Khi trang phục truyền thống mang hơi thở đương đại
Ngày đăng: 11/02/24
Chúng ta chứng kiến sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi những giá trị truyền thống được tái hiện và cập nhật theo bước chân của thời đại mới. Trong không gian đầy màu sắc của thế giới thời trang, việc tái tạo và phát triển các yếu tố truyền thống không chỉ là việc làm kỹ thuật mà còn là một cách để thể hiện sự kính trọng và tôn vinh văn hóa của một dân tộc.
Hãy cùng nhìn vào hành trình của những bộ trang phục mang dấu ấn đậm nét của quá khứ nhưng vẫn rực rỡ và sống động trong thế giới thời trang đương đại.
Nhìn lại trang phục truyền thống Việt Nam
Trang phục truyền thống của người Việt đã trải qua hành trình đa dạng, phản ánh sự hiện đại hóa trong nền văn hóa thời đại. Áo giao lĩnh, xuất hiện từ thời phong kiến, đặc trưng bởi cổ áo chéo, rộng rãi và phổ biến trong xã hội. Áo tứ thân, từ thế kỷ X, mặc phủ áo cánh ngắn và áo yếm, trở thành biểu tượng ở vùng đằng trong. Áo năm thân, xuất hiện dưới triều vua Minh Mạng, đã biến đổi thành áo dài hiện đại.
Trong thế kỷ XX, văn minh phương Tây ảnh hưởng đến văn hóa Việt, thể hiện qua nghệ thuật, kiến trúc, văn học, âm nhạc, và thời trang. Áo dài hiện đại, xuất phát từ áo năm thân, trở thành biểu tượng hòa nhập giữa truyền thống và đương đại, với sự sáng tạo và linh hoạt trong thời trang. Áo dài tân thời xuất hiện vào những năm 1930, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của áo dài tân thời, có người cho rằng nó xuất hiện ở Nam Bộ dưới sự cai trị của Pháp, trong khi một số khác nói đó là sáng tạo của họa sĩ Cát Tường (Lemur) ở Miền Bắc. Áo dài mang đến sự đổi mới với việc kết hợp yếu tố cổ truyền và hiện đại. Mặc dù nhận được phản ứng ban đầu, nhưng áo dài đã dần trở thành biểu tượng thời trang kết hợp giữa vẻ truyền thống và sự hiện đại.
Có thể nói trong giai đoạn đầu, hầu hết các nhà cách tân áo dài đều có mong muốn trang phục mới sẽ là một lại trang phục mặc phù hợp với khí hậu, giữ lại sự kín đáo nhẹ nhàng phù hợp với vóc dáng người Việt. Với tư tưởng kế thừa truyền thống, áo dài hiện đại đầu tiên được thiết kế rất kín đáo mặc dù đã thay đổi chiếc cổ truyền thống bằng các kiểu cổ với với tiêu chí tôn lên vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.
Phong cách trang phục truyền thống thể hiện ở kiểu dáng của áo dài hiện đại
Áo dài nhìn chung về kiểu dáng vẫn có mục đích tôn hình dáng cơ thể, nằm trong khối chữ nhật và giúp cải thiện chiều cao cho người Việt, kế thừa một số yếu tố về kiểu dáng, kết cấu trang phục.
Việc kế thừa đầu tiên phải kể đến là tà áo, tương tự như chiếc áo năm thân, hai tà vẫn được giữ nguyên, để cho gọn nhẹ, thân áo trong, tức là thân áo thứ ba, hay còn gọi là vạt hò, được cắt ngắn dần từ giai đoạn ấy, rồi cuối cùng bị loại bỏ trong thập niên 1960. Đến thập niên 1950 sườn áo dài bắt đầu được may có ôm eo, dù vẫn chưa sử dụng cách cắt theo công thức nhấn ben của người phương Tây. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau hơi rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít li ở eo. Vạt áo cắt hẹp hơn, Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống. Eo được may thắt lại, có người còn dùng dây cột quanh áo phía trong ở vòng hai mục đích eo đuợc nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang, dài gần đến mắt cá chân, làm người người mặc có dáng “thắt đáy lưng ong”.
Sự thay đổi áo dài lớn nhất có thể kể đến sự thay đổi về kĩ thuật cắt may được du nhập từ phương Tây. Áo dài hiện đại bên cạnh việc giản lược các phần vải thừa tôn dáng cơ thể, việc ứng dụng các công thức cắt may của phương Tây cũng góp phần hoàn chỉnh chiếc áo dài, giúp áo dài gần gũi với cuộc sống hằng ngày hơn. Khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20, xuất hiện áo dài với công thức tay raglan.
Raglan là tên của Lord Raglan, một vị tướng trong quân đội Pháp trong cuộc chiến Waterloo với chiếc tay lẽ ra phải phẫu thuật tháo khớp ông đã nhờ người may trang phục nối phần vai áo và tay áo bằng đường nối từ chân cổ xuống nách, nhờ thế mà việc mặc đồ, di chuyển trở nên dễ dàng hơn. Từ sau khi ông chết (1885) loại tay áo này được may phổ biến.
Công thức may những chiếc áo giao lĩnh thời xưa: Hai mảnh vải khâu lại làm nên thân áo, độ rộng kéo dài đến nửa cánh tay, hai mảnh vải nữa chắp vào làm nên hai nửa ống tay áo.
Vì công thức may này mà y phục phương Đông xưa có kiểu dáng khá giống nhau:
– Khi trải ra, ống tay áo và vai tạo thành 1 đường thẳng;
– Phần nách áo khá rộng dù ống tay áo có rộng hay hẹp;
– Thân áo khá rộng, càng xuống dưới thì càng rộng (do được ghép từ hai mảnh vải)
Ngược lại vì sự bứt phá trong công thức may mà áo dài tân thời có những điểm khác biệt dễ nhận thấy như sau:
– Khi trải ra, ống tay áo và thân áo tạo thành 1 đường gấp khúc chứ không thẳng như áo dài truyền thống;
– Nách áo hẹp, dẫn đến thân áo ôm sát người;
– Thân áo hẹp do chỉ được may từ 1 mảnh vải;
– Ống tay áo được nối vào thân áo theo kiểu Raglan như áo thể thao của phương Tây chứ không như cách thức truyền thống.
Với cách cắt cúp này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người mặc vì nó khá phù hợp với vóc dáng người Việt, vai tròn, hơi suông, cũng chính vì đặc điểm hình thể khác khác biệt nên tay raglan mặc vào tạo sự mềm mại nữ tính với bờ vai tròn. Bên cạnh sự thay đổi về các chi tiết kiểu dáng, kỹ thuật này, cho phép người mặc cử động một cách thoải mái khi phần vai và thân ôm trọn vào người, về mặt đường nét gợi nên hình ảnh của chiếc áo yếm đã không còn cần thiết trong trang phục hiện đại. Tay raglan thể hiện sự tiếp xúc với văn hóa phương tây của người Việt ở giai đoạn này thể hiện văn hóa tiếp nhận, ứng phó linh hoạt của người Việt.
Áo dài thế kỉ XX, tiếp bước các giá trị của truyền thống mặc dù có kiểu dáng rất rõ nét, được mặc rất phổ biến từ giữa thế kỉ 20 cho đến tận bây giờ nhưng vẫn được xem là trang phục có khuynh hướng hiện đại kế thừa truyền thống hơn là một trang phục truyền thống. Theo nhận định của tác giả Cung Dương Hằng thì áo dài cách tân là một bộ nữ phục Việt có tính điển hình cho trang phục người Việt cho đến thời điểm hiện tại.
Xu hướng thiết kế trang phục truyền thống
Thế kỷ XXI, nền văn hóa Á Đông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế danh tiếng trên thế giới. Từ bộ kimono của Nhật Bản cho đến những họa tiết gốm sứ Trung Hoa đều đã xuất hiện trong bộ sưu tập của hàng loạt thương hiệu như Zuhair Murad, Giorgio Armani, Vivienne Westwood, Proenza Schouler… với những thiết kế vô cùng tinh tế, quyến rũ. Bộ sưu tập Thu – Đông 2018 của nhãn hiệu Gucci đã đưa chúng ta đi xuyên qua nhiều vùng văn hóa. Có thể thấy khăn choàng babushka của Nga trùm kín tóc hay mũ đội đầu phỏng theo dáng dấp ngôi chùa cổ Trung Quốc, trang phục kẻ caro từ nước Anh, biểu tượng Yankee nước Mỹ thấp thoáng… cùng vô vàn các chi tiết nhỏ được lấy từ manga Nhật Bản hay hãng phim Paramount. Trong bộ sưu tập này, các đặc trưng của các dân tộc được kết hợp, hòa trộn với phong cách đường phố tạo nên sự tò mò, hào hứng cho người xem về hình ảnh đặc trưng của các dân tộc, quốc gia được xuất hiện. Đây có thể gọi là sự đổi mới, cách tân hay mang trang phục truyền thống vào bối cảnh hiện tại, chấp nhận nhìn trang phục bị thay đổi, kết hợp, tái chế nhưng mang lại kí ức về dân tộc đến với nhiều người hơn. Bên cạnh đó ta còn thấy xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật, những hình ảnh mang tính biểu tượng quốc gia trên nền trang phục mang hơi hướng truyền thống hoặc trang phục hiện đại. Điều này có thể thấy phong cách dân tộc trong thời đại mới trong thời trang, bên cạnh việc gợi lại hình ảnh trang phục, đặc thù trang phục thì những yếu tố liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của một dân tộc hay xa hơn là một quốc gia cũng được đề cập đến.
Xu hướng bảo tồn, phục hồi trên cơ sở điều chỉnh lại các yếu tố truyền thống, trang phục được xuất hiện nhiều dưới dạng trang phục trình diễn, trang phục dành cho các hoa hậu, người mẫu. Yếu tố truyền thống về màu sắc, cách mặc được thay thế để tạo sự ấn tượng, sang trọng hơn cho trang phục. Vì thế cho nên gần như các yếu tố đặc trưng về kiểu dáng, cấu trúc và tỷ lệ trang phục được giữ lại, sự thay đổi ở đây chủ yếu là các yếu tố về màu sắc và chất liệu hiện đại để trang phục được phù hợp hơn với thời điểm hiện tại.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng có thể được xem là thế hệ nhà thiết kế tiên phong đầu tiên tại Việt Nam, với nền tảng là trang phục truyền thống đã thêm thắt làm cho chiếc áo dài, áo tứ thân đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ lại hình khối, cấu trúc, kiểu dáng của trang phục truyền thống.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng có thể được xem là thế hệ nhà thiết kế tiên phong đầu tiên tại Việt Nam, với nền tảng là trang phục truyền thống đã thêm thắt làm cho chiếc áo dài, áo tứ thân đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ lại hình khối, cấu trúc, kiểu dáng của trang phục truyền thống. Các trang phục theo định hướng này được mọi người hưởng ứng, mặc vào các dịp đặc biệt, trong các lễ hội, hay tết cổ truyền, mỗi một năm, mỗi một dịp thì lại có những xu hướng cho áo dài. Xu hướng này là sự cộng hưởng của một số sản phẩm ca nhạc, điện ảnh của giới trẻ đồng thời về màu sắc hoặc chất liệu là xu hướng chung của thế giới.
Xu hướng cải tiến trang phục truyền thống bằng cách thêm, thay đổi các yếu tố đặc trưng để trang phục gần gũi, dễ ứng dụng với cuộc sống hằng ngày. Ở xu hướng này, hình ảnh áo tứ thân, áo năm thân được xuất hiện ở một kiểu cách mới, có thể là trên nền chất hiệu, hoa văn hiện đại hoặc mặc cùng với các trang phục khác. Các yếu tố đặc trưng của phong cách được thay đổi đôi chút, có khi làm làm cho cầu kì hơn hoặc làm cho đơn giản hơn tùy thuộc vào ý đồ của nhà thiết kế.
Trong tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, nhà thiết kế Công Trí đã đưa ra bộ sưu tập áo dài “Coco yêu dấu”, lấy cảm hứng từ Coco Chanel. Sự kết hợp giữa biểu tượng vải tuýt của Chanel và áo dài truyền thống tạo nên những thiết kế độc đáo. Bộ sưu tập thể hiện sự cầu kỳ trong xử lý chất liệu, mang đến bề mặt mới lấy cảm hứng từ tinh thần nữ quyền của Chanel. Áo dài Việt Nam với phom dáng đơn giản, nhưng vẫn giữ vững nét truyền thống, tôn lên sự nữ tính. Mẫu quần áo từ lụa tơ tằm cũng đem lại sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời gợi nhớ về vẻ đẹp của áo dài xưa thông qua cách cắt may và ứng dụng xu hướng thời trang thế giới.
BST “HOME” là câu chuyện về Việt Nam mà Peter Đỗ, nhà thiết kế người Mỹ gốc Việt muốn kể. Trong bối cảnh đại dịch và sự phân biệt chủng tộc, những hình ảnh về quê hương trở nên ý nghĩa hơn và là nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập này. Tham khảo từ những bức ảnh gia đình cũ, Peter Do tái hiện không gian thời trang của những năm 70, với tinh thần Châu Á rõ ràng. Trong không gian trình diễn tối giản, hình ảnh chiếc áo dài được nhà thiết kế chuyển tải rất nhẹ nhàng, tinh tế thông qua việc giữ nguyên hình cấu trúc áo, quần quen thuộc và hình khối tôn dáng đã có từ bao đời của trang phục truyền thống người Việt.
Mùa xuân năm 2024, nhà thiết kế Quý Cao với chiếc áo dài cho Cao Stu, đã đưa ra bức tranh mới và sáng tạo trong thế giới thời trang áo dài tết. Với sự kết hợp táo bạo giữa cấu trúc truyền thống của áo dài và đường nét hiện đại của áo bomber – là biểu tượng của streetstyle, được tích hợp một cách tinh tế, tạo nên sự độc đáo và phá cách. Bộ sưu tập của không chỉ đưa áo dài vào không gian đương đại mà còn mang đến một hơi thở mới, trẻ trung và phóng khoáng. Phong cách thiết kế của Cao Stu đặc trưng bởi sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Áo dài được tái tạo với cấu trúc mới, kết hợp với đường may chắc chắn, tạo nên hình ảnh mạnh mẽ, các chi tiết nhấn mạnh vào tính công năng của sản phẩm, có thể tháo ráp thành nhiều kiểu dáng với mục đích mặc khác nhau.
Xu hướng sử dụng các đặc trưng của phong cách trang phục truyền thống để thiết kế một trang phục mới.
Tại xu hướng này, trang phục truyền thống là nguồn cảm hứng của các nhà thiết kế, là góc nhìn của mỗi thế hệ với trang phục truyền thống. Áo dài tại thời điểm thập niên 30 của thế kỉ XX cũng là một tác phẩm như vậy và đã trở thành truyền thống cho đến hiện tại. Các nhà thiết kế đã đưa trang phục truyền thống vào những “Vũ Trụ” khác nhau, kết hợp với các phong cách trang phục, nền văn hoá khác nhau. Đây là cách để kính trọng và kế thừa giá trị văn hóa, mà còn là sự sáng tạo trong việc tái hiện những đặc tính đặc sắc của trang phục truyền thống. Những chi tiết như họa tiết truyền thống, cách cắt may độc đáo, hoặc nguyên liệu truyền thống thường được tích hợp vào thiết kế, tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo, làm nổi bật cái đẹp lâu bền của trang phục truyền thống.
Các nhà thiết kế đã đưa trang phục truyền thống vào những “Vũ Trụ” khác nhau, kết hợp với các phong cách trang phục, nền văn hoá khác nhau. Đây là cách để kính trọng và kế thừa giá trị văn hóa, mà còn là sự sáng tạo trong việc tái hiện những đặc tính đặc sắc của trang phục truyền thống.
Việc lấy cảm hứng từ truyền thống trong thiết kế thời trang không chỉ là việc làm của các nhà thiết kế giàu kinh nghiệm mà còn của những tân binh trẻ tuổi. Họ hiểu rằng di sản văn hóa là một nguồn tài nguyên vô tận để thổi hồn vào những thiết kế của mình. Những nhà thiết kế trẻ này không chỉ đem lại sự mới mẻ và sáng tạo mà còn góp phần vào việc duy trì và phát triển giá trị truyền thống trong ngành thời trang. Qua đó, họ là những người mang lại sự phong phú và đa dạng cho làng thời trang, giữ vững vị thế của trang phục truyền thống trong thế giới ngày nay.
Bộ sưu tập Ả Đào Thị của Nguyễn Tạ Đức Phú đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi NTK đã sử dụng hộ tranh Hàng Trống để tạo nên hoa văn, hoạ tiết đồng thời sử dụng phương pháp tái cấu trúc trang phục để thiết kế thành những trang phục mới thể hiện cảm hứng từ các trang phục truyền thống Việt Nam
Việc lấy cảm hứng từ truyền thống trong thiết kế thời trang không chỉ là việc làm của các nhà thiết kế giàu kinh nghiệm mà còn của những tân binh trẻ tuổi. Họ hiểu rằng di sản văn hóa là một nguồn tài nguyên vô tận để thổi hồn vào những thiết kế của mình. Những nhà thiết kế trẻ này không chỉ đem lại sự mới mẻ và sáng tạo mà còn góp phần vào việc duy trì và phát triển giá trị truyền thống trong ngành thời trang. Qua đó, họ là những người mang lại sự phong phú và đa dạng cho làng thời trang, giữ vững vị thế của trang phục truyền thống trong thế giới ngày nay.
Với xu hướng này, có thể không còn giữ lại hình ảnh trang phục nhưng giá trị về mặt phong cách của trang phục được thể hiện trên lối mặc, quan điểm mặc, màu sắc, chất liệu đặc thù của dân tộc. Trên thế giới không quá nhiều nhà thiết kế làm được điều này, nhưng đây là đỉnh cao của phong cách dân tộc. Với người Việt, ở nhóm này để đạt được hiệu quả về phong cách cần lưu ý hai nguyên tắc:
- Thể hiện đặc thù của dân tộc, đặc thù có thể là dấu ấn của điều kiện tự nhiên, quan niệm thẩm mỹ, lich sử dân tộc…
- Phân biệt với trang phục của các nước lân cận hoặc trong khu vực.
Với trang phục người Việt, phong các mặc là: đơn giản, kín đáo, nhiều lớp với những đặc thù như sau:
Hình khối, tỉ lệ: Hình khối là điểm mấu chốt của phong cách trang phục truyền thống người Việt, với phom khối trong khuôn khổ hình chữ nhật đã được chứng minh là gần như không có bất cứ sự thay đổi lớn nào trong quá trình phát triển trang phục truyền thống của người Việt. Hình khối giúp người Việt khác biệt, mọi tỷ lệ về quần áo đều nằm trong khuôn khổ hình chữ nhật các cách biểu hiện rõ nhất phong cách trang phục truyền thống.
Màu sắc: với đặc ưu điểm chính xác đặt trong một bối cảnh cụ thể đôi khi đã truyền tải được thông điệp của ý tưởng. Có thể lấy ví dụ các cảm hứng thiết kế từ động vật, hoa lá, các tác phẩm hội hoạ, đôi khi không cần bất cứ sự xuất hiện về đường nét, tạo hình ý thưởng ta cũng nhận ra được nhờ vào màu sắc. Có thể kể đến màu hồng của chim hồng hạc, màu và hoạ tiết đốm của báo da beo, màu sắc của pop art, màu xanh trong tranh của Picasso… Vì vậy trong những trường hợp đặc biệt, khi những hình khối, đường nét của trang phục đường truyền thống không được xuất hiện trong các thiết kế, để gợi nên không khí của dân tộc Việt thì màu sắc cần xuất hiện theo đúng tỷ lệ, hòa sắc như đã nghiên cứu: Những màu rực rỡ nhấn nhá trên nền màu trầm, tối.
Chất liệu: Người Việt xưa dùng chất liệu phù hợp với khí hậu để tạo hình trang phục theo quan điểm thẩm mỹ của dân tộc, là cảm giác suông mượt, có độ óng ánh của chất liệu từ sợi tơ tằm, là đặc trưng về chất liệu cho người Việt. Cho nên việc thay đổi mạnh mẽ về chất liệu sẽ làm mất đinh tính truyền thống nên trong trườn hợp này các đặc điểm về tỉ lệ, hình khối, cấu trúc nên được giữ lại.
Lời kết
Năm 2023, cộng đồng yêu thời trang Việt Nam bất ngờ và không ngừng tán thưởng việc Peter Do đưa tiếng Việt vào sàn diễn thời trang thế giới, điều này đã góp phần làm phong phú và đa dạng hóa không gian thời trang quốc tế, từ đó tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, điều này cũng là một lời kêu gọi cho sự đa dạng và sự kết nối giữa các nền văn hóa trên toàn thế giới, từng bước xóa tan ranh giới và tạo nên một thế giới thời trang phong phú và đa màu sắc.
Tôn trọng giá trị truyền thống xuất phát từ việc giữ gìn vẻ đẹp và tinh thần của áo dài gốc, đồng thời thể hiện sự tự tin trong việc chấp nhận những tư tưởng mới lạ. Sự hòa quyện giữa nét truyền thống và ý niệm đương đại trong áo dài không chỉ là một biểu hiện của sự phát triển văn hóa mà còn là nguồn động viên cho những tâm hồn sáng tạo. Những tư tưởng mới lạ của trang phục truyền thống đã mở ra không gian cho sự đa dạng và phong cách cá nhân, thách thức định kiến và làm cho áo dài trở thành một nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ người yêu thời trang.
Chúng ta hiện đang chứng kiến tiếp biến mạnh mẽ của áo dài, trang phục truyền thống, không chỉ là một bản ghi chép của quá khứ, mà là một sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại. Sự tôn trọng giá trị cũng như tâm hồn cởi mở những ý tưởng mới, áo dài không ngừng khẳng định vị thế đặc biệt của nó trong thế giới thời trang đương đại.
TP Hồ Chí Minh, Xuân 2024
Thực hiện: Coli
Ảnh bìa: Cao Stu
Đọc thêm: Nhận diện bản sắc Việt Nam trong thời trang?
*Bài viết được độc quyền từ Chuyên trang Style-Republik. Bản quyền thuộc về tác giả bài viết. Vui lòng không đăng tải lại ở các trang khác.
Nếu muốn chia sẻ bài viết với mục đích phi thương mại vui lòng liên hệ Style-Republik. Thông tin đóng góp hay cộng tác viết bài vui lòng liên hệ qua email info@style-republik.com.