Trò chuyện cùng Nhiếp ảnh gia Chiron Duong: “Sáng tạo cần đến bối cảnh để tạo nên giá trị độc bản”
Ngày đăng: 14/03/22
Chiron Duong là một nhiếp ảnh gia trẻ nổi bật tại Sài Gòn, với các tác phẩm nghệ thuật được công chúng lẫn giới phê bình đánh giá cao. Thành tựu gần đây nhất mà Chiron Duong gặt hái được là đạt giải nhất cuộc thi Prix Picto de la Mode của Pháp và lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Hyeres Festival tại Pháp 2022.
Bên cạnh đó, dự án nhiếp ảnh “Portraits of Áo Dài” của anh đã được tờ Vogue Italia tôn vinh qua một chủ đề riêng, và một bài phỏng vấn riêng – nơi anh chia sẻ về việc làm nghệ thuật thông qua lăng kính mang cảm hứng Á Đông, cũng như niềm tự hào để giới thiệu những nét văn hóa và khiếu thị thẩm mỹ của người Việt Nam tới giới mộ điệu quốc tế. Trong chuyên đề Trò chuyện cùng những nhân vật nổi bật trong giới nghệ thuật, sáng tạo và thời trang, cùng Style-Republik gặp gỡ Chiron Duong.
Chiron Duong – Một tâm hồn nghệ sĩ chất chứa sự hoài niệm
Nếu là một người quan tâm đến nhiếp ảnh và tự mình thẩm định tác phẩm của Chiron Duong, hẳn nhiều người sẽ có một cảm giác hoài niệm trong màu ảnh của Chiron. Trong nhiều tác phẩm, màu ảnh của Chiron tựa như một bức tranh hội họa cách biệt với dòng chảy văn hóa nghệ thuật đương đại. Sự hoài niệm trong tâm hồn của người nghệ sĩ có thể sẽ là một điều dễ có thể cảm thấu.
Tuy vậy Chiron Duong sinh năm 1996, là một người trẻ thuộc GEN-Z. Anh sinh trưởng tại Láng Dài thuộc huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu, một vùng quê hẻo lánh xa rời phố thị bon chen, ngột ngạt. Anh kể rằng tuổi thơ và quá trình phát triển gắn mình cùng với những quang cảnh thiên nhiên trù phú, nhưng dần bị biến chất và xâm thực bởi bàn tay con người, lẫn biến đổi khí hậu, đã tác động rất lớn đến cảm quan làm nghệ thuật của anh – vốn dĩ được thiết lập như một thứ ngôn ngữ thị giác để truyền tải thông điệp nhằm tác động đến nhận thức của người xem.
Sự hoài niệm về tuổi thơ, về những cảnh quan mình gắn bó và trưởng thành theo thời gian, đã giúp cho Chiron Duong có một góc nhìn nghệ thuật riêng biệt. Nó gắn với cái tinh thần, cái hồn, cái gốc của anh. Thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật, Chiron có thể diễn giải được một thế giới quan phức tạp, đa chiều, đan xen giữa ý niệm của tâm lý học và nhân học sinh học. Ở nhiều dự án khác, yếu tô tâm linh cũng được áp đặt vào đó, bởi vì tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh là một trong những nét văn hóa đặc trưng của Á Châu.
Sự hoài niệm đơn thuần là không đủ để một nhiếp ảnh gia trẻ có thể vươn xa đến vậy. Chiron Duong là một kiến trúc sư cảnh quan được đào tạo bài bản, tốt nghiệp từ trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Dù theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp, anh vẫn luôn mang tư duy làm nghề kiến trúc cảnh quan vào trong công việc và sáng tạo của bản thân. Tự thân Chiron cũng nhận định rằng đây chính là thế mạnh của bản thân.
Kiến trúc cảnh quan là ngành nghề lựa chọn, còn nhiếp ảnh là mối duyên tình cờ. Chiron quan niệm, duyên tình cờ là thứ mà anh nương theo dòng chảy và xem thử nó sẽ dẫn lối mình đến đâu, nhưng còn con thuyền chở anh trên chuyến du hành đi tìm câu trả lời trong nội tại “nghệ thuật nhiếp ảnh của Chiron Duong là gì?”, sẽ chính là nền tảng của ngành kiến trúc cảnh quan, thiết kế ngoại thất, quy hoạch, định hướng về nhận diện bản sắc, kiến tạo không gian. Kiến trúc cảnh quan chính là nghệ thuật. Chiron nhìn thấy nghệ thuật bên trong nghệ thuật, và dùng chất xúc tác kiến tạo nên nghệ thuật của kiến trúc cảnh quan để tạo nên nghệ thuật nhiếp ảnh.
Vượt khó để vươn lên
Chiron Duong là một người khiêm tốn khi nói về thành tựu của bản thân mình, ngay cả khi anh là một người trẻ đã có trong tay một vài giải thưởng lớn và có được sự chứng thực về tài năng nhiếp ảnh ở trong và ngoài nước. Sự khiêm nhường đó được tôi luyện từ hoàn cảnh gia đình không dư dả về kinh tế. Sinh trưởng ở một vùng quê hẻo lánh, Chiron sớm tự mình bươn chải để đỡ đần gánh lo cho bố mẹ của mình.
Chiron kể lại, ngày đó, khi quyết định theo đuổi ngành nhiếp ảnh vì đam mê, ba mẹ anh còn mơ hồ chưa hiểu về công việc nhiếp ảnh là thế nào. Thuở mới bắt đầu cầm máy chụp, anh mượn chị mình cái máy ảnh kỹ thuật số cầm tay mà chị hay mang theo du lịch. Đến khi quá trình nhập môn đã trở nên nghiêm túc hơn, Chiron bắt đầu đi thuê máy ảnh cơ để chụp ra sản phẩm chất lượng hơn. Cho đến tận thời điểm hiện tại, chiếc máy thân thuộc mà anh sử dụng cũng chỉ là loại bán chuyên, còn ba mẹ anh thì đôi lúc vẫn còn lo nghĩ cho tương lai làm nghệ thuật của anh.
Khi nghĩ đến nhiếp ảnh, nhiều người cho rằng chất lượng của trang thiết bị phục vụ cho công việc quan trọng chẳng kém gì kỹ năng của nhiếp ảnh gia. Với xuất phát điểm không có điều kiện kinh tế dư dả để theo đuổi đam mê, anh trau dồi kỹ năng và làm giàu thêm hơn cảm quan nghệ thuật của mình, mà qua đó có thể giúp truyền cảm hứng tới cho nhiều người trẻ khác cũng đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật có cùng xuất phát điểm như anh.
Chiron luôn đặt ra cho mình thử thách là làm sao để sáng tạo nghệ thuật mà không tốn kém và hao phí quá mức. Nghệ thuật và cảm hứng nghệ thuật, đối với anh, là những chủ đề mang tính triết, thiền, nhân sinh, thực tế và giàu cảm xúc. Tất cả những cảm quan đó đều nằm trong cuộc đối thoại giữa người làm nghệ thuật và người thưởng lãm nó. Ngay cả hành trình theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật của Chiron Duong hoàn toàn không có sự đào tạo hay hướng dẫn bởi bất kỳ một chuyên gia nào trong nghề. Tự thân anh mày mò, khám phá lẫn thúc đẩy giới hạn của bản thân, thông qua rất nhiều những dự án nghệ thuật cá nhân. Chiron, sau nhiều năm đi tìm cho mình một phong cách riêng, đã có thể tự tin nói rằng anh là một người làm nghệ thuật không hao phí, và đã định hình được cho mình một phong cách mang đậm nét cá nhân.
Giao thoa giữa nhiếp ảnh, thời trang và nghệ thuật
Khi hướng ống kính vào đối tượng của mình, cho dù đó là cơ thể con người hay sắc thái của thiên nhiên, Chiron Duong giao tiếp với người xem để truyền tải những câu chuyện xuyên suốt vượt ra ngoài dạng vật thể đơn thuần, thể hiện mối quan hệ giữa những vật chất hữu hình này và hiện tượng của tự nhiên, sự diệu kỳ của vũ trụ, và đôi khi gợi tưởng đến những điều bí ẩn, ma mị, diệu kỳ như một kiểu phép thuật thôi miên, khiến cho người xem không thể rời mắt.
Dấu ấn sáng tạo của Chiron đậm nét nhất, là khi anh phá vỡ cấu trúc thông thường của chủ thể mà mình chụp, biến tấu nó thành một tác phẩm nghệ thuật tựa như hội họa. Chiron luôn tự hỏi làm thế nào có thể biến máy ảnh của mình thành cọ vẽ và sử dụng thời trang làm bảng màu trong các bức ảnh của mình. Sự mờ ảo về ranh giới của chủ thể, tạo ra những chuyển động sống động cho hình ảnh tĩnh, nghiễm nhiên trở thành một dấu ấn trong phong cách nhiếp ảnh nghệ thuật của Chiron. Màu sắc cũng đóng vai trò tối quan trọng, nhất là cùng với chất liệu của các thiết kế thời trang. Nắm bắt rõ về nguyên lý thị giác và đặc tính của chất liệu trong thời trang, giúp cho Chiron thử nghiệm và tạo ra nhiều hiệu ứng khác biệt trong quá trình sáng tạo.
Thực chất, theo đuổi công việc nhiếp ảnh thời trang chỉ là một cơ duyên tình cờ xảy đến. Sau quãng thời gian dài tập trung vào hạng mục này, “Giờ đây không quá hứng thú với công việc liên đới thời trang đơn thuần”, Chiron khẳng định. Nhưng khi thời trang kết hợp với nhiếp ảnh thì sẽ giúp mang lại nhiều cảm hứng sáng tạo. Anh là một nhiếp ảnh gia thực nghiệm làm nghệ thuật – có nhờ cậy vào phục trang và vẻ đẹp của chất liệu vải vóc để khiến cho nghệ thuật và nhiếp ảnh trở nên thăng hoa hơn hơn. Mối quan hệ cộng hưởng giữa nhiếp ảnh, thời trang và nghệ thuật, thì nhiếp ảnh và nghệ thuật là mang tính cốt yếu, còn thời trang là yếu tố bổ trợ.
Chiron lấy ví dụ về bộ hình “Portrais of Áo dài” của anh, đã được tờ Vogue Italia tôn vinh thời gian vừa qua, là một trong những dẫn chứng về sự giao thoa hài hòa nhất giữa cả nhiếp ảnh, thời trang và nghệ thuật. Áo dài là quốc phục chứ không hẳn là thời trang đặc thù. Để mang bản sắc văn hóa dân tộc là chủ thể của nghệ thuật nhiếp ảnh, bản thân Chiron cảm thấy tự hào về giá trị của tác phẩm. Dự án “Portrais of Áo Dài” của Chiron là một trong những dự án dày tâm huyết nhất từ trước đến nay, với 365 tấm hình tượng trưng cho 365 ngày tạo ra tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh thời trang, để khắc họa tà tấm áo dài quốc phục của Việt Nam.
Một vài hình ảnh trong dự án “Portraits of Áo Dài”
Đau đáu nghĩ về sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam
Khi được hỏi về những bậc tiền bối, đàn anh trong nghề mà Chiron Duong ngưỡng mộ và xem là cảm hứng và động lực để phát triển, anh cho rằng bản thân mình được tác động tích cực nhiều hơn bởi cảm hứng và kỹ thuật của Tây phương nhiều hơn. Còn ở châu Á, Studio Ghibli (hãng phim hoạt hình hàng đầu của Nhật Bản) và bộ truyện tranh nổi danh One Piece là sở thích, cũng là cảm hứng sáng tạo mà Chiron hay thưởng thức. Điều mà Chiron muốn đạt được là dung hòa được kỹ thuật nhiếp ảnh của Tây phương và cảm hứng Á Đông, đặc biệt hơn là nét văn hóa đặc thù của Việt Nam.
Nhận định cá nhân của Chiron về thị hiếu nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiếp ảnh Trung Quốc. Nhiều nhiếp ảnh gia trẻ lấy cảm hứng hay học hỏi theo phong cách làm nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia Trung Quốc và dần trở thành một sự bão hòa, dẫn đến nhàm chán, thiếu tính sáng tạo nguyên bản.
Nói đi cũng phải nói lại, anh cho rằng Trung Quốc là một cường quốc trên thế giới, có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nền nghệ thuật nói chung, và nhiếp ảnh nói riêng, được chính phủ tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội để triển lãm trong và ngoài nước. Các phương tiện truyền thông và sức ảnh hưởng của các trào lưu trên mạng xã hội cũng góp phần làm tăng nhận diện của lĩnh vực này tới các khu vực, quốc gia khác. Nhiều điểm tương đồng về cảm quan thẩm mỹ, nhân diện, cũng như văn hóa Á Châu cũng góp phần khiến cho các nhiếp ảnh gia tại Việt Nam dễ tiếp nhận hơn.
Chiron quan niệm rằng bối cảnh mới tạo ra giá trị khác biệt của một tác phẩm. Một người nghệ sĩ cũng thế, phải có xuất xứ, hoàn cảnh, những biến thiên trải qua trong cuộc sống để mài dũa nên phẩm chất và khiếu thị thẩm mỹ mang đậm nét cá nhân. Nếu không có bối cảnh làm tiền đề, thì có lẽ Chiron đã không gặt hái được những thành tựu đáng chú ý ở hiện tại. Khi được hỏi về nghệ thuật nhiếp ảnh của quốc gia nào ở châu Á khiến anh cảm thấy bối cảnh là thứ tạo nên sự khác biệt rõ ràng nhất, thì Chiron cho rằng đó là Hàn Quốc và Thái Lan.
Với những nỗ lực không ngơi nghỉ, Chiron hy vọng bản thân có thể tạo ra sự thay đổi và góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực và truyền cảm hứng tới thế hệ người trẻ đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật, tìm ra được những đường hướng phát triển và động lực để tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam tới giới mộ điệu quốc tế. Bên cạnh đó, Chiron cũng hy vọng rằng trong tương lai gần, anh có thể thiết lập được một nhóm các nghệ sĩ trẻ có cùng động lực và mục tiêu làm nghệ thuật để cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực cho ngành nhiếp ảnh nghệ thuật, và cả thị hiếu thị giác, nghệ thuật của ngành thời trang Việt Nam.
Hướng về tương lai
Chiron là một người không hề tham vọng trong sự nghiệp. Anh cứ nỗ lực tạo ra thành quả và nương theo những cơ hội được tạo ra từ đó. Anh cũng nhận định rằng công việc nhiếp ảnh đơn thuần là chưa đủ để khai thác hết tất cả tiềm lực bên trong khối óc của anh. Anh vẫn muốn chiêm nghiệm thêm hơn những loại hình nhiếp ảnh nghệ thuật khác để thúc đẩy sự phát triển của bản thân thêm hơn trong tương lai.
Vào ngày 3/4 sắp tới đây, Chiron Duong sẽ có tới hai buổi triển lãm nghệ thuật cá nhân với tính chất hoàn toàn khác biệt tại ở cả Sài Gòn và Pháp. Tại buổi triển lãm ở Việt Nam, Chiron Duong muốn kết hợp hình thức thưởng thức nghệ thuật và giáo dục để đem đến một trải nghiệm mới dành cho những người quan tâm. Vốn dĩ, Chiron Duong đã ấp ủ dự án nghệ thuật này từ rất lâu, nơi anh bộc lộ được nội tại, tư duy làm nghề, góc nhìn đa chiều về sự biến đổi khí hậu, và những tác động tiêu cực mà nó đang tạo ra ngay tại chính quê nhà của anh. Khán giả khi đến tham dự triển lãm sẽ được cung cấp những kiến thức về chủ đề mà Chiron lựa chọn, sau đó là thưởng thức những tác phẩm triển lãm. Một phần lợi nhuận mà Chiron có được sau buổi triển lãm sẽ được trích ra để gửi cho Quỹ Sống Foundation, đơn vị đứng đằng sau những dự án thiện nguyện có ý nghĩa như Nhà Chống Lũ, Hạnh Phúc Xanh, River Ơi.
Thực hiện: Fellini Rose