Những thước phim tài liệu về thời trang sẽ không làm giới mộ điệu thất vọng
Ngày đăng: 04/11/23
Từ “Dior and I” cho đến “Westwood: Punk. Icon. Activist.”, sau đây là những thước phim vén màn bí mật đằng sau thành công của những đế chế thời trang hay các vẻ ngoài iconic bậc nhất làng mốt, truyền cảm hứng đặc biệt cho giới mộ điệu.
Khác với trước đây, khi công nghệ bắt đầu thống trị thời cuộc, từ đó thế giới thời trang cũng dần không còn giữ được sự riêng tư. Thế giới lộng lẫy đấy, giờ đây chào đón tất cả mọi tín đồ yêu thích thời trang, dần cởi mở hơn và trở nên bất quy tắc. Những bí mật trong các studio của các nhà mốt đình đám, hậu trường sau tấm màn đen của các sàn diễn hoành tráng hay những giờ đồng hồ miệt mài tạo nên một thiết kế đi vào lịch sự của làng mốt, cũng dần được tiết lộ trong các trang sách cũng như những thước phim tài liệu cuốn hút. Nếu những kiến thức thời trang trong sách vở quá “khô khan” để các tín đồ tiếp thu, thì những đoạn phim tài liệu được dựng đặc sắc và đầy sinh động sau đây không chỉ giúp bạn thư giãn, mà còn tạo thêm nguồn cảm hứng mới cho bản thân hay khiến tình yêu của bạn dành cho thời trang thêm nồng nàn.
“Dior and I” là một cái nhìn đầy cảm xúc và nhạy cảm bên trong trụ sở Christian Dior Paris, khi Raf Simons chuẩn bị cho buổi show diễn của mình; trong khi đó, “Martin Margiela: In His Own Words”, mang đến cái nhìn sâu sắc và hiếm có về tư duy của một nhà thiết kế vĩ đại. Hay những bộ phim tài liệu kể về những người mẫu và nàng thơ có sức ảnh hưởng nhất trong ngành, từ Christy Turlington trong Catwalk năm 1995 đến Chiara Ferragni,… đừng bỏ lỡ những gợi ý lý tưởng dưới đây nhé!
7 Days Out (2018)
Được ra mắt trên Netflix vào năm 2018, “7 Days Out” là thước phim kể lại 7 ngày vất vả của đội ngũ Chanel để chuẩn bị cho show diễn giới thiệu bộ sưu tập haute couture mùa mốt Xuân Hè 2018. Tại đây làng mốt sẽ được “trực tiếp” xem cách huyền thoại Karl Lagerfel biến tư duy sáng tạo độc đáo của mình thành hiện thực, thành những thiết kế được cả làng mốt khen ngợi.
Catwalk (1995)
Mạch phim trong “Catwalk” được dẫn dắt theo từng sải bước trên sàn diễn của nữ siêu mẫu Christy Turlington trong suốt các show diễn thuộc khuôn khổ mùa mốt Xuân Hè 1994 – từ những giây phút lao vút từ hậu trường Versace ở Milan đến tham dự buổi thử đồ cho Chanel ở Paris. Christy Turlington không đơn độc trên hành trình này, sàn catwalk mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc về những năm đầu sự nghiệp của những nàng mẫu quen thuộc như Helena Christensen và Kate Moss. Bên cạnh đó, bộ phim tài liệu này còn là cái nhìn thoáng qua nơi làm việc của các “ông lớn” trong ngàng công nghiệp tỉ đô như John Galliano và Gianni Versace.
Westwood: Punk. Icon. Activist. (2018)
Vivienne Westwood vốn là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt còn là cái tên “thống trị” thời trang nước Anh trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên phải đến năm 2018, làng mốt mới có cơ hội hiểu được toàn bộ câu chuyện làm nên kì tích của nữ nhà thiết kế trên phim ảnh. “Westwood: Punk. Icon. Activist.” là lúc để ta nhìn lại hành trình theo đuổi giấc mơ thời trang và cách mà cố nhà thiết kế thay đổi cả bối cảnh của ngành công nghiệp tỉ đô, từ những ngày đầu cho đến những giây phút cuối đời. Đúng với tên gọi, Westwood đã dùng chất ngông trong ngôn ngữ thiết kế, tinh thần nổi loạn của Punk và tên tuổi của mình trong thế giới thời trang để phục vụ cho các hoạt động ý nghĩa về chính trị, xã hội và môi trường.
McQueen (2018)
“McQueen” sẽ cho làng mốt cơ hội “khai quật” những tài liệu quý giá về cuộc đời và hành trình thời trang đáng kinh ngạc của nhà thiết kế người anh. Ở “McQueen” chúng ta sẽ được đắm chìm vào thế giới cổ tích mộng mơ, đan cài sự bí hiểm và đáng sợ từ bóng tôi u ám đậm chất Gothic; được thưởng thức sự hào nhoáng và nếm thử sự vất vả, đau khổ phía sau những show diễn độc nhất vô nhị giúp chàng trai hướng nội ở phía đông London này trở thành một trong những nhà thiết kế lừng danh ở Paris và cả thế giới. Thông qua các cuộc phỏng vấn độc quyền với bạn bè và gia đình thân thiết nhất của ông, các tài liệu lưu trữ được phục hồi, câu chuyện của “McQueen” (2018) là những tiết lộ chân thật nhất về hai thái cực đối lập, tồn tại song song trong ngàng công nghiệp thời trang tỷ đô, mà bất kỳ NTK nào cũng đã và đang trải qua – mộng mơ nhưng cũng bi kịch đầy đau khổ.
Dries (2017)
Trong hơn hai thập kỷ, nhà thiết kế người Bỉ – Dries Van Noten đã là “trụ cột” hay cái tên chủ đạo trong tuần lễ thời trang Paris và bộ phim “Dries” năm 2017 sẽ giải thích điều này rõ ràng hơn, đồng thời mang đến một góc nhìn mới về quá trình sáng tạo của ông. Được quay trong suốt một năm, “Dries” là một bức chân dung chân thật, mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của Dries Van Noten trong xưởng thiết kế và cả ở văn phòng làm việc tại nhà, cũng như về hành trình tạo ra bốn bộ sưu tập được nghiên cứu tỉ mỉ và chế tác kỳ công của ông.
Dior And I (2014)
Nếu muốn có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới haute couture xa xỉ, bộ phim tài liệu “Dior And I” (2014) sẽ là một gợi ý hoàn hảo dành cho các tín đồ yêu thích thời trang. “Dior and I” sẽ mang chúng ta trở về thời điểm Raf Simons mở đầu kỷ nguyên của mình tại Dior với bộ sưu tập couture. Đối mặt với thử thách trở thành giám đốc nghệ thuật của nhà mốt Pháp đình đám, “Dior And I” theo chân Raf trong một hành trình căng thẳng, đầy áp lực trong việc tạo nên một bộ sưu tập, đồng thời bày tỏ sự tôn vinh dành cho những cộng sự giúp Raf hoàn thành bộ sưu tập couture tuyệt đẹp đầu tiên của ông tại Dior.
Valentino: The Last Emperor (2008)
Gần 50 năm sau khi thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình, vào năm 1959, Valentino Garavani – một trong những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới, tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2007. Tin tức này đã gay chấn động cho cả làng mốt. Và “Valentino: The Last Emperor” sẽ là một món quà mà ông dành cho người hâm mộ của mình. Bộ phim tài liệu sẽ theo chân Valentino trong hai năm cuối cùng của Valentino Garavani trước khi ông bước xuống ngai vàng. Bên cạnh câu chuyện kể lại sự nghiệp làm thời trang, “Valentino: The Last Emperor” còn kể thêm cho chúng ta về cách ông chuẩn bị cho show diễn cuối cùng, đồng thời còn là mối quan hệ đặc biệt giữa ông và “đối tác” lâu dài trong việc làm nghề và cuộc sống, Giancarlo Giammetti.
The September Issue (2009)
Bộ phim tài liệu được đặt tên phù hợp theo sau quá trình thực hiện số tháng 9 vào năm 2007 của tạp chí Vogue Mỹ. Như một quy luật bất thành văn, tháng 9 là số báo quan trọng nhất trong năm và đó cũng là số lớn nhất của Vogue Mỹ cho đến tận nay. Những thước phim tài liệu trong “The September Issue” sẽ cho phép công chúng tiếp cận gần hơn với văn phòng làm việc cốt lõi của Vogue, hiểu được khối làm việc khổng lồ đằng sau một số báo.
Martin Margiela: In His Own Words (2020)
Năm 2020, nhà làm phim tài liệu Reiner Holzemer, nổi tiếng với vai trò đạo diễn của bộ phim tài liệu “Dries”, một lần nữa chuyển thể câu chuyện về một huyền thoại thời trang khác của Bỉ, lần này là Martin Margiela. Trong “Martin Margiela: In His Own Words” – gương mặt của nhà thiết kế vĩ đại chưa bao giờ được tiết lộ, thay vào đó, máy ảnh tập trung vào bàn tay của anh ấy khi anh ấy viết ghi chú, may quần áo và xử lý những đồ vật quý giá từ thời thơ ấu của anh ấy ở Genk. Bộ phim còn là một câu chuyện lịch sử sơ lược về sự nghiệp lẫy lừng của anh ấy – từ những buổi biểu diễn độc đáo được dàn dựng trên những chuyến tàu chở hàng cũ và các cửa hàng của Salvation Army, cho đến những sáng tạo đáng nhớ nhất của anh ấy (giày Tabi, chiếc váy in ảnh) và cuối cùng lời từ biệt làng mốt vào năm 2009.
Thực hiện Dory
Theo Vogue