Văn Lang K23TT GRADUATE FASHION SHOW: Bữa tiệc thời trang độc đáo, ấn tượng và đậm chất Việt (Phần 1)
Ngày đăng: 27/03/22
Tối thứ Sáu (ngày 25/03/2022) vừa qua chắc hẳn là một đêm khởi đầu cuối tuần thật bùng nổ với buổi chấm đồ án tốt nghiệp của Khóa 23 ngành Thiết kế Thời Trang của Trường Đại học Văn Lang.
Xuyên suốt show diễn là tiếng vỗ tay tán dương của người xem khi được chiêm ngưỡng loạt thiết kế ấn tượng, độc đáo từ phom dáng, chất liệu và màu sắc, đậm chất trẻ,… Nhiều đồ án tốt nghiệp còn truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa “Tôi là người Việt Nam” vô cùng mạnh mẽ thông qua nguồn cảm hứng bất tận từ nét đẹp nguồn cội, ứng dụng các hoa văn, họa tiết, thậm chí là các công trình kiến trúc Việt, nghệ thuật nước nhà, và gửi gắm cuộc sống giản dị đậm chất Việt.
Cùng Style Republik xem lại những “tác phẩm nghệ thuật thời trang” đến từ show diễn đồ án tốt nghiệp của sinh viên Thời Trang trường Văn Lang nhé! Với phần 1 chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng BST từ các NTK: Trần Quang Bảo, Nguyễn Hùng Bảo, Đào Minh Hiếu, Nguyễn Thị Ngọc Tây, Lưu Uyên Thư, Nguyễn Thị Thiên Phúc, Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Duy Trình, Nguyễn Hồng Thanh, Võ Thị Uyển Nhi.
“Essence of being” – Trần Quang Bảo
Bộ sưu tập “Essence of being” lấy ý tưởng từ bài hát Đạo ca 1 – Pháp Thân của nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Phạm Thiên Thư dưới góc nhìn của sinh viên Trần Quang Bảo. “Đạo” ở đây không phải là tôn giáo mà là con đường. Con đường dẫn người nghe đi tìm sự thật những chân lý cốt lõi của con người giữa vũ trụ bao la. Đạo ca 1 là bài hát mở đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý đó. Khai thác hình ảnh có trong bài hát, tạo thành hệ thống họa tiết, những cảm giác về chất liệu, biến ngôn ngữ âm nhạc thành ngôn ngữ của thời trang, đồng thời cho thấy những triết lý sâu xa một cách đơn giản qua hình ảnh của thiên nhiên – của tạo hóa.
“Dòng Phù Sa” – Nguyễn Hùng Bảo
Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hình ảnh cây bông súng được nuôi dưỡng bởi con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về mang theo phù sa bồi đắp, đồng thời tạo thành biển nước tràn đồng ở các tỉnh trong khu vực hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi mẫu phác thảo trong bộ sưu tập chính là những hình ảnh về cây bông súng ở các góc nhìn khác nhau theo cảm nhận cá nhân của bản thân về đề tài, ngoài ra còn là sự tôn vinh những giá trị lao động của người dân miền tây thông qua hình ảnh thu hoạch vào mùa nước nổi.
“Hiếu khi đi ngủ” – Đào Minh Hiếu
BST nói về khoảng thời gian cô đơn, mất ngủ khi chuyển tới một nơi ở mới, những lúc cô đơn trống trải cùng những âu yếm với mền, gối, giường,… Qua tư duy sáng tạo của sinh viên Đào Minh Hiếu, những âu yếm đó được hình tượng hóa lên bằng những hành động bó, quấn, cột, phũ,… lên cơ thể như một sự chơi đùa với những món đồ, giữ nguyên cấu trúc hoặc giản lược chi tiết để tạo nên bộ trang phục.
“Dear Anne Bonny” – Nguyễn Thị Ngọc Tây
BST huyền thoại Anne Bonny khai thác vẻ đẹp về một nhân vật có thật trong lịch sử, mà qua đó không chỉ nói về vẻ đẹp về ngoại hình mà còn là ý chí quật cường, táo bạo, dám phá vỡ những quy tắc và định kiến phương Tây. Mang thông điệp từ không gian – thời gian của Anne Bonny. BST khắc họa rõ nét về tinh thần của nữ cướp biển lừng danh dưới góc nhìn thời trang của nhà thiết kế.
“Salut Saigon” – Nguyễn Thị Thiên Phúc
Cảm hứng được lấy từ những bức ảnh chụp Sài Gòn vào những năm 1960-1975 của các nhiếp ảnh ngoài nước. Chiến tranh qua đi để lại một Sài Gòn với những nét sinh động cuốn hút của thời đại một sự giao thoa giữa nền văn hóa Pháp – Việt tạo nên một Sài Gòn TÂN THỜI đẹp đến lạ lùng. BST dành đến cho các đối tượng khách hàng nữ từ độ tuổi 20-25 tuổi. Sự kết hợp mềm mại của tà áo dài “Tân thời” cùng với những phom vest mạnh mẽ của các quý ông tạo nên một cảm hứng mới cho trang phục. Màu sắc rực rỡ của các công trình, bảng hiệu, xe cộ sẽ đem lại một nét mới mẻ cho BST.
“HAENYO – Những nàng tiên cá Hàn Quốc” – Trần Thị Thanh Huyền
Không giống như những nàng tiên cá xinh đẹp trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn Andersen, Haeyon – là những nữ thợ lặn tự do ở Hàn Quốc, những nàng tiên cá này chẳng có trẻ trung mà phần lớn đều là những người đàn bà có tuổi. Trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của họ đều chứa đựng rất nhiều câu chuyện cổ tích ngoài đời thực.
Bản thân là một người yêu thích và tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần. Do đó qua các tư liệu hình ảnh, phim tài liệu về lịch sử phát triển trang phục lặn của Haenyo từ xa xưa cho đến ngày nay, khung cảnh cuộc sống mưu sinh, cách sinh hoạt của Haenyon đã đem lại một nguồn cảm hứng bất tận, đặc biệt cho NTK. Cách ăn mặc ngẫu nhiên với các loại quần áo đủ màu sắc, hoa văn bên ngoài bộ đồ lặn của các Haenyo được biến tấu theo phong cách riêng của bản thân NTK và phù hợp với những xu hướng hiện nay.
“The Noah” – Nguyễn Duy Trình
BST lấy ý tưởng từ câu chuyện con tàu Noah khai thác hình ảnh theo diễn biến của câu chuyện, sử dụng các họa tiết để tái hiện lên khung cảnh con tàu chứa đầy động vật. Bên cạnh đó, phép cộng giữa Âu phục hiện đại và trang phục của người Do Thái trong tranh minh họa phần nào làm rõ hơn đề tài. Từ đó, BST The Noah như một câu chuyện sống động được kể lại bằng ngôn ngữ thời trang, đem lại góc nhìn mới hơn và hiện đại hơn.
“Sunny Hydrangea” – Lưu Nguyên Thư
BST dự tiệc dành cho phụ nữ độ tuổi 20-25 tuổi lấy cảm hứng từ hoa cẩm tú cầu tập trung vào những bông hoa nhỏ li ti tạo thành một khối cầu lớn, nên chiều sâu khai thác của BST là tập trung vào những bông hoa nhỏ ở những chi tiết trang trí và những khối mảnh lớn tạo nên phom dáng của bộ trang phục.
“Warrior Goddess” – Võ Thị Uyển Nhi
“Warrior Goddess” lấy ý tưởng từ Thánh nữ Jeanne D’arc trải qua 3 giai đoạn gắn liền với cuộc đời của Thánh nữ, từ cô gái nông thôn cho tới khi trở thành nữ tướng anh dũng và sau cùng hi sinh để bảo vệ dân tộc và niềm tin tôn giáo của mình.
“Butterfleidoscope” – Nguyễn Huỳnh Nhật Thảo
Bộ sưu tập “Butterfleidoscope” lấy cảm hứng từ kính vạn hoa với vô số loài bướm tụ họp dưới thấu kính, tạo ra một hiệu ứng ảo ảnh dưới cấu trúc hình học và màu sắc vạn hoa nổi bật. Họa tiết kính vạn hoa được thể hiện trên những trang phục có phom dáng vừa vặn, suông, tập trung mô tả những chi tiết kỹ thuật mang hình dáng cánh bướm vừa nữ tính vừa mạnh mẽ, sử dụng kỹ thuật mở rập tạo những xếp nếp thể hiện đường vân cánh, kết hợp trang trí bề mặt thêu, đính kết làm nổi bật vân cánh và họa tiết thiết kế. Bộ sưu tập mang tông màu đa sắc, đỏ cam chuyển dần sang xanh lam, xanh dương, tông nóng chuyển dần sang tông lạnh mang đến cho bộ sưu tập một cái nhìn đa sắc màu, vừa mới lạ vừa kì diệu giống với tinh thần của kính vạn hoa bươm bướm.
Thực hiên: Huỳnh Trân
Ảnh: Huy Hoàng, Trường Đại học Văn Lang, EDGE Studio