‘Fashion’ & ‘Style’: Hai khái niệm ngỡ giống nhưng đối lập nhau đến lạ
Ngày đăng: 25/10/22
Mỗi khi nhắc đến thời trang (Fashion), người ta thường nghĩ ngay đến cụm từ: phong cách thời trang (Fashion Style). Chính vì luôn đi đôi và song hành cùng nhau, nên vô tình khiến ta lầm tưởng chúng đều có chung một tầng ý nghĩa.
Nhưng trên thực tế, thời trang và phong cách cũng có những lúc đối nghịch nhau đến lạ. Hãy cùng điểm qua một số nét đối lập giữa hai khái niệm quen thuộc này nhé!
Thời trang đối đầu phong cách – cuộc chiến bất phân thắng bại
Nhà thiết kế thời trang lừng danh Yves Saint Laurent từng nói: “Thời trang rồi sẽ phai mờ, phong cách mới là vĩnh cửu.”. Đã đến lúc chúng ta nên thừa nhận sự tàn nhẫn của thời trang, bởi đó là một khái niệm mang tính thời đại, luôn biến hóa không ngừng, nó đại diện cho xu thế và được trang bị một “hạn sử dụng” ngắn hạn. Cụ thể hơn, những bộ cánh vô cùng thời thượng mà bạn tôn thờ trong năm/ tháng này có thể “bay màu” trên bảng thịnh hành của giới thời trang trong vài tháng sau (thậm chí là vài tuần sau đó). Phong cách thì lại khác, nó hoạt động khá độc lập và không dễ bị tác động bởi các trào lưu hay xu hướng mới nổi. Phong cách biết những gì phù hợp với mình và không ngại lấn lướt những quy tắc thời trang thông thường.
Vòng 1: yếu tố thời gian
Về bản chất, thời trang thường đến và đi như một cơn gió, hào nhoáng, rực rỡ và liên tục được nhắc đến như một khái niệm “tối cao” trong chuyện ăn mặc của con người. Khi được phát huy hết khả năng của mình, thời trang có thể phản ánh chính xác các giá trị của cả một thời đại và xã hội. Trên hết, sức mạnh của thời trang còn nằm ở cách nó giúp chúng ta bộc lộ quan điểm (ngay cả quan điểm chính trị), khẳng định vị thế, nỗi khao khát và khiếu thẩm mỹ riêng biệt. Thời trang trực tiếp chứng kiến quá trình phát triển của xã hội loài người – mang giá trị lịch sử lâu đời, khi xã hội càng tiến xa và hiện đại hơn, thời trang cũng bắt đầu có nhiều biến đổi. Đó là lý do vì sao, khi nhắc đến yếu tố bền vững với thời gian, thì thời trang vốn đã hoàn toàn thất thế.
Mặt khác, phong cách không chỉ dừng lại ở câu chuyện quần áo, mà nó bao gồm: lối sống, tư duy thẩm mỹ, tính sáng tạo, bản sắc hoặc phong cách nghệ thuật của mỗi cá nhân. Những món đồ có phong cách sẽ tồn tại cho đến khi không còn sử dụng được nữa, miễn là vẫn phù hợp với quan điểm của người sở hữu chúng. Phong cách ăn mặc được xem như một tuyên ngôn hùng hồn trong thời trang, nó thay thế cho câu chào hỏi đầu tiên của bạn với một người lạ, nó khẳng định bạn là ai, sở hữu dạng tính cách nào và bạn mong muốn thể hiện khía cạnh gì qua lối ăn vận. Mặc dù hai khái niệm thời trang và phong cách đôi khi có thể được thế chỗ cho nhau, nhưng “thời trang thì chóng phai tàn, còn phong cách mãi bất diệt”.
Vòng 2: yếu tố ứng dụng
Bạn không thể yêu thời trang nếu như bạn chẳng hề ứng dụng nó vào thực tiễn. Cũng như bạn không thể chỉ nhìn ngắm những món đồ đẹp đẽ, nhưng lại khước từ việc khoác chúng lên người. Tính ứng dụng nên được đặt lên hàng ưu tiên của mọi tín đồ thời trang, nhất là khi chúng ta đang chứng kiến hàng tá xu thế mới theo từng mùa. Ngành công nghiệp thời trang đang cuốn mọi người vào vòng quay hối hả của các kiểu trang phục mới, tốc độ xoay chuyển của thanh xu hướng vô tình lôi kéo người tiêu dùng – những người ngày càng bỏ ít thời gian cân đo đong đếm mà cứ vung tiền nhiều hơn cho việc mua sắm đồ mới. Đề rồi đến khi tủ quần áo đã chật kín nhưng nhìn vào lại chẳng biết phải bắt đầu phối chúng từ đâu, hay quên mất mục đích ban đầu khi bỏ sản phẩm đó vào giỏ hàng là gì.
Để khắc phục triệt để tình trạng trên, mọi người nên cân nhắc yếu tố ứng dụng của món đồ trước khi quyết định mua chúng. Và mặc dù thời trang không trường tồn cùng năm tháng, nhưng không có nghĩa bạn nên phủ nhận hoàn toàn tầm quan trọng của nó trong tủ quần áo. Hãy lấy ứng dụng làm trọng tâm cho mọi bộ trang phục, lúc này bạn sẽ biết nên chọn mua hay không mua một item hợp mốt, nhớ nhé, luôn ưu tiên tính ứng dụng! Làm điều tương tự với phong cách (nhưng trước hết bạn cần xây dựng cho mình một phong cách cá nhân đã), bất kỳ item nào thỏa mãn các tiêu chí trong checklist phong cách của bạn mà vẫn có khả năng phối đi phối lại nhiều lần, hãy chọn chúng. Tuy nhiên một lời khuyên thiết thực dành cho bạn, phong cách nên đồng hành cùng việc cắt giảm các món đồ trên người và tận dụng những món đồ cơ bản, bền vững và khó lỗi thời.
Đừng biến mình thành một “nô lệ thời trang”
Mục đích tối thượng của chuyện ăn mặc, đó là giúp mọi người trở nên phong cách và thời trang, mà không tự biến mình thành một nô lệ thời trang. Hệ thống thời trang hiện nay cùng cách chúng ta mua sắm đang dần có nhiều thay đổi. Vậy nên, đã đến lúc để bạn đi tìm cho mình một phong cách đặc trưng, phản ánh chân thực cái tôi của chính bạn. Bằng không bạn sẽ dần biến thành “con rối” của ngành công nghiệp này, không ngừng tốn kém cho những kiểu đồ mới với một chiếc tủ quần áo chật cứng.
Phong cách sẽ hình thành từ những biểu hiện nhỏ nhất, mang nét độc đáo cá nhân: cách bạn xắn tay áo, phối phụ kiện, loại giày bạn mang, lối makeup hàng ngày,… Nếu bạn đã từng mải mê chạy theo mốt mà bỏ quên mất phong cách, và rồi chợt nhận ra thậm chí “hot trend” Y2K chẳng ăn nhập gì với bạn cả. Vậy thì hãy bắt đầu bằng việc xây dựng tủ quần áo mang phong cách cá nhân, sử dụng các món đồ basic và an toàn. Điểm mấu chốt nằm ở màu sắc, chất liệu và kiểu dáng của những items đó. Có một số gam màu không bao giờ lỗi mốt (như đen, trắng hoặc các tone màu neutral), các items luôn hợp thời như quần Jeans và áo thun, những chiếc Blazer hay Trench Coat cũng luôn được ưu ái ở tất cả các mùa. Hãy thử tìm điểm chung giữa bạn và chúng, sau đó thêm thắt một chút điểm nhấn riêng phản ánh sở thích và tính cách của bạn như: túi xách, phụ kiện, giày, layout makeup,…
Còn nếu bạn vẫn chưa biết cá tính hoặc phong cách của bản thân là gì, thì đừng vội mua sắm. Đơn giản hóa trang phục và cắt giảm số lượng sẽ là lựa chọn thông minh lúc này, đồng thời việc tham khảo phong cách cá nhân của một số Fashion Icons trên thế giới cũng không phải ý tồi. Học hỏi cách ăn mặc từ những người có sức ảnh hưởng, nhất là những ai có cùng gu thẩm mỹ và dáng người tương tự bạn, quan trọng là thử thật nhiều cách phối trang phục (bằng những items có sẵn trong tủ đồ) cho đến khi tìm ra được phong cách “chân ái” của bạn. Sau đây là một vài biểu tượng thời trang kinh điển – những người phụ nữ có gu ăn mặc chiến thắng thử thách của thời gian và thành công với dấu ấn cá nhân của họ:
Những biểu tượng kinh điển của phong cách và thời trang
Brigitte Bardot: quý cô người Pháp chính hiệu, người nổi danh với vải gingham và bờ môi căng mọng. Các bộ trang phục những năm 1960 của Bardot chủ yếu là quần lửng cùng áo trễ vai, chúng trở thành kiểu trang phục “ăn liền” cho phong cách thời thượng tại vùng Riviera của Pháp. Năm 2017, dù khá chóng vánh, nhưng các nhà thiết kế đã ưu ái gọi trang phục trễ vai là “Bardot”.
Audrey Hepburn: người phụ nữ xinh đẹp và tài năng đã thủ vai nhiều nhân vật có phong cách thời trang độc đáo. Sự kết hợp giữa chiếc đầm đen cùng găng tay dài của Holly Golightly trong “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng tại Tiffany’s), hay mẫu chân váy dài cùng chiếc khăn vuông buộc cổ của Công chúa Ann trong “Romand Holiday” (Kỳ Nghỉ Hè Tại Rome), đã thực sự khiến công chúng chú ý suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, phong cách cá nhân của quý bà Hepburn cũng không hề kém cạnh. Đơn giản, tinh nghịch và duyên dáng, bà ưu ái những chiếc áo cổ lọ màu đen và biến item này trở thành món đồ “must-have” trong tủ đồ của mọi cô gái ngày nay.
Frida Kahlo: bậc thầy trong cách phối hoa với họa tiết và các sắc màu đối lập. Các chi tiết trang phục Mexico truyền thống được bà vận dụng tài tình vào phong cách cá nhân, vẽ nên những câu chuyện ý nhị về thần thoại, giới tính và tính nữ. Lối ăn mặc của Kahlo đã thể hiện sức mạnh to lớn của cả phong cách và thời trang, khi có thể hùng hồn tuyên bố với cả thế giới mà chẳng cần cất lời.
Jane Birkin: hãng Hermès đã đặt tên chiếc túi Birkin kinh điển theo tên của nữ ca sĩ – diễn viên người Anh, dù thực tế bà thường chỉ sử dụng loại giỏ rơm đơn giản. Jane là ví dụ điển hình cho phong cách ăn mặc giản dị, đời thường nhưng không hề nhàm chán. Trang phục của bà vô cùng thịnh hành vào những năm 1960, song đến tận ngày nay chúng vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho vô số tín đồ thời trang hiện hành.
Thực hiện: Chi Hảo