‘Sao cũng được’: Trào lưu khiến cho thời trang mất đi ý nghĩa?
Ngày đăng: 10/12/18
Thời trang đã bước vào một trạng thái hậu hiện đại thuần túy, nơi điều gì cũng có khả năng được hiện thực hoá và chẳng có xu hướng nào chi phối toàn bộ – Eugene Rabkin.
Năm 2006, nghệ sĩ người Mỹ Jason Rhoades đã trình diễn tác phẩm cuối cùng của mình tại một studio ở Los Angeles trước khi mất vì dùng thuốc quá liều. Studio Black Pussy, rộng trên 85 mét vuông, bên cạnh 185 bảng neon hiện lên các thuật ngữ khác nhau cho cơ quan sinh dục nữ, đã có hàng trăm ống hookah (tên gọi khác của shisha), 350 chiếc dreamcatcher*, 89 chiếc mũ vành, 72 viên đá Trung Quốc và hơn thế nữa.
Có rất nhiều cách để hiểu ‘tác phẩm’ này. Nhưng chắc chắn nó nhấn mạnh xu hướng ‘sao cũng được’ trong nghệ thuật, một trào lưu cụ thể đã chết, giờ đây, rất khó để định nghĩa được nó. Thực tế, bất cứ điều gì cũng có thể được coi là nghệ thuật và vì vậy, Rhoades đã ném bất cứ thứ gì có thể vào ‘tác phẩm’ cuối cùng của mình. Như Marcel Duchamp, Rhoades tuyên bố những gì anh ta làm là nghệ thuật đơn giản chỉ vì anh là một nghệ sĩ.
Đây chính xác là trạng thái của thời trang hiện đại. Chúng ta đã bước vào một trạng thái hậu hiện đại thuần túy, nơi điều gì cũng có khả năng được hiện thực hoá và chẳng có xu hướng nào chi phối toàn bộ.
Thời trang đã từng được chỉ đường dẫn lối bởi các bậc thầy như Coco Chanel và Christian Dior, những người theo trường phái ấn tượng ở Yves Saint Laurent và Cristobal Balenciaga, và một giai đoạn dài của những người tân thời tiên phong trong phong cách nghệ thuật Avant-Garde, bắt đầu với Vivienne Westwood và tiếp tục đến Jean-Paul Gaultier và Thierry Mugler. Kawakubo, Yohji Yamamoto và nhóm Antwerp Six*.
Nó có chất pop art* đặc trưng trong Versace và Moschino, sự tối giản trong Jil Sander và Helmut Lang, sự tái cấu trúc ở Martin Margiela và Rick Owens, và sự khiêu khích trong Alexander McQueen và John Galliano.
Điểm chung của họ là cảm hứng thời trang, có nghĩa là họ có định hướng thẩm mỹ và làm việc để truyền tải một chủ đề hay kể một câu chuyện.
Thời trang đã bước vào một trạng thái hậu hiện đại thuần túy, nơi điều gì cũng có khả năng được hiện thực hoá và chẳng có xu hướng nào chi phối toàn bộ.
Bây giờ tình thế đã khác hoàn toàn. Thời trang theo nghĩa ban đầu vẫn tồn tại. Nhưng nhiều hình thức thời trang mới nổi lên, song hành cùng điều này. H&M và Zara là thời trang. Nike và Adidas là thời trang. Supreme và Stüssy là thời trang. Bộ trang phục bất kỳ nào cũng là thời trang, và cách chúng ta ăn mặc cũng vậy.
Nhưng hiện tượng này đã từng có cái tên khác. Khi tôi phỏng vấn nhà sử học nghệ thuật Valerie Steele vài năm trước, tôi hỏi cô ấy từ “thời trang” có nghĩa là gì. Cô ấy gợi ý rằng về cơ bản là cách người ta kết hợp và phối trang phục. Điều mà tôi nghĩ, hượm đã, đó là những thứ mà chúng tôi gọi với cái tên ‘phong cách’.
Phong cách và thời trang đã hoà quyện vào nhau. Nhưng phong cách và thời trang đã từng là hai khái niệm riêng biệt. Một vế không cần có tiền để mua trang phục thiết kế hay cao cấp; một vế thì có. Người ta yêu cầu một sự nhạy cảm ở về trước; vế kia thì không. Đó là lý do tại sao bạn có thể được gọi là “nạn nhân của thời trang”, nhưng không ai gọi bạn là nạn nhân phong cách.
Vậy những dấu hiệu cho thấy chúng ta đang trong thời kỳ hậu thời đại là gì? – Thời trang đã biến đổi và mất đi ý nghĩa ban đầu – ở khắp mọi nơi: sự nổi lên của thời trang đường phố, quá nhiều những sự cộng tác giữa các thương hiệu, normcore*, giày thể thao, vẻ đẹp “xấu xí”, sự lãnh đạm về chất lượng của cả chất liệu và thiết kế.
Tất nhiên là một số thứ vẫn được giữ nguyên. Các thương hiệu thời trang có ngân sách Marketing rất lớn và một phương tiện truyền thông phù hợp (được phát triển bởi những người nổi tiếng có ảnh hưởng) vẫn sẽ quyết định xu hướng. Dân chủ hóa thời trang vẫn là một cái gì đó không có thật: Phần lớn người tiêu dùng vẫn mua theo xu hướng. Nhưng giờ đây, họ không nhất thiết phải đi theo cùng một dòng chảy.
Điều này có ý nghĩa gì trong tương lai? Tôi đoán là thời trang sẽ rất đa dạng. Bạn sẽ có trang phục đường phố, thậm chí cả trang phục khi dùng bữa trưa, đồ thể thao, những trang phục hoang dã kiểu indie rock, thời trang gothic*, v.v.
Nhưng thời trang sẽ không còn là một cuộc trò chuyện liền mạch. Thay vì di chuyển về phía trước, nó sẽ di chuyển theo mọi hướng cùng một lúc.
Chúng ta không thể quyết định được điều này tốt hay xấu. Chỉ là, nói theo cách khác, sao cũng được!
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Eugene Rabkin/
Biên tập viên của tạp chí StyleZeitgeist magazine
Chuyển ngữ & Chú thích: Nhi Nguyễn/ Theo BOF
Chú thích:
Dreamcatcher: Theo quan niệm Dreamcatcher sẽ là chiếc bùa kì diệu ngăn chặn những giấc mơ xấu, và chỉ những giấc mơ đẹp mới có thể đi qua, giúp chủ nhân của nó có một giấc ngủ ngon.
Antwerp 6: Gồm 6 nhà thiết kế nổi tiếng tốt nghiệp tại Antwerp Royal Academy of Fine Arts giai đoạn 1980-1981) (Walter Van Beirendonck, Ann Demeulemeester, Dries Van Noten, Dirk Van Saene, Dirk Bikkembergs, Marina Yee, Martin Margiela).
Pop Art: Pop art là trào lưu mỹ thuật xuất phát từ nghệ thuật đại chúng của thời đại công nghiệp. Nó ra đời vào giữa thập niên 1950 và gắn liền với các thị trường lớn, đặc biệt với những hình thức thông tin mới như truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, truyện tranh.
Normcore: Thời trang xuềnh xoàng, tuỳ hứng.
Thời trang Gothic: Là phong cách thể hiện tâm lý phản kháng của giới trẻ phương Tây, với các loại trang phục đều màu đen đôi khi mang tính lập dị, đôi khi lại buồn bã.
Avant Garde: Được xem là trường phái thiết kế mang tính đột phá, tiên phong phá vỡ những chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ sẵn có trước đó.