Logomania – “Cái tôi thương hiệu” một lần nữa khuấy động lãnh địa thời trang
Ngày đăng: 22/11/21
Từ lời khẳng định vị thế, linh hồn và “cái tôi” của các thương hiệu trong lãnh địa thời trang đến cơn sốt thời trang được nhiều nhà mốt cũng như tín đồ yêu thích, vậy logomania rốt cuộc là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu cùng Style-Republik qua bài viết sau đây!
Logomania là một thuật ngữ được dùng trong thời trang để chỉ trào lưu khẳng định thương hiệu, đẳng cấp của thương hiệu bằng cách lấy logo của chính thương hiệu đấy làm họa tiết, bản in trên các thiết kế của họ cũng như niềm đam mê, cơn “nghiện” muốn sở hữu những món đồ có đính đầy logo như thế này. Trái ngược lại với lẽ thường khi logo của nhãn hàng được in trên những chiếc tag bên trong quần, áo, hay túi xách, với trào lưu “khoe của” như Logomania thì những chiếc logo đấy lại trở thành món phụ kiện giúp mọi tín đồ nổi bật trong đám đông.
Chặng đường chinh phục mọi tín đồ thời trang của trào lưu Logomania
Nếu cho rằng đây chỉ là biện pháp của các nhà mốt khi cạn “chất xám” thì bạn lầm to rồi nhé! Logomania xuất hiện là công cụ quảng bá quảng bá thương hiệu đã được tính toán kỹ càng nhằm khẳng định đẳng cấp của họ trong lòng người tiêu dùng.
Vốn đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng vào thời điểm đấy Logomania chưa thu hút nhiều sự chú ý thậm chí còn bị lên án vì những hiểu lầm không đáng có. Chẳng hạn, năm 1892 giới mộ điệu đã chiêm ngưỡng không ít những chiếc túi, vali hay rương đồ của nhà mốt Louis Vuitton được đính cả ma trận logo LV lên bề mặt thiết kế. Sau phát súng của LV, vào năm 1925, Coco Chanel đã đánh dấu cột mốc cho chính thương hiệu của mình với việc sáng tạo ra logo hai chữ “C” lồng vào nhau và thể hiện chúng trực tiếp trên những thiết kế.
Tuy nhiên khi hỏi về cội nguồn của làn sóng Logomania thì chính ngành âm nhạc, đặc biệt là hip-hop thập niên 80s – đầu thập niên 90s dưới sự sáng tạo của nhà thiết kế thời trang đường phố Daniel Day (Dapper Dan). Với cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ của chính mình ở thành phố New York, Dapper Dan đã cho ra đời hàng loạt thiết kế độc đáo có in hàng loạt các logo của nhà mốt nổi tiếng như Gucci, Fendi và LV. Anh chàng thiết kế trẻ thời bấy giờ cho rằng những sản phẩm thời trang của mình không thể bị gán cái mác là “hàng nhái” (knock-offs) được mà nên được tôn vinh là hàng “knock-ups” vì chúng đều là những thiết kế mới mẻ dù có “mượn” những logo nổi tiếng của các nhãn hàng khác đi nữa. Và với làn sóng Hip-Hop cùng với thời trang đường phố đang ở “đỉnh vinh quang” thì các thiết kế của Dapper Dan cũng dần lọt vào mắt xanh của nhiều tín đồ đặc biệt là các ngôi sao nổi tiếng.
Đây cũng chính là bước đệm cho sự bùng nổ trào lưu Logomania ở những năm 2000. Ở thời điểm này, những bộ cánh có cả ma trận logo không những xuất hiện tràn ngập trên phố thậm chí còn góp mặt trên nhiều thảm đỏ sự kiện lớn với tầm lăng xê nhiệt tình của những người có tầm ảnh hưởng, những ngôi sao giải trí, IT girls đình đám,…
Ra đời khá sớm nhưng đến tận 10 năm sau, trào lưu logo kỳ lạ này mới thật sự “xâm chiếm” toàn bộ thị trường thời trang, đặc biệt là thị trường Mỹ. Với giai đoạn bùng nổ kinh tế vào thời điểm này, các thương hiệu thời trang cao cấp ngày càng khẳng định vị trí của mình với công cụ chiến lược hiệu quả là những chiếc logo đồng thời được xem như một cách để biểu thị vị thế xã hội và điều kiện kinh tế của những người diện. Các thiết kế túi xách, áo khoác kể cả thắt lưng với logo từ các “ông lớn” như Louis Vuitton, Christian Dior hay Calvin Klein giờ đây vừa là những món đồ thể hiện phong cách vừa nói lên địa vị, đẳng cấp riêng của người mặc.
Tuy nhiên có lúc “thịnh” thì ắt cũng có lúc “suy”, phổ biến trong một khoảng thời gian dài nhưng chính cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến trào lưu Logomania “dậm chân tại chỗ”. Sự sụp đổ kinh tế đấy đã khiến giới nhà giàu ngại ngùng và không muốn phô trương địa vị của mình. Đây cũng là lúc thời trang tối giản lên ngôi, tràn ngập khắp đường băng của các thương hiệu thời trang nổi tiếng và Logomania cũng đành phải lui về “chốn hậu cung”.
Cho mãi đến những năm 2010s, nhờ vào sự phổ biến của phong cách retro của những thời xưa cũ, thì trào lưu đặc biệt này mới quay trở lại đường đua thời trang sau thời điểm “đóng băng”. Thời điểm này các thương hiệu thời trang cao cấp như Versace, Dior,…cũng quyết định nâng tầm đẳng cấp của bạn thân với hình ảnh logo của chính mình bằng cách “trình làng” những thiết kế được lấp đầy những chiếc logo đặc trưng của thương hiệu mình.
Và đến tận thời điểm hiện tại, trào lưu đậm chất cái tôi này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, không có để phát hiện khi giờ đây từ các thương hiệu nhỏ đến cao cấp, xa xỉ vẫn luôn theo đuổi và đưa Logomania lên một tầm cao mới. Không còn đơn giản là tên thương hiệu hay chữ cái đặc trưng, ma trận logo giờ đây cũng được cải tiến và hiện đại hóa rất nhiều với nhiều kiểu dáng hay màu sắc mới lạ độc đáo. Hơn thế nữa, không chỉ để khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thời trang thế giới, Logomania giờ đây còn trở thành câu chuyện lịch sử mang tính huyền thoại của những màn hợp tác kinh điển như BST Aria giữa hai “ông lớn” Gucci và Balenciaga hay BST Fendace – cuộc trao đổi tuyệt vời của hai nhà mốt trứ danh Fendi và Versace.
Màn quay trở lại của Logomania là lại một lời khẳng định, một minh chứng cho vòng lặp không điểm dừng của thời trang. Không còn là một công cụ chiến lược để các thương hiệu thời trang ứng phó với những tình huống, hoàn cảnh khó khăn mà Logomania đã trở thành một lời khẳng định cái tôi, cá tính khác biệt trong thời trang cũng như khát khao thể hiện cái tầm của bản thân của mọi tín đồ.
Thực hiện: Huỳnh Trân