Trò chuyện cùng Nhà dựng mẫu Ngô Kim-Khôi: 30 năm giữa thế giới haute couture tại Paris
Ngày đăng: 12/10/21
Sang Pháp vào năm 25 tuổi, “định mệnh” đã đưa anh Ngô Kim-Khôi đến với nghề thời trang tại đất Paris, với những thương hiệu danh vọng lộng lẫy như Hermès, Christian Dior, Yves Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer…
Tự nhận mình là người “không tốt nghiệp trường chuyên môn nào cả, tất cả đều do tự học”, kiến thức của anh có được phát xuất từ lòng yêu thích nghệ thuật và niềm khao khát học hỏi, bằng cách đi xem bảo tàng, dự triển lãm, tìm đọc trong sách tất cả những gì mình muốn mà không có gì cấm cản, giới hạn… Trong những năm tháng làm nghề, dựa vào đôi tay tài hoa, anh từng dựng mẫu áo cưới của minh tinh Nicole Kidman, áo choàng cho danh ca Madonna trong chuyến lưu diễn châu Âu và những người nổi tiếng thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, nữ hoàng Soraya d’Iran (được mệnh danh “nàng công chúa mắt buồn”), phu nhân tổng thống Pompidou…
Sau 30 năm làm nghề, triết lý và trải nghiệm về thời trang mà chính anh đúc kết được rằng “thời trang cao cấp, đối với tôi đó là những gì đơn giản và thuần khiết nhất, vì càng đơn giản càng khó làm” hay “tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, mình phải gửi trọn tấm lòng, con tim, những gì mình tạo ra sẽ đẹp hơn.” Mời bạn cùng Style-Republik nghe những chia sẻ đắt giá từ anh Ngô Kim-Khôi!
Quay ngược thời gian, anh có còn nhớ ngày đầu gia nhập làng tạo mẫu tại Pháp. Xin anh cho biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với lĩnh vực này?
Tôi là người không được đi học chính quy. Định cư tại Pháp vào tháng 12 năm 1984, ở tuổi 25, đối với tôi đó là lứa tuổi… lỡ làng! Đi học tiếp thì dang dở, lại mang trên vai gánh nặng gia đình còn ở lại quê nhà, tôi bắt buộc phải tìm việc làm. Trời mùa đông Paris năm ấy rất khắc nghiệt, thiên hạ nói nửa thế kỷ chưa có mùa đông nào lạnh như thế. Nơi tha hương, tâm trạng tôi lơ láo “như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang…” Tôi thường ví mình là một nhánh cây miền nhiệt đới, được bứng sang trồng vào mảnh đất ôn đới giá buốt, phải vặn mình đớn đau mà thích nghi với cuộc sống mới, bởi vì nếu không thích hợp được thì nhánh cây kia chỉ có thể chết rủ mỏi mòn.
Với quyết tâm sinh tồn, trong những tháng ngày lưu vong, tôi bắt chước chim phượng hoàng sống lại từ đám tro tàn của chính mình. Đi tìm việc làm và với vốn liếng ngoại ngữ hạn hẹp tôi chỉ có thể làm việc tay chân. Tôi được giới thiệu vào làm trong một xưởng may của người Việt.
Hồi còn ở Việt Nam, tôi được người em dạy chút nghề may nhưng chỉ dùng máy may bàn đạp. Bước chân vào nghề, rụt rè bỡ ngỡ…, tôi xoay xở một mình, loay hoay với chiếc máy may công nghiệp, vốn liếng duy nhất là chút hiểu biết ít ỏi và tính ham mê nghệ thuật từ nhỏ.
Tuy không tin vào số phận nhưng tôi nghĩ là công việc thời trang đã chọn lựa tôi, và “định mệnh” đưa tôi đến với nghề thời trang tại đất Paris, với những thương hiệu danh vọng lộng lẫy.
Một ngày nọ, nhà thời trang Hermès tuyển người dựng mẫu và tôi liều lĩnh tham gia, thuộc 5 người đến ứng tuyển. Họ đưa mỗi người một xấp vải đã cắt sẵn và mẫu vẽ, phải dựng lên bộ áo cho đúng như mẫu một cách trung thực và nghệ thuật nhất. Đó là áo veste phụ nữ có cổ áo bằng nhung và lót áo bằng chiếc khăn vuông lừng danh của nhà Hermès. Cuối cùng, tôi là người duy nhất được chọn.
Kết quả của 5 người có thể nói không hơn kém bao nhiêu, nhưng có lẽ tôi là người biết hát, biết vẽ, tâm tình của mình gửi gắm vào tấm áo khác với những người học từ trường chuyên môn. Đó là ngày tôi chính thức mở cánh cửa bước vào thế giới thời trang haute couture Paris.
Một ngày nọ, nhà thời trang Hermès tuyển người dựng mẫu và tôi liều lĩnh tham gia, thuộc 5 người đến ứng tuyển. Họ đưa mỗi người một xấp vải đã cắt sẵn và mẫu vẽ, phải dựng lên bộ áo cho đúng như mẫu một cách trung thực và nghệ thuật nhất. Đó là áo veste phụ nữ có cổ áo bằng nhung và lót áo bằng chiếc khăn vuông lừng danh của nhà Hermès. Cuối cùng, tôi là người duy nhất được chọn.
Vào thời gian đầu anh có gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực này không? Có điều khiến anh trăn trở hay vui buồn với nó?
Thoạt đầu bước chân trên vùng đất xa lạ, tôi đã từng bị người đồng hương “bóc lột”, trả lương rẻ như bèo, nhưng ngược lại, tôi được “học” nghề và hiểu rất nhanh. Nghề dạy nghề, tôi xoay xở một mình với vốn liếng tự có, nói theo tiếng Pháp “j’apprends sur le tas”, có nghĩa là tôi học bằng cách thực hành, không học ở trường chuyên môn, mà học ở “trường đời”. May quá, ông trời cho tôi mười ngón tay hoa…
Vào làm việc, tôi học rất nhanh. Sau hai năm, rời đồng hương tôi chính thức vào nghề với nhà Hermès và làm việc ở đó trong ba năm. Lúc đó, carré lừng danh của Hermès (khăn lụa) được dùng làm các loại áo veste, áo gió hoặc gilet, cắt ráp cầu kỳ theo từng hình vẽ (motif) trên khăn. Sau đó tôi đã lăn lộn với nhiều nhãn hiệu danh tiếng khác Christian Dior, Yves Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer… Người Pháp họ không đặt nặng vấn đề bằng cấp, nhất là với ngành nghề mà họ có thể đánh giá qua sản phẩm mình tạo ra.
Cuộc đời tôi chủ yếu là tự học. Từ những thiếu thốn buộc tôi phải cố gắng. Nếu định mệnh đưa đẩy vào con đường đó, thay vì than thở tôi phải làm sao để con đường đi của mình được nở hoa. Tôi đi làm và vẫn dõi theo đam mê của mình là nghiên cứu hội họa. Song song với công việc thời trang, tôi nghiên cứu tài liệu và viết bài, nhờ vậy cuộc sống cũng không nhàm chán và bớt nhiều tiếc nuối. Tôi chỉ tiếc một điều là không được đi học một cách chính quy, nhưng suy đi nghĩ lại điều đó cũng không tệ.
Anh có thể chia sẻ về những kỉ niệm đặc biệt trong quá trình làm nghề của mình? Được biết anh là người đã dựng mẫu áo cưới của minh tinh Nicole Kidman hay áo choàng cho danh ca Madonna… Cảm xúc lúc đó với anh thế nào?
Thông thường tôi làm cho các buổi trình diễn thời trang, các mẫu tạo ra được gọi là prototype, nghĩa là “nguyên mẫu”, hay “mẫu chính”. Những mẫu này dùng để bước lên sàn trình diễn, sau đó, mẫu có thể thay đổi tùy theo yêu cầu, hoặc đôi khi chỉ là mẫu duy nhất, nôm na là “độc nhất vô nhị”, không phát triển hay thay đổi gì nữa.
Trong hơn 30 năm hành nghề, có hai kỷ niệm đáng nhớ. Năm 2006, khi làm cho nhà Balenciaga, tôi phải thực hiện một áo cưới với mấy chục loại đăng-ten khác nhau, do Nicolas Ghesquiere vẽ kiểu. Chiếc áo tỉ mỉ, công phu đến nỗi tôi phải mất hơn một tuần mới xong. Đó là chiếc áo cưới của minh tinh Nicole Kidman! Xin nói cho rõ, tôi chỉ thực hiện chiếc áo, còn khăn voan và găng giày do bộ phận khác làm. Thật ra, khi thực hiện áo, tôi không hề biết nó dành cho ai, chỉ nhận ra đây là một thiết kế đặt biệt vì thường xuyên có người đến kiểm tra và chụp ảnh chi tiết xem những gì tôi thực hiện có chỉn chu hay không. Đây là một trong những hợp đồng giữa nhà mode và minh tinh, vì họ phải giữ bí mật không được tiết lộ với truyền thông. Cho đến khi đọc báo tôi mới biết mình là người dựng lên mẫu áo cưới này. Thật là một điều thú vị trong cuộc sống!
Kỷ niệm thứ hai diễn ra trong năm 2008, tôi thực hiện kiểu vẽ do Riccardo Tisci của nhà Givenchy, một chiếc áo choàng (redingote) bằng satin, trang trí với những nếp gấp cầu kỳ, trên tay áo điểm trang đá quý… Đó là áo của nữ hoàng nhạc pop Madonna mặc trong dịp lưu diễn tại Âu châu.
Ngoài ra, những tên tuổi minh tinh thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, nữ hoàng Soraya d’Iran (được mệnh danh “nàng công chúa mắt buồn”), phu nhân tổng thống Pompidou…, thường hay đặt hàng tại các thương hiệu haute couture và tôi đã có duyên may thực hiện trang phục cho họ. Đối với tôi, đây là những kỷ niệm vui, vì mình có cơ hội tiếp xúc gần với những hình ảnh tưởng chừng như xa vời khỏi tầm tay với. Thực ra, đối với tôi họ cũng chỉ là những khách hàng như bao nhiêu khách hàng khác mà thôi.
Trong cảm nhận của anh, thế giới của kỹ thuật viên dựng mẫu có gì thú vị?
Nhìn lại mình trong thế giới haute couture, có vài nỗi niềm tôi xin bộc bạch: Những gì tôi có được trong đó là khi thực hiện một mẫu áo, tôi trao cả tâm tình như khi vẽ một bức tranh, đó là niềm vui và là niềm đam mê của người yêu thích nghệ thuật. Tôi biết mình không được học nhiều, không tốt nghiệp trường chuyên môn nào cả, tất cả đều do tự học, phần lớn kiến thức có được đều phát xuất từ lòng yêu thích nghệ thuật và niềm khao khát học hỏi. Mảnh đất đầy phù sa Paris đã cho phép tôi tự học hỏi, tìm hiểu, khám phá rất nhiều thứ, bằng cách đi xem bảo tàng, dự triển lãm, tìm đọc trong sách tất cả những gì mình muốn mà không có gì cấm cản, giới hạn… Tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, mình phải gửi trọn tấm lòng, con tim, những gì mình tạo ra sẽ đẹp hơn. Đối với văn sĩ, văn là người, đối với tôi, “áo là người”, vì nó phản ảnh được chính mình. Tôi cũng may mắn gặp được nhiều người bạn tốt, hướng dẫn giúp đỡ tận tình. Con mắt và cái nhìn của tôi rộng mở hơn, kiến thức được vun xới…
Những gì tôi có được trong đó là khi thực hiện một mẫu áo, tôi trao cả tâm tình như khi vẽ một bức tranh, đó là niềm vui và là niềm đam mê của người yêu thích nghệ thuật.
Có ý kiến cho rằng giới thời trang ngày nay thường đề cao vị trí giám đốc sáng tạo, những người nêu lên ý tưởng, trong khi đó những nhà dựng mẫu – những người chính tay làm nên tác phẩm thường mờ nhạt. Anh có đồng ý hay không với ý kiến này? Hay anh có suy nghĩ nào khác về nó?
Giám đốc sáng tạo là linh hồn của bộ sưu tập, nhưng không thể thiếu đôi bàn tay của người dựng mẫu. Tất cả những công việc để xây dựng nên những ý tưởng của nhà tạo mốt đều do người dựng mẫu đúc kết nên.
Một số ý tưởng sáng tác nhiều khi quá đỗi bay bổng phiêu diêu nhưng khi đưa đến khâu thực hiện thì không thể nào làm được, đây là lúc người dựng mẫu trổ tài, sửa đổi một vài chi tiết kỹ thuật thiết kế, để phần hồn của tác phẩm không mất đi. Tại đây, chúng ta có thể đánh giá một cách thực tế giữa những người dựng mẫu, ai có đôi bàn tay khéo và óc tư duy linh hoạt.
Có nhiều bạn trẻ thắc mắc, công việc dựng mẫu tại kinh đô thời trang Paris như thế nào? Làm sao để những người trẻ có cơ hội gia nhập lĩnh vực này?
Các bạn cứ hình dung một tổ ong, trong đó các con ong thợ không ngừng làm việc. Cơ duyên và niềm đam mê sẽ đưa đường dẫn lối cho những ai có đủ khả năng đến đích mình yêu thích. Theo tôi nghĩ, những gì chúng ta tiếp thu được tại học đường chỉ là nền tảng, ấy là chưa kể mỗi người đều có những ý niệm khác nhau, nên sự tiếp thu vì đó sẽ thay đổi theo từng người.
Một số bạn trẻ hiện nay thích chạy theo xu hướng của thế giới showbiz với những goût thẩm mỹ rất hào nhoáng. Tôi nghĩ rằng tôi không thuộc thành phần này, có lẽ do tính cách. Chẳng hạn, có một NTK khi mới bước chân vào nghề có nhờ tôi góp ý cho các mẫu thiết kế của anh ta, nhưng ngày nay anh ta đã trở nên nổi tiếng nhất nhì Việt Nam thì tôi lại ngại tiếp xúc. Tôi làm thời trang với những tinh tế có từ hiểu biết của mình về âm nhạc, hội họa, võ thuật…, có thể như vậy nên thời trang chọn tôi trong một thời gian dài. Và, công việc này là thầm lặng. Tôi càng hồn nhiên, giản dị thì đời sống càng dễ dàng với mình hơn. Showbiz là một thế giới không dễ dàng, với rất nhiều tính phức tạp và nhiêu khê của nó, không thích hợp lắm với tính cách của tôi (cười).
Theo anh muốn trở thành thợ dựng mẫu giỏi thì cần phải trau dồi những gì và rèn luyện như thế nào?
Theo kinh nghiệm riêng tư, chúng ta hòa mình vào một nghề nghiệp phục vụ cái ĐẸP, chính vì vậy, tất cả những gì liên quan xa gần đến thẩm mỹ đều giúp cho chúng ta có cái nhìn sâu hơn. Tôi rất yêu thích âm nhạc, thi ca, hội họa… Những điều này đã mang thêm giai điệu cho những gì tôi biểu hiện ra trong công việc của mình.
Thật sự thì tôi không theo dõi nhiều về thời trang Việt Nam, nhưng qua những gì tôi thấy thì đất nước mình văn hóa thời trang rất ít, cho đến khi trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ra đời, ông Cát Tường, Lê Phổ cải tiến áo dài, chúng ta mới có áo dài cho đến tận nay. Thời trang chỉ quanh quẩn vài kiểu cho đến khi đất nước mở cửa và internet xuất hiện, truyền thông dễ dàng hơn thì cái nhìn có thoáng hơn, nhưng thiết kế Việt vẫn có gì đó rườm rà quá. So sánh thì khập khiễng vì mình mới, trong khi người ta đã hàng trăm năm. Tôi cho rằng một ngày nào đó, thời trang Việt sẽ có những cách tân để hoàn thiện hơn. Bây giờ, tôi tiếc áo dài vì người ta ít dùng hơn ngày trước, có lẽ vì sự phức tạp của nó và mốt mới từ các nước du nhập vào. Tôi hy vọng áo dài không biến mất khỏi thời trang Việt Nam.
Về thời trang cao cấp, nhìn chung người Việt Nam rất khéo tay và bắt chước rất giỏi, chỉ tiếc là thiếu tính sáng tạo nên thời trang Việt không có cá tính riêng. Hiện giờ vẫn có một số người vẫn tìm cách sáng tạo nên những cái mới nhưng vẫn chưa thành công, hy vọng lớp trẻ sau này sẽ có những cái khác, mới lạ hơn. Tôi đánh giá rất tốt tính cách sáng tạo và hòa hợp văn hóa Đông Tây trong thời trang của Thủy Nguyễn, Công Trí…
Đối với việc phát triển, giáo dục là con đường dài lâu nhưng bền vững. Phải có những phương án dạy người dân từ thuở bé, nhìn về tương lai và gieo hạt từ bây giờ. Những người từ bé đã bị tiêm nhiễm sự bắt chước thì lớn lên khó lòng thay đổi. Vừa rồi, tôi có tiếp cận kiến trúc nghệ thuật với một nhóm 6 người trẻ, người lớn tuổi nhất là 26 tuổi và nhỏ nhất là 14. Tôi rất xúc động và nhìn thấy niềm vui từ những người bạn này, 14 tuổi mà quan tâm đến kiến trúc của Sài Gòn xưa, không thích chơi game hay chạy theo những ngôi sao Hàn Quốc. Tôi hy vọng thế hệ này có nhiều mầm mống tốt như vậy, không tiêu phí thời gian cho những điều không xứng đáng.
Tôi không chê những người trẻ thích chơi game hay thần tượng ca sĩ Hàn Quốc nhưng bên cạnh những điều ấy thì nên đọc sách, tìm hiểu hội họa, âm nhạc, văn thơ… để đời sống tinh thần phong phú hơn. Điều này khó bởi vì người ta đã rất nhiều kinh phí marketing với mục đích lôi kéo người trẻ vào các kiểu giải trí khác nhau. Rất tiếc rằng các bạn trẻ không nhận ra rằng mất cả ngày để đón ca sĩ hay xếp hàng mua một đôi giày mốt là quá lãng phí thời gian và ngay cả tuổi thanh xuân.
Tuy bề dày về lịch sử ngành nghề vẫn quy định goût thời trang của một đất nước nhưng các bạn thử nghĩ xem, tại sao nước Pháp được xem là kinh đô của thời trang? Con người Pháp, tâm tình Pháp là tâm tình nghệ thuật và thơ văn, sản sinh ra nhiều danh họa, văn hào của thế giới. Tôi không ngạc nhiên khi nước Pháp là cái nôi của thời trang (và nước hoa), vì những tinh tế và nhẹ nhàng của họ. Với nền văn minh lâu đời, cộng với sự giáo dục được truyền bá hằng ngày, tạo nên goût thẩm mỹ và giúp họ trở thành những người thanh lịch. Tôi nghĩ rằng chúng ta thiếu sự giáo dục về cái đẹp. Ở Pháp, từ khi bước chân vào mẫu giáo, theo chương trình học các em đã đi bảo tàng. Hình ảnh học sinh nhìn ngắm thật lâu một bức tượng hay bức tranh xưa là những hình ảnh rất quen thuộc trên đất Pháp. Những đứa trẻ ấy được nói lên những suy nghĩ ngây thơ của mình, và khi trưởng thành sẽ khác với những đứa trẻ không có cùng giáo dục. Ở Việt Nam cần những điều như vậy, tôi thấy nhiều điều cần phải thay đổi tại bảo tàng Việt Nam và truyền bá để bảo vệ cho mỹ thuật nước ta.
Được biết sau khi về nước anh hoạt động nghiên cứu nghệ thuật. Ông của anh, họa sĩ Nguyễn Nam Sơn có phải ảnh hưởng rất lớn đến anh hay không?
Những ngày đầu sang Pháp tôi gần như chẳng có chọn lựa nào khác nên theo đuổi thời trang. Cuộc sống rất ngắn ngủi mà tôi thì còn nhiều hoài bão, bây giờ đã đến lúc tôi chọn mỹ thuật – niềm đam mê của mình. Tuy vậy, khi những bạn trẻ muốn tôi nói chuyện về thời trang tôi vẫn tham gia vì các buổi ấy nói về những thứ có sẵn trong đầu, không mất thời gian để soạn giáo trình, bài viết. Không trực tiếp làm thời trang nữa nhưng tôi vẫn muốn truyền lại cho các bạn trẻ kinh nghiệm đã có 30 năm trong nghề, những buổi đó tôi rất vui vì nói được những điều mà các bạn trẻ chưa nhận ra. Ví dụ về thời trang cao cấp, đối với tôi đó là những gì đơn giản và thuần khiết nhất, vì càng đơn giản càng khó làm. Thời trang rườm rà có cái để che giấu còn đơn giản mà không khéo thì sẽ thấy ngay những lỗi kỹ thuật.
Cuộc sống là của mỗi người, ngày tôi quyết định ngừng làm việc “kiếm cơm” trong thế giới thời trang mà nhiều người mơ ước với danh hiệu “haute couture”, bạn bè hoảng hốt làm sao tôi có thể tiếp tục cuộc sống lúc nào cũng phải có những chi tiêu tối thiểu! Tôi cho rằng mình còn khoảng 20 năm để làm việc, nhưng có quá nhiều đam mê cần thực hiện nên phải bắt đầu từ bây giờ kẻo không kịp. Hiện nay tôi không có những nhu cầu xa xỉ nên kiểu gì cũng sống được, nhất là không còn bị nhiều thứ đè nặng nên rất thoải mái. Dành trọn thời gian còn lại chỉ để làm điều mình yêu thích, nhất là sống gần mẹ và có nhiều thời gian nghiên cứu mỹ thuật, một cách học hỏi thêm, là một niềm hạnh phúc không gì đánh đổi được. Công việc này sẽ là mạch ngầm giúp tôi tìm về cội nguồn mà tôi không được gần gũi.
Về thời trang cao cấp, đối với tôi đó là những gì đơn giản và thuần khiết nhất, vì càng đơn giản càng khó làm. Thời trang rườm rà có cái để che giấu còn đơn giản mà không khéo thì sẽ thấy ngay những lỗi kỹ thuật.
Mẹ tôi là người ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống văn hóa và goût thẩm mỹ của tôi, sau đó là ông Ngoại Nam Sơn. Vì sao ? Tôi không được sống gần ông Ngoại, tôi chỉ “khám phá” ông qua những bài biên khảo mà vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định của ông đối với việc thành lập nền Mỹ thuật Việt Nam. Niềm đam mê nghệ thuật chắc cũng phải có di truyền, tôi vẫn noi theo gương của ông Nam Sơn mà làm việc.
Hiện tại anh đang hoạt động các dự án nào, thưa anh? Việc dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam trong thời điểm này có phải đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hiện tại của anh?
Dịch bệnh ảnh hưởng không ít đến một vài sinh hoạt cộng đồng, một số sự kiện đã phải dời lại, chưa biết đến khi nào mới có thể thực hiện. Tôi cũng chưa rõ khi nào có thể trở về Pháp vì các giao thương giữa các nước hiện nay rất hạn hẹp.
Tuy nhiên, giãn cách xã hội cũng cho tôi một số thời giờ để làm nhiều việc mà trước đó không thể làm được, ví dụ xem lại bản thảo quyển sách mang tựa đề “Nam Sơn – Cuộc đời và Tác phẩm ” (Nam Sơn – sa Vie, son Œuvre, viết bằng Pháp văn), viết xong từ năm 1999. Tại sao tôi viết bằng tiếng Pháp? Thời đó, việc theo dõi nghệ thuật, nhất là hội họa, ở trong nước chưa phát triển nhiều. Ít người hiếu kỳ vấn đề này. Điều đưa tôi đến quyết định viết bằng tiếng Pháp, như một tiểu luận sơ khởi, mong muốn đệ trình lên trường Viễn Đông Bác Cổ với hy vọng nếu có thể họ sẽ cung cấp điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu sâu hơn cho một luận án về Nam Sơn sau này, nhất là về việc xuất bản. Điều quan trọng hơn hết là trường Viễn Đông Bác Cổ và cuộc đời của Nam Sơn đã từng có những kết hợp giao thoa, danh tiếng của Trường sẽ củng cố thêm địa vị của Nam Sơn trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật.
Ước vọng này không thành, do những phong cách suy nghĩ và làm việc không dễ thông cảm. Tôi nghĩ bây giờ thảnh thơi hơn, sẽ viết lại những khám phá và nghiên cứu của mình, lần này sẽ viết bằng tiếng Việt.
Các kế hoạch sắp tới của anh khi đại dịch đã được kiểm soát tại Việt Nam?
Tôi vẫn còn rất nhiều tài liệu về trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cần nghiên cứu, phải dành thì giờ để khai quật lại đống hồ sơ chồng chất, vì đó là một kho tàng quý báu để hoàn thành tâm nguyện viết một quyển sách về trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Tôi không muốn người ta gọi mình là nhà thẩm định tranh hay họa sĩ gì cả. Tôi cũng không thích mọi người gọi tôi là cháu ngoại ông Nam Sơn như một danh hiệu, mặc dù đó là sự thật không thể chối cãi (cười). Tôi chỉ muốn cống hiến những gì mình cho là thật, những gì của lịch sử thì trả lại cho lịch sử, viết cái gì người khác chưa biết và tìm kiếm lại những người bị lãng quên. Danh tiếng chẳng đem lại cho tôi điều gì cả, nhiều khi còn đem lại phiền phức.
Tôi tự cho rằng mình không phải là nhà nghiên cứu, vì không có bằng cấp chuyên môn. Tuy vậy, tôi tự hào những gì mình viết đều xuất phát tự đáy lòng thành thật và niềm đam mê về nghệ thuật nói chung, và là con đường giúp tôi tìm về nguồn cội.
Xin cám ơn anh đã chia sẻ cùng Style-Republik!
Thực hiện: Hoàng Khôi