Làm sao để xây dựng chiến lược kinh doanh thương hiệu cho Web 3.0?
Ngày đăng: 08/04/22
Web 3.0 là một nguồn giá trị kinh tế mới. Không giống như Metaverse hay NFT – vốn dĩ còn khiến cho nhiều người cảm thấy hoài nghi về tiềm năng, Web 3.0 thực sự là một sự chuyển giao cần thiết của internet. Đó là một thị trường, một nguồn doanh thu mới, một động lực cho sự phát triển kinh doanh và một lợi thế cạnh tranh. Để khám phá toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế Web 3.0 đối với các thương hiệu. Dưới đây là một vài gợi ý về xây dựng chiến lược kinh doanh.
Chiến lược sẽ được minh họa như sau, là một biểu đồ có bốn góc phần tư và hai trục. Trên trục hoành, có tập trung vào người dùng và tập trung vào thị trường. Trên trục tung, có giá trị gia tăng tăng trưởng và giá trị gia tăng biến đổi. Giá trị biến đổi chưa tồn tại trong công ty. Giá trị gia tăng tăng trưởng được xây dựng dựa trên các sản phẩm và dịch vụ hiện có của công ty.
Tạo ra giá trị bổ sung
Chiến lược này dựa trên nền tảng Web 3.0 để tăng giá trị cho hoạt động kinh doanh hiện tại của thương hiệu. Ví dụ: tất cả các lần ra mắt sản phẩm NFT gần đây và các hoạt động kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại hình ảnh của các thương hiệu thời trang và các tựa game được xem là tiền thân của metaverse như Fortnite và Roblox đều thuộc góc phần tư ở mục thị trường. Đây là góc phần tư đông sự cạnh tranh nhất. Ở đây, Web 3.0 được xem là một kênh tiếp thị và giao tiếp khác của thương hiệu, nhưng nó có tiềm năng trở thành một dòng doanh thu mới nếu nó di chuyển ở bất kỳ góc phần tư nào trong số ba góc phần tư còn lại.
Tạo ra hệ thống
Cách tiếp cận này xoay quanh việc kết nối các sản phẩm và dịch vụ theo một cách mới để tạo ra giá trị chuyển đổi. Giá trị sản phẩm giờ đây gắn với dịch vụ và trải nghiệm được thiết kế xung quanh nó, như trường hợp giá trị nằm trong việc kết nối thế giới thực và ảo. Lấy ví dụ là giá trị của Fendi x Ledger không chỉ là bán các phụ kiện của Silvia Venturini Fendi với mức giá trị của sản phẩm cao cấp, mà còn ở các lợi ích liên đới đến tiền kỹ thuật số mà việc sở hữu phụ kiện này cung cấp. Bằng cách này, Fendi đang thiết kế hiệu quả sự thay đổi hành vi mua sắm và tiêu dùng bằng cách kết nối những lợi ích của Web 3.0. Đó là quản lý tài sản kỹ thuật số, được kết hợp với tính thiết kế sang trọng và tên tuổi thương hiệu.
Một trường hợp áp dụng khác liên đới đến Web 3.0 là sử dụng công nghệ blockchain để xác thực hàng hóa cao cấp. Chiến lược kinh doanh này được áp dụng bởi LVMH, Microsoft và ConsenSys – một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain. Ứng dụng để xác thực hàng hóa cao cấp được các thương hiệu này sử dụng là AURA, dùng để cung cấp thông tin của hàng hóa từ khâu thiết kế cho đến lúc phân phối, hiệu quả trong việc bảo đảm rằng khách hàng sẽ không mua phải hàng hóa giả cao cấp.
Hay là thương hiệu Guerlain đã tung ra bốn NFT – là các tài sản kỹ thuật số được ủy quyền từ các nghệ sĩ, để tài trợ cho việc tạo ra một khu vườn thí nghiệm nông nghiệp bền vững và một khu bảo tồn đa dạng sinh học rộng 28 ha.
Ứng dụng Web 3.0 cho việc thiết kế để phục vụ lợi ích của khách hàng
Cách tiếp cận này xoay quanh sự đổi mới do khách hàng dẫn dắt: cung cấp cho khách hàng một cách thức mua sắm mới, tốt hơn, khác biệt theo cách thức có lợi. Ví dụ: OpenBazaar đã phát triển một tiện ích blockchain phi tập trung để kết nối người mua và người bán mà không cần thông qua trung gian và bãi bỏ các khoản phí phụ thêm. “Mã hóa” quyền sở hữu đối với các sản phẩm vật chất sẽ giúp giảm chi phí giao dịch thương mại điện tử.
Những gì được giao dịch là một mã thông báo đại diện cho hàng hóa vật chất và phương thức thanh toán bảo vệ cho cả hai bên, xác thực hàng hóa, và giảm thiểu rủi ro đối tác. Rủi ro đối tác là xác suất mà một bên trong một giao dịch đầu tư, tín dụng hoặc giao dịch thương mại có thể không hoàn thành một phần của thỏa thuận và có thể không thực hiện được các nghĩa vụ theo hợp đồng. Khi người mua đổi mã thông báo, họ sẽ nhận được hàng hóa vật chất mà họ đã mua hoặc họ có thể bán lại quyền sở hữu sản phẩm đó bằng cách bán mã thông báo.
Cơ chế này là một cách mới để xây dựng lòng tin trong các thị trường bán lẻ. Thay vì tin tưởng vào các nền tảng như Amazon hoặc TheRealReal, người mua trực tiếp xây dựng lòng tin với người bán, điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xây dựng thương hiệu và thương mại.
Có những trường hợp khác trong cách tiếp cận thiết kế nhằm tăng thêm giá trị cho người tiêu dùng. Neon DAO và Red DAO được tạo ra với mục đích mua các tài sản được sử dụng trong metaverse như trang phục thời trang, tài sản và đất kỹ thuật số. Đã có những tổ chức như Global Designer Network để kết nối 100 nhà thiết kế thời trang tập trung vào việc tạo ra thời trang kỹ thuật số. Thị trường NFT mới của Associated Press thì cung cấp NFT là các tác phẩm từ các nhiếp ảnh gia nổi tiếng của hãng thông tấn AP (Associated Press). Các NFT là những bức ảnh đoạt giải Pulitzer. Bên cạnh các NFTs, AP cũng cung cấp siêu dữ liệu với thông tin về chi tiết bức ảnh đoạt giải. Trước AP, tờ New York Times và Quartz đã phân phối nội dung của họ ở định dạng NFTs.
Tạo ra sự gián đoạn
Cách tiếp cận này làm gián đoạn chuỗi giá trị trong ngành hiện có và tạo ra giá trị chưa tồn tại trước đây. Ví dụ, thay vì phá vỡ thị trường đấu giá chỉ thông qua công nghệ Web 3.0, Otis marketplace – một sàn giao dịch các sản phẩm nghệ thuật, đã thâu toán toàn bộ thị trường đồ sưu tầm bằng cách giành quyền quyền sở hữu sản phẩm. Mục tiêu của Otis là xây dựng “sàn giao dịch hàng đầu cho các tài sản văn hóa”, được hỗ trợ và ủng hộ bởi cộng đồng các nhà sưu tập.
Mạng lưới các nhà sưu tập ngày càng đông đảo và phát triển bắt nguồn từ mô hình cơ bản được dày công xây dựng bởi Otis. những món đồ sưu tầm về văn hóa đắt giá, và được quan tâm đông đảo được làm cho dễ tiếp cận, trái ngược với cách thức hoạt động của các nhà đấu giá lâu đời. Bằng cách đưa ra một cách thức mới để tạo, phân phối và nắm bắt giá trị trong thị trường đồ sưu tầm, Otis không chỉ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cao cấp – như đấu thầu theo nhóm là cơ hội để các nhà thầu có thể chung vốn, và còn xây dựng một thị trường hoàn toàn mới.
Một ví dụ khác về sự gián đoạn là các tổ chức DAO chuyển sang tài sản vật chất. LinksDAO, một nhóm phi tập trung nhằm mục đích mua một sân gôn cho thành viên của mình. Đợt bán NFT của LinksDAO đầu tiên đã thu về được $10,5 triệu đô và cung cấp cho các chủ sở hữu NFT tư cách thành viên tham gia sân gôn trong tương lai. Để dễ liên tưởng, hãy tưởng tượng nếu một chiếc áo khoác Gucci đi kèm với một mã thông báo và người mua có thể đổi nó để lấy chiếc áo khoác đó, hoặc bán lại trên thị trường.
Giá trị bổ sung, tính hệ thống, thiết kế và sự gián đoạn là một số giải pháp để mở rộng chiến lược kinh doanh của các thương hiệu trong nền kinh tế Web 3.0. Để đi đúng hướng, các thương hiệu cần đặt ra các bài toán kinh doanh hoặc các vấn đề trong việc kinh doanh mà mình đang gặp phải, và có thể sử dụng Web 3.0 để giải quyết nó như thế nào. Việc tùy tiện tung ra các sản phẩm NFT để trở nên hợp thời là một chiến lược sẽ không tạo ra giá trị hay hiệu quả về lâu dài.
Các thương hiệu cần phải tìm ra các chiến lược vượt xa những sáng kiến dễ trùng lập, như tạo ra một buổi trình diễn thời trang trong một không gian kỹ thuật số như của Roblox, hay tung ra một bộ sưu tập NFT và giao dịch trên các sàn thương mại NFT nổi tiếng… để tạo ra một giá trị lâu bền được tạo ra bởi hệ sinh thái thương hiệu đang phát triển bao gồm dịch vụ, trải nghiệm vật lý lẫn kỹ thuật số, thông tin, giải trí, cộng đồng và sự hợp tác để kết nối thế giới thực và ảo.
Thực hiện: Fellini Rose
Bài viết được chuyển ngữ từ Jingdaily