Tất tần tật về thuật ngữ thời trang “Aesthetics” của Gen Z, bạn đã biết chăng?
Ngày đăng: 11/10/22
Cùng Style-Republik giải mã tất tần tật về những thuật ngữ thời trang “Aesthetics” của Gen Z nhé!
Không có gì khiến chúng ta cảm thấy già nua hơn khi chứng kiến thế hệ của mình mất dần sự cập nhật và nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo. Nhưng thay vì cảm thấy tủi thân và cay đắng, có lẽ, chúng ta nên dành một lời tán thưởng cho Gen Z, một thế hệ được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ, đang làm chúng ta điên đảo với cá tính và phong cách đậm chất riêng. Giống như một ngôn ngữ riêng khẳng định bản sắc thế hệ, các bạn ấy đang tạo ra phong cách thời trang của riêng mình.
Một trong số những xu hướng định hình phong cách thời trang của Gen Z có thể kể đến như Athleisure, Unisex, và đặc biệt là Aesthetics. Khái niệm Aesthetic được nhà triết học Đức Alexander Baumgarten lần đầu sử dụng vào thế kỷ XVIII để miêu tả về gu thẩm mỹ và cách tiếp nhận nghệ thuật của mỗi người. Aesthetic “bùng nổ” thành một phong trào hiện đại vào những năm 2010 nhờ vào dòng nhạc Vaporwave và sự phát triển của mạng xã hội hình ảnh như Pinterest, Tumblr… Và gần đây nhất, Aesthetic càng phổ biến hơn qua các video trên nền tảng Tiktok.
Gen Z hào phóng, tự do và hiện đại nhưng chắc chắn không hời hợt với gu ăn mặc của mình. Nếu chỉ quan tâm đến Gen Z thông qua những cụm từ hot trend trên mạng, bạn có lẽ sẽ bỏ lỡ mất nhiều cơ hội để tiếp cận tập khách hàng làm chủ tương lai này. Vậy hãy cùng Style-Republik giải mã tất tần tật về những thuật ngữ thời trang “Aesthetics” của Gen Z nhé!
angelcore/devilcore: Cái tên đã nói lên ý nghĩa hàm chứa trong đó. Nếu “angelcore” được liên tưởng đến hình ảnh những đám mây bồng bềnh, màu hồng nhạt, hình ảnh thần tình yêu cupid, hoa hồng, đàn hạc, những quầng sáng lấp lánh, thì “devilcore” lại gợi nhớ đến đặc trưng các hoạ tiết của quỷ satan như dây thép gai, màu đỏ, đen, ngọn lửa, phụ kiện chocker hay gothic khác, lối trang điểm đậm, phản chiếu hình ảnh bóng tối. Angelcore biểu thị sự thuần khiết và ngây thơ, ngược lại, devilcore lại khiến chúng ta liên tưởng đến sự mạnh mẽ, tàn bạo.
balletcore: Thời trang đã lấy cảm hứng từ bộ môn múa ba lê trong nhiều năm. Vẻ đẹp thanh tao này đến từ leotards (trang phục ôm body của diễn viên múa bale), váy ngắn, chân váy bồng, áo len quấn, giày bệt và váy trà dài.
Barbiecore: Đây là một phong cách aesthetic nữ tính phổ biến, bắt nguồn từ lối sống và tủ quần áo của nàng búp bê Barbie Mattel vào thời kỳ hoàng kim cuối thập niên 90 – đầu những năm 2000. Barbiecore là tập hợp những trang phục, phụ kiện màu hồng, vàng, plastic, ôm lấy cơ thể và vô cùng quyến rũ.
clowncore: Đến từ vẻ đẹp của những chú hề đầy kỳ quặc. Clowncore mang lại cảm giác trẻ trung, hài hước như sơn mặt, dán các sticker ngộ nghĩnh, nhuộm màu tóc tươi sáng, chấm tàn nhang giả, mặc trang phục cầu vồng, quần yếm, mang theo phụ kiện như bóng bay,…
cottagecore (countrycore, farmcore, cabincore, campcore, Vermontcore): Phong cách aesthetic này trở nên phổ biến trên Instagram vào cuối những năm 2010. Chúng khiến chúng ta liên tưởng đến bối cảnh nông thôn hoặc những ngôi nhà nhỏ với nội thất mộc mạc trong rừng cây, những chiếc áo cardigans tone nâu trầm ấm cúng và váy prairie. Một vài người yêu thích phong cách này thời kỳ đầu bị chỉ trích vì đã lãng mạn hoá, đơn giản hoá quá mức và tẩy trắng lối sống nông nghiệp, nông thôn trong khi họ chưa từng trải qua, cũng như tôn vinh chủ nghĩa thực dân, nhưng dần dần, cottagecore đã được chấp nhận theo hướng tích cực bởi nhiều người hơn. Ngoài ra còn có một loạt những phong cách có liên quan, tương tự như vậy như countrycore, farmcore, cabincore, campcore, Vermontcore.
cowboycore/westerncore: cái tên nói lên tất cả, chính là những chàng trai, cô gái với mũ cao bồi, áo khoác tua rua, và đồ denim.
craftcore: Chắc hẳn chúng ta đều biết đến từ “craft” – thủ công. Phong cách quần áo bền vững này cho phép bạn dành hàng giờ để làm thủ công (hoặc không), và sáng tạo ra những loại trang phục như áo khoác chần bông, áo len móc, đồ dệt kim có thêu hình, tạp dề, túi hộp, một vài thương hiệu có thể kể đến như Bode và Dauphinette.
fairycore: Phong cách aesthetic nhẹ nhàng, mang đặc điểm gợi liên tưởng đến thần thoại và thiên nhiên với các chi tiết yêu tinh, đôi cánh bướm, trang điểm lấp lánh, bím tóc dài, vương miện hoa, găng tay cụt ngón, corset và váy tay bồng.
fetishcore: Julia Fox (nữ diễn viên, người mẫu Mỹ gốc Ý – bạn gái tin đồn của nam rapper Kanye West) – người bị ám ảnh bởi latex đã đặt nền móng cho phong cách này, với những phụ kiện mang tính “thống trị” như: roi, dây xích, vòng cổ và thiết kế latex bằng vải bóng ôm lấy cơ thể.
goblincore: Tương phản với Fairycore, phong cách này tuy cũng bắt buồn từ thần thoại và thiên nhiên, nhưng quần áo và phụ kiện lại mang màu sắc bụi bặm hơn với tone nâu đất, xanh lá cây đậm đầy chất “yêu tinh” ma mị.
gorpcore: Một phong cách aesthetic đậm chất cool ngầu và thể thao, điển hình như các thương hiệu Patagonia, Arc’teryx, The North Face hay Salomon.
gothcore: Phiên bản hiện đại hoá của phong cách goth, được các nam sinh trung học diện vào đầu những năm 2000, với quần áo màu đen, chất liệu PVC/Vinyl, mix kèm với dây chuyền bản to, chocker, trang điểm mắt đậm và áo phông.
kidcore/babycore: một nét nghệ thuật mang đầy tính hoài cổ, được lấy cảm hứng từ những mô típ thời thơ ấu: trang phục có màu sắc cơ bản, giày thể thao phát sáng, quần yếm, sticker, thú nhồi bông, hay vòng tay tình bạn.
lovecore: Ngày nào cũng là lễ tình nhân với phong cách aesthetic này, với trang phục màu hồng, đỏ, hoạ tiết trái tim, đôi môi và thần tình yêu cupid, nội y lụa và ren.
normcore: Cốt lõi của cốt lõi, thế hệ Millennial đã tạo ra một “quái vật” khi chúng ta bắt đầu sử dụng thuật ngữ này để mô tả về sở thích mặc những bộ trang phục đơn giản, không màu mè, không phô trương và tránh xa các xu hướng thời trang ngắn hạn, như giày thể thao, mũ bóng chày, dép lê birkenstock, túi đeo ở thắt lưng và những món đồ cơ bản mà mọi tủ quần áo đều có.
royalcore (regencycore, victoriancore, knightcore): Bao gồm tất cả mọi thứ thuộc về hoàng gia Châu Âu, phong cách này đã được lan truyền rộng rãi bởi những bộ phim như “Marie Antoinette”, “The Crown”, “The Great” và “Bridgerton.” Royalcore được định nghĩa với những bộ trang phục có màu sắc và chất liệu sang trọng, những “silhouettes” đậm chất thế kỷ 20: phần eo ôm sát và chân váy được xếp nếp với những đường bèo nhún, nơ và các chi tiết đầy thơ mộng khác. Ngoài ra còn có rất nhiều phong cách đi kèm với royalcore, bao gồm princesscore, queencore and knightcore. Knightcore có những chi tiết khó hơn như dây xích và hình dạng giống áo giáp.
vacationcore (Europecore, Italycore): xuất phát từ khuynh hướng phổ biến của chúng ta ngày nay như chia sẻ những hình ảnh kỳ nghỉ online và lựa chọn trang phục ton sur ton với những bức hình này, vacationcore khiến chúng ta như đang lạc vào một không gian xa xôi mà chẳng cần phải bay đi đâu cả. Chỉ cần ăn bận như bạn đang đi qua miền Bắc nước Ý hoặc miền Nam nước Pháp mà không cần lo trễ chuyến bay hay dịch bệnh.
Vậy, bạn thuộc kiểu Aesthetic nào? Hãy cho Style-Republik biết nhé!
Thực hiện: Heidi Trương
Nguồn ảnh: Pinterest