túi xách Hermès – một vài điều sẽ trở nên rõ ràng hơn với bạn. Đó là một con dao hai lưỡi, Gross nói. Có một lằn ranh mỏng giữa việc thường xuyên soi mói và để mọi người sống cuộc sống của họ. Trong năm qua, hàng giả, hàng nhái đã tăng vọt trên thị trường thương mại điện tử. Khi giãn cách xã hội, Gen Z có quá nhiều thời gian trong tay, những sản phẩm giả đã tràn ngập các trang mạng xã hội như TikTok và Instagram.
Mặc dù hàng giả và thời trang đã luôn đối đầu với nhau (hãy cảm ơn *Dapper Dan vì đã cho chúng ta thấy thế giới của những nhà thiết kế không chính thống), nó đã không trở nên ồn ào như thế này trong một khoảng thời gian dài.
Gucci và Facebook vừa đệ đơn kiện một đơn vị bán túi xách giả và các phụ kiện khác trên nền tảng này. Khi bạn nhìn vào cách thương hiệu Ý này từng đùa cợt về đồ giả, việc can thiệp pháp lý có thể được coi là một hành động khá mỉa mai.
Đầu năm ngoái, người theo chủ nghĩa tối đa (maximalist) Alessandro Michele – vị Giám đốc sáng tạo của Gucci trên sàn diễn thời trang nam Thu Đông 2020, đã ra mắt bộ sưu tập “Fake Not” – như một hình giễu nhại táo bạo về văn hóa tiêu dùng hàng giả liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên anh chế giễu hiện tượng này. Michele trước đây đã chơi đùa với biểu tượng G đặc trưng của Gucci vào năm 2016, lật ngược nó và viết sai chính tả tên thương hiệu để ám chỉ thị trường hàng giả đang bùng nổ.
Thật mỉa mai, phải không?
Sự hợp tác giữa Gucci và Facebook là một trong những sự hợp tác đầu tiên giữa một gã khổng lồ xa xỉ phẩm và Thung lũng Silicon – trong quá khứ, các thương hiệu lớn thường phải tự mình giải quyết các tranh chấp về hàng giả. Dù có thành công hay không, những ông lớn trong ngành thời trang đã gặp không ít khó khăn trong việc tiêu diệt thị trường chợ đen.
Mặc dù lĩnh vực xa xỉ phẩm đã có một số thắng lợi, như Louis Vuitton thắng một vụ kiện trị giá 23 triệu đô la chống lại những người bán hàng giả vào năm 2017, nhưng việc này vẫn chưa được phổ biến hoá. Các thương hiệu chỉ có thể đảm bảo các mặt hàng mua trong cửa hàng là thật, và thường xuyên từ chối xác thực bất cứ thứ gì mua bên ngoài. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ ngăn chặn hàng nghìn mẫu túi giả và hàng hóa nhập khẩu vào nước này mỗi năm. Tuy nhiên, khi có hàng triệu gói hàng cần hải quan thông qua mỗi ngày, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.
Ngày nay, phần lớn các mặt hàng giả sẽ được mua trực tuyến, cho dù đó là thông qua các nhóm không chính thống hay trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat hay Instagram, những người bán hàng khoe về cách sản phẩm của họ được làm “y như thật”. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, người ta chắc chắn có thể yêu cầu các nền tảng xã hội có trách nhiệm hạn chế hoạt động bất hợp pháp, và buôn bán túi giả cũng không phải là ngoại lệ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng 1/5 tổng số hàng hóa xa xỉ mà bạn nhìn thấy trên dòng thời gian của mình là hàng giả, một con số có ý nghĩa quá lớn nếu xét trên toàn cảnh mạng xã hội.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng 1/5 tổng số hàng hóa xa xỉ mà bạn nhìn thấy trên dòng thời gian của mình là hàng giả, một con số có ý nghĩa quá lớn nếu xét trên toàn cảnh mạng xã hội. Trong bối cảnh thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cao và các xu hướng, để có một chiếc *It-bag mới nhất, đôi khi có giá cao hơn số tiền trả trước cho một chiếc ô tô, là điều cần thiết. Một số chiếc túi bị làm giả nhiều nhất thường là những chiếc túi mang tính biểu tượng cho địa vị xã hội, chúng sẽ có nhiều mức giá khác nhau: Louis Vuitton Neverfull, túi Hermès Birkin và chiếc túi Chanel flap bag. Mặc dù vậy, có một điểm đặc biệt: bạn thậm chí sẽ không thể phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả.
Phần lớn những người mua hàng giả làm điều đó một cách bí mật, một thú vui tội lỗi. Gross nói rằng họ sẽ có tâm lý lo lắng về việc có thể bạn bè hoặc đồng nghiệp sẽ phát hiện ra.
“Bởi vì hiện nay có quá nhiều áp lực, đặc biệt là trên mạng xã hội, họ hay có tâm lý phải *’theo kịp nhà Joneses’, việc sở hữu và chứng tỏ địa vị xã hội thông qua chiếc túi mà người nổi tiếng sử dụng, đặc biệt là khi chiếc túi đó cực kỳ khó tìm hoặc đắt đỏ đến mức khó tin, là điều cần thiết”, Gross nhận định. “Chuyển sang thị trường hàng giả thực sự không dễ dàng, nhưng là một lựa chọn hợp lý hơn đối với nhiều người.”
Ở đâu có thời trang kiểu Kardashian-Jenner, ở đó có thị trường chợ đen.
Theo luật pháp Hoa Kỳ, việc bán album giả là bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo sơ hở luật pháp của của Washington D.C., bạn không thể bị tống vào tù vì mua chúng. Lỗ hổng này khiến các cộng đồng sao chép nhạc trực tuyến xuất hiện – một ngành dự kiến sẽ đạt 2,8 nghìn tỷ đô la vào năm tới.
Cho dù nó đang phát triển mạnh mẽ trên các trang web bán buôn như DHgate và AliExpress hay hoạt động trên các trang truyền thông xã hội với quy mô nhỏ hơn, cộng đồng hàng giả đã bùng nổ trên internet trong mười năm qua.
Việc mua bán hàng giả từng rất kín đáo, bạn sẽ phải thực hiện giao dịch ở những nơi neo người, và sản phẩm sẽ được gói kín mít trong túi nhựa, giờ đây nó đã trở nên công khai hơn, thành một thị trường hàng triệu đô la trên khắp thế giới.
Bản sao, hàng nhái, đồ giả – hay bất cứ tên gọi nào bạn muốn – tồn tại trên mọi ngõ ngách của trái đất, nơi con người lo ngại về sự xuất hiện của chúng. Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những thị trường hàng giả cao cấp, độc quyền, nơi khách du lịch có thể ghé vào và mua một chiếc Birkin đáng mơ ước với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc.
Trên Reddit, các diễn đàn về hàng giả thu hút gần một triệu người dùng tham gia. Họ thảo luận về việc nhà máy nào có những lô giày sneaker tốt nhất và liệu đường khâu trên túi Chanel 19 có đẹp hay không. Thiên đường ảo này được miêu tả là “nơi hạnh phúc” với mục đích “tận hưởng thời trang ở mọi cấp độ, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá về sở thích và chất lượng của sản phẩm.” Những cộng đồng này dành riêng cho hàng giả, hàng nhái chất lượng cao, tinh vi tới mức chúng có thể được so sánh với hàng thật. Những mặt hàng này không đơn giản là một chiếc túi giả da được dập nóng với logo.
Nhiều người dùng trên RepLadies tự nhận mình là tín đồ thời trang, thường sở hữu các bộ sưu tập gồm cả đồ thật và đồ giả. Nhưng đối với một số người, chất lượng sản xuất sụt giảm khiến họ cảm thấy việc tiêu dùng hàng giả là chẳng có gì sai trái.
“… Tôi đồng ý rằng chất lượng sản phẩm chính hãng không còn tốt nữa, và khi bạn bắt đầu tìm hiểu về thế giới hàng giả, bạn thấy rằng chúng không chỉ trông giống đồ thật, bạn thậm chí còn cảm thấy phần chất liệu giống hàng chính hãng, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về chất lượng”. một người dùng đã viết trên RepLadies.
“Khi các thương hiệu nổi tiếng cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng giá hàng hóa trong cửa hàng để duy trì sự độc quyền và uy tín, điều đó sẽ khiến người tiêu dùng khó chịu”, Gross cho biết thêm. “Những nhà sưu tập hiểu biết sẽ nhận thấy điều đó và tôi nghĩ bạn không thể trách họ vì chuyển sang tiêu dùng hàng nhái, trong một số trường hợp, những người làm hàng giả lại tạo ra những chiếc túi chất lượng hơn cả hàng chính hãng”
Ngoài ra còn có những người mua ngây thơ, thường bỏ ra hàng trăm hoặc hàng nghìn đô cho một chiếc túi giảm giá, cho dù những mẫu túi này không qua kiểm soát sản xuất hoặc được bán lại trên các trang web cũ. Mới tháng trước, Chanel và trang web bán đồ cũ hàng hiệu, The Real Real, đã bắt đầu hòa giải sau khi bà chủ người Pháp tuyên bố Real Real không đảm bảo những chiếc túi mà họ bán trên trang web của họ là hàng thật 100%. Các lỗ hổng trên thị trường hàng chính hãng đã tạo điều kiện cho thị trường hàng nhái phát triển.
Đối với Gross, những trường hợp này thường gây thiệt hại nặng nề nhất.
“Cảm giác đó thực sự rất kinh khủng, khi bạn vui sướng khi mua được một món hàng hiệu để rồi nhận ra bản thân mình bị lừa khi nhận ra món hàng đó là giả”, anh nói. “Nhưng thật khó để bắt các trang web hoặc các công ty bán lại phải chịu trách nhiệm, bởi vì có những bản sao chất lượng đến mức nó thậm chí đã đánh lừa cả các công ty.”
Nhưng đối với hầu hết các mặt hàng trên các diễn đàn này, người tiêu dùng sẽ nhận biết ngay từ đầu chúng là hàng giả.
Đối với hầu hết các mặt hàng nhái, có những đặc điểm rõ ràng để phân biệt nó với hàng chính hãng. Ví dụ như số lượng đường may, tiêu chuẩn về vải và màu sắc đều có thể được sử dụng để phân biệt giữa hàng giả và hàng thật. Có hàng trăm video YouTube và người bán cung cấp kiến thức chuyên môn của họ, về cách phân biệt một đôi giày, thắt lưng hoặc đồ da chính hãng. Tuy nhiên, trong thời đại của những chiếc túi được làm nhái đến mức tinh vi, làm sao bạn có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả?
Xét về tính đạo đức, thị trường hàng giả còn rất mập mờ, không chỉ nói đến tính hợp pháp kinh tế. Giống như hầu hết các khía cạnh của thời trang nhanh (fast-fashion), thị trường hàng xa xỉ giả có những điều kiện làm việc và tiêu chuẩn an toàn không rõ ràng cho công nhân may mặc. Mặc dù người ta có thể đảm bảo rằng chiếc túi trong một cửa hàng cao cấp là phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của thương hiệu, nhưng bạn không thể đảm bảo điều tương tự về chiếc túi có nguồn gốc từ một người bán ở nước ngoài, và đơn vị này có thể tiêu thụ đến hàng nghìn chiếc ví mỗi năm.
Tại Vương quốc Anh, Cục Tình báo Gian lận Quốc gia không khuyến khích công dân mua các mặt hàng giả, với lý do lợi nhuận từ chúng sẽ được tài trợ cho “buôn bán ma túy hoặc các loại tội phạm có tổ chức khác.” Vào năm 2016, Phòng Thương mại Quốc tế đã phát biểu tại Liên Hợp Quốc, cáo buộc rằng các mặt hàng giả mạo và vi phạm bản quyền được sử dụng để tài trợ cho khủng bố và tội phạm có tổ chức, do tính chất lợi nhuận cao, ít rủi ro của thị trường này.
Có vẻ như tiêu thụ hàng giả là một cách nhanh chóng để tiết kiệm tiền trong khi vẫn được sử dụng những sản phẩm mang tính biểu tượng, nâng cao địa vị xã hội. Tuy nhiên, nó vẫn đang gây tranh cãi và được đánh giá là hành vi phi đạo đức. Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân, chiếc túi yên ngựa từ Dior giả đó có thực sự đáng giá không?
Mặc dù Gross nói rằng anh sẽ cố gắng thuyết phục người theo dõi của mình thấy được tác hại của hàng giả, nhưng đôi khi, mọi người lại chẳng để vào tai.
“Họ sẽ nguỵ biện rằng “Tôi không thực sự thấy điều đó. Tôi không thấy những người công nhân trong nhà máy. Tôi không thể chắc chắn rằng những người đang làm túi xách giả cho tôi không làm dược phẩm giả để hại người khác “anh nói. “Vì vậy, tôi đoán họ sẽ chẳng mấy để tâm.”
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo CR Fashion Book
Chú thích:
-
Dapper Dan: Trước khi bắt tay hợp tác với Gucci, Dapper Dan (tên thật là Daniel Day) được biết đến với tư cách là nhà thiết kế thời trang đường phố mang phong cách hip-hop dành cho cộng đồng người da màu tại Harlem, New York.
-
It-bag: Những mẫu túi trường tồn với thời gian đến từ các thương hiệu nổi tiếng, được dễ dàng nhận ra và trở thành biểu tượng thời trang.
-
Keeping up with the Joneses: “Tâm lý phải theo kịp nhà Joneses” là tâm lý muốn theo kịp nhà hàng xóm, bạn bè hay những người xung quanh mình, thấy họ sở hữu cái gì cũng cần sở hữu bằng được vì không muốn thua kém.