Khanh Brice Nguyen: “Mọi thứ tôi thiết kế đều nhằm mục đích ôm lấy cơ thể, vẻ đẹp cũng như những khuyết điểm của nó”
Ngày đăng: 25/05/21
Nhờ kí ức tuổi thơ, quần áo dệt kim đã trở thành biểu tượng cho trang phục thoải mái trong trí tưởng tượng chung của chúng ta. Áo len và chăn dệt kim có thể được biết đến như những cái kén của sự ấm cúng và an ủi, nhưng đây không phải là cách Khanh Brice Nguyen nhìn nhận về nghề dệt kim. Nhà thiết kế trẻ đưa ra giới hạn của đồ dệt kim và đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của chúng.
Thay vì che giấu cơ thể bằng một lớp len dày, các thiết kế dệt kim của Khanh ôm lấy hình dáng cơ thể và trông giống như làn da thứ hai khi được mặc lên. Anh luôn tôn vinh những đặc điểm tạo nên sự độc đáo của mỗi cá nhân, ngay từ khi còn bé với mơ ước trở thành một họa sĩ truyện tranh. Trên thực tế, khóa học đầu tiên sau trung học mà anh theo học là hoạt hình. Anh đã thử nó và nhanh chóng nhận ra đây không phải là thứ phù hợp với bản thân. “Tôi không thích làm việc trước máy tính nhiều như vậy. Đối với tôi, nó thiếu yếu tố thủ công thực tế và hơn hết, tôi đã bỏ lỡ sự tiếp xúc và kết nối với con người ”, Nguyen chia sẻ.
Những năm học dự bị ở Paris đã thôi thúc anh truyền ý chí sáng tạo của mình vào ngành nghề đa diện mà anh có thể tìm thấy: thiết kế thời trang. Khi được hỏi điều gì khiến anh quan tâm đến ngành dệt kim hơn bất kỳ con đường nào khác, Khanh cho biết nó được hình thành từ kinh nghiệm của bản thân khi thực tập tại Dior. “Khi tôi quan sát cách họ xây dựng mọi thứ từ đầu, từ bước tìm sợi len để đan hàng dệt theo màu sắc chính xác mà họ mong muốn, đã khơi gợi hứng thú trong tôi,” anh nói, “và mặc dù tôi không tham gia vào bộ phận dệt kim, tôi cũng có thể thấy rất nhiều tiềm năng trong những gì họ đang làm.”
Sau đó, anh tiếp tục thực tập cho Sonia Rykiel, nhãn hiệu mà di sản của nó là chiếc áo len “poor boy” (cậu bé tội nghiệp) mà bà đã tạo ra vào những năm 1960 – một chiếc áo liền quần có gân bó và ôm sát, không giấu đường cong của phụ nữ. Sau đó, anh đã liên hệ với những người quen biết tại Dior và hỏi liệu họ có thể kết nối anh với một trong những nhà máy dệt kim mà họ làm việc cùng không. Và ở Ý, anh đã dành cả năm trời chỉ để đan len. “Tôi sẽ nói rằng tôi đã học mọi thứ ở đó để tìm hiểu về nghề đan. Họ làm việc với máy móc, tuy nhiên, tất cả hàng dệt đều được sản xuất ngay tại chỗ” nhà thiết kế giải thích.
[Trước khi học tại *RCA] Tôi đã học được kỹ thuật này, nhưng tôi không biết phải làm gì với nó. – Khanh Brice Nguyen
Vì vậy, khi anh theo học Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh để lấy bằng thạc sĩ về Thời trang dệt kim vào năm sau đó, nhà thiết kế đã có hiểu biết nhất định về ngành này. “Tôi đã học được kỹ thuật, nhưng tôi không biết phải làm gì với nó,” anh nói về lý do tại sao anh quyết định học lên thạc sỹ. Điều đầu tiên anh làm sau khi định cư ở London là đăng ký tham gia các lớp học khiêu vũ, và chính điều này đã thay đổi cách anh nghĩ về thiết kế thời trang nói chung. Nó dạy anh cách lắng nghe cơ thể mình. Anh nói: “Đó là khi tôi nhận ra và biết rằng mình sẽ thiết kế trang phục dệt kim không cản trở chuyển động cơ thể, và điều này sẽ cho phép tôi và những người khác thể hiện bản thân qua ngôn ngữ cơ thể.”
Phần lớn thiết kế của anh xoay quanh niềm tin đó, bắt đầu với đồ án tốt nghiệp đại học của anh, mang tên “Mindful Noise”, được thực hiện từ đầu đến cuối với vũ công Meshach Henry, người đã hợp tác với tư cách là người mẫu và nghệ sĩ trình diễn khi giới thiệu các tác phẩm của nhà thiết kế. Về phần Khanh, anh cười nói: “Tôi sắp trở thành một biên đạo múa rồi.”
Tôi đã mắc sai lầm và quyết định chấp nhận nó – Khanh Brice Nguyen
Với Meshach, anh ấy đã tạo ra một màn trình diễn vượt ra khỏi khuôn khổ thẩm mỹ thông thường của hàng dệt kim – những thứ thường được nghĩ là ấm cúng nhất, vừa vặn nhất khi mặc. Nhà thiết kế cho biết: “Tôi biết chính xác tỷ lệ cơ thể người mẫu của mình, và về cơ bản tôi sẽ đan những sợi len xung quanh cơ thể đó. Tuy nhiên, dù cho các tác phẩm được thiết kế cho một cơ thể cụ thể, quá trình thiết kế được dẫn dắt bởi một bản phối nhạc mà Khanh đã ghi âm trước, bao gồm âm thanh của máy móc kim loại va chạm và những tiếng động phòng thu khác, ví dụ như tiếng người trò chuyện.
Phương pháp tiếp cận có tâm, có tầm này đã mang lại một trong những thành tựu thiết kế nổi bật nhất của Khanh: áo len nổi chỉ (drop stitch top). “Nó xảy ra khi tôi mắc sai lầm và quyết định đi cùng nó,” anh nói. Nếu anh tuân thủ những quy tắc theo sách vở, anh sẽ sửa mũi đan của mình ngay lập tức trước khi nó biến thành những mũi đan bị lệch. Khanh nói: “Tôi áp dụng những gì học được từ các lớp học khiêu vũ và bỏ qua mọi nghi ngờ, để bản thân thử nghiệm và vui đùa. Một tác phẩm khác ra đời từ phương pháp “không có quy tắc” này là một chiếc áo có nhiều đường gân đan khít và các tấm dọc phồng lên, theo nhà thiết kế thì giống như một con sứa.
Mọi thứ tôi đan đều nhằm mục đích ôm lấy cơ thể, vẻ đẹp cũng như những khuyết điểm của nó – Khanh Brice Nguyen
Những tác phẩm như vậy tuân theo mục đích của Khanh là giúp bản thể bên trong của một người hợp nhất với với con người bên ngoài của họ, một mong muốn đã định hình các thiết kế của anh. Bộ sưu tập mà anh cho ra mắt sau khi tốt nghiệp, được gọi là OULÍ, có nghĩa là “những vết sẹo” trong tiếng Hy Lạp. Nhà thiết kế cho biết: “Mọi thứ tôi đan đều nhằm mục đích ôm lấy cơ thể, vẻ đẹp cũng như những khuyết điểm của nó,” nhà thiết kế nói.
Khi công việc của Khanh ngày càng phát triển vượt ra ngoài cách tiếp cận “phù hợp” để đan len, anh ấy bắt đầu kết nối với những sinh viên mới ra trường khác và những nhà thiết kế mới nổi có những tác phẩm mà anh đánh giá cao. Bên cạnh các bộ sưu tập cùng tên của mình, các bộ sưu tập giới hạn và những dự án thiết kế cho video ca nhạc hay trình diễn nghệ thuật, anh đã mở một studio thiết kế, KBN Knitwear, để đảm nhận những công việc tự do. Các nhà thiết kế mà anh đã làm việc cùng từ trước đến nay có thể kể đến Ronan McKenzie (đồng thời là một nhiếp ảnh gia), Karoline Vitto, Ludovic de Saint Sernin, Vejas Kruszewski, Charlotte Knowles, tất cả đều là những người mà anh ngưỡng mộ và phù hợp với quan điểm của anh ấy về bản sắc cá nhân, sự tích cực về cơ thể, sự gợi cảm và nhiều thứ khác.
“Khi tôi làm việc với ai đó có cùng tần sóng với tôi, thì chúng tôi sẽ tiếp thêm động lực sáng tạo của nhau”. – Khanh Brice Nguyen
Anh thừa nhận rằng về mặt tài chính, con đường làm việc tự do này là cách duy nhất để duy trì sự nghiệp thiết kế của anh. Tuy nhiên, nếu nói về chuyện hợp tác, mục tiêu của nhà thiết kế vẫn chiếm ưu thế. “Nếu họ đang truyền tải một thông điệp mà chúng tôi tin tưởng, chúng tôi có khả năng sẽ làm việc với họ,” anh nói.
Dù là dưới nhãn hiệu riêng của mình hay đang làm việc tự do, tôn chỉ hàng dệt kim của Khanh là tôn vinh – chứ không che giấu – vẻ đẹp của cơ thể. “Khi tôi làm việc với một người có cùng tần sóng với tôi, thì chúng tôi sẽ tiếp thêm động lực để cùng nhau sáng tạo”, anh ấy nói trước khi thêm vào: “Tất cả những gì tôi làm đều hướng tới tính cộng đồng.”
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo 1Granary