Vì sao các thương hiệu thời trang ra mắt thêm dòng mỹ phẩm?
Ngày đăng: 25/06/21
Được định giá lên đến 90 tỷ USD vào năm 2020, không quá ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều ông lớn thời trang muốn lấn sân sang lĩnh vực mỹ phẩm. Ngày qua ngày, chúng ta lại được thấy những sản phẩm make-up từ các thương hiệu thời trang.
Hãy cùng Style-Republik giải mã sức hút của lĩnh vực này, đâu là những lý do khiến các thương hiệu thời trang quyết định đầu tư và những điều cần lưu ý nếu muốn thành công trong ngành làm đẹp này.
Sức hút từ ngành công nghiệp mỹ phẩm
1. Gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu
Với mức độ tiêu thụ lớn cùng hành trình điểm chạm phong phú, gia nhập ngành hàng làm đẹp giúp các thương hiệu thời trang dễ dàng “len lỏi” vào tâm trí khách hàng, mỗi khi họ bất chợt muốn mua một cây mascara, một thỏi son hoặc một lọ kem nền mới.
Tips: Các buổi ra mắt và giới thiệu sản phẩm là cơ hội để các thương hiệu tương tác và tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng, qua đó khắc sâu hơn về công dụng của sản phẩm cũng như giá trị thương hiệu trong lòng khách hàng.
2. Xây dựng lòng trung thành của khách hàng
Rất nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đã bắt đầu ra mắt các sản phẩm trang điểm bên cạnh những bộ sưu tập thời trang theo truyền thống. Từ Burberry đến Tom Ford, các thương hiệu này đã nhanh chóng tiếp cận với một lượng lớn người dùng nhờ việc giới thiệu những dòng sản phẩm làm đẹp. Bên cạnh đó, với những chương trình khuyến mãi hợp lý như hoàn trả ít nhất 2000 bảng của Burberry đã giúp thương hiệu đến từ xứ sở sương mù giành lợi thế nhờ phục vụ phân khúc khách hàng bình dân. Nhờ danh tiếng vốn có, các thương hiệu thời trang phần nào dễ dàng chiếm được lòng tin của khách hàng hơn mà không cần sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo.
Điều này góp phần xây dựng lòng trung thành của người tiêu dùng. Thông qua việc cung cấp các sản phẩm làm đẹp, thương hiệu gia tăng khả năng hiển thị trong tâm trí người dùng, nhắc nhớ họ về các sản phẩm và thúc đẩy họ quay lại mua hàng.
Những yếu tố tạo nên thành công
1. Chiến thuật định giá
Các nhà bán lẻ thời trang đã nhanh chóng nhìn ra một phân khúc vô cùng tiềm năng trong thị trường làm đẹp: một sản phẩm với chất lượng tương đương các thương hiệu cao cấp, nhưng giá thành chỉ bằng 1/10. Nếu địa hạt thời trang có khái niệm “thời trang nhanh” – ý chỉ những món đồ hợp thời với giá cả phải chăng, thì ngành mỹ phẩm với sự ra đời của “dupe” – phiên bản rẻ hơn của những sản phẩm cao cấp nhưng chất lượng không hề kém cạnh đang dần nổi lên như một thế lực.
Giá thành rẻ, đi đôi với chất lượng đã được “kiểm chứng” nhờ danh tiếng của những thương hiệu mỹ phẩm uy tín, người dùng sẽ không ngần ngại bỏ ngay sản phẩm đó vào giỏ hàng. Ai mà không muốn sở hữu sản phẩm kem lót môi Primark với giá chỉ 1 bảng, nhưng chất lượng gần như đồng đều với sản phẩm của Mac lên đến 15 bảng?
2. Cửa hàng một điểm đến (one-stop-shop)
Khi các nhà bán lẻ thời trang tích hợp thêm dòng sản phẩm trang điểm vào danh mục sản phẩm của mình và trưng bày chúng tại cửa hàng, họ sẽ mang lại một giải pháp toàn tiện và tiện lợi cho khách hàng: cửa hàng một điểm đến, hay nói cách khác là một cửa hàng nhưng cung cấp mọi thứ. H&M gần đây đã ra mắt đồng thời các sản phẩm làm đẹp và đồ gia dụng, đảm bảo rằng người dùng có thể tìm thấy mọi thứ cho tủ quần áo cũng như phục vụ thói quen sinh hoạt buổi sáng của họ tại cửa hàng của hãng.
Khi đó, các phương tiện truyền thông của thương hiệu đều truyền đi một thông điệp nhất quán: với sản phẩm đa dạng từ thời trang, làm đẹp cho đến đồ gia dụng, người dùng chỉ cần đến cửa hàng của thương hiệu đó là đủ. Điều này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mà còn tối đa hóa khả năng mua hàng của họ với chi phí mặt bằng.
3. Xây dựng các kênh mạng xã hội mới
Khi makeup dần trở thành một loại nghệ thuật, phổ biến và sáng tạo hơn trong những năm gần đây, Instagram là một vùng đất để hiện thực hóa những ý đồ nghệ thuật đó bởi nơi đây có một lượng lớn những người say mê cái đẹp và tận hưởng quá trình làm đẹp
Chanel với @welovecoco, tài khoản Instagram dành riêng cho những nội dung làm đẹp đã giúp thương hiệu này tiến thêm một bước gần hơn với người dùng, thông qua việc tạo ra một “sân chơi” cho các tín đồ make-up và giúp họ có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm của hãng.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Launch Metrics