Vì sao các thương hiệu cao cấp lại hỗ trợ những làn sóng mới trong ngành thời trang?
Ngày đăng: 08/06/21
Các thương hiệu cao cấp đang tuyển chọn thế hệ nhà thiết kế tiếp theo và đây là lý do tại sao.
Đối với sinh viên và sinh viên mới ra trường, triển vọng việc làm có vẻ ảm đạm, nhưng đối với một số thương hiệu, việc nuôi dưỡng làn sóng tài năng mới vẫn là ưu tiên hàng đầu.
“Tôi luôn tin tưởng vào tầm quan trọng của giáo dục. Tôi muốn cho đi và hỗ trợ thế hệ tiếp theo.” – Jimmy Choo
Chúng ta đều biết rằng Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Tất cả chúng ta đã đọc số liệu thống kê và xem các biểu đồ; ở Anh và trên toàn cầu, tình hình đang không có gì khả quan. Mặc dù các cửa hàng và nhà hàng đang hứng chịu những ảnh hưởng tức thì của những hạn chế về việc giãn cách xã hội, nhưng có khả năng là sinh viên đang học và sinh viên mới tốt nghiệp sẽ phải chịu những ảnh hưởng kéo dài của cuộc suy thoái liên quan đến COVID, và có lẽ ngành sáng tạo đang chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những lĩnh vực như thời trang, thiết kế và nghệ thuật của Vương quốc Anh vốn đã nổi tiếng khắc nghiệt, với thời gian thực tập không lương kéo dài, chi phí sinh hoạt cao ở các thành phố lớn và học phí cao sau đại học như một lẽ đương nhiên. Đại dịch đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ trong khối sáng tạo và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến những người trẻ làm việc trong ngành này nhiều năm tới. Trên thực tế, báo cáo của công ty phân tích thị trường lao động Emsi cho thấy việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cho các nghề thiết kế đã giảm tới mức đáng kể, 37,4% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2020, và kể từ đó đến giờ không có sự phục hồi.
Tất nhiên, có những đơn vị như Hội đồng Thời trang Anh được xây dựng để hỗ trợ, khuếch đại và phát triển các hoạt động kinh doanh sáng tạo của Vương quốc Anh cũng như các sáng kiến lâu đời của mình. Chẳng hạn như BFC Newgen và BFC Fashion Trust – cả hai đều hỗ trợ các doanh nghiệp mới chớm nở thông qua các khoản tài trợ, cố vấn và đào tạo – BFC đã bắt tay vào hành động ngay khi giãn cách xã hội xảy ra, với Quỹ thời trang BFC cho Cuộc Khủng Hoảng COVID. Đến nay, quỹ đã phân phối 1,5 triệu bảng Anh cho 67 doanh nghiệp thiết kế nhỏ của Anh và đáng chú ý , quỹ đã nhận được sự đóng góp từ các thương hiệu thời trang lâu đời bao gồm Alexander McQueen, Paul Smith và Burberry.
Tuy nhiên, những khoản quyên góp tư nhân này chỉ là sự bắt đầu trong xu hướng ngày càng tăng của các thương hiệu xa xỉ, nhằm hỗ trợ cho thế hệ nhà thiết kế tiếp theo để họ có thể gia nhập vào ngành thời trang. Ví dụ, vào đầu năm 2021, Bottega Veneta thông báo họ sẽ cấp một học bổng hàng năm để hỗ trợ ba sinh viên năm cuối hiện đang học cử nhân Thời trang tại đại học Central Saint Martins. Ngay cả Hugo Boss, Ports 1961, Self-Portrait, LVMH và Burberry đều có những chương trình hỗ trợ hoặc học bổng tương tự.
Trong khi một số quỹ hỗ trợ được thành lập trong thời kỳ đại dịch, bởi trong thời kỳ này nó có khả năng ảnh hưởng đến tài chính của sinh viên tương lai cũng như sinh viên mới tốt nghiệp. Thực tế nhiều học bổng hỗ trợ tồn tại trước đại dịch là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu tranh khắc nghiệt mà những người trẻ có thu nhập thấp phải đối mặt khi thử sức mình ở các ngành công nghiệp sáng tạo.
Colby Shergalis, phó chủ tịch cấp cao về tiếp thị thương hiệu của De Beers Group, người sáng lập chương trình Shining Light, chương trình hỗ trợ các nhà thiết kế trang sức trẻ tuổi suốt 20 năm vừa qua, cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng bước đầu trong sự nghiệp của bạn có thể là một quá trình khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi muốn làm những gì có thể để khuyến khích, hỗ trợ và khuếch trương tài năng sáng tạo trẻ. Chúng tôi tiếp cận điều này với tư cách là quan hệ song phương, vì chúng tôi cũng đang tìm cách học hỏi từ thế hệ tiếp theo. Những kỹ năng, ý tưởng và thiết kế của họ mang tính liên hệ cao với thế hệ người tiêu dùng mới”.
Để đạt được mục tiêu này, De Beers gần đây đã hợp tác với các sinh viên tốt nghiệp từ Central Saint Martins về Forever Love, bộ sưu tập thứ hai trong chương trình ReSet, được thiết kế để giới thiệu sản phẩm của những tài năng mới, cũng như thúc đẩy các hoạt động bền vững. Bộ sưu tập gồm các tác phẩm của các sinh viên mới tốt nghiệp như Kristina Ferenchuk, Ami Masamitsu và Louis Tamlyn, sẽ được ra mắt vào cuối năm nay tại Lễ trao giải Shining Light, sáng kiến lâu đời của thương hiệu nhằm hỗ trợ các tài năng mới nổi từ các quốc gia đối tác thông qua học bổng và thực tập.
“Ngành công nghiệp trang sức vẫn là một ngành khá truyền thống, dẫn đầu bởi các thương hiệu lớn và lâu đời. Chúng tôi nhận ra rằng điều này, cùng với chi phí khởi nghiệp và thách thức về nguồn cung, có thể tạo ra rào cản cho những người mới bắt đầu trong ngành,” Shergalis giải thích về sự hợp tác. “Thông qua De Beers Group Designers Initiative (đơn vị tổ chức Giải thưởng Shining Light), chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các sinh viên thiết kế đồ trang sức ở các quốc gia sản xuất, nhưng chúng tôi cũng muốn mở rộng hỗ trợ cho các nhà thiết kế trẻ trong thị trường tiêu dùng nữa.”
Thương hiệu đồ da Ý Tod’s gần đây đã mở rộng chương trình Học viện Tod’s, trước đây chỉ giới hạn trong trụ sở của nhãn hiệu ở Marche, Ý, nhưng giờ họ đã mở rộng hợp tác với các sinh viên của Central Saint Martins. Chương trình được thành lập với sự phối hợp của Fabio Piras, giám đốc khóa học MA Fashion (Thạc sỹ Thời Trang) danh tiếng của Central Saint Martins, dự án Tod’s Legacy trao học bổng cho 35 sinh viên, cũng như hỗ trợ họ kết nối với các cố vấn bao gồm Hamish Bowles, Sarah Mower và Simone Rocha. Đổi lại, mỗi sinh viên sẽ được giao nhiệm vụ tạo ra các thiết kế dựa trên đặc trưng thương hiệu Tod’s, kết quả sẽ được công bố trong Tuần lễ thời trang London Thu/ Đông năm 2021.
Tất nhiên, có một mô hình đặc trưng: hầu hết mọi học bổng được hỗ trợ bởi các thương hiệu đều được cung cấp riêng cho sinh viên tại Central Saint Martins. Điều này, xét theo một số khía cạnh, là hợp lý. Central Saint Martins thường xuyên được bình chọn là trường thiết kế tốt nhất trên thế giới và các thương hiệu chỉ quan tâm đến việc đào tạo (và cuối cùng là tuyển dụng) những tài năng xuất sắc nhất. Tuy nhiên, chỉ vài chục ứng viên được nhận vào chương trình Thạc sĩ của trường mỗi năm (nơi dành cho bậc đại học mở rộng hơn nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém), có một câu hỏi được đặt ra, có bao nhiêu sinh viên tài năng chúng ta đang bỏ lỡ?
Một người có thể thay đổi điều này là Jimmy Choo. Đầu năm nay, nhà thiết kế giày nổi tiếng đã mở Học viện Thời trang JCA London, nơi cung cấp các khóa học về thiết kế thời trang, kinh doanh và khởi nghiệp. Mặc dù Học viện không liên kết trực tiếp với thương hiệu cùng tên của Choo, thương hiệu mà ông đã bán cổ phần của mình vào năm 2001, nhưng cái tên này cũng có ngụ ý rằng các khóa học sẽ đi kèm với lợi ích, ví dụ như kiến thức về ngành công nghiệp thời trang và các mối quan hệ, những điều này có giá trị không kém gì học bổng hỗ trợ chi phí đối với các nhà thiết kế trẻ.
“Tôi luôn là một người rất tin tưởng vào tầm quan trọng của giáo dục, đó là điều mà cha mẹ tôi đã truyền cho tôi. Tôi muốn đền đáp và hỗ trợ thế hệ tiếp theo” Choo nói về Học viện. Nơi đây sẽ nhận lứa sinh viên đầu tiên của mình vào tháng 9 năm 2021. Học bổng và quy trình đánh giá học bổng đã được cấp cho năm đầu tiên. Trong khi đó, Học viện cũng đã thiết lập một quỹ mở rộng, một phần trong tổng doanh thu hàng năm của nó được chuyển sang hỗ trợ tiếp cận và tham gia vào các dự án.
Tuy nhiên, không giống như các khóa học sáng tạo truyền thống, JCA sẽ không chỉ tập trung vào tài năng thiết kế mà còn tập trung vào các kỹ năng cần thiết để biến tài năng đó thành một sự nghiệp khả thi. Choo giải thích: “Lúc này là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết, điều quan trọng đối với giáo dục đại học là phải dạy sinh viên về cả thiết kế và kinh doanh. “Ngay từ khi sinh viên vào Học viện của chúng tôi, họ sẽ bắt đầu được học về các kỹ năng chuyên nghiệp. Họ sẽ có thể phát triển nghề nghiệp bằng cách thiết lập thương hiệu của riêng mình, hoặc làm việc trong môi trường studio chuyên nghiệp và sẽ được cố vấn trong suốt quá trình đó.”
Thực tế, đây sẽ là một gói ươm mầm (incubator) trong Học viện cho phép sinh viên và các công ty khởi nghiệp của họ học hỏi từ các công ty có tên tuổi và lâu đời hơn xung quanh. Sinh viên tốt nghiệp JCA cũng sẽ nhận được mức giá ưu đãi, cho phép họ có *địa chỉ tại Mayfair (khu phố sầm uất tại London, Anh) với ngân sách tiết kiệm, trong khi JCA đã hứa sẽ thu hút các doanh nghiệp đa lĩnh vực tham gia dự án để khuyến khích sự hợp tác.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng JCA là một tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận. Trước khi có học bổng và chi phí hỗ trợ, các khóa học của nó có giá 18.000 bảng mỗi năm, cao hơn đáng kể so với mức 9.250 bảng được tính bởi các trường đại học chính thống và ở mức 120 bảng + VAT (thuế giá trị gia tăng) mỗi tháng cho gói ươm mầm (incubator) cơ bản của nó (cung cấp cho bạn địa chỉ ảo và dịch vụ gửi thư), chi phí vẫn có thể là một nỗi lo đối với nhiều nhà thiết kế trẻ.
Tuy nhiên, với việc các tài năng trẻ phải đối mặt với một thị trường việc làm ngày càng khó khăn, sự tồn tại và phát triển của các kế hoạch như vậy mang lại một tia hy vọng – và về lâu dài, có thể sẽ có nhiều người với mức thu nhập thấp và đến từ những gia cảnh khác nhau sẽ có cơ hội tham gia, ngành thời trang luôn bị chỉ trích là thiếu sự đa dạng. Trong khi có một lập luận cho rằng một cuộc cải cách có hệ thống thì sẽ không buộc các nhà thiết kế trẻ phải dựa vào sự hào phóng của các doanh nghiệp tư nhân để tồn tại. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi sự giúp đỡ đều có ích.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo Luxury London