10 “đại gia” giàu nhất của giới thời trang năm 2022
Ngày đăng: 21/09/22
Khi nói về thời trang, chúng ta thường nghĩ ngay đến các thương hiệu thời trang cao cấp như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Dior, Burberry, v.v. Nhưng ta cũng cần cân nhắc tới các nhà bán lẻ phổ biến nhất, chẳng hạn như Inditex, H&M, Fast Retailing… Thời trang là một ngành công nghiệp trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, và bạn hẳn đã tự hỏi – những người đứng sau những gã khổng lồ này giàu có thế nào?
Dưới đây là danh sách 10 “đại gia” với khối tài sản lớn nhất trong ngành công nghiệp tỷ đô này, theo Forbes và Bloomberg. Dù là người sáng lập, nhà thiết kế, CEO hay người thừa kế, những người giàu nhất trong giới thời trang đều sở hữu hầu hết các thương hiệu mà chúng ta đã quen thuộc.
10. Heinrich Otto Deichmann – 11 tỷ USD
Có thể bạn chưa biết, Deichmann SE hiện là nhà bán lẻ giày dép lớn nhất ở Châu Âu. Doanh nghiệp này bắt đầu với một cửa tiệm giày ở ngoại ô Essen, Đức, mở vào năm 1913 bởi Heinrich Deichmann, ông nội của Heinrich Otto Deichmann – Giám đốc điều hành hiện tại của Deichmann SE. Ông đã đã quản lý để phát triển công ty này thành một doanh nghiệp hàng tỷ đô la.
Heinrich Otto Deichmann hiện đang cực kỳ giàu có, nhưng tiền không phải là tất cả đối với ông. Ông tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện khác nhau liên quan đến viện trợ y tế cho các nước thuộc Thế giới thứ ba và các chương trình hỗ trợ người vô gia cư. Chúng tôi cho rằng việc chọn Deichmann là một ý tưởng không tồi khi bạn đang tìm kiếm một đôi giày mới.
9. Anders Holch Povlsen – 12,4 tỷ USD
Cách đây gần 30 năm, khi mới 28 tuổi, Anders Holch Povlsen đã trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty mình – Bestseller – một nhà bán lẻ quần áo quốc tế có trụ sở tại Đan Mạch chuyên bán quần áo dưới các nhãn hiệu Vero Moda, Only và Jack & Jones. Đồng thời, Anders Holch Povlsen cũng trở thành cổ đông lớn của ASOS và ngày nay ông là một trong những chủ sở hữu đất tư nhân cá nhân lớn nhất ở Vương quốc Anh.
Nhưng dù bạn có thể nghĩ rằng Anders đã vô cùng may mắn khi có được khối tài sản khổng lồ này, thì anh ấy cũng có thể muốn cho đi phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, để nhận lại những đứa con thân yêu của mình. Anders Holch Povlsen đã mất ba người con của mình và bản thân cũng bị thương trong một vụ tấn công khủng bố ở Sri Lanka vào năm 2019, vì vậy hãy nhớ rằng, tiền không phải là tất cả!
8. Stefan Persson – 20,7 tỷ USD
Theo Danh sách Tỷ phú của Forbes cho năm 2022, Carl Stefan Erling Persson hiện là người giàu thứ 84 trên thế giới. Cựu chủ tịch của một trong những nhà bán lẻ thời trang bán chạy nhất trên thế giới – Hennes & Mauritz (H&M) – cũng là người giàu nhất Thụy Điển hiện tại. Ông từ chức chủ tịch H&M vào tháng 5 năm 2020 và cho phép con trai mình, Karl-Johan, nắm quyền điều hành doanh nghiệp thời trang nhanh này.
Trong trường hợp bạn không biết, H&M cũng sở hữu các thương hiệu sau: COS, Weekday & Other Stories, Monki, ARKET và H&M Home. Với hơn 5.000 cửa hàng tại 74 quốc gia, nhà bán lẻ Thụy Điển này vẫn còn rất nhiều dư địa để mở rộng phát triển, vì mọi người trên thế giới có lẽ ai cũng đều đã nghe nói về H&M và quần áo của họ.
7. Tadashi Yanai – 29.2 tỷ USD
Người giàu nhất Nhật Bản, Tadashi Yanai đã thành lập và điều hành Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo – nhà bán lẻ quần áo lớn nhất ở châu Á. Yanai đã mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên vào năm 1984 và hiện nay thương hiệu đã có hơn 2.000 cửa hàng tại hơn 20 quốc gia. Các thương hiệu khác mà Fast Retailing sở hữu bao gồm Helmut Lang, Theory, J Brand và GU.
Tadashi Yanai bắt đầu sự nghiệp của mình tại tiệm may nhỏ ven đường của cha. Và hơn 30 năm sau, doanh thu hàng năm của công ty ông đã vượt quá 21,3 tỷ đô la. Nhưng ông luôn đặt mục tiêu cao và luôn hy vọng rằng Fast Retailing sẽ vượt qua H&M và Inditex trong tương lai. Rõ ràng là còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
6. Gerard và Alain Wertheimer – 33,5 tỷ USD (mỗi người)
Một số người đã gọi hai người đàn ông này là “những tỷ phú trầm lặng nhất trong thời trang”. Chúng tôi khá chắc rằng bạn cũng chưa bao giờ nghe nói về Gerard và Alain Wertheimer. Nhưng anh em nhà Wertheimer là người đồng sở hữu bí ẩn của Chanel, với Alain là chủ tịch của hãng thời trang huyền thoại này, trong khi Gerard đang quản lý bộ phận đồng hồ của Chanel, có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Ngoài đế chế thời trang đồ sộ của mình, Gerard và Alain còn được hưởng đặc quyền sở hữu nhiều vườn nho khác nhau nằm ở Pháp và Thung lũng Napa. Luôn có chỗ cho một sở thích mới hoặc một tài sản sang trọng, khi bạn có đủ khả năng để chi trả.
5. Leonardo Del Vecchio – 34,9 tỷ USD
Tỷ phú người Ý Leonardo Del Vecchio là chủ tịch của tập đoàn kính mắt khổng lồ Luxottica, nhà sản xuất và bán lẻ kính và thấu kính lớn nhất thế giới. Sau khi thành lập Luxottica vào năm 1961, Del Vecchio tiếp tục mua lại Sunglass Hut, Ray-Ban, Persol và Oakley – khá chắc rằng bạn không biết đây đều là những thương hiệu thuộc Luxottica.
Luxottica cũng đang sản xuất kính râm và gọng kính cao cấp cho các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Prada, Armani, Versace, Burberry, Dolce & Gabbana, Bulgari, v.v. Tập đoàn kính mắt của Ý này có hơn 70.000 nhân viên và hơn 8.000 cửa hàng trên thế giới.
4. François Pinault – 53,1 tỷ USD
Monsieur Pinault hiện là chủ tịch danh dự của tập đoàn xa xỉ nổi tiếng Kering. François-Henri Pinault tiếp quản quyền quản lý từ cha mình vào năm 2005 và biến tập đoàn bán lẻ PPR thành tập đoàn thời trang cao cấp Kering.
Kering sở hữu những thương hiệu thời trang mang tính biểu tượng như Gucci, YSL, Balenciaga, Alexander McQueen và Boucheron, và những hãng đồng hồ được đánh giá cao như Ulysse Nardin hay Girard-Perregaux. Và bạn có biết rằng doanh nghiệp do gia đình điều hành này cũng sở hữu nhà đấu giá nổi tiếng Christie’s của Anh không?
François Pinault còn sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật đặc biệt, bao gồm hơn 5.000 tác phẩm độc quyền từ các nghệ sĩ nổi tiếng như Picasso, Matisse, Mondrian và Koons. Ông cũng là một người rất hào phóng trong giới nghệ thuật. Gia đình Pinault đã quyên góp 113 triệu USD để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng ở Paris, sau thiệt hại do vụ hỏa hoạn vào tháng 4 năm 2019.
3. Phil Knight – 62,2 tỷ USD
Người sáng lập và là cổ đông lớn nhất của hãng giày khổng lồ Nike, Phil Knight đã theo học tại Đại học Oregon trước khi nảy ra ý tưởng kinh doanh tuyệt vời của mình. Ông đã tạo ra đôi giày Nike đầu tiên vào năm 1964 với huấn luyện viên thể thao cũ của mình, Bill Bowerman, và mỗi người đã đầu tư 500 USD để bắt đầu khởi nghiệp. Mới đầu, thương hiệu này có tên gọi là Blue Ribbon Sports, trước khi đổi thành Nike vào năm 1978. Ngày nay, Nike là nhà sản xuất giày thể thao và quần áo thể thao lớn nhất trên thế giới, với hơn 1.100 cửa hàng và doanh thu lên tới 44 tỷ USD. Đó là một khoản lợi nhuận điên rồ cho khoản đầu tư 500 USD, phải không nào?
Phil Knight đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch của Nike vào năm 2016. Sau 52 năm làm việc, ông chắc chắn cần một khoảng thời gian để tận hưởng những điều tốt nhất trong cuộc sống.
2. Amancio Ortega – 67 tỷ USD
Vào năm 1975, Amancio Ortega thành lập Inditex cùng với vợ cũ Rosalia Mera và hiện ông sở hữu 59% cổ phần của nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới này. Inditex được biết đến nhiều nhất với chuỗi cửa hàng thời trang ZARA, nhưng gã khổng lồ thời trang nhanh đến từ Tây Ban Nha cũng sở hữu các thương hiệu khác như Pull & Bear, Bershka, Oysho, Masimo Dutti, Stradivarius, ZARA Home và Uterque.
Inditex có hơn 7.500 cửa hàng trên khắp thế giới và Amancio Ortega nhận được hơn 400 triệu USD/năm chỉ từ cổ tức. Với khối tài sản khổng lồ của mình, bầu trời là giới hạn – hoặc có thể không. Là một người đàn ông với đầu óc kinh doanh ưu việt, Amancio đã đầu tư cổ tức của mình vào văn phòng cao cấp và bất động sản bán lẻ ở Madrid, Barcelona, London và New York.
1. Bernard Arnault – 180 tỷ USD
Một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, Bernard Jean Étienne Arnault đứng vững ở đầu danh sách. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH, công ty đồ xa xỉ lớn nhất thế giới, đã trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 1 năm 2020, mặc dù trong một khoảng thời gian ngắn.
Đế chế thời trang cao cấp của người đàn ông này bao gồm hơn 70 thương hiệu nổi tiếng, với những cái tên huyền thoại như Louis Vuitton, Christian Dior, Moët Hennessy, Bulgari, Marc Jacobs, Hublot và nhiều thương hiệu khác. Chỉ trong năm 2019, LVMH đã mua lại thương hiệu trang sức nổi tiếng Tiffany & Co và tập đoàn khách sạn sang trọng Belmond, do đó, đế chế này không ngừng lớn mạnh. Và Bernard Arnault quản lý khoảng một nửa LVMH.
Theo Luxatic
Thực hiện: Lexi Han