Nhà thiết kế Rei Kawakubo/Comme des Garçons: bất tuân chuẩn mực
Ngày đăng: 03/05/17
Cả thế giới đang hướng về Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, kể từ chương trình tôn vinh dành cho Yves Saint Laurent vào năm 1983, đây là lần thứ hai diễn ra cuộc triển lãm tôn vinh một nhà thiết kế đương đại còn tại thế. Và nhà thiết kế đương đại này là Rei Kawakubo – linh hồn của Comme des Garçons.
Và nếu Saint Laurent được ghi nhận là nhà sáng tạo ra phong cách của cuối thế kỷ 20, thì nhà thiết kế Rei Kawakubo chính là người tái tạo lại nó. Với một tinh thần độc lập, bất tuân khuôn khổ và gạt bỏ nhiều chuẩn mực, nhà thiết kế sinh năm 1942 này vẫn đang theo đuổi thời trang và nghệ thuật với sự nghiêm túc không kém gì một triết gia theo đuổi lý tưởng của mình.
Kawakubo bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1969 tại Tokyo với thương hiệu mang tên gọi Comme des Garçons. Những tác phẩm của nhà thiết kế người Nhật tuôn bất tuân theo khuôn khổ thông thường, đặc biệt là không có nét hoài cổ thường thấy ở nhiều nhà thiết kế phương Đông, những bộ sưu tập đặc sắc nhất của bà phản ánh nỗi ám ảnh của người phụ nữ về tự do, sự phụ thuộc vào tình yêu và ham muốn. Tất cả được thể hiện rất độc đáo và khác biệt.
Bằng tài năng đặc biệt của mình, Rei Kawakubo tạo nên những bộ trang phục, chúng kể nên những câu chuyện tình lãng mạn, tình yêu, sự khước từ, tự hủy hoại, chiến tranh và gần đây là công nghệ. Trang phục của bà có thể truyền cảm hứng cũng như hủy diệt cảm giác, đó là hai trạng thái đối lập mâu thuẫn với nhau mà người ta có thể cảm nhận. Trong tay của Kawakubo, vải là một chất liệu đặc biệt, có khi đó cũng là da người, mà sự che chắn cơ thể không có nghĩa lý gì cả, có điều gì đó vượt lên trên những giới hạn về xúc giác và cảm giác.
Với sự hiểu biết về lịch sử mỹ thuật Nhật Bản và phương Tây học được từ trường đại học Keio, Rei Kawakubo bắt đầu tư cách là một nhà tạo mẫu tự do vào năm 1967. Chủ đề yêu thích của bà vào những năm 1980 là punk, trang phục tối tăm với những lỗ rách, không màng đến sự gợi cảm của cơ thể và thậm chí thách thức nó. Chất “punk” của Rei Kawakubo lại được đón nhận và tôn sùng bởi những nhà thiết kế độc lập. Đồng thời bà truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối bằng một khái niệm “kiên quyết từ chối thỏa hiệp”- Một khi đã theo đuổi sẽ theo đến tận cùng, xóa bỏ mọi ranh giới. Karl Lagerfeld và Marc Jacobs đã gọi Rei Kawakubo là nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng và tài năng nhất trên thế giới, đồng thời bày tỏ lòng tôn kính với bà qua bộ sưu tập của riêng mình.
Ngoài bốn bộ sưu tập chính Comme des Garçons, Comme des Garçons Homme Plus, Junya Watanabe Comme des Garçons và Comme des Garçons Junya Watanabe Man, bà còn xây dựng thêm 12 thương hiệu bán tại 130 cửa hiệu của công ty và 500 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới. Từng có thời các cửa hàng của Comme des Garçons không có gương soi, thí nghiệm táo bạo này để khách hàng có thể tự mình cảm nhận trang phục trên cơ thể thay vì thông qua hình ảnh phản ánh trong gương. Mặc dù đến giờ phút này thí nghiệm đó không còn nữa, tuy nhiên Rei Kawakubo vẫn không ngừng mang đến những tư duy và khái niệm độc đáo về thời trang, trong đó có khái niệm, chất liệu trang phục không nói lên được sự giàu có của một cá nhân, và ý tưởng mới làm nên giá trị của một thiết kế, chứ không phải chất liệu.
Nhà thiết kế Rei Kawakubo cũng được biết là một người kín tiếng, bà rất ít xuất hiện ở cuối show diễn cũng như trả lời phỏng vấn trước báo chí, nhà thiết kế ở tuổi 74 cũng không đọc những gì báo chí viết về bà.
Trong một cuộc chia sẻ hiếm hoi bà nói “nó bắt nguồn từ khởi đầu khiêm tốn, tôi chỉ là một thợ thủ công. Tôi là một nhà sản xuất quần áo, và đó là tất cả tôi. Tôi chỉ muốn nói về việc làm nên trang phục. Tôi không cảm thấy cần phải đi ra ngoài và giải thích gì về điều đó.” Đồng thời bà cũng cho biết bà không quan tâm đến sự nổi tiếng của mình: “Đối với tôi, tôi đã không thành công dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi lần trước khi ra mắt bộ sưu tập, tôi nói: Tôi không muốn nó xuất hiện, tôi muốn hủy nó, không tốt lắm, tôi chưa làm được gì.”
Sự tôn vinh dành cho Rei Kawakubo cũng như Comme des Garçons không chỉ là sự tôn vinh dành cho thời trang mà còn cho nghệ thuật, là những gì độc đáo vượt lên trên các khái niệm và chuẩn mực thông thường. Và chắc hẳn sự tôn vinh này chỉ là một dấu ấn trên con đường của nhà thiết kế người Nhật này, khi ở tuổi 74 bà vẫn miệt mài nghiên cứu về vải, về thiết kế, về việc làm sao để theo đuổi các ý tưởng của mình, và tuyệt đối không thỏa hiệp.
Bài: Koi (tổng hợp)