Vì sao có những thời điểm chúng ta càng thư giãn lại càng cảm thấy căng thẳng?
Ngày đăng: 17/02/24
Mặc dù có khoảng thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi, chúng ta lại có xu hướng cảm thấy căng thẳng hơn sau khi trải qua những hoạt động thư giãn. Vì sao lại như vậy?
Thời đại hiện đại đầy áp lực và căng thẳng không chỉ đối với người trưởng thành mà còn đối với cả nhóm Gen Z – những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường mạng xã hội phức tạp.
Bạn có cảm thấy mất hứng thú và mệt mỏi hơn vào chiều Chủ Nhật khi nghĩ đến hôm sau là Thứ Hai phải quay lại với công sở? Bạn có cảm thấy khó khăn khi vừa kết thúc một kỳ nghỉ và ngày mai là đến thời điểm trở lại với công việc thường nhật? Rõ ràng, chúng ta cho rằng mình đã có thời gian để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng để chiến đấu với deadline, nhưng không, chúng ta lại càng cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn.
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra một số nguyên nhân tiềm tàng của sự mâu thuẫn này. Đó là bạn không hoàn toàn thư giãn, không vận động nhiều, hay không nạp đủ năng lượng cần thiết hoặc đã tiêu hao năng lượng quá mức trong chuyến đi. Bạn nghĩ rằng mình đã nghỉ ngơi trong khi đầu óc vẫn mắc kẹt trong đống việc còn đang dang dở.
Một nguyên nhân có thể là sự phụ thuộc vào thiết bị di động và mạng xã hội. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta dễ dàng sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội để thư giãn, nhưng việc này cũng gây áp lực cho chúng ta. Liên tục kiểm tra tin nhắn, cập nhật trạng thái và tương tác với bạn bè có thể tạo ra một cảm giác không ngừng nghỉ, đồng thời đặt áp lực lên chúng ta để luôn phải nhận diện và thích nghi với những thay đổi xảy ra trên mạng xã hội.
Ngoài ra, sự thỏa mãn ngắn hạn mà các hoạt động thư giãn mang lại cũng có thể là một nguyên nhân. Chúng ta thường có xu hướng điều chỉnh mức độ sinh lý và cảm xúc của mình để đạt được sự thư giãn ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu và chúng ta không thể duy trì được trạng thái thư giãn đó mãi mãi. Khi chúng ta trở lại thực tế, nhận biết được sự khác biệt giữa trạng thái căng thẳng và trạng thái thư giãn, chúng ta có thể cảm thấy ngộ nhận và cảm thấy căng thẳng hơn.
Với nhóm Gen Z, đối diện với căng thẳng và áp lực đồng lứa là một thách thức đáng kể. Khi mà trên các nền tảng mạng xã hội tràn ngập những bài viết, video về cách kiếm vài chục triệu mỗi tháng, hàng trăm triệu mỗi năm dễ dàng như thế nào khiến nhiều bạn trẻ thấy mình thua kém. Nhiều bạn nỗ lực nhưng lại không tìm được phương pháp chính xác phù hợp với bản thân. Việc “lạc trôi” trong những thông tin chưa qua kiểm chứng, chưa được xác thực cũng khiến nhiều bạn không tìm được đúng mục đích của mình.
Đừng quên có một hiện tượng gọi là “nỗ lực ảo”, hiện tượng mà một người dành nhiều thời gian và năng lượng cho một mục tiêu nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. Đây là trạng thái mà nỗ lực của chúng ta không tạo ra sự thay đổi hoặc tiến bộ đáng kể trong cuộc sống. Có một số nguyên nhân khiến nỗ lực dẫn đến sự mệt mỏi. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu tổ chức và kế hoạch trong việc định hướng nỗ lực. Khi không có một kế hoạch rõ ràng và các bước cụ thể để đạt được mục tiêu, chúng ta có thể cảm thấy mất tập trung và khó duy trì sự động lực. Vì thế, cần thiết lập mục tiêu rõ ràng và phải có kế hoạch cụ thể để đạt được chúng. Bằng cách có một kế hoạch rõ ràng, chúng ta có thể tăng hiệu suất công việc và giảm bớt căng thẳng không cần thiết.
Cách tốt nhất để vượt qua căng thẳng là làm sáng tỏ và chấp nhận sự khác biệt. Gen Z cần nhận thức rằng mọi người đều có những cảm xúc tương tự và không phải ai cũng hoàn hảo. Để giảm bớt áp lực, hãy dành ra thời gian trong tuần cho các hoạt động thư giãn, có thể tìm cách thực hiện những hoạt động giảm căng thẳng như yoga, thiền định, và tập luyện. Làm điều này tối thiểu 15-30 phút mỗi tuần, nếu có thể hãy thực hiện ít nhất 2-3 lần thay vì chờ đợi một chuyến đi sau ba hay sáu tháng làm việc căng thẳng. Việc này thực sự không tốt cho tinh thần của bạn. Ngoài ra, việc thiết lập một thời gian hợp lý để sử dụng mạng xã hội và điện thoại di động cũng rất quan trọng để giảm căng thẳng và suy nghĩ tích cực.
Để duy trì năng lượng lâu dài và tránh bị “burn out” trong môi trường sáng tạo, nhóm Gen Z cần phải chú trọng đến việc quản lý thời gian và đặt ra ưu tiên cho bản thân.
Có nhiều ứng dụng và công cụ quản lý thời gian giúp theo dõi, phân chia và đo lường thời gian sử dụng. Những ứng dụng này cho phép ghi chú, đặt nhắc nhở và theo dõi tiến độ công việc. Ví dụ như Todoist, Trello, RescueTime, hoặc Google Calendar mà Gen Z hoàn toàn có thể áp dụng để giảm căng thẳng trong cuộc sống lẫn công việc. Hoặc áp dụng phương pháp Pomodoro, phương pháp quản lý thời gian được đề xuất bởi Francesco Cirillo và được chứng minh là hiệu quả. Cách thức thực hiện là chia công việc thành những khoảng thời gian ngắn, ví dụ như 25 phút và sau đó nghỉ 5 phút. Sau khi hoàn thành 4 chu kỳ, thì nghỉ dài 15-30 phút. Phương pháp này giúp tập trung vào công việc trong thời gian ngắn và tránh mệt mỏi.
Việc tổ chức công việc, đặt mục tiêu cụ thể và sử dụng các kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp bạn duy trì năng lượng và không bị quá tải.
Thực hiện: K.