Văn Lang K23TT GRADUATE FASHION SHOW: Bữa tiệc thời trang độc đáo, ấn tượng và đậm chất Việt (Phần 2)

Ngày đăng: 27/03/22

Tối thứ Sáu (ngày 25/03/2022) vừa qua chắc hẳn là một đêm khởi đầu cuối tuần thật bùng nổ với buổi chấm đồ án tốt nghiệp của Khóa 23 ngành Thiết kế Thời Trang của Trường Đại học Văn Lang. 

Xuyên suốt show diễn là tiếng vỗ tay tán dương, tiếng hò hét của người xem khi được chiêm ngưỡng loạt thiết kế ấn tượng, độc đáo từ phom dáng, chất liệu và màu sắc, đậm chất trẻ,… Nhiều đồ án tốt nghiệp còn truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa “Tôi là người Việt Nam” vô cùng mạnh mẽ thông qua nguồn cảm hứng bất tận từ nét đẹp nguồn cội, ứng dụng các hoa văn, họa tiết, thậm chí là các công trình kiến trúc Việt, nghệ thuật nước nhà, và gửi gắm cuộc sống giản dị đậm chất Việt. 

Ở phần 2, chúng ta sẽ cùng chiêm ngưỡng các “tác phẩm nghệ thuật thời trang” của các NTK còn lại: Nguyễn Khai Tâm, Đặng Tuấn Phong, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Thanh, Võ Thị Quỳnh Trang, Võ Lê Tường Vy, Nguyễn Thanh Hưng, Trần Ngô Nghĩa Văn, Nguyễn Thị Thảo My.

“Ratla” – Nguyễn Khai Tâm

Bộ sưu tập “ Ratla” lấy ý tưởng từ chùa Wat Sro Loun còn gọi là chùa Chén Kiểu, một công trình kiến trúc mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đất Sóc Trăng. Khai thác những đặc trưng về cấu trúc, màu sắc, họa tiết ở chùa, kết hợp với trang phục hiphop đưa đến cái nhìn cá nhân về việc kết hợp giữa văn hóa và thời trang. 

 

“Mosacera” – Đặng Tuấn Phong

BST  “Mosacera” lấy ý tưởng từ chùa Linh Phước (Đà Lạt) hay còn được gọi là chùa “Ve Chai”. Chùa Linh Phước hiện đang là một trong những ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam (11 kỉ lục). BST tập trung nghiên cứu và khai thác về nghệ thuật khảm sứ trong kiến trúc và các hoạ tiết được trang trí trong chùa. 

“Thiếu nữ bên hoa Huệ” – Nguyễn Hồng Thanh

BST lấy cảm hứng từ bức tranh Thiếu nữ bên hoa Huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân. BST là sự kết hợp từ phong cách thời trang thập niên 1910-1919 Tây phương và tinh thần áo dài của cấu trúc cổ áo và vạt hồ. BST muốn thể hiện nét đẹp thuần khiết, vẻ đẹp nền nã, duyên dáng và thanh lịch của người thiếu nữ.

 

“Soulmate” – Nguyễn Thị Như Quỳnh

BST là món quà kỉ niệm của NTK dành riêng cho người bạn mèo đáng yêu của mình. Quen thuộc với hình ảnh của người bạn này hằng ngày, cùng trải qua biết bao thăng trầm trong suốt quãng đường đại học, NTK đã mô phỏng lại bạn mèo dưới những bộ trang phục với phom dáng, màu sắc dễ thương, đánh yêu, thu hút mọi ánh nhìn.

“Salvation Moutain” – Võ Thị Quỳnh Trang

Núi cứu rỗi là một công trình nghệ thuật nằm ở California, Mỹ. Cảm giác yên bình và đầy tình yêu cùng với những tông màu tươi mới, những hình ảnh đáng yêu và có chút mộc mạc là những gì ngọn núi đã truyền cảm hứng cho nhà thiết kế. Bên cạnh đó, sự mộc mạc đến từ cách ông Knight – người nghệ sĩ tạo nên ngọn núi này chăm chút cho nó, cho đến cách ông dùng những đồ vật cũ kĩ để tái chế lại thành đồ trang trí, hay những họa tiết hoa lá, mây trời cũng là một phần cảm hứng bất tận. 

Là một người yêu thích nét đẹp từ đồ thủ công nên NTK đã áp dụng những kỹ thuật thủ công như đan, móc len, hoặc cắt giấy để tạo nên bộ họa tiết cũng như chất liệu của riêng mình, ngoài ra, NTK còn tận dụng những trang phục cũ kĩ để tái chế lại thành những sản phẩm mới mang tính ứng dụng cao và đậm chất cá nhân.

“Young” – Võ Lê Tường Vy

“Lượm” – Một trong những nhân vật truyền cảm hứng sâu sắc nhất và lòng yêu nước ở độ tuổi nhỏ, cậu bé giao liên đang ở lứa tuổi hồn nhiên nhưng rất thông minh, gan dạ, dũng cảm đã hy sinh thân mình vì tổ quốc. Kể tụng tinh thần đó, ngày nay thế hệ trẻ Việt đang chuyển mình, tiếp bước mạnh mẽ với một khát khao tỏa sáng cùng với trái tim quả cảm đang vươn tới chinh phục những tầm cao mới bằng cách đóng góp những giá trị tốt đẹp mới cho cộng đồng. Dựa trên tình thần và nguồn cảm hứng đó với sự biết ơn của những người anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc, NTK đã kể lại câu chuyện ý nghĩa này bằng ngôn ngữ thời trang, nổi bật với những chiếc quần short “chiến sĩ”, đôi dép cao su “Bác Hồ”,…

“Chợ trời” – Nguyễn Thanh Hưng

Chợ trời kể về diễn biến của một cơn mưa ở chợ, từ lúc trời kéo mưa, đến mưa và tạnh mưa. “Chợ” ở đây biểu trưng cho con người, các vật dụng như bạt, dù, đồ bộ, áo mưa, văn hóa đi chợ, cách mà con người đối diện với thời tiết,… “Trời” ở đây để nói về thiên nhiên mưa, nắng, mây đen…Qua Chợ Trời ngoài kể câu chuyện của bản thân – tuổi thơ gắn liền với sự nhộn nhịp của khu chợ, NTK còn muốn tôn vinh những giá trị đời thường, văn hóa tường nhật của người Việt.

Bằng cách phương pháp xử lý rập, xử lý bề mặt chế liệu, tái cấu trúc trang phục, in ấn thời trang,… để tạo nên một BST mang tính ứng dụng cao nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa qua góc nhìn của người trẻ. 

     

“TagH” – Trần Ngô Nghĩa Nhân

BST được lấy ý tưởng từ vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Thiên Sơn và sự kiên cường của hoa Tuyết Liên, vượt lên từ lớp tuyết dày trên đỉnh núi Thiên Sơn, kết hợp với phong cách Retrofuturism. Trang phục sử dụng phom dáng basic kết hợp những đường rã theo cánh hoa và sự kết hợp màu trời xanh trên nền tuyết trắng cũng như gam màu xanh mạ của hoa Tuyết Liên.

     

“Hạnh Phúc” – Nguyễn Thị Thảo My

BST được lấy cảm hứng từ đám cưới của bố mẹ NTK từ hồi năm 1996. Những chiếc đầm cưới của mẹ, bộ áo veston của bố, những chiếc ruy băng cài áo, bó hoa tháp dài, giường ngủ được trang trí cầu kỳ,…trên những bức ảnh cưới luôn mang đến sự thích thú, niềm hạnh phúc và nguồn cảm hứng tuyệt vời cho NTK. Với những điều hạnh phúc nhỏ nhoi đó, NTK đã mô phỏng lại với góc nhìn cá nhân, đầy ấn tượng. 

     

“Đại Ngàn” – Hà Phương

BST được lấy ý tưởng từ hoa văn họa tiết truyền thống và chất liệu dệt của dân tộc Bana. BST sử dụng những gam màu mới mẻ, các chất liệu quen thuộc hiện nay, kết hợp với chất liệu truyền thống để mang lại một hơi thở, sức sống mới cho chất liệu truyền thống này với giới trẻ và ngành thời trang hiện đại. 

Thực hiện: Huỳnh Trân

Ảnh: Huy Hoàng, Trường Đại học Văn Lang, EDGE Studio