Phải chăng chúng ta đang lầm tưởng về mỹ phẩm “sạch”?

Ngày đăng: 13/04/23

Ngày càng có nhiều sản phẩm chăm sóc da được quảng cáo là không có chứa hóa chất ‘độc hại’. Sự thực như thế nào? Liệu các chất được xem là “hoá chất” trong các loại mỹ phẩm “không sạch” có độc hại như nhiều người nghĩ?

Cùng tìm hiểu với Style-Republik qua bài viết sau đây để có cái nhìn khác về mỹ phẩm “sạch” – liệu chúng có như những gì chúng ta vẫn nghĩ bấy lâu nay?

“Xanh, sạch” cũng muôn hình vạn trạng!

Thời đại “xanh sạch”, “không hóa chất”, “organic” dường như đang lên ngôi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có làm đẹp. Rất nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm tung ra các mặt hàng chăm sóc da với đủ công dụng, đủ hình thức, mẫu mã. Các sản phẩm làm đẹp này đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ về công dụng: “bất chấp” tuổi tác, thu nhỏ lỗ chân lông, ngăn ô nhiễm, giúp làn da căng mọng. Chúng hứa cũng hẹn sự rạng rỡ, trắng sáng, hydrat hóa, giúp sáng da và mịn màn. 

Như vậy, về nhiều mặt, chúng không khác gì những sản phẩm làm đẹp “có hóa chất” đi trước, ngoại trừ việc chúng đều tự nhận là tốt hơn hoặc sạch hơn. Đây là kỷ nguyên mới của “vẻ đẹp sạch” – một kỷ nguyên hứa hẹn chăm sóc da “không hóa chất”, “không độc hại”. Điều này như cố gắng phân chia các sản phẩm làm đẹp thành “sạch” và “hóa chất”, độc hại và không độc hại, tốt và xấu. Nhưng có bằng chứng khoa học nào cho điều này không? Chúng ta có thực sự cần phải “làm sạch” các sản phẩm mà chúng ta đang sử dụng hay không? Hay, các sản phẩm chúng ta đang sử dụng có gây hại không, hay đây chỉ là một cách “chơi chiêu” nhằm đánh vào tâm lý khách hàng, bán ra những sản phẩm (thường rất đắt) mà chúng ta không thực sự cần?

Thuật ngữ “sạch” trong mỹ phẩm là chưa rõ ràng. Sarah Meadows, người đứng đầu chuỗi cửa hàng làm đẹp Space NK cho biết: “Bên trong ‘vẻ đẹp sạch sẽ’ có rất nhiều yếu tố khác nhau. Nó có thể là tính bền vững, tự nhiên, thuần chay, không độc hại, không hoá chất… Nhưng nó cũng có thể khá khó hiểu đối với nhiều khách hàng.

Với những người tiêu dùng theo chủ nghĩa tự nhiên, muốn giảm thiểu tác động đến môi trường, thì việc tập trung vào tính bền vững – ví dụ: bằng cách sử dụng bao bì có thể tái chế là rất hợp lý. Công ty mỹ phẩm của Pháp Officinea thậm chí đã phát triển một ứng dụng có thể quét danh sách thành phần của sản phẩm để đánh dấu các hóa chất “gây tranh cãi”.

Niamh Butler, giám đốc đào tạo tại Space NK cho biết: “Chúng tôi đào tạo tất cả nhân viên mới, nhấn mạnh với họ rằng đây là quan điểm riêng của mỗi thương hiệu trong chiến lược sản xuất”. Ngay cả những nhà sản xuất sản phẩm “sạch” cũng không thể đồng ý hết đâu là những chất nên tránh hoặc có thể chấp nhận được. Một số thương hiệu, chẳng hạn như Tata Harper và Holland & Barrett, nhấn mạnh vào các thành phần “tất cả đều là tự nhiên”. Trong khi đó Drunk Elephant, một thương hiệu Hoa Kỳ mới ra mắt tại Anh, cảnh báo người tiêu dùng về “sáu thành phần đáng ngờ”, một số ít các thành phần có liên quan đến các phàn nàn về da. Thậm chí, thương hiệu này còn bán các bộ dụng cụ có kính lúp để khách hàng có thể xác định các hóa chất “có hại” này trong các sản phẩm của đối thủ.

Những thành phần “đáng ngờ” liệu có thực sự gây hại?

Tuy nhiên, có hai thành phần đã bị loại bỏ bởi hầu hết tất cả những người ủng hộ “vẻ đẹp sạch sẽ”, đó là: paraben và sodium lauryl sulphate (SLS). Paraben là chất bảo quản giúp sản phẩm giữ được lâu hơn, trong khi SLS là chất hoạt động bề mặt giúp loại bỏ dầu và tạo bọt, tức có tác dụng làm sạch và tạo bọt mà chúng ta hay thấy trong dầu gội và sữa tắm.

Sarah Willson, trợ lý giám đốc hạng mục làm đẹp tại Holland & Barrett, cho biết công ty này đã loại bỏ cả hai thành phần trên khỏi các sản phẩm làm sạch vì chúng “gây kích ứng” cho da. Mặc dù vậy, Sarah thừa nhận rằng công ty đã không loại bỏ tất cả các thành phần có khả năng kích thích khác. Sarah cho biết thêm, Holland & Barrett tập trung vào hai thứ trên vì SLS – và 1 chất tương tự là sodium laureth sulphate (SLES) – cùng với paraben được sử dụng trong mọi thứ. Chúng có trong kem đánh răng, nước súc miệng, tóc, kem dưỡng da… Bởi vì chúng được sử dụng quá nhiều, đó là nguyên nhân gây ra kích ứng hàng loạt.

Các bác sĩ da liễu có xu hướng không đồng ý. Chuyên gia tư vấn, Tiến sĩ Anjali Mahto nói rằng SLS đôi khi có thể có vấn đề, nhưng nó phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và việc sản phẩm bị dính lâu trên cơ thể hay bị rửa trôi đi. Và nếu nó được thiết kế để bôi trên da và giữ trong thời gian lâu, nó sẽ có nồng độ thấp hơn. Giáo sư Richard Guy, một chuyên gia về chức năng hàng rào bảo vệ da tại Đại học Bath, nói rằng SLS có gây kích ứng hay không phụ thuộc vào từng cá nhân, vào mức độ trong một sản phẩm, lượng sử dụng và vị trí bôi trên cơ thể.

Ông nói: “Ví dụ, một người bị bệnh chàm – người có hàng rào bảo vệ da yếu hơn, có thể dễ bị tổn thương hơn vì SLS có thể được hấp thụ nhiều hơn, làm tăng khả năng bị kích ứng. Tương tự, chức năng của hàng rào da thay đổi ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, ví dụ như mí mắt, ít có khả năng tự bảo vệ tốt”.

Vậy chúng ta có nên xa lánh nó không? Theo Guy, SLS vẫn còn được tìm thấy trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân, điều này cho thấy rằng nó thường được sử dụng ở mức đủ thấp để tránh kích ứng. Trong khi SLS có thể được làm từ dầu cọ hoặc dầu dừa, tác động trực tiếp của nó đến môi trường là tương đối nhỏ vì nó nhanh chóng bị phân hủy.

Còn paraben thì sao? Nhiều blog làm đẹp “sạch” cho rằng chúng là “chất gây rối loạn hormone” và có liên quan đến ung thư. Trang làm đẹp sạch của Holland & Barrett nói rằng “một số nghiên cứu cho thấy [paraben] có thể làm gián đoạn cách cơ thể chúng ta hoạt động (mặc dù paraben không liên quan trực tiếp đến bất kỳ tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào)”.

Các nghiên cứu về vấn đề này vẫn tiếp tục, nhưng trang web của Cancer Research UK cho biết mặc dù paraben có những điểm tương đồng với estrogen – nồng độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư – nhưng chúng yếu hơn rất nhiều. Bất kỳ tác động nào của paraben cũng có thể bị lấn át bởi estrogen tự nhiên được sản xuất trong cơ thể, hoặc các hóa chất tương tự được tìm thấy trong chế độ ăn uống của chúng ta.

Katie Patrick, một nhân viên thông tin y tế tại Cancer Research UK, cho biết: “Vương quốc Anh và EU quy định chặt chẽ cách sử dụng hóa chất trong các sản phẩm và điều này bao gồm cả paraben. Đối với hầu hết các hóa chất, điều quan trọng là liều lượng chúng ta tiếp xúc. Hầu hết mọi thứ đều có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng chỉ ở mức độ cao hơn nhiều so với hàm lượng có trong mỹ phẩm hoặc cuộc sống hàng ngày”.

Gary Moss, một giảng viên cao cấp về dược phẩm tại Đại học Keele, đồng ý, nói rằng làn da tiến hóa rất tốt để ngăn chặn mọi thứ. Ông nói: “Parabens có thể thấm qua da, nhưng là bao nhiêu trong số đó có thể xâm nhập vào da và với tốc độ như thế nào là điều mới đáng quan tâm”.

Tiffany Masterson, người sáng lập Drunk Elephant, cho biết lý do hãng này cắt bỏ paraben là vì người tiêu dùng không muốn có chúng, chứ không phải vì họ nghĩ nó là chất có hại. Masterson cũng mô tả một số thành phần là “độc hại” – mặc dù, như Moss chỉ ra, tất cả mọi thứ đều độc hại nếu dùng sai liều lượng và các quy định của EU có nghĩa là mỹ phẩm chỉ được chứa các thành phần và nồng độ được coi là an toàn.

Masterson nói: “Mọi người đều có sự dao động về hormone, hay nổi mụn trứng cá ở tuổi thanh thiếu niên, nhưng khi làn da của bạn khỏe mạnh và nó không ở chế độ phản ứng vì những gì bạn đang sử dụng hàng ngày, thì nó có thể vượt qua các vấn đề đó tốt hơn nhiều. Nếu bạn bị chàm hoặc da nhạy cảm, bạn nên tránh các loại tinh dầu, nhưng hầu hết mọi người không có gì phải lo lắng”

Dùng vừa phải luôn là cách thông minh

Chắc chắn, cách tiếp cận “sạch” nhất đối với mỹ phẩm sẽ là không sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào. “Điều đó giống như nói rằng, thay vì ăn đồ ăn vặt, chúng ta không ăn gì cả”, Masterson nói. “Tôi nghĩ rằng bạn cần phải dưỡng da của mình, tôi nghĩ rằng một số làn da cần dầu và hydrat hóa. Người trẻ tuổi thì không cần nhiều nhưng quan trọng là khi chúng ta trưởng thành và lão hoá, già đi, chúng ta có thể nhờ đến sự trợ giúp của tẩy da chết, chất chống oxy hóa rất tốt. Bạn cần làm sạch da vì có bụi bẩn trong môi trường…”.

Mahto có một cách tiếp cận đơn giản hơn. Cô ấy nói: “Tất cả chúng ta nên rửa mặt vào buổi sáng và buổi tối,” để loại bỏ bụi bẩn, đồng thời nói thêm rằng khi thời tiết trở nên lạnh hơn, việc dưỡng ẩm có thể trở nên cần thiết, trong khi kem chống nắng rất quan trọng nếu bạn dành thời gian ở ngoài trời vào mùa hè. Nhưng cô ấy nói thêm rằng bạn không nên lạm dụng, không cần thiết phải thoa đến 20 sản phẩm khác nhau vào buổi sáng!

Mọi người vốn đã sợ hãi các chất hóa học, và điều đó đã dẫn đến động lực phải dùng hàng ‘sạch’, ‘tự nhiên’ thì mới tốt? Mahto nhấn mạnh rằng nồng độ và liều lượng của một thành phần nào đó mới là điều quan trọng nhất. Mặc dù bản thân nhu cầu làm đẹp “sạch” không xấu nhưng “điều đó là không cần thiết”, cô nói. “Nó tạo ra và tuyên truyền một huyền thoại rằng hóa chất là xấu và “sạch” là tốt hơn”. Cô cho biết thêm: “Ngay cả những sản phẩm “sạch” cũng có khả năng gây nhạy cảm và dị ứng”.

Nói cho cùng, quyết định dùng sản phẩm nào chỉ là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Và tất cả nên dùng trong sự chừng mực cần thiết với hàm lượng trong ngưỡng an toàn của các nhà sản xuất uy tín. 

Thực hiện: Bảo Lam
Theo theguardian.com