Khi ẩm thực cao cấp “ghép đôi” với thời trang
Ngày đăng: 25/12/23
Trước đây, rất nhiều người nghĩ rằng ẩm thực và thời trang giống như hai thái cực khác nhau, không thể giao thoa tại một điểm. Nhưng ngày nay, càng nhiều các thương hiệu xa xỉ liên tục mở rộng hợp tác với các đầu bếp nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Sự kết hợp này tạo nên một chương mới cho lĩnh vực nghệ thuật.
Trong một vài trường hợp, khi nhìn thấy một chiếc bánh ngàn lớp tại nhà hàng nào đó, khách hàng có thể liên tưởng đến một chiếc váy nhiều tầng cao cấp bằng vải tweed của nhà mốt Chanel. Vì thế mà nhiều thương hiệu đã hợp nhất hai lĩnh vực này và tận dụng chuyên môn của mình để chiêu đãi những vị khách hàng tương ứng của họ.
Hơn bao giờ hết, ngành công nghiệp xa xỉ đang tìm cách truyền tải trải nghiệm chân thực nhất. Họ không xây dựng mối quan hệ khách hàng theo kiểu giống như mối quan đối tác với các ngôi sao Hollywood hay những người nổi tiếng hạng A. Ngành hàng xa xỉ muốn tạo ra sự kết nối ban đầu với khách hàng của mình. Trong trường hợp này, các đầu bếp nhận được nhiều ‘lợi lộc’ độc đáo. Cuộc hành trình đầy cảm hứng và sáng tạo của họ đã tạo nên những câu chuyện thực tế kèm theo những món ăn mang tính nghệ thuật như một bộ sưu tập đẹp mắt.
Khi lựa chọn hợp tác với các đầu bếp và mang đến trải nghiệm ăn uống cho khách hàng, các nhà sang trọng mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm hơn là mua sắm thông thường. Chúng đánh thức tất cả các giác quan — vị giác, xúc giác, thị giác, khứu giác. Sự hợp tác giữa các nhà mốt sang trọng và các nhà hàng bắt đầu từ năm 1998 khi Giorgio Armani mở Emporio Armani Café ở Paris. Vào thời điểm đó, Armani nói với Forbes rằng ông muốn có một “ý tưởng mới giúp khách hàng có thời gian nghỉ ngơi sau khi mua sắm, một nơi để ăn trưa hoặc uống nước sau giờ làm việc”. Ngoài ra còn có Polo Bar ở New York và nhà hàng Ralph ở Paris, nơi phục vụ các món ăn cổ điển của đất nước cờ hoa cho khách Paris ở Quận 6 (6th arrondissement: một trong những quận trung tâm của Pháp).
Các thương hiệu xa xỉ cũng hiểu được rằng thay vì mạo hiểm kinh doanh khách sạn hoặc ăn uống một cách độc lập, thì thường sẽ hợp tác với các đầu bếp hoặc nhà pha chế nổi tiếng nhằm tăng cường sự tương tác với khách hàng, khuyến khích mong muốn quay lại và tạo thêm doanh thu. Đây cũng là điều mà mọi thương hiệu sang trọng đều cố gắng duy trì trong môi trường cạnh tranh ngày càng tăng hiện nay. Thậm chí trong khoảng thời gian gần đây nhất, giới mộ điệu đã chứng kiến nhiều mối quan hệ hợp tác giữa các hãng thời trang xa xỉ và đầu bếp.
Nhà hàng của Louis Vuitton
Vào năm 2020, Louis Vuitton đã mở các nhà hàng tại cửa hàng thời trang của mình ở Osaka, Nhật Bản: Le Café V, Ginza và Sugalabo V, và hợp tác với đầu bếp người Nhật Bản Yosuke Suga. Ông đã phục vụ các món ăn truyền thống của Pháp mang đậm hương vị Nhật Bản trong suốt con đường sự nghiệp của mình.
Ngoài ra, thương hiệu Pháp còn để ý và bắt đầu hợp tác với đầu bếp đạt ba sao Michelin – Yannick Alleno (Pavillon Ledoyen, L’Abysse, Le 1947) cho một nhà hàng tại Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha.
Hay gần đây hơn, Louis Vuitton đã mở nhà hàng độc lập đầu tiên ở Saint-Tropez, nhanh chóng một điểm nóng thu hút rất nhiều khách du lịch. Louis Vuitton đã bắt tay với đầu bếp nổi tiếng chỉ vừa mới 31 tuổi – Mory Sacko. Trong mùa hè năm nay, nhà hàng Saint-Tropez đã chào đón thêm một vị đầu bếp mới – Arnaud Donckele (La Vague d’Or, Plénitude) và nghệ nhân bếp bánh ngọt Maxime Frederic để giúp xây dựng thực đơn cho nhà hàng.
Dior mở nhà hàng ở Osaka với đầu bếp Anne-Sophie Pic
Nếu những ‘bằng chứng’ nói trên vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn rằng thời trang và ẩm thực đang có nhiều cơ hội kết nối với nhau hơn, thì hãy nghĩ đến nhà hàng Monsieur Dior nằm trong cửa hàng thời trang tại Paris, với sự góp mặt của Jean Imbert.
Gần đây hơn, nhà hàng Monsieur Dior đã thành công đến mức nhà mốt đã ‘khánh thành’ thêm một cơ sở mới ở Osaka, Nhật Bản. Monsieur Dior ở Osaka đang dưới sự hướng dẫn của một đầu bếp đáng lừng danh khác là Anne-Sophie Pic, nữ đầu bếp được đánh giá cao nhất thế giới, với hy vọng sẽ góp phần mở rộng và nâng cao chuyên môn ẩm thực của thương hiệu thông qua mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Cô sẽ bắt đầu các hoạt động mới của mình với thương hiệu khi khai trương nhà hàng Monsieur Dior mới ở Osaka vào năm 2025. “Christian Dior chắc chắn là nhà thiết kế thời trang lý tưởng cho phụ nữ. Nhà thiết kế đã nâng tầm phụ nữ thông qua những đường cong trong những sáng tạo độc đáo của mình. Là một đầu bếp, những điều này khiến tôi cảm động và khiến tôi muốn tôn vinh sự sang trọng và nghề thủ công của Pháp thông qua lần hợp tác này” – bà Pic chia sẻ trong một phỏng vấn với WWD.
Gucci Osteria x Massimo Bottura và cửa tiệm Citron Café của Jacquemus
Gucci cũng đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực ẩm thực. Đáng chú ý ở đây là Gucci Osteria. Họ đã ngỏ lời hợp tác với đầu bếp nổi tiếng người Ý – Massimo Bottura. Gucci Osteria không chỉ gói gọn tại quốc gia hình chiếc ủng mà còn mở rộng trên toàn thế giới, từ Tokyo cho đến Los Angeles,…
Bên cạnh đó, sự hiện diện của tiệm Citron Café mang tính biểu tượng của Jacquemus không chỉ trải nghiệm ẩm thực mà họ còn trưng bày những bộ sưu tập rực rỡ và đầy màu sắc. Việc hợp tác với các biểu tượng ẩm thực hoặc đơn giản chỉ là kết hợp các yếu tố ẩm thực vào thương hiệu là một quyết định cực kỳ thông minh đối với các thương hiệu xa xỉ. Nó không chỉ tăng doanh thu mà còn củng cố danh tiếng thương hiệu, vừa tạo ra trải nghiệm mua quần áo mà vừa thúc đẩy sự phát triển của yếu tố văn hóa của xã hội.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Nss Mag