Câu chuyện về Anok Yai – một trong những gương mặt được săn đón nhất làng thời trang
Ngày đăng: 17/05/23
Quyết định tham dự Homecoming 2017 của Đại học Howard đã thay đổi cả cuộc đời của người mẫu đến từ Nam Sudan. Anok Yai giờ đây là một trong những người mẫu trình diễn thời trang cho các thương hiệu lừng danh và xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.
Trong một dịp tình cờ, một nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh Anok Yai, sau đó đăng tải lên Instagram của mình. Sáng hôm sau, cô đã thức dậy với vô số điều bất ngờ ập đến: lượng người theo dõi tăng nhanh và nhận được rất nhiều tin nhắn từ các công ty quản lý người mẫu. Cuộc sống của cô dường như đã thay đổi từ hôm ấy.
Anok Yai đã quyết định thành lập team của mình, những cộng sự tài năng làm việc dưới sự chỉ đạo của cô. Và chính nhờ điều ấy, đội ngũ của cô biến cô thành người mẫu nằm trong top được săn đón nhiều nhất ở độ tuổi 23. Nhưng đằng sau thành công của Anok Yai là một câu chuyện dài…
Thời thơ ấu đầy bất hạnh
Sinh ra ở Cairo, Ai Cập, Anok và gia đình cô là người gốc Nam Sudan. Đất nước đã trải qua hai cuộc nội chiến và rất nhiều cuộc xung đột vũ trang. Khi Anok được sinh ra cũng chính là lúc cuộc nội chiến thứ hai ở Nam Sudan diễn ra. Đấu tranh và chiến đấu để có một cuộc sống tốt đẹp hơn dường như đã ăn sâu vào máu cô bé nhỏ tuổi này. Vì vậy cho dù sau này đã ấm no đầy đủ, cô vẫn luôn ghi nhớ sự tàn khốc ấy.
Cô giải thích: “Bản thân là một người tị nạn, tôi biết những khó khăn mà gia đình tôi đã trải qua. Khi chúng tôi đến Mỹ, tôi chỉ mới 3 – 4 tuổi và chúng tôi dừng lại ở Thành phố New York trước rồi đến New Hampshire vì họ dành nhiều quyền lợi cho người nhập cư. Chúng tôi được chính phủ cấp nhà ở và hỗ trợ. Nếu chúng tôi không được cung cấp thì tôi không biết chúng tôi sẽ phải ở đâu. Lớn lên mới thấy cha mẹ vất vả biết bao. Cha mẹ tôi may mắn tìm được việc làm nhưng họ sẽ làm việc 12, 16 giờ hầu như mỗi ngày, vì vậy những đứa trẻ như chúng tôi phải học cách tự lập. Có thể nói là bố mẹ tôi nuôi dạy tôi và các chị gái của tôi, còn tôi và các chị gái sẽ dạy những đứa em nhỏ hơn. Là một người nhập cư, chúng tôi có rất nhiều khó khăn phải đối mặt”.
Ngoài ra cô cũng chia sẻ cuộc sống của mình khi còn ở New Hampshire: “chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt chủng tộc. Khi lớn lên ở trường, tôi bị bắt nạt vì màu da của mình. Tôi phải tôi phải học ngôn ngữ mới để có thể chăm sóc các em nhỏ và để tự bảo vệ mình, tôi đã phải mạnh mẽ hơn”.
Giáo dục là ưu tiên hàng đầu đối với các bậc cha mẹ nhập cư và đây là cách Anok được nuôi dạy. Cô đang trên đường trở thành bác sĩ y khoa thì được mời làm người mẫu. “Tôi muốn làm trong lĩnh vực y tế, làm việc trong bệnh viện và lấy bằng MD, và tôi đã phải học rất nhiều để đạt được thành tích của mình”.
Ba năm trước, khi cô đột nhiên trở nên nổi tiếng và cuộc sống thay đổi hoàn toàn. “Khi tôi lần đầu tiên bước chân vào ngành thời trang, tôi đã có thể dễ dàng trở thành một người nổi tiếng – và tôi chắc chắn rằng đó là điều mà nhiều người đang mong đợi nhưng ngay lập tức tôi đã quyết định rằng mình phải làm mọi thứ có thể để trở thành một người có quyền lực trong ngành này. Trở thành một người mẫu có nghĩa là điều hành một doanh nghiệp, hay nói một cách khác ‘tôi là doanh nghiệp’. Vẻ đẹp của tôi sẽ là thứ thu hút mọi người, các quyết định kinh doanh và sáng tạo của tôi là động lực thúc đẩy nó. Muốn làm việc ở đẳng cấp cao nhất với những nhà sáng tạo hàng đầu trong ngành, thương hiệu Prada của Ý đã cho cô cơ hội để làm điều này và đó là nền tảng đã giúp tôi xây dựng sự nghiệp của mình”.
Vào năm 2018, Anok đã mở màn buổi trình ready-to-wear của Prada tại Milan. Đó là một khoảnh khắc hoành tráng vì chưa có phụ nữ Da đen nào làm được điều đó trong hai mươi năm. Naomi Campbell là người mẫu trước đó đã làm như vậy.
“Khi điều đó xảy ra và tôi mở màn buổi trình diễn, tôi không biết rằng mình là người mẫu Da đen đầu tiên kể từ năm 1997. Kể từ buổi biểu diễn đó, tôi đã thấy các nhà thiết kế khác làm theo. Tôi đã thấy họ đã mời những người mẫu da đen mở màn buổi trình diễn và bế mạc các buổi biểu diễn ở hậu trường. Đó là một bước tiến lớn so với quá khứ. Có những bước tiến mà chúng ta vẫn phải thực hiện, nhưng đây là một bước tiến tích cực.”
Và rồi cô ấy tiếp tục xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue của Mỹ và Anh. “Khi tôi tham gia buổi chụp thử, tôi đã rất phấn khích nhưng phải tự nhủ rằng không nên như vậy vì chỉ mới quyết định tôi sẽ xuất hiện trên tạp chí nhưng điều đó không có nghĩa là tôi được lên ảnh bìa. Khi tôi ở studio, tôi đã nghĩ rằng ‘Tôi không thể tin rằng mình có thể lên trang bìa của tạp chí Vogue’”.
Liệu rằng sự đa dạng có cần thiết trong ngành thời trang?
Nhiều nhà kinh doanh thời trang đã có cái nhìn nghiêm túc về thương hiệu của mình trong vài năm qua, họ đã “biến” thương hiệu của mình thành một phiên bản bền vững và đa dạng hơn. Các nhà thời trang, chẳng hạn như Valentino và giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli, đã phải cố gắng “hô biến” thời trang dưới một hình hài đa dạng và toàn diện hơn.
Anok là một trong những ví dụ trong chủ đề này, cô ấy luôn muốn có một đội ngũ đa dạng chủng tộc. “Tôi cũng nhận thấy một điều là khi các quảng cáo có sự xuất hiện của người da đen được đưa vào, nhiều người phiến diện cần người da đen đó chỉ là vì họ là người da đen. Tôi không thích điều này vì tôi muốn hiểu rõ rằng mọi người không thuê người da đen vì họ là người da đen mà vì năng lực của chính họ. Những người da đen mà tôi từng làm việc cùng là những người tài năng nhất trong lĩnh vực của họ”.
Vì thời trang hay thay đổi nên Anok biết rằng mọi quyết định của mình đều có thể dẫn đến hậu quả tích cực hoặc tiêu cực, vì vậy cô luôn phải nghiêm túc với các dự án mà mình đảm nhận. “Điều quan trọng không chỉ là tôi có quyền kiểm soát những thứ đang diễn ra xung quanh mình mà tôi còn lãnh đạo và được lãnh đạo bởi một nhóm có cùng tầm nhìn với tôi. Ví dụ trong một buổi biểu diễn yêu cầu phải tết tóc hoặc uốn xù kiểu đặc trưng của người da đen nhưng tôi đã nói với người đại diện của mình rằng tôi không muốn duỗi tóc và nếu không, thì tôi sẽ không tham gia buổi biểu diễn. Tất nhiên, đó là một bước đi mạo hiểm đối với tôi nhưng vẫn có những lợi ích từ quyết định này, vì những người mẫu khác thấy rằng tôi giữ vững lập trường của mình và họ đã làm theo”.
Sự thành công trong thời điểm đại dịch
Với cha mẹ của Anok rất coi trọng việc giáo dục con cái. “Bố mẹ tôi rõ ràng là rất sợ hãi khi tôi bỏ học đại học. Lúc đầu, họ đã ngăn cản quyết định của tôi. Họ không muốn tôi bắt đầu làm người mẫu. Nhưng tôi vẫn rời nhà đến New York. Khi họ bắt đầu thấy rằng tôi có thể giữ vững lập trường và vị trí của mình trong ngành cũng như đạt được thành công, họ bắt đầu tin tưởng tôi hơn. Bây giờ họ rất ủng hộ và hạnh phúc khi tôi có thể có một sự nghiệp ổn định”.
Đại dịch đã khiến Anok nhận ra những điều quý giá trong cuộc sống như theo đuổi đam mê. “Trước Covid, cuộc sống xã hội của tôi chỉ dừng tại đó và tôi chỉ nói chuyện với bạn bè và gia đình vài tháng một lần vì tôi bận làm việc suốt. Nhưng nhờ vào COVID mà tôi đã hiểu ra được tầm quan trọng của những người quan tâm đến tôi, gia đình, không những thế còn có đam mê và sáng tạo của mình. Khoảng thời gian này đã đánh thức khía cạnh sáng tạo trong tôi vì trước Covid, tôi chỉ tập trung vào khía cạnh kinh doanh mà tôi không tập trung vào sở thích của mình”.
Cô ấy đã dành nhiều ngày trong studio của mình, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất có thể. “Tôi đã may mắn có cơ hội mở rộng bản thân ngoài vai trò người mẫu và tham gia chỉ đạo sáng tạo styling trong một số buổi chụp. Khi tôi tiếp tục cải thiện khả năng của mình và bồi dưỡng những tài năng mới, tôi may mắn có thêm nhiều cơ hội đến với mình. Tất nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra thông qua việc mài giũa tài năng và thể hiện khả năng của mình với đúng người”.
Anok Yai là người đã từng tham gia show diễn của Saint Laurent được quay ở sa mạc và ngoài ra còn một lần nữa cho Prada. “Bối cảnh và buổi chụp hình hoàn toàn trái ngược với những gì chúng thường diễn ra. Trước đây các buổi quay được tổ chức đều thoải mái nhưng bây giờ mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang và số lượng người tham gia bị hạn chế. Vấn đề hiện tại là tuân thủ các nguyên tắc về COVID. Nhưng nếu như tôi có cơ hội trở về quê hương, tôi nhất định sẽ đi”.
Ba năm qua đã biến Anok Yai thành một người hoàn toàn khác. Bước ngoặt cuộc đời đã đưa cô ấy đến một thế giới mà cô ấy không hề mơ tới, như cô vẫn suy nghĩ đơn giản là học xong Đại học Howard rồi trở về nhà vào cuối tuần. Nhưng đây là câu chuyện về cuộc đời của cô, một người tị nạn Nam Sudan và trở thành người mẫu quốc tế: “Mọi cơ hội đến với bạn đều là cơ hội để bạn phát triển. Hãy sẵn sàng!” – Anok Yai cho biết.
Thực hiện: Mỹ Tâm