Bias-cut đã làm thay đổi silhouette của thời trang thập niên 20 – 30 như thế nào?
Ngày đăng: 09/05/18
Thập niên 20, thập niên 30, đó là những năm tháng của thời trang thanh lịch, đẳng cấp và tinh tế, với một mẫu số chung nhất: thoải mái. Đã có một sự thay đổi lớn trong cách ăn mặc của phụ nữ ngay khi vừa bước ra khỏi thế kỷ XIX. Silhouette trong trang phục của phụ nữ bắt đầu chối từ phần eo thắt chặt, thay vào đó là những chiếc ‘rose’ Joséphine gown (1907) hay Pantaloon gown (1911) của Paul Poiret, Little Black Dress (1926) của Coco Chanel và làn sóng Flapper trong suốt The Roaring Twenties. Dù day outfits hay evening gown, phụ nữ Châu Âu thời kỳ này đều thể hiện phong thái phóng khoáng và tự do, khao khát xóa bỏ áp lực giới tính và khẳng định bản thân.
Hướng theo hình mẫu từ Gabrielle Coco Chanel, thời trang của phụ nữ hầu như theo đuổi Silhouette hình chữ nhật với đường hạ eo thấp và có xu hướng nam tính, thể thao hơn. Dù vậy, gần như tương phản với Coco Chanel, kỹ thuật bias-cut của Vionnet đã tái thiết kế silhouette của thời trang thập niên 20 – 30. Thắt lưng được nâng trở lại về đúng vòng eo, và những chiếc váy tuôn chảy như dòng nước vỗ về vào làn da, tôn lên vẻ đẹp thanh thoát thuận theo vóc dáng và đem lại cảm giác thoải mái như chưa mặc gì. Những thiết kế của Madeleine Vionnet được xem là một cuộc cách mạng giải phóng cơ thể phụ nữ, nhưng khác Chanel, khác Paul Poiret, trang phục của Vionnet đậm vẻ yêu kiều, nữ tính và nuông chiều đường cong tự nhiên.
“Nữ hoàng bias-cut”
Madeleine Vionnet (22/6/1876 – 2/3/1975) là một nhà Couturier người Pháp, thường chỉ nhận mình là một ‘thợ may’ thay vì ‘nhà thiết kế’, trong khi các nhân viên của bà cho rằng bà là một ‘kỹ thuật viên’. Vionnet học nghề may tại London trước khi trở về Pháp để thành lập ngôi nhà thời trang của mình ở Paris vào năm 1912. Không lâu sau, bà buột phải đóng cửa vào năm 1914 khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Vionnet mở cửa lại sau chiến tranh và cái tên Madeleine Vionnet nhanh chóng được biết đến là một ‘thợ may’ hàng đầu ở Paris. “The Temple of Fashion” của Madeleine Vionnet chỉ tồn tại trong khoảng thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Vionnet cho đóng cửa nhà may của mình vào năm 1939 và nghỉ hưu từ năm 1940.
Là một trong những nhà thiết kế đại diện cho các thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, cùng với Paul Poiret và Coco Chanel, Madeleine Vionnet đã hoàn toàn giải phóng silhouette của trang phục nữ, gỡ bỏ những chiếc corset và khung váy siết chặt đã làm thay đổi khuôn dáng tự nhiên mà tạo hóa ban tặng riêng cho mỗi người phụ nữ.
When a woman smiles,then her dress should smile to – Madeleine Vionnet
Madeleine Vionnet thường được thế hệ sau ca ngợi như một người phát minh ra kỹ thuật bias-cut. Nhưng sự thật là phương pháp cắt này đã được sử dụng từ các thế kỷ trước đó, phần lớn cho các chi tiết cổ áo và bèo nhún trang trí. Tuy nhiên, Madeleine Vionnet là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật cắt này cho hầu hết quá trình thiết kế của mình. Bà đã sáng tạo nên những bộ váy đầm trông có vẻ đơn giản, nhưng có kỹ thuật thủ công cao, cùng với đặc tính bám dính linh hoạt, như một làn da thứ hai chuyển động mềm mại theo cử động của cơ thể.
Phong cách thiết kế của Vionnet được cấu trúc bằng một loạt các kỹ thuật và tư duy sáng tạo dựa trên góc nhìn giải phẫu cơ thể người: bias-cut (cắt vải xéo), geometry (hình học),drape (gấp), frill (nhún), wrap (quấn), twist (xoắn), loop (xoáy), pin (đính) và tie (buột). Thông thường bà làm việc trên một manequin thu nhỏ để thử nghiệm và tìm cách thao túng vải, trước khi thực hiện mẫu thật bằng các tấm vải khổ rộng, đến khoảng 100 inch (~ 2m5) và phải yêu cầu xưởng dệt làm riêng cho bà. Các loại chất liệu được Madeleine Vionnet chọn dùng để thực hiện kỹ thuật bias-cut và các kỹ năng xử lý vải trên manequin của bà đều là các chất vải mềm nhẹ như crepe, lụa, chiffons, muslin, nhung và satin. Các nhà cung cấp vải cho Madeleine Vionnet như Bianchini-Ferier (1*) còn tạo ra cho bà các loại chất liệu đặc biệt như crepe Rosalba bằng lụa và acetate, một trong những loại vải nhân tạo đầu tiên trong thời đại này.
Bị say đắm bởi những điệu múa hiện đại của Isadora Duncan – một vũ công nổi tiếng người Mỹ, Madeleine Vionnet đã tạo ra những chiếc váy đầm lột tả được vẻ đẹp tự nhiên của vóc dáng người phụ nữ. Như Duncan, Vionnet tìm kiếm nguồn cảm hứng từ nghệ thuật Hy Lạp cổ điển. Trang phục của Vionnet không giống với thời trang của bất kỳ ai khác trong thời đại của bà, đặc biệt là phong cách của Coco Chanel.
Nguồn cảm hứng xoay quanh bias-cut của Vionnet đã làm phong phú khối di sản thời trang của giai đoạn cuối thập niên 20 đến hết thập niên 30. Madeleine Vionnet đã được tạp chí Vogue America vinh danh là “Người thợ may quan trọng nhất của thế kỷ XX” bởi khả năng sáng tạo và tư duy thiết kế vượt thời gian của bà. Kỹ thuật cắt may của Vionnet đã chinh phục các nữ diễn viên nổi tiếng quốc tế như Marlene Dietrich, Katharine Hepburn, Joan Crawford, Jean Harlow và Greta Garbo. Đặc biệt, Madeleine Vionnet còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các thế hệ sau và trở thành một phần trong chữ ký phong cách của Azzedine Alaïa, Charles Kleibacker, John Galliano, Yohji Yamamoto, Cristobal Balenciaga,…
Madame Vionnet is my master – Cristobal Balenciaga
Thẩm mỹ của Vionnet đã cách mạng hóa thời trang ở mọi thời đại. Sự thành công của kỹ thuật bias-cut được khẳng định bằng danh tiếng của Vionnet trong quá khứ lẫn tương lai. Các thiết kế tinh tế của Madeleine Vionnet đã được hồi tưởng lại trong thời buổi đương đại, được giới thiệu ở các trường dạy thiết kế và thời trang, là nền tảng cho ra đời các kỹ thuật mới và góp phần làm thay đổi con đường sự nghiệp của nhiều người như Betty Kirle (2*), Pamela Golbin (3*) hay Arnaud de Lummen (4*).
Bias-cut không chỉ là cắt vải xéo
Bias-cut còn được gọi là “be cut on the grain”. Đối với các loại chất loại dệt thoi, các điểm (grain) nằm theo chiều ngang, chiều dọc và đường chéo của mảnh vải, được gọi tên lần lượt là điểm ngang (cross grain), điểm dọc (straight grain) và điểm chéo (biasgrain). Không giống như cách cắt vải truyền thống theo hướng vuông góc hoặc dọc theo mép vải, bias-cut thực hiện cắt chéo góc 45°, đi qua các giao điểm của sợi ngang và sợi dọc. Kỹ thuật cắt này phá vỡ mối liên kết của sợi vải, khiến cho phần mép vải đó trở nên đàn hồi, từ đó lợi dụng tính chất này để tạo sự căng dãn tự nhiên và đem lại hiệu ứng mềm mại hơn theo “độ lỏng” của chất vải.
Bias-cut đòi hỏi một khổ vải lớn và rất nhiều kỹ năng. Do có tính đàn hồi, các mép vải dễ bị co giãn, xô lệch và xoắn rút khi may ráp thông thường, đặc biệt là các đường cong lõm và đường cong lồi. Khi áp dụng kỹ thuật bias-cut, đòi hỏi người thợ may phải tỉ mỉ may lược và bọc giấu biên vải, đảm bảo tính ổn định của cấu trúc sợi vải, liên tục cân chỉnh và tính toán trước khi may ráp hoàn thiện.
Trên thực tế, bias-cut không đem lại sự nâng đỡ và che giấu khuyết điểm cơ thể. Nhưng cảm giác được lớp vải mềm mại “vuốt ve” vào da thịt là một điều khó cưỡng. Một chiếc váy áo tự do, dễ thở là khao khát mãnh liệt của phụ nữ sau hàng trăm năm đóng khung trong chiếc corset. Vẻ điềm tĩnh và thanh lịch, được tạo ra bằng gu thẩm mỹ tinh tế và kỹ thuật cắt may thiện nghệ của Madeleine Vionnet, đã khiến những chiếc bias-cut gown trở thành biểu tượng cổ điển vượt thời gian của thập niên 30.
Nhà thiết kế Madeleine Vionnet đã đấu tranh vì luật bản quyền trong thời trang và bảo vệ tài sản sáng tạo của mình một cách chặt chẽ trong suốt cuộc đời. Cho đến năm 1952, bà Vionnet đã trao tặng 120 bộ váy được làm từ những năm 20 – 30 mà bà đặc biệt cất giữ lại, cùng 750 chiếc toiles và 75 album bản quyền của những bộ quần áo, bản vẽ và sổ sách kế toán cho Liên Hiệp Nghệ Thuật Trang Phục Pháp – UFAC (Union Française des Arts du Costume), hiện nay được lưu trữ tại bảo tàng Thời Trang & Dệt May (Musée de la mode et du textile), Paris.
Everybody, whether he likes it or not, is under the influence of Vionnet – Karl Lagerfeld
Nhiều người có thể cho rằng bias-cut là một kiểu cắt vải xéo đơn giản và các sản phẩm mà Madeleine Vionnet thiết kế không có vẻ như là một quá trình sáng tạo cao siêu. Tuy nhiên, cơ bản đến nỗi mang tính cách mạng. Và vì: chúng ta thực sự biết quá ít. Vào lúc đương thời, Vionnet đã làm những điều đó thật khiêm tốn và bịnh dị. Cho đến gần 80 năm sau khi cửa tiệm của bà đóng cửa, chúng ta đã quên đi sự đơn giản mà tinh tế đó. Kỹ thuật bias-cut và các kỹ thuật thiết kế phối hợp của bà, đã tạo nên những chiếc váy đầm tuyệt vời nhưng làn nước ôm ấp cơ thể, nhưng cách để tạo nên chúng là bí truyền.
Dù rất mong muốn được khám phá, nhưng các thế hệ sau chỉ còn lại những bức ảnh và tài liệu ít ỏi, cùng một số chiếc váy đầm cũ kỹ được cất giữ trong các bảo tàng. Bias-cut chỉ được tái hiện bằng nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế yêu quý và kính trọng Madeleine Vionnet như: Charles Kleibacker collection 1969, Dior Spring Summer 1995 – 1998 by John Galliano, hay Yohji Yamamoto Spring Summer 1998. Tinh thần của Vionnet đã được kế thừa, nhưng phương pháp tư duy và bí quyết xử lý bias-cut để tạo nên hàng trăm mẫu thiết kế tuyệt vời của Vionnet thì đã ra đi cùng với bà.
Tính ảnh hưởng sâu sắc của Madeleine Vionnet
No one has ever carried the art of dressmaking further than Vionnet – Christian Dior
Nhà thiết kế Charles Kleibacker (1921 – 2010) có một hành trình khá mạch lạc với thời trang cao cấp. Đến từ Alabama (Mỹ), ông đã học ngành báo chí trước khi bị khuất phục bởi sự quyến rũ của thời trang trong chuyến đi đầu tiên đến Paris, trở thành một con chiên của ngành công nghiệp hoa mỹ này. Khi mới bước vào thời trang, Charles Kleibacker hoàn toàn say mê trước những chiếc gown cổ điển của Vionnet, khi đó thuộc sở hữu của bảo tàng và những người sưu tầm địa phương. Bởi vì sự phức tạp và độc đáo của những thiết kế đó, đã đảo ngược tất cả những gì mà Charles Kleibacker nghĩ rằng anh đã biết về may mặc. Kleibacker đã nghiên cứu kỹ thuật bias-cut bằng tất cả sự nhiệt tình và đam mê, nỗ lực để hiểu được và tìm kiếm một phương pháp cho riêng mình. Charles Kleibacker thành lập thương hiệu sau khi trở về Mỹ từ Châu Âu vào năm 1963, xây dựng phong cách thời trang khác biệt hẳn so với những gì ở New York, đặc biệt hướng đến sự giản dị và tinh tế dựa trên nguồn cảm hứng mãnh liệt từ Vionnet.
Nhà thiết kế gốc Tunisia – Azzedine Alaïa (1940 – 2017) đã từng trải qua một thời gian ngắn làm việc ở Christian Dior và Guy Laroche vào cuối những năm 1950. Lòng trung thành của Alaïa là dành cho chính ông, cho cái đẹp và lịch sử thời trang. Alaïa thần tượng Madeleine Vionnet, phong cách của ông chịu ảnh hưởng bởi phong cách và kỹ thuật bias-cut của Vionnet, đưa ông trở thành một nhà thiết kế mạnh dạn tôn vinh vẻ đẹp cơ thể phụ nữ bằng cách sử dụng vải như một làn da thứ hai. Và hình ảnh của nữ ca sĩ da màu đậm chất chủ nghĩa hậu hiện đại – Grace Jones, trong chiếc váy bandage “hoodie” satin hồng thiết kế bởi Azzedine Alaïa vào năm 1991 là một biểu tượng mang tính ảnh hưởng sâu sắc của Vionnet trong Alaïa.
Khi John Galliano (sinh năm 1960, 57 tuổi) lần đầu tiên dẫn dắt The House of Dior, ông đã giới thiệu một silhouette mới và nhanh chóng trở thành một “chỉ thị” trực quan cho thời trang những năm 1990: the slip dress. Gợi cảm và cực kỳ gợi cảm. Những chiếc slip dress lấy cảm hứng từ các mẫu lingerie cổ điển, từ phòng ngủ của các quý cô bước lên sàn diễn thời trang một cách kiêu hãnh và tự do. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất phải nhắc đến chiếc bias slip dress màu xanh navy được mặc bởi công chúa Diana vào năm 1996 khi tham gia Met Costume Institute Ball tôn vinh Christian Dior, chính thức khởi động cho sự nghiệp huy hoàng của John Galliano tại nhà Dior.
John Galliano vẫn luôn là một “tín đồ” trung thành của bias-cut ngay cả khi những tính chất quan trọng của kỹ thuật cắt may này không nhất thiết phải gắn bó và đồng nhất với phong cách riêng của “nhà vua”. Giống như Charles Kleibacker, Galliano là một người rất ngưỡng mộ Madeleine Vionnet vì tài năng của bà, đến mức tính ảnh hưởng đó có thể nhận ra ở hầu hết mọi BST đặc sắc mà John Galliano đã thực hiện, dù là khi ở nhà Dior, cho thương hiệu mang tên mình hay tại Maison Margiele.
Kỹ thuật bias-cut đã sớm trở thành nguồn cảm hứng và niềm vui thích của John Galliano từ những năm 1990. Galliano mô tả rằng “giống như làm việc với dầu lỏng hay thủy ngân”. Bias-cut đã xuất hiện bằng những cách hết sức ấn tượng trong hầu hết những BST ấn tượng nhất của John Galliano. Từ chiếc gown metallic ôm khít lấy cơ thể, được cấu tạo bằng những mảnh vải xéo cắt rời và ghép lại để hở một mảng cut-out hình ngôi sao 7 cánh ở bên hông phải trong BST Circus Spring Summer 1997. Cho đến những chiếc bias-cut gown trong BST Maison Margiela Artisanal Spring Summer 2018 – bắt đầu là những mẫu thiết kế có phản ứng âm bản bởi ánh đèn flash từ camera điện thoại, tạo thành lăng kính cầu vòng công nghệ cao; nối tiếp sau đó là sự xuất hiện của những chiếc gown tuôn chảy sóng sánh theo nhịp chuyển động của cơ thể, đem lại một trải nghiệm thị giác kép, phản ánh tốc độ dồn dập và sự hỗn loạn của lối sống hiện đại ngày nay.
Her tailoring has inspired generations of designers – John Galliano
Và ngày nay, khi The House of Vionnet đã được hồi sinh bởi vị doanh nhân trẻ tuổi Arnaud de Lummen. Từ năm 2014, nhà thiết kế Hussein Chalayan (sinh năm 1970 – 47 tuổi) bắt đầu cộng tác với Goga Ashkenazi – chủ sở hữu đồng thời là giám đốc sáng tạo hiện tại của thương hiệu Vionnet. Hussein Chalayan trực tiếp thiết kế dòng Demi-couture – tập trung phần lớn vào trang phục dành cho buổi tối, ngoài ra còn đóng góp cho tầm nhìn và quỹ đạo tăng trưởng của thương hiệu. Cùng với Goga Ashkenazi, nhà thiết kế Hussein Chalayan phải đặt mình vào vị trí thừa kế di sản của Vionnet, trên tinh thần bảo tồn ngôi nhà thời trang lịch sử và kết nối Madeleine Vionnet với khao khát thời trang của phụ nữ hiện đại. Giờ đây, một cách trực tiếp nhất, chúng ta có thể nhìn vào thương hiệu Vionnet qua mỗi mùa thời trang tại Milan để tự cảm nhận rằng Madeleine Vionnet đã mang “the art of dressmaking” đi xa đến đâu.
Chú thích:
(1*) Bianchini-Ferier: một nhà máy sản xuất vải được thành lập vào năm 1888 tại Lyon, thành phố lớn thứ 3 ở Pháp, là thủ phủ của vùng Rhone-Alpes và vùng Rhône. Có truyền thống và danh tiếng lâu đời, Bianchini-Ferier đã hợp tác với nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang cao cấp như Charles Frederick Worth, Paul Poiret, Jacques Doucet, Madeleine Vionnet, Lanvin, Chanel, Dior, Yves Saint Laurent, Nina Ricci, Christian Lacroix, Jean Paul Gaultier, Hussein Chalayan, Dries Van Noten,…
(2*) Betty Kirle: một nhà thiết kế thời trang và phục chế trang phục, phụ trách tại viện trang phục của bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Costume Institute of the Metropolitan Museum of Art), New York. Bà Betty Kirle đã có hai lần tiếp xúc trực tiếp với Madeleine Vionnet và thực hiện quyển sách “Madeleine Vionnet” – xuất bản vào năm 1991, một sản phẩm nghiên cứu tổng quan về cuộc đời, sự nghiệp và công trình sáng tạo với bias-cut của Vionnet.
(3*) Pamela Golbin: giám đốc phụ trách tại bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí (Museé des Arts Décoratifs), Paris. Là tác giả của quyển “Madeleine Vionnet” xuất bản vào năm 2009 và quyển “Valentino: Themes and Variations” xuất bản vào năm 2008.
(4*) Arnaud de Lummen: người đã hồi sinh thương hiệu Madeleine Vionnet từ năm 2006, sang tay qua nhiều chủ sở hữu và trở thành một doanh nhân chuyên “thức tỉnh” các thương hiệu di sản bị lãng quên.
Ảnh bìa:
Nhà thời trang của Madeleine Vionnet, tại Biarritz, minh họa bởi nghệ sỹ Thayaht
Xuất bản bởi Lucien Vogel éditeur, Paris 1924-1925, 36x24cm
Thực hiện bài viết: Xu