Sắm đồ – “Pass” đồ: Thú vui của Thế hệ Z và Millennials
Ngày đăng: 17/05/21
Một số thương hiệu thời trang bình dân hướng đến khách hàng công sở trong độ tuổi 20-30, với khả năng chi tiêu từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một sản phẩm, hiện đang xây dựng những group để người mua có thể “pass” lại sản phẩm của thương hiệu.
Trong những group này các thành viên có thể “pass” (bán lại) những sản phẩm thuộc các thương hiệu/ cửa hàng thời trang Việt mà họ đã mua mà không dùng (hoặc đã qua sử dụng) cho những ai muốn săn sản phẩm giá rẻ. Sắm đồ – “Pass” đồ đang dần trở thành thú vui của Gen Z ngày nay.
Người trẻ thường không muốn mặc lại đồ cũ cho chuyến du lịch tiếp theo
Sở thích du lịch cùng những bức ảnh lung linh để đăng tải trên mạng xã hội đã thúc đẩy việc mua đi bán lại các sản phẩm thời trang. N.N (nhân viên văn phòng, 25 tuổi) thường mua sắm quần áo mới trước mỗi chuyến du lịch của mình. Trước khi dịch diễn ra, cô thường thực hiện 5-6 chuyến đi một năm. Sau khi trở về, cô thường đăng lên các hội nhóm thanh lý đồ để “pass” lại quần áo đã qua sử dụng. Đa phần các món đồ này còn rất mới.
Những người trẻ như N.N không hẳn “pass” đồ vì cần tiền, mà còn vì họ không còn muốn mặc lại những bộ trang phục đó cho chuyến đi tiếp theo. Bên cạnh N.N, nhiều người cũng thích mua sắm đồ thanh lý vì mức giá dễ chịu của nó. Cứ như vậy, một sản phẩm có thể được “pass” một thậm chí vài lần trên các hội nhóm, diễn đàn miễn là nó còn trông mới.
Với Thế hệ Z và Millennials, những người tiêu dùng trẻ này đã có xu hướng mua sắm đồ cũ như một sở thích.
Với Thế hệ Z và Millennials, những người tiêu dùng trẻ này đã có xu hướng mua sắm đồ cũ như một sở thích. Theo khảo sát về thời trang và mua sắm của Ypulse, 57% thanh niên 13-37 tuổi nói rằng họ “không bao giờ trả 100% giá quần áo trên tag” và tiết kiệm là “một phần trong hành vi mua sắm của họ suốt nhiều năm”.
Hành vi mua hàng secondhand ở phân khúc thời trang bình dân
Hành vi mua hàng secondhand không chỉ phát triển mạnh ở phân khúc xa xỉ mà còn ở phân khúc thời trang bình dân. Với sự phát triển của mạng xã hội, không chỉ có những group trên Facebook chuyên dụng để cho người dùng mạng xã hội “pass” lại quần áo đã qua sử dụng, mà còn có cửa hàng chuyên bán đồ “thanh lý – ký gửi”.
Không phải ai cũng có thời gian lên các hội nhóm đăng bán đồ. Việc trả lời các câu hỏi của người mua chiếm thời gian không nhỏ, nhiều người đã kết hợp với các cửa hàng chuyên dụng, được lập ra với mục đích nhận ký gửi hàng thanh lý.
G – cửa hàng nhận ký gửi đồ thiết kế của các local brand từ phân khúc thời trang cao cấp đến bình dân có cửa hàng tại trung tâm Quận 1 và chi nhánh Phú Nhuận, TP.HCM. Cửa hàng sẽ nhận quần áo mới 100% (hoặc đã qua sử dụng) của người người cần thanh lý và bán giúp họ trong một khoản thời gian nhất định. Cửa hàng sẽ nhận hoa hồng theo giao ước với người bán, sau đó chụp ảnh và đăng trên kênh online của cửa hàng nhằm thu hút người mua. Người mua có thể đến trực tiếp cửa hàng để xem sản phẩm và sở hữu các món đồ thanh lý với mức giá chỉ bằng ½ hay thậm chí ⅓ so với giá gốc.
Săn đồ cũng là một thú vui
Với Thế hệ Z và Millennials phổ thông, ThredUp báo cáo rằng họ chấp nhận mua sắm đồ cũ “nhanh hơn 2,5 lần so với các thế hệ khác” cũng như họ không còn e dè khi săn những món đồ đã qua sử dụng. Các phương tiện truyền thông xã hội đang lan tỏa lối sống xanh mà trong đó việc mặc lại đồ cũ là tốt cho hành tinh chúng ta.
Theo báo cáo của ThredUp dự đoán rằng thị trường bán lại sẽ tăng hơn gấp đôi từ 20 tỷ đô la lên 41 tỷ đô la vào năm 2022, chiếm thị phần nhiều hơn thời trang nhanh vào năm 2027. Nhiều thương hiệu bán lẻ đang tìm cách bắt kịp xu hướng — với hy vọng thu hút trở lại những người mua sắm Thế hệ Z và Millennial mà họ đang mất dần.
Nhiều thương hiệu bán lẻ đang tìm cách bắt kịp xu hướng — với hy vọng thu hút trở lại những người mua sắm Thế hệ Z và Millennial mà họ đang mất dần.
Ở khía cạnh kinh doanh, việc các thương hiệu local Việt Nam phần nào “giúp đỡ” các khách hàng của mình thanh lý lại quần áo đã mua thông qua các group là một xu hướng tất yếu. Bởi họ cũng được lợi vì chính điều này. Một món đồ được săn đó trên group bán lại có thể giúp thương hiệu nhận biết được sản phẩm nào “hot” để gia tăng sản xuất.
Bên cạnh đó, sau khi “pass” được một món đồ, đa phần người mua lại tiếp tục vòng tròn mua sắm, điều này cũng thúc đẩy cửa hàng bán được nhiều hơn.
Thực hiện: Hoàng Khôi