Kỷ nguyên vàng của livestream “chốt đơn” có còn đang tiếp diễn?
Ngày đăng: 04/04/24
Cơn sốt nhà nhà livestream, người người livestream bán hàng thời trang dường như đã qua, để có thể tiếp tục phát triển những nhà kinh doanh thời trang cần có tầm nhìn xa hơn và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với định hướng lâu dài.
Hiện tại, livestream vẫn là một hình thức bán hàng thời trang hiệu quả, nhưng có thể sẽ không còn rực rỡ vào năm 2024. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cùng với nhiều trải nghiệm mua sắm khác đang phát triển. Do đó, để duy trì hiệu quả trong kinh doanh thời trang, các doanh nghiệp cần tích hợp nhiều phương tiện quảng cáo và bán hàng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thời cứ livestream là “chốt đơn”…
Trong thời đại số hóa hiện nay, việc sử dụng livestream để quảng cáo và bán hàng thời trang đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Một trong những lý do chính khiến livestream trở thành hình thức bán hàng thời trang hiệu quả nhất hiện nay là khả năng tương tác trực tiếp và gần gũi với khách hàng. Thông qua việc livestream, người bán hàng có thể trao đổi trực tiếp, trả lời câu hỏi và chia sẻ thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng và linh hoạt. Điều này giúp tạo ra một sự kết nối tốt hơn giữa người bán hàng và người mua, từ đó tăng cơ hội tạo ra doanh số. Ngoài ra, livestream cũng cho phép người bán hàng giới thiệu sản phẩm một cách trực quan và sinh động hơn so với hình ảnh tĩnh. Khả năng trình bày sản phẩm và chất lượng giao diện trực tiếp trên màn hình cũng giúp người tiêu dùng có cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về sản phẩm họ quan tâm.
Vào “thời kỳ hoàng kim” của livestream, nhiều lớp đào tạo livestream nở rộ đào tạo kỹ năng phát sóng bán hàng. Một cửa hàng thời trang tại Hà Nội từng dành 50% ngân sách phòng kinh doanh để sáng tạo video và livestream bán hàng. Từ đó thu nhập của nhân viên chuyên quay video clip, livestream khá cao, dao động từ 15 đến 50 triệu đồng/tháng tùy theo doanh thu đạt được. Có thời, với kênh TikTok hơn 100.000 follow có thể bán được gần 1.500 bộ quần áo với lợi nhuận hơn 250 triệu đồng, trừ đi chi phí ekip thực hiện cửa hàng vẫn còn lợi nhuận khá cao.
Tuy nhiên, giờ đây khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng thu phí quảng cáo cao, lượt xem livestream thấp và thậm chí đơn hàng chốt được cũng giảm khi KOL, KOC phát sóng khiến cho nhiều local brand phải suy nghĩ lại về hình thức marketing hiện nay.
Để thu hút người xem ở các phiên livestream, các nhà kinh doanh cần đầu tư chi phí cho KOC, hình ảnh không gian, ekip thực hiện… bên cạnh đó cần có các chương trình khuyến mãi trong phiên phát sóng để kích thích sức mua dẫn đến chi phí vận hành lớn. Và khi người tiêu dùng đã quen với giảm giá, họ trông chờ việc giảm giá thường xuyên hay khuyến mãi sâu rồi mới mua khiến cho bản sắc thương hiệu khó duy trì được. Một chủ thương hiệu thời trang nội địa giấu tên chia sẻ: “Đơn hàng chốt được tuy nhiên chủ shop còn phải trừ ra đơn hàng ship đi bị hoàn về do người mua đặt trong lúc bốc đồng rồi… không còn thích nữa.” Ngoài livestram bán hàng ra, còn có thể làm gì để gia tăng doanh số bán hàng hiện nay là điều những người làm kinh doanh thời trang quan tâm.
Ngoài livestream, thương hiệu còn phát triển như thế nào?
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, việc xây dựng và phát triển chiến lược marketing cho thương hiệu thời trang là rất quan trọng để giữ vững và phát triển doanh nghiệp. Thương hiệu cần phải có một thông điệp rõ ràng và độc đáo để thu hút sự chú ý của khách hàng. Việc này giúp tạo ra dấu ấn thương hiệu mạnh mẽ và nhận diện được trên thị trường.
Ngoài livestream, thương hiệu cũng cần kết hợp sử dụng các kênh truyền thông khác như mạng xã hội, quảng cáo truyền thống, email marketing, PR để tiếp cận đến đông đảo khách hàng tiềm năng. Nhìn chung, show diễn thời trang vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp thương hiệu và gây ấn tượng mạnh mẽ cho khách hàng. Các show diễn thời trang thường mang đến trải nghiệm thú vị, sáng tạo và nghệ thuật thông qua từng bước đi uyển chuyển của người mẫu mà thông điệp được “cất lên”, hay thông qua sân khấu được dàn dựng có chủ đích. Những trải nghiệm thời trang trong show diễn trực tiếp mang lại cho khán giả không thể thay thế bằng livestream.
Các show diễn thời trang thường mang đến trải nghiệm thú vị, sáng tạo và nghệ thuật thông qua từng bước đi uyển chuyển của người mẫu mà thông điệp được “cất lên”, hay thông qua sân khấu được dàn dựng có chủ đích. Những trải nghiệm thời trang trong show diễn trực tiếp mang lại cho khán giả không thể thay thế bằng livestream.
Các thương hiệu thời trang nước ngoài, từ các nhà mốt hàng đầu đến các thương hiệu độc lập mới nổi thường thông qua show diễn tự tổ chức hoặc tham gia các tuần lễ thời trang để thương hiệu được tiếp cận đại chúng.
Đặc biệt, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Diesel – Glenn Martens đã lựa chọn thử nghiệm format mới và “dân chủ” cho show diễn Diesel FW24 sẽ diễn ra vào Tuần lễ thời trang Milan 2024. Thương hiệu này mới đây đã thông báo sẽ mở bán 1000 vé tham dự online show diễn ra mắt bộ sưu tập Diesel FW24 vào thứ Tư, ngày 21 tháng 2 năm 2024. 1000 khán giả này sẽ không chỉ có thể xem mà còn có thể tham gia tương tác vào chương trình bất kể họ ở đâu trên thế giới. Show diễn được Glenn Martens hình dung như một trải nghiệm mang tính tương tác độc đáo và mãn nhãn.
Tại Việt Nam, các thương hiệu thời trang nội địa có thể tổ chức các show diễn thời trang để ra mắt các bộ sưu tập mới đến giới mộ điệu. Trong vài năm trở lại đây, Celebrating Local Pride đã tạo nên sân chơi cho các thương hiệu thời trang bằng cách quy tụ nhiều thương hiệu thời trang nội địa tạo nên những màn trình diễn trang phục ấn tượng. Bên cạnh việc mở rộng nhận diện thương hiệu, các thương hiệu thời trang tham gia được gắn kết hơn với khách hàng thân thiết và hiểu được nhu cầu của thị trường để từ đó phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
Với tiêu chí “thời trang là kinh doanh”, sự kiện Celebrating Local Pride của Style-Republik tổ chức không chỉ nhắm đến truyền thông, quảng bá mà còn đặt mục tiêu lớn vào “See Now, Buy Now”, nhằm giúp các thương hiệu nội địa mở rộng tệp khách hàng, thúc đẩy bán hàng trước và sau sự kiện để giúp thương hiệu mang về hiệu quả doanh thu mong muốn. Tại sự kiện SR Celebrating Local Pride Fall/Winter 2023 khán giả đã vô cùng thích thú khi được trải nghiệm việc mua sắm trực tiếp sản phẩm đang trình diễn thông qua ứng dụng mua sắm BIDU.
Nhìn chung, livestream vẫn sẽ phát triển trong thời gian tới trong lĩnh vực bán hàng thời trang, tuy nhiên những nhà kinh doanh cần kết hợp nhiều hình thức marketing với nhau tuỳ vào nhóm đối tượng mục tiêu hướng đến trong một chiến lược kinh doanh có tầm nhìn xa, điều này nhằm tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo và giúp thương hiệu phát triển dài lâu.
Thực hiện: K.