LVMH và Bernard Arnault có bị ảnh hưởng sau cuộc biểu tình tại Pháp?
Ngày đăng: 16/04/23
Tuần này, cổ phiếu tăng vọt sau khi công ty lớn nhất của ngành hàng xa xỉ LVMH báo cáo kết quả của quý vượt hơn mong đợi. Tuy nhiên, những người biểu tình đã xuất hiện ở con phố mua sắm sang trọng Paris, họ thậm chí đã xâm nhập vào trụ sở của LVMH – điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những biến động chính trị sẽ ảnh hưởng đến thị trường xa xỉ tới đây.
Những người biểu tình ở Paris đã tuần hành ngang qua cửa hàng bách hóa La Samaritaine của LVMH hôm thứ Năm, đây là ngày thứ 12 của cuộc đình công phản đối cải cách hưu trí tại nước Pháp.
Hôm thứ Năm, cổ phiếu của LVMH đã tăng 5% lên mức định giá thị trường kỷ lục là 432 tỷ euro, sau khi tập đoàn xa xỉ báo cáo doanh thu của quý vượt quá mong đợi.
Cũng trong ngày thứ Năm: rất nhiều người biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Pháp đã tràn vào trụ sở LVMH ở Paris. Cuộc đột nhập chỉ kéo dài vài phút, nhưng hình ảnh những công nhân đình công vung pháo sáng đỏ rực và hô vang trong sảnh của tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, do tỷ phú Bernard Arnault điều hành, đã lan truyền khắp thế giới.
Nhiều điều song song thường diễn ra ở phân khúc cao cấp. Một mặt, sự phục hồi của ngành du lịch và các sự kiện tiếp tục diễn ra, thị trường lao động thu hẹp và sự chịu chi của giới giàu có đã giúp nhiều thương hiệu xa xỉ tiếp tục đánh bại kỳ vọng, hết quý này đến quý khác.
Nhưng có một lời nhắn nhủ rằng thời kỳ tốt đẹp có thể không kéo dài được mãi: lãi suất tăng, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và sự sụp đổ đột ngột của đà phục hồi của thị trường chứng khoán sau đại dịch vào năm ngoái đã đặt dấu hỏi về các con số tăng trưởng của ngành. Sau đó là những cú sốc đối với hệ thống, từ việc Nga tấn công Ukraine đến việc Trung Quốc thắt chặt — sau đó đảo ngược — các chính sách Zero Covid. Và bây giờ, là các cuộc biểu tình diễn ra tại Pháp.
Thị trường dường như chưa bị ảnh hưởng. Cổ phiếu trong toàn ngành đã tăng điểm trong những tuần gần đây khi một số ngân hàng đầu tư nâng cấp dự báo tăng trưởng của ngành, có đánh giá cho rằng sự suy giảm ở Mỹ sẽ được kiểm soát và có lẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Doanh thu quý đầu tiên của LVMH đối với thời trang và đồ da tăng 18% — mang đến hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng xoa dịu đi ảnh hưởng của virus corona ở Trung Quốc.
Doanh thu quý đầu tiên của LVMH đối với thời trang và đồ da tăng 18% — mang đến hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng xoa dịu đi ảnh hưởng của virus corona ở Trung Quốc. Các tour du lịch trọn gói, trước đây là động lực chính thúc đẩy doanh số bán hàng cho khách Trung Quốc, vẫn chưa phục hồi, nhưng LVMH cho biết thị trường nội địa của Trung Quốc đã trở lại mức cao nhất vào năm 2021 và giới nhà giàu Trung Quốc đang quay trở lại các trung tâm mua sắm quốc tế. Bình luận của ban điều hành cũng trấn an các nhà đầu tư về sự tăng trưởng liên tục ở châu Âu và các chiến lược quản lý sự suy giảm ở thị trường Mỹ.
Đầu tháng này, tài sản của chủ tịch Bernard Arnault đã vượt mốc 200 tỷ USD, trong khi đó các cuộc đình công và biểu tình đang diễn ra trên toàn nước Pháp. Nguyên nhân biểu tình là kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của tổng thống Emmanuel Macron, chính phủ đã đẩy mạnh điều này bất chấp sự phản đối của người dân lẫn quốc hội.
Hình ảnh những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, hỏa hoạn trên đường phố và những đống rác trên vỉa hè do đình công có thể được coi là một đòn giáng mạnh vào những ngôi nhà xa xỉ của Pháp – những ngôi nhà với triết lý kinh doanh dựa trên phồn hoa của Paris và sở hữu những cửa hàng flagship store tại các tuyến đường đông du khách. Tuy nhiên dường như các ngôi nhà xa xỉ của Pháp đã thành thạo với việc “bán các giấc mơ” giữa thực tế khắc nghiệt.
Thành công rực rỡ của bộ phim Emily ở Paris trên Netflix khắc hoạ một thành phố lãng mạn là một trường hợp điển hình cho thấy “Thương hiệu Pháp” đã được thiết lập đẹp đẽ đến thế nào và thành thục rũ bỏ những vết xước ra khỏi hình tượng, giống như Phong trào áo gi lê vàng diễn ra vào năm 2018 trước đây.
LVMH cho biết, mặc dù đang sống trong tâm bão của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, doanh số bán hàng ở Pháp hiện đang tăng trưởng ở mức hai con số. (Ngoại trừ các cuộc hỗn loạn do biểu tình theo lịch trình với giám sát của cảnh sát, cuộc sống ở Pháp hầu như vẫn diễn ra như thường lệ, mọi người vẫn sinh hoạt làm việc ăn uống tiệc tùng – và mua sắm – như bình thường.)
Đối với các cuộc biểu tình tại LVMH, một nhà tổ chức nhấn mạnh rằng sự can thiệp bên lề cuộc đình công diễn ra trên toàn quốc vào hôm thứ Năm là “hòa bình và mang tính biểu tượng”. Cố gắng xông vào văn phòng của công ty (như những người biểu tình ở Pháp đã làm tại các công ty và ngân hàng khác, bao gồm cả BlackRock trong những tuần gần đây) là một cách để các nhà hoạt động minh chứng cho “sự thật rằng chủ nghĩa tư bản không linh hoạt cũng như không có sự đồng thuận, mà được áp đặt bằng vũ lực,” lời giải thích từ nhà bình luận chính trị Pablo Pillaud-Vivien.
Tuy nhiên, vụ việc cũng đủ khiến dư luận đặt câu hỏi cho tập đoàn LVMH cũng như tỷ phú Bernard Arnault – tượng đài kinh doanh của ngành công nghiệp Pháp. Là người giàu nhất nước Pháp (và hiện là trên toàn thế giới), Arnault và công ty của ông chắc chắn là biểu tượng mạnh mẽ của sự bất bình đẳng đang gia tăng. Trong những năm gần đây, các cuộc thảo luận đã nổ ra ở Pháp (cũng như ở Mỹ) liên quan đến việc tăng thuế má đối với các tỷ phú cho các dự án bao gồm chống biến đổi khí hậu, tài trợ lương hưu, v.v.
Nhưng ý kiến của nhiều người Pháp đối với Arnault và công ty của ông dường như đã dịu đi trong những năm gần đây. Tập đoàn LVMH, trước đây vốn ẩn mình và để cho các thương hiệu dưới quyền thực hiện các hoạt động truyền thông, thì giờ đây có nhiều hoạt động công khai tên tuổi: mở các cuộc tuyển dụng (tạo cơ hội việc làm), tổ chức các buổi khai trương các xưởng (xây dựng danh tiếng bảo vệ nghề thủ công) – cùng với việc tài trợ cho các cuộc triển lãm nghệ thuật, các vườn ươm khởi nghiệp và các chương trình đào tạo. Công ty thường xuyên chỉ ra rằng họ nộp thuế cao nhất nước, vào năm ngoái tập đoàn trả hơn 5 tỷ euro tiền thuế và phí xã hội cũng như sử dụng hơn 40.000 lao động trong nước.
Tuy nhiên, vụ việc cũng đủ khiến dư luận đặt câu hỏi cho tập đoàn LVMH cũng như tỷ phú Bernard Arnault – tượng đài kinh doanh của ngành công nghiệp Pháp. Là người giàu nhất nước Pháp (và hiện là trên toàn thế giới), Arnault và công ty của ông chắc chắn là biểu tượng mạnh mẽ của sự bất bình đẳng đang gia tăng.
Mặc dù LVMH có lẽ không được yêu thích trên khắp toàn cầu nhưng họ nhận được sự tôn trọng đáng kể. Những nỗ lực để phù hợp hơn với văn hoá cũng như với nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi của các thương hiệu dưới trướng tập đoàn, như Louis Vuitton và Dior khó lòng bị ảnh hưởng. Ngày nay, cứ mỗi bài đăng trên mạng xã hội và dưới biểu ngữ phản đối chống lại giới siêu giàu thì cũng có nhiều người tôn vinh lối sống và sự cống hiến của họ, cùng với ghi nhận lời khuyên làm thế nào để thành tựu. Rất nhiều người Pháp tự hào rằng công ty lớn nhất châu Âu và người giàu nhất thế giới là người Pháp.
Nếu làn gió chính sách thực sự xoay chuyển để chống lại sự bất bình đẳng đang gia tăng, LVMH, tất nhiên, sẽ là mục tiêu hàng đầu bất kể họ đã mở bao nhiêu nhà xưởng. Nhưng những ngày đó giống như một ký ức xa xăm khi vào năm 2011, một tờ báo hàng đầu của Pháp đã đưa Arnault lên trang bìa với cụm từ “Casse toi, riche con” (tạm dịch là “Cút đi, thằng nhà giàu”) hay khi François Ruffin thành công tung ra bộ phim tài liệu vào năm 2015 mang tên “Merci, Patron!” (“Cảm ơn, Sếp!”) — một tác phẩm châm biếm về mặt chính trị, có cảnh quay bằng camera được giấu kín hình ảnh người thuộc tập đoàn LVMH cố gắng mua chuộc một cựu công nhân đang bất mãn và gây áp lực cho các nhà hoạt động cánh tả.
Hiện tại, có vẻ như rất khó tưởng tượng việc Tổng thống Pháp Macron đảo lại lập trường của ông về việc cải cách hưu trí để ủng hộ cho việc tăng thuế đối với các công ty và giới nhà giàu. Việc thúc đẩy tăng thuế gần đây đối với “lợi nhuận siêu ngạch” của một số công ty năng lượng – dẫn đến sự bùng nổ giá cả hàng hóa kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine – đã không đạt được sức hút trong quốc hội.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp có thể tạo nên tác động tiêu cực trong thời gian dài. Sự bất mãn với Tổng thống Pháp Macron là cơ hội cho các đảng khác như Đảng cực hữu National Rally do Marine Le Pen dẫn dắt, đảng có chính sách ít thân thiện hơn với những ngôi nhà kinh doanh sản phẩm xa xỉ. Nhưng các nhà đầu tư hiện tin tưởng vào khả năng LVMH có thể vượt qua chướng ngại: rõ ràng cổ phiếu không hề giảm xuống từ khi các cuộc biểu tình diễn ra vào hôm thứ Năm và và vẫn tiếp tục tăng lên mức kỷ lục vào sáng thứ Sáu.
Chỉ một ngày sau cuộc biểu tình, LVMH đang xúc tiến kế hoạch tổ chức một buổi hòa nhạc của Jay-Z, được tài trợ bởi Tiffany & Co., ở ngoại ô Paris vào tối thứ Sáu. (Một nguồn tin từ LVMH nhấn mạnh đây không phải là một buổi hòa nhạc riêng tư – sự kiện này dành cho công chúng, những người đã giành được vé trực tuyến). LVMH dường như cũng tự tin vào khả năng tiếp tục điều hướng của mình trong một thế giới đang bị chia cắt.
Thực hiện: K.
Theo BOF